TCCSĐT - Sáng 4-11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về Dự án Luật Quảng cáo và Dự án Luật Giáo dục đại học.
Về dự thảo Luật Giáo dục đại học: nội dung thảo luận khá sôi nổi tại nhiều tổ là cần chú trọng đến quản lý chất lượng hoạt động của các trường đại học, quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của cơ sở giáo dục đại học, cơ chế, chính sách đối với các cơ sở giáo dục đại học tư thục phi lợi nhuận và vì lợi nhuận hợp lý… Theo các đại biểu, mặc dù, trong dự thảo Luật có nêu vấn đề giao cho các trường quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm, nhưng lại vẫn quy định một số việc như xét mở mã ngành học vẫn do Bộ Giáo dục và Đào tạo, điều đó cho thấy việc giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các trường vẫn chưa thực sự tạo ra những điều kiện cần thiết để cơ chế này phát huy hiệu quả. Nhiều đại biểu cho rằng, nếu giao quyền tự chủ tài chính cho các trường sẽ thúc đẩy các trường nâng cao chất lượng đào tạo và buộc các trường có trách nhiệm đối với những hoạt động giáo dục của mình. Tuy nhiên, cũng có đại biểu cho rằng: “Không thể giao hết quyền tự chủ cho các trường đại học, bởi vì như thế khác nào không có sự quản lý của Nhà nước. Việc giao quyền tự chủ cho các trường phải dựa trên năng lực đào tạo, đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất... Trường nào bảo đảm chất lượng đào tạo thì được giao quyền tự chủ nhiều hơn và ngược lại. Có như vậy, các trường mới tự cạnh tranh để tồn tại và phát triển”.

Một số đại biểu có ý kiến nên có một chương riêng dành cho đào tạo sau đại học. Thậm chí, có đại biểu kiến nghị nên có thêm quy định các trường phải báo cáo về số lượng sinh viên tốt nghiệp ra trường có việc làm hằng năm là bao nhiêu, đồng thời tăng cường kiểm tra đào tạo tại chức, các chương trình giáo dục theo mô hình nước ngoài…

Về dự án Luật Quảng cáo, nhiều đại biểu nêu thực trạng các loại hình quảng cáo đang làm mất mỹ quan thành phố, nhất là những băng-rôn quảng cáo được chăng, treo đầy đường phố, cái mới chồng lên cái cũ…, ngoài ra, còn rất nhiều các vi phạm khác về quảng cáo trong khi chế tài xử phạt lại chưa phát huy được hiệu quả. Đại biểu nhấn mạnh: cần phải có cả hình thức xử phạt tổ chức chứ không chỉ xử phạt cá nhân. Tuy nhiên, các đại biểu cũng nhất trí không nên bỏ giấy phép để tránh tình trạng không kiểm tra, kiểm soát được.

Ngoài ra, hiện vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau về việc giao trách nhiệm quản lý nhà nước cho Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hay Bộ Thông tin và Truyền thông?

Buổi chiều, các đại biểu nghe các thành viên Chính phủ, đại diện các ủy ban của Quốc hội đọc tờ trình và báo cáo thẩm tra một số dự án luật.

Về dự án Bộ Luật Lao động (sửa đổi) do Bộ trưởng Bộ Lao động, thương binh và xã hội Phạm Thị Hải Chuyền, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Bộ Luật Lao động (sửa đổi); Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề của xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai trình bày Báo cáo thẩm tra, Ủy ban về các vấn đề của xã hội của Quốc hội nhất trí về sự cần thiết phải sửa đổi Bộ Luật Lao động như Tờ trình của Chính phủ nhằm tiếp tục thể chế hóa các quan điểm của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI về lao động, việc làm, quan hệ lao động và thị trường lao động. So với Bộ Luật Lao động hiện hành, dự án Bộ Luật Lao động (sửa đổi) giữ nguyên 17 chương và nâng tổng số điều lên 273 điều, trong đó bổ sung mới 64 điều, sửa đổi 157 điều, giữ nguyên 52 điều.

Nội dung chủ yếu được tập trung là: tiếp tục hoàn thiện một số quy định về hợp đồng lao động và những vấn đề liên quan đến hợp đồng lao động; tiền lương và tiền lương tối thiểu; an toàn lao động và vệ sinh lao động; lao động là người nước ngoài làm việc tại Việt Nam; một số chính sách đối với lao động nữ; thương lượng tập thể; trách nhiệm của công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở và bảo vệ cán bộ công đoàn…; bổ sung một số quy định mới về thỏa ước lao động tập thể ngành, mức lương tối thiểu ngành, không cho phép đình công về quyền, tạm thời đóng cửa doanh nghiệp, tăng thời giờ làm thêm, tăng thời gian nghỉ thai sản, quyền nghỉ hưu, cho thuê lại lao động, lao động giúp việc gia đình, lao động không trọn thời gian… Tuy nhiên, theo đánh giá chung, những nội dung sửa đổi chỉ mới đáp ứng một phần yêu cầu đặt ra đối với việc thể chế hóa quan điểm của Đảng cũng như thực tiễn cuộc sống. Do đó, Ủy ban cho rằng việc sửa đổi Bộ Luật Lao động cần phải tiếp tục quan tâm những vấn đề sau: tiếp tục xây dựng các tiêu chuẩn lao động phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là các vấn đề về tiền lương và tiền lương tối thiểu; mở rộng đối tượng áp dụng hợp đồng lao động, bổ sung những quy định mới nhằm đáp ứng và bao quát được sự phát triển của thị trường lao động…

Dự án Luật phòng, chống rửa tiền do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Văn Bình, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình; Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu trình bày Báo cáo thẩm tra. Dự án Luật có 5 chương và 53 điều. Báo cáo thẩm tra dự án Luật Phòng, chống rửa tiền của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tán thành với sự cần thiết ban hành Luật Phòng, chống rửa tiền như Tờ trình của Chính phủ. Mặc dù, Nghị định 74/2005NĐ-CP đã đáp ứng được những yêu cầu trong công tác phòng chống, rửa tiền thời gian qua, song so với tình hình mới và yêu cầu hội nhập, các quy định tại Nghị định chưa đáp ứng đầy đủ các chuẩn mực quốc tế, khó khăn cho tổ chức cá nhân, tổ chức Việt Nam kinh doanh tại nước ngoài. Luật Phòng, chống rửa tiền cùng với Bộ Luật Hình sự, Luật Phòng chống tham nhũng được cho là sẽ tạo thành hệ thống pháp luật phòng, chống rửa tiền, phòng chống tham nhũng có hiệu quả, đồng thời phù hợp với các cam kết quốc tế của Việt Nam

Về dự án Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá do Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày; Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai trình bày Báo cáo thẩm tra, đây là dự án mà Chính phủ trình rất nhiều lần, nhưng đến lần này mới được đưa vào chương trình chính thức. Thực tế thời gian qua, hiệu lực pháp lý của các văn bản về phòng chống tác hại thuốc lá trong thời gian qua còn thấp, do mới nằm rải rác trong các văn bản do nhiều cơ quan có thẩm quyền ban hành trong phạm vi hẹp; chưa có tính thống nhất, đồng bộ và toàn diện. Do vậy, việc ra đời Luật là cần thiết, tạo cơ sở pháp lý cho việc thực thi các quy định mà thời gian qua chưa được thực hiện nghiêm. Ví như, Chỉ thị của Chính phủ về cấm hút thuốc lá ở một số nơi công cộng ban hành từ năm 2007, nhưng 5 năm qua chưa được thực hiện nghiêm./.