Đại lễ mít tinh kỷ niệm 30 năm thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam và đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh lần thứ hai
Sáng 7-11, tại Hà Nội, Đại lễ mít tinh kỷ niệm 30 năm thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã được Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam tổ chức.
Tham dự Đại lễ có các đồng chí: Phạm Quang Nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội; Nguyễn Thị Doan, Phó Chủ tịch nước; Nguyễn Thiện Nhân, Phó Thủ tướng Chính phủ; các đồng chí nguyên là lãnh đạo Đảng, Nhà nước; đại diện Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các bộ, ban, ngành Trung ương; đại diện các tôn giáo bạn; nhiều đoàn ngoại giao quốc tế cùng đông đảo chức sắc tôn giáo, tăng ni, Phật tử.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang gửi lẵng hoa chúc mừng.
Sau phần nghi lễ tôn giáo và các nghi thức hành lễ, các đại biểu, tăng ni, Phật tử đã dành phút tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, Anh hùng, liệt sĩ, Lịch đại Tổ sư Phật giáo Việt Nam đã viên tịch qua các thời kỳ.
Thông điệp của Đức Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam do Hòa thượng Thích Chơn Thiện - Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự trình bày đã nhấn mạnh: ngày 7-11-1981, Hội nghị hợp nhất các tổ chức, hệ phái Phật giáo trong cả nước thành tựu viên mãn, quyết nghị thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam là sự kiện quan trọng đối với Phật giáo nước nhà, là kết quả của quá trình chuẩn bị công phu, là sự kết tinh trí tuệ và niềm khát vọng của chư Tăng ni, Phật tử thuộc các tổ chức, hệ phái Phật giáo trong cả nước. Giáo hội Phật giáo Việt Nam ra đời là chủ thể duy nhất có sứ mệnh truyền trì đạo mạch nối tiếp lịch sử truyền thống 2.000 năm Phật giáo Việt Nam đồng hành với dân tộc và mãi mãi là thành viên tích cực trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc và hộ quốc an dân.
30 năm xây dựng và trưởng thành, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã lãnh đạo tăng ni, Phật tử Việt Nam ở trong nước và nước ngoài làm nên nhiều thành tựu Phật sự quan trọng trên tất cả các lĩnh vực vì đạo, vì đời, làm cho Đạo pháp xương minh, Giáo hội trang nghiêm và phát triển bền vững trong cộng đồng dân tộc. Những thành tựu Phật sự đạt được khẳng định tính tất yếu khách quan của Hội nghị hợp nhất các tổ chức, hệ phái Phật giáo cả nước, cũng như phương châm hoạt động của Giáo hội “Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội” là đúng đắn và đang được phát huy sâu rộng trong các chương trình hoạt động Phật sự chung của Giáo hội.
Thông điệp kêu gọi các cấp Giáo hội và tăng ni, Phật tử trong và ngoài nước đồng hành với dân tộc và những thành tựu Phật sự mà Giáo hội đã đạt được để tinh tiến, nỗ lực phấn đấu hoàn thành mọi Phật sự và quyết tâm khắc phục những hạn chế, tồn tại để xây dựng và phát triển Giáo hội, đáp ứng với yêu cầu chung của xã hội.
Trong bài diễn văn khai mạc Đại lễ, Hòa thượng Thích Thiện Nhơn - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội cho rằng: văn hóa dân tộc có sự đóng góp lớn lao của Phật giáo về văn học, triết học, giáo dục, mỹ học, kiến trúc, nghệ thuật… Các nhà sư từng tham gia việc nước, chùa chiền từng là cơ sở giáo dục, từ thiện, là nơi an ủi, vỗ về, hướng dẫn đời sống tâm linh cho mọi người. Do đó, có thể nói Phật giáo luôn ở trong lòng dân tộc, gần gũi, thân thiết với dân tộc.
Theo Thượng tọa Thích Gia Quang - Phó Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự: Giáo hội, hiện có 14.778 cơ sở tự viện, tịnh xá, tịnh thất, niệm Phật đường, gần 46.500 tăng ni; 4 học viện Phật giáo, 30 trường trung cấp Phật học. Hệ thống tổ chức của Giáo hội được thành lập từ Trung ương đến địa phương trong cả nước. Quan hệ đối ngoại của Giáo hội ngày càng được mở rộng. Từ thiện xã hội là một trong những hoạt động nổi bật nhất của toàn Giáo hội. Hiện, 65 Tuệ Tĩnh đường, 655 phòng chẩn trị Y học Dân tộc, 1 phòng khám Đa khoa trực thuộc Giáo hội đang hoạt động hiệu quả, khám và phát thuốc miễn phí cho hàng chục ngàn lượt bệnh nhân, chi phí mỗi năm trên 5 tỉ đồng. Công tác từ thiện xã hội trong toàn Giáo hội 30 năm qua ước lên tới 2.020 tỉ đồng.
Thay mặt Đảng, Nhà nước, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân gửi tới các chức sắc tôn giáo, tăng ni, Phật tử lời chúc sức khỏe và an lạc. Phó Thủ tướng khẳng định, gần 2.000 năm có mặt ở Việt Nam, Phật giáo gắn liền với vận mệnh của đất nước và luôn đồng hành cùng dân tộc. Thời nào Phật giáo cũng tỏ rõ đức từ bi hỷ xả, lấy chân - thiện - mỹ để giáo hóa chúng sinh, lấy trí tuệ làm sự nghiệp và phương châm hành đạo. Triết lý tốt đẹp của Phật giáo đã góp phần tạo nên những giá trị truyền thống tốt đẹp của con người Việt Nam. Lịch sử Việt Nam đã ghi nhận, thời nào Phật giáo cũng có những bậc đại sư đứng ra giúp đời hộ quốc, an dân. Những việc làm tốt đẹp cùng những công lao đóng góp của Phật giáo cho dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đã được lịch sử ghi nhận và khẳng định Phật giáo Việt Nam là tôn giáo yêu nước, đồng hành cùng dân tộc. Trong chiều dài lịch sử của Việt Nam, danh xưng của Phật giáo có khác nhau nhưng sự nghiệp chủ yếu của Phật giáo Việt Nam vẫn là hoằng dương chính pháp, lợi lạc quần sinh.
Với truyền thống yêu nước, gắn bó đồng hành cùng dân tộc, Phật giáo không chỉ làm cho tăng ni, Phật tử trong nước mà còn cả ở nước ngoài hiểu rõ hơn về đường lối và chính sách của Đảng và Nhà nước trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, tạo nên dư luận tốt đẹp, vận động nhiều phong trào ủng hộ công cuộc xây dựng đổi mới nước nhà. Với những đóng góp đó, Giáo hội đã từng bước khẳng định vị thế của mình trong nước cũng như trường quốc tế, quy tụ đông đảo tăng ni, Phật tử Việt Nam. Nhiều người Việt Nam có tình cảm với Phật giáo đang sinh sống ở nước ngoài tin tưởng hướng về Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
30 năm qua, Giáo hội đã viết tiếp vào trang sử vàng của Phật giáo Việt Nam, tiếp tục khẳng định vị trí của Giáo hội trong lòng dân tộc. Với tinh thần từ bi, yêu tự do, yêu hòa bình, Giáo hội đang đi đầu trong khối đoàn kết dân tộc, đoàn kết tôn giáo, xây dựng đời sống mới vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh. Phó Thủ tướng tin tưởng Giáo hội tiếp tục củng cố phát huy nội lực, khắc phục khó khăn, xây dựng Giáo hội vững mạnh về mọi mặt. Thành quả đạt được của Giáo hội là sự kết tinh chắt lọc những nỗ lực tâm huyết của hơn 2.000 năm Phật giáo truyền vào Việt Nam. Nhân quả ấy là cơ duyên, vận hội mới cho Phật giáo Việt Nam trên con đường hoằng dương Phật pháp, góp phần xây dựng đời sống hòa bình, an lạc cho dân tộc Việt Nam và thế giới, để trong hạnh phúc chung của nhân loại có hạnh phúc riêng của mỗi người.
Tại Đại lễ, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đã trang trọng trao tặng Giáo hội Phật giáo Việt Nam Huân chương Hồ Chí Minh lần thứ hai do đã có công lao to lớn, có nhiều thành tích xuất sắc góp phần vào sự nghiệp cách mạng của Đảng và của dân tộc. Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã trao tặng Giáo hội bức trướng mang dòng chữ “Giáo hội Phật giáo Việt Nam đoàn kết, đồng hành cùng dân tộc”. Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã trao Huân chương Độc lập hạng Nhất, Nhì, Ba cho các hòa thượng, ni trưởng, cư sĩ đã có thành tích xuất sắc góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nhân dịp này, Chủ tịch nước cũng quyết định tặng thưởng Huân chương đại đoàn kết dân tộc cho các hòa thượng, thượng tọa, ni trưởng, ni sư, cư sĩ đã có thành tích xuất sắc trong xây dựng khối đoàn kết dân tộc; Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen cho các tập thể trực thuộc Giáo hội./.
Sức sống vĩ đại của Cách mạng tháng Mười  (07/11/2011)
Đại Công tước Luxembourg thăm chính thức Việt Nam  (07/11/2011)
Thủ tướng Cộng hòa Estonia thăm chính thức Việt Nam  (07/11/2011)
Ấn tượng Quảng trường Đỏ  (06/11/2011)
Báo cáo phát triển con người 2011 của Liên hợp quốc  (06/11/2011)
- Bảo tồn các di sản văn hóa vật thể trước thách thức của biến đổi khí hậu ở thành phố Cần Thơ hiện nay
- Tự chủ chiến lược dưới tác động của các vấn đề an ninh phi truyền thống tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
- Xây dựng nền văn hóa Việt Nam ngày càng bền vững, tiến bộ, bản sắc, tương xứng với trình độ phát triển kinh tế - xã hội hiện nay theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Từ Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị trong tình hình mới
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay