Những sự kiện quốc tế đáng chú ý trong tuần (từ ngày 19-9 đến ngày 25-9-2011)
1. Liên hợp quốc kêu gọi các quốc gia châu Á - Thái Bình dương chuyển đổi sang kinh tế xanh
|
Năng lượng sạch đang được các nước ưu tiên |
Ngày 19-9-2011, Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) đã kêu gọi các quốc gia khu vực châu Á - Thái Bình Dương thực hiện một cuộc cách mạng công nghiệp “xanh”, tận dụng những cải thiện trong hiệu quả sử dụng tài nguyên để phát triển thịnh vượng trong thế kỷ XXI. Báo cáo “Hiệu quả kinh tế của tài nguyên và triển vọng đối với châu Á - Thái Bình Dương” của UNEP cho rằng, khu vực châu Á - Thái Bình Dương đang phải trả một cái giá khá cao cho sự phát triển của mình, bao gồm ô nhiễm, khí thải gây hiệu ứng nhà kính, mất đi sự đa dạng sinh học; sự suy thoái của hệ sinh thái và nguồn tài nguyên bị cạn kiệt một cách nhanh chóng. UNEP cho biết, dù chỉ tạo ra gần 30% tổng sản phẩm nội địa (GDP) của thế giới, nhưng khu vực châu Á - Thái Bình Dương sử dụng đến 50% tổng lượng tài nguyên tiêu dùng của thế giới.
2. Chủ tịch Hội đồng Hòa bình Áp-ga-ni-xtan bị ám sát
Tối 20-9-2011, Chủ tịch Hội đồng Hòa bình của Áp-ga-ni-xtan Bu-ha-nút-đin Ráp-ba-ni (Burhanuddin Rabbani) đã thiệt mạng trong một vụ đánh bom khủng bố nhằm vào nhà riêng của ông ở thủ đô Ca-bun (Kabul). Vụ nổ cũng làm 4 người khác thiệt mạng, trong đó có ông Mát-xum Xta-níc-dai (Massum Stanikzai), người đứng đầu Ban Thư ký Hội đồng Hòa bình, và nhiều người bị thương. Một nguồn tin cảnh sát cho hay, kẻ tấn công liều chết đã cuốn thuốc nổ vào chiếc khăn xếp đội đầu khi đến gặp ông B.Ráp-ba-ni. Ông B.Ráp-ba-ni, nguyên là Tổng thống Áp-ga-ni-xtan, được Tổng thống đương nhiệm Ha-mít Ca-dai (Hamid Karzai) bổ nhiệm vào vị trí người đứng đầu Hội đồng Hòa bình hồi tháng 10-2010 có nhiệm vụ thực hiện các cuộc đối thoại với lực lượng phiến quân Ta-li-ban.
3. Hội nghị toàn thể lần thứ 55 của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế
Từ ngày 20 đến 23-9-2011, tại thủ đô Viên (Áo) đã diễn ra Hội nghị toàn thể lần thứ 55 của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA). Hội nghị tập trung thảo luận vấn đề an toàn và an ninh hạt nhân sau thảm họa tại nhà máy điện hạt nhân Phư-cư-sư-ma (Fukushima) của Nhật Bản. Hội nghị đã nhất trí với kế hoạch hành động 12 điểm, do Tổng Giám đốc tổ chức này Y-u-ki-a A-ma-nô (Yukiya Amano) soạn thảo, nhằm giúp tăng cường an toàn hạt nhân trên toàn cầu. Toàn bộ 151 nước thành viên IAEA cho rằng, việc thực hiện kế hoạch nói trên thông qua các biện pháp cụ thể và hiệu quả là cấp bách và quan trọng. Chương trình nhằm mục đích thúc đẩy việc kiểm soát an toàn tại 432 lò phản ứng hạt nhân trên thế giới, cải thiện tiêu chuẩn an toàn hạt nhân và các quyền giám sát hạt nhân độc lập. Tuy nhiên, kế hoạch hành động của ông Y. A-ma-nô không mang tính bắt buộc, vì an toàn hạt nhân hiện vẫn là vấn đề của các quốc gia. Nhiều tham luận tại Hội nghị cho rằng, phát triển năng lượng hạt nhân vẫn là một biện pháp hiệu quả nhằm đối phó với tình trạng thiếu nhiên liệu và nhằm đạt mục tiêu giảm khí thải đi-ô-xít các-bon (CO2) gây hiệu ứng nhà kính làm trái đất nóng lên. Đại diện tất cả các nước tham dự đều khẳng định, IAEA cần tăng cường giám sát và chỉ đạo các cơ sở hạt nhân và cải thiện an toàn hạt nhân thông qua các biện pháp kỹ thuật và kinh tế.
4. Diễn đàn thế giới về ảnh hưởng của sự thay đổi cơ cấu lực lượng lao động trong khu vực bán lẻ
Từ ngày 21 đến 22-9-2011, tại Giơ-ne-vơ (Geneva, Thụy Sĩ), Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) đã tổ chức Diễn đàn thế giới với chủ đề “Ảnh hưởng của sự thay đổi cơ cấu lực lượng lao động trong khu vực bán lẻ” với sự tham gia của đại diện chính phủ, giới chủ và giới lao động từ 25 quốc gia trên thế giới. Theo ILO, số người từ 30 tuổi trở xuống ngày càng ít hơn so với số người từ 50 tuổi trở lên, đặc biệt ở các nước phát triển, trong khi đó, sự cạnh tranh trên thị trường lao động tăng mạnh buộc khu vực bán lẻ phải thuê người cao tuổi. Tình trạng này khiến khu vực bán lẻ phải cải thiện chính sách việc làm, cũng như quá trình và môi trường làm việc để tăng khả năng thu hút và duy trì lao động từ 50 tuổi trở lên, đặc biệt ở khu vực bán hàng và dịch vụ. Đồng thời, cần phải duy trì những chính sách tốt hiện tại ở cả tổ chức tư và công như đào tạo, phát triển, nâng lương và các quy định việc làm linh hoạt. Tình trạng lão hóa dân số gây hậu quả nặng nề cho nền kinh tế, xã hội và thị trường lao động trên toàn thế giới. ILO cho biết, số người ở độ tuổi bằng và trên 60 sẽ lên đến 2 tỉ vào năm 2050, khiến nhiều quốc gia sẽ phải điều chỉnh các chính sách, kế hoạch về an sinh xã hội và chăm sóc người cao tuổi.
5. Hội nghị Cạnh tranh quốc tế lần thứ hai của nhóm BRICS
Ngày 21-9-2011, tại thủ đô Bắc Kinh (Trung Quốc) đã diễn ra Hội nghị Cạnh tranh quốc tế lần thứ hai của nhóm BRICS gồm Bra-xin, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi. Hội nghị, với chủ đề "Tăng cường cạnh tranh trong khuôn khổ toàn cầu hóa kinh tế", thu hút gần 300 đại biểu đến từ 55 tổ chức quốc tế cùng với 43 quốc gia và khu vực. Tại Hội nghị, các nước thành viên đã ký Thỏa thuận Bắc Kinh, khẳng định sẽ phối hợp thực hiện nhiệm vụ đối phó với cuộc khủng hoảng tài chính, thúc đẩy kinh tế đạt tốc độ tăng trưởng nhanh và bền vững trong giai đoạn dài hạn. Văn bản trên còn kêu gọi tất cả các quốc gia và khu vực tiến tới các thỏa thuận mới và thông qua các chính sách cạnh tranh hiệu quả, được BRICS coi "là điều sống còn cho việc bảo đảm cạnh tranh công bằng, bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng và thúc đẩy sự phát triển lành mạnh của một nền kinh tế thị trường". Thỏa thuận Bắc Kinh nhấn mạnh, BRICS đặc biệt chú trọng đến các diễn biến mới đây liên quan đến luật và các chính sách cạnh tranh toàn cầu, đồng thời bày tỏ sẵn sàng chia sẻ những ý kiến về vấn đề này. Thỏa thuận Bắc Kinh cũng nhấn mạnh vai trò của Hội nghị Cạnh tranh quốc tế BRICS, được tổ chức lần đầu vào năm 2009, là một diễn đàn quan trọng nhằm tăng cường thông tin và sự hợp tác giữa các nước thành viên BRICS với các thể chế quản lý lĩnh vực cạnh tranh
6. Khai mạc phiên thảo luận chung của kỳ họp lần thứ 66 Đại Hội đồng Liên hợp quốc
|
Khai mạc kỳ họp lần thứ 66 của Đại hội đồng Liên hợp quốc |
Ngày 21-9-2011, phiên thảo luận chung thường niên của kỳ họp lần thứ 66 Đại Hội đồng Liên hợp quốc đã chính thức khai mạc tại trụ sở Liên hợp quốc ở Niu Yoóc (Mỹ). Hơn 120 nguyên thủ quốc gia và người đứng đầu chính phủ tham dự cuộc thảo luận thường niên này, đánh dấu việc mở đầu mỗi khóa họp thường kỳ của Đại Hội đồng Liên hợp quốc. Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki Mun đã trình bày báo cáo trước diễn đàn, trong đó ông nhấn mạnh phát triển bền vững là quyết định "đầu tiên và quan trọng nhất" mà cộng đồng quốc tế cần phải đưa ra để định hình thế giới ngày mai. Thế giới đang trong giai đoạn khủng hoảng và các nhà lãnh đạo toàn cầu cần có hành động để cứu hành tinh. Bốn nhiệm vụ cấp bách nữa của thế giới cần làm là ngăn chặn vi phạm các quyền con người, xây dựng một thế giới an toàn và an ninh hơn, hỗ trợ các quốc gia trong quá trình chuyển đổi, hành động vì phụ nữ và thanh niên. Phiên thảo luận chung của kỳ họp Đại hội đồng Liên hợp quốc được coi là cơ hội để các nước thành viên Liên hợp quốc thảo luận một cách bình đẳng về các vấn đề quốc tế quan trọng, bày tỏ quan điểm và đưa ra những đề xuất của mình.
7. Cam-pu-chia và Thái Lan nhất trí rút quân theo phán quyết của ICJ
Ngày 23-9-2011, tại thủ đô Phnôm Pênh (Cam-pu-chia), Bộ trưởng Quốc phòng Cam-pu-chia Tia Banh (Tea Banh) và người đồng cấp Thái Lan Y-u-tha-xắc Xa-xi-pra-pha (Yuthasak Sasiprapha) đã nhất trí tuân thủ phán quyết của Tòa án Công lý quốc tế (ICJ) về việc rút quân khỏi khu vực biên giới tranh chấp quanh ngôi đền cổ Prết Vi-hia (Preah Vihear). Phát biểu trước báo giới sau cuộc hội đàm với Bộ trưởng Thái Lan Y-u-tha-xắc, Bộ trưởng Cam-pu-chia Tia Banh khẳng định, hai bên nhất trí rút quân theo phán quyết của ICJ và đồng ý tiếp nhận các quan sát viên người In-đô-nê-xi-a để giám sát việc thực hiện ngừng bắn. Bộ trưởng Tia Banh cũng cho biết, thời điểm rút quân cụ thể sẽ được thảo luận tại các cuộc họp của Ủy ban Biên giới chung của hai nước. Về phần mình, Bộ trưởng Y-u-tha-xắc xác nhận thông tin sẽ rút quân theo phán quyết của ICJ, đồng thời nhấn mạnh không còn tình trạng căng thẳng giữa binh sỹ hai nước ở thời điểm hiện tại. Ông Y-u-tha-xắc tuyên bố sẽ đề nghị Chính phủ Thái Lan cho phép Bộ Quốc phòng nước này tiến hành các cuộc gặp với phía Cam-pu-chia trong khuôn khổ Ủy ban Biên giới chung. Ông Y-u-tha-xắc đã đến Phnôm Pênh ngày 23-9 trong chuyến thăm chính thức đầu tiên tại Cam-pu-chia 2 ngày kể từ khi được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Quốc phòng Thái Lan. Chuyến thăm của ông Y-u-tha-xắc diễn ra gần một tuần sau chuyến thăm Cam-pu-chia của tân Thủ tướng Thái Lan Dinh-lúc Xin-vắt (Yingluck Shinawatra).
8. Đại hội đồng AIPA-32 thành công tốt đẹp
Từ ngày 18 đến 23-9-2011, tại thủ đô Phnôm Pênh (Phnom Penh) của Cam-pu-chia đã diễn ra Đại hội đồng Liên nghị viện Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á lần thứ 32 (gọi tắt là AIPA-32) với sự tham gia của lãnh đạo nghị viện các nước thành viên ASEAN cùng một số nước quan sát viên như Nga, Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Ca-na-đa, Ô-xtrây-li-a, Niu Di-lân, Pa-pua Niu Ghi-nê và Nghị viện châu Âu (EP). Tại Hội nghị, các đại biểu đã ra thông qua một loạt nghị quyết tăng cường hợp tác khu vực, thúc đẩy hòa bình, ổn định, hòa hợp, tăng trưởng kinh tế và giảm đói nghèo. Trong thông cáo chung, Đại hội đồng nhất trí rằng, cần nâng cao sức mạnh của cộng đồng an ninh - chính trị trong ASEAN thông qua việc tăng cường hội nhập và hợp tác khu vực. Đối với các vấn đề của phụ nữ, Đại hội đồng thông qua nghị quyết kêu gọi nghị viện và chính phủ các nước thành viên tăng cường hợp tác trong việc huy động nguồn lực và xây dựng chính sách, bảo đảm đến năm 2015 tất cả các nước thành viên đều thực hiện được mục tiêu bảo vệ sức khỏe bà mẹ, mục tiêu số 5 trong số 8 Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ của Liên hợp quốc . Bên cạnh đó, Đại hội đồng cũng thông qua nghị quyết về tăng cường cơ hội làm kinh tế cho phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ ở nông thôn nhằm hướng tới mục tiêu xóa đói giảm nghèo. Ngày 20-9-2011, trong khuôn khổ cuộc họp tại thủ đô Phnôm Pênh (Phnom Penh) của Vương quốc Cam-pu-chia, Đại Hội đồng Liên nghị viện các quốc gia Đông Nam Á lần thứ 32 (AIPA - 32) đã nhất trí kết nạp Mi-an-ma là thành viên đầy đủ của Đại Hội đồng.
9. Tổng thống Pa-le-xtin chính thức đệ đơn xin gia nhập Liên hợp quốc
Ngày 23-9-2011, tại trụ sở Liên hợp quốc, Tổng thống Pa-le-xtin, ông Ma-mút Áp-bát (Mahmoud Abbas) đã chính thức trình lên Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki Mun đơn xin gia nhập Liên hợp quốc với quy chế quốc gia thành viên đầy đủ dành cho Pa-le-xtin. Ngay lập tức, dư luận đã có những phản ứng trái chiều. Không khí vui mừng được cảm nhận ở Pa-le-xtin ngay trong ngày 23-9 khi hàng chục nghìn người hò reo mừng chiến thắng dọc khu Bờ Tây, hoan nghênh hành động lịch sử của Tổng thống M. Áp-bát. Từ Quảng trường A-ra-phát (Arafat) ở Ra-ma-la (Ramallah) tới các trung tâm dọc khu Bờ Tây, những đám đông tụ tập trước những màn hình rộng để nghe ông M. Áp-bát đề nghị cộng đồng quốc tế công nhận tư cách thành viên của Pa-le-xtin, rồi ca hát, nhảy múa để thể hiện sự mãn nguyện. Trong khi đó, không khí tại I-xra-en lại căng thẳng và an ninh đang được đặt trong tình trạng báo động. Ten A-víp (Tel Aviv) đã triển khai quân đội ở gần biên giới đề phòng bạo động xảy ra nếu yêu cầu của Pa-le-xtin bị phủ quyết.
10. Hội nghị thường niên của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB)
Từ ngày 23 đến 25-9-2011, tại thủ đô Oa-sinh-tơn của Mỹ đã diễn ra phiên họp toàn thể Hội nghị thường niên của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) thảo luận về các giải pháp ứng phó trước những thách thức mà nền kinh tế toàn cầu đang phải đối mặt. Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cam kết sẽ làm hết sức có thể để hỗ trợ các nước thành viên đạt được sự tăng trưởng mạnh mẽ, bền vững, cân bằng và toàn diện. Ngoài ra, WB và IMF cũng tái cam kết sẽ góp phần tạo nhiều công ăn việc làm thông qua việc thúc đẩy các khu vực tư nhân, vì đây chính là yếu tố then chốt của tăng trưởng. Tại Hội nghị, Tổng Giám đốc IMF Cri-xtin La-gác-đơ (Christine Lagarde) đã hối thúc các nhà lãnh đạo thế giới thực thi những biện pháp phù hợp để ứng phó với những nguy hiểm mà nền kinh tế toàn cầu đang phải đối mặt. Trong tuyên bố bên lề Hội nghị, các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương các nước thuộc Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20) đã cam kết hợp tác giải quyết các thách thức mới nảy sinh đang đe dọa đẩy nền kinh tế thế giới vào một cuộc khủng hoảng mới.
11. Cuộc họp về Sáng kiến xây dựng Biển Đông thành khu vực hòa bình, tự do, hữu nghị và hợp tác
|
ASEAN bàn về sáng kiến liên quan đến Biển Đông |
Từ ngày 22 đến 24-9-2011, tại thủ đô Ma-ni-la của Phi-líp-pin, thực hiện chỉ đạo của các ngoại trưởng ASEAN, các chuyên gia pháp lý của các nước ASEAN đã nhóm họp về Sáng kiến xây dựng Biển Đông thành khu vực hòa bình, tự do, hữu nghị và hợp tác (ZoPFF/C). Tại cuộc họp, các nước khẳng định nhu cầu tăng cường hợp tác giữa các quốc gia trong khu vực nhằm bảo đảm hòa bình, an ninh và ổn định tại vùng biển quan trọng này, đồng thời nhấn mạnh các hoạt động hợp tác cần được tiến hành trên cơ sở tôn trọng các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Luật Biển 1982 (UNCLOS 1982). Các nước cũng khẳng định lại nguyên tắc giải quyết các bất đồng, tranh chấp ở khu vực Biển Đông thông qua các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, tôn trọng chủ quyền và quyền tài phán của các quốc gia theo UNCLOS 1982. Bên cạnh đó, các nước cũng đề cao các công cụ sẵn có trong khu vực, đặc biệt là Tuyên bố về Cách ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC). Trao đổi về nội dung của Sáng kiến, các nước đã thảo luận sâu về việc xác định cụ thể các khu vực thực sự có tranh chấp và những khu vực không có tranh chấp ở Biển Đông. Trong quá trình trao đổi, các nước cũng làm rõ thêm mối quan hệ giữa sáng kiến này với các cơ chế hợp tác hiện có ở Biển Đông, đặc biệt là quá trình triển khai DOC.
12. ASEAN thành lập Quỹ cơ sở hạ tầng trị giá 500 triệu USD
Ngày 24-9-2011, các bộ trưởng Tài chính ASEAN đã nhất trí thành lập Quỹ Cơ sở hạ tầng trị giá gần 500 triệu USD nhằm thu hẹp khoảng cách phát triển giữa khu vực năng động này và các nền kinh tế tiên tiến trên thế giới, đồng thời hướng tới mục tiêu thành lập Cộng đồng kinh tế ASEAN vào năm 2015. Các Bộ trưởng Tài chính ASEAN cho biết các quốc gia thành viên có thể đề nghị Quỹ Cơ sở hạ tầng cấp các khoản vay để xây dựng đường bộ, đường sắt hay thực hiện các dự án khác về cơ sở hạ tầng. Sự kiện này đã ghi một dấu mốc lịch sử của ASEAN. Quỹ Cơ sở hạ tầng ASEAN sẽ bắt đầu đi vào hoạt động với khoản tài chính 485,2 triệu USD, hỗ trợ 6 dự án trong một năm. Đến năm 2020, ASEAN hy vọng quỹ sẽ huy động được 4 tỉ USD và sau đó ngân sách của quỹ sẽ tăng lên đến 13 tỉ USD. Quỹ Cơ sở hạ tầng ASEAN đặt trụ sở tại Ma-lai-xi-a, nước đóng góp nhiều nhất cho quỹ với 150 triệu USD. In-đô-nê-xi-a đứng thứ hai với mức đóng góp 120 triệu USD. Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đóng góp 150 triệu USD, đồng thời sẽ tham gia cố vấn để mọi khoản vay đều hợp lý và hiệu quả. Mặc dù ASEAN đang phát triển với tốc độ cao nhưng tỉ lệ bình quân đầu người trong các lĩnh vực như sử dụng đường cao tốc, nước sạch và điện vẫn xếp sau các quốc gia tiến tiến. Chính vì vậy, việc thúc đẩy xây dựng cơ sở hạ tầng trong khối thực sự là một bước đi cần thiết cho ASEAN.
13. Đại hội Đảng “Nước Nga Thống nhất” ủng hộ hai ông Đ.Mét-vê-đép và V.Pu-tin tiếp tục lãnh đạo nước Nga
Trong hai ngày 23 và 24-9-2011, tại thủ đô Mát-xcơ-va (Nga), Đại hội Đảng “Nước Nga Thống nhất” (UR) cầm quyền ở Nga đã được tổ chức với sự tham dự của 10.000 đại biểu, đại diện cho hơn 2 triệu đảng viên của Đảng UR và 46 đoàn đại biểu quốc tế. Đại hội đã nhất trí thông qua cương lĩnh do Đảng UR và Mặt trận Nhân dân toàn Nga (ONF) phối hợp soạn thảo nhằm tranh cử vào Đu-ma Quốc gia Nga (Hạ viện) khóa VI, với ngày bỏ phiếu đã được ấn định vào 4-12 tới. Đại hội cũng đã thông qua danh dách 600 ứng cử viên của UR và ONF do đương kim Tổng thống Nga Đ.Mét-vê-đép đứng đầu, ra tranh cử vào Đu-ma Quốc gia khóa mới. Tổng thống Nga Đ.Mét-vê-đép cũng đã đề nghị Đại hội ủng hộ ông V.Pu-tin ra tranh chức Tổng thống mới của Liên bang Nga sẽ diễn ra vào đầu tháng 3-2012. Thủ tướng Nga V.Pu-tin khẳng định, sẵn sàng ra tranh cử tổng thống và nếu đắc cử, ông sẽ bổ nhiệm ông Đ.Mét-vê-đép đứng đầu chính phủ mới. Ông V.Pu-tin bày tỏ sự tin tưởng, dưới sự lãnh đạo của ông Đ.Mét-vê-đép, Chính phủ mới của Nga sẽ hoạt động hiệu quả và gặt hái nhiều thắng lợi. Đại hội thứ XII của UR sẽ được tiếp tục vào giữa tháng 12 tới với mục đích tổng kết kết quả bầu cử Đu-ma Quốc gia khóa VI và xác định ứng cử viên của UR ra tranh chức tổng thống mới của Liên bang Nga./.
Nhận diện tham nhũng và các giải pháp phòng, chống tham nhũng  (26/09/2011)
Lần đầu tiên trong lịch sử, phụ nữ A-rập Xê-út được tham gia bỏ phiếu  (26/09/2011)
Tập trung phòng chống bão, lũ  (26/09/2011)
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Đắk Nông: “Điểm sáng” trong phát triển du lịch thời kỳ hội nhập quốc tế
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên