TCCSĐT - Ngày 3-11, theo chương trình, buổi sáng, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật Bảo hiểm tiền gửi; dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi). Buổi chiều, các đại biểu nghe Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật Quảng cáo; Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội Đào Trọng Thi trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Quảng cáo; Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật Giá; Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Giá; Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật Giám định tư pháp; Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Văn Hiện trình bày Báo cáo thẩm tra về dự án Luật Giám định tư pháp; Bộ trưởng Bộ nội vụ Nguyễn Thái Bình, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật Xử lý vi phạm hành chính.; Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Xử lý vi phạm hành chính.


Ngày 2-11, Dự thảo Luật Giáo dục Đại học gồm 12 chương, 67 điều được Bộ Giáo dục và Đào tạo trình ra Quốc hội. Dự thảo được xây dựng nhằm tạo cơ sở pháp lý cho việc đổi mới quản lý Nhà nước về giáo dục đại học và đổi mới quản lý của cơ sở giáo dục, nâng cao chất lượng giáo dục đại học, đồng thời đẩy mạnh phân cấp, giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với cơ sở giáo dục đại học, đẩy mạnh xã hội hóa, huy động nguồn đầu tư của xã hội đối với giáo dục đại học. Dự thảo Luật là đã cụ thể hóa được những nội dung quy định còn mang tính khái quát như quy định về cơ sở giáo dục đại học, chính sách nhà nước về phát triển giáo dục đại học, việc giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của cơ sở giáo dục đại học cũng như ưu tiên thành lập cơ sở giáo dục đại học tư thục có vốn đầu tư lớn...

Dự thảo Luật đã thể chế hóa chính sách xã hội hóa giáo dục đại học với việc bổ sung định nghĩa về cơ sở giáo dục đại học tư thục phi lợi nhuận; quy định về kiểm định chất lượng đào tạo, theo đó, các trường phải có trách nhiệm thành lập đơn vị chuyên trách về bảo đảm chất lượng giáo dục đại học.

Dự thảo Luật này sẽ được Quốc hội thảo luận vào ngày 14-11.


Trước đó, chiều 2-11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội nhiệm kỳ khóa XIII. Trên tinh thần nhất trí đánh giá trong một số lượng lớn văn bản luật, pháp lệnh, nghị quyết được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhiệm kỳ khóa XII (2007-2011) ban hành đã góp phần tạo lập được khung pháp luật để quản lý nhà nước, quản lý xã hội, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa, củng cố quốc phòng, an ninh, bảo đảm an sinh xã hội, các đại biểu cũng thẳng thắn cho rằng việc thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội chưa đạt được kết quả như Chương trình đề ra, một số luật, pháp lệnh chậm đi vào cuộc sống. Một trong những nguyên nhân chính được các đại biểu  nêu ra là việc lập Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh còn bị động, phải điều chỉnh nhiều lần; sự phối hợp giữa cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra và các cơ quan, tổ chức hữu quan thiếu chặt chẽ.

Nhiều đại biểu góp ý đối với những luật cần chỉnh sửa không nhiều thì Quốc hội nên quyết ngay trong một kỳ họp chứ không nên để hai kỳ.

Một số đại biểu đề nghị nên đưa vào Chương trình các Luật Đầu tư công, Luật Quản lý vốn kinh doanh nhà nước; Luật Bảo vệ quyền lợi người dân thuộc diện di dời giải tỏa, Luật Trưng cầu dân ý… để đáp ứng được yêu cầu thực tế cuộc sống./.