Khép lại quá khứ

Lạn Kha
18:53, ngày 19-05-2011

TCCSĐT - Chuyến thăm 4 ngày của Nữ hoàng Anh Ê-li-da-bét (Elizabeth) II tại Ai-len là sự kiện có ý nghĩa rất to lớn đối với cả Anh lẫn Ai-len. Lần đầu tiên kể từ một thế kỷ nay mới lại có chuyến thăm của người đứng đầu nền quân chủ ở nước Anh đến Ai-len và mối quan hệ giữa hai nước vốn là một trong những mối quan hệ lâu đời nhất và nhiều trắc trở nhất trong lịch sử nền quân chủ Anh quốc.

Năm 1171, chính quyền phong kiến Anh xâm chiếm Ai-len. Năm 1541, Vua nước Anh khi đó là Hen-ry VIII  tự tuyên cáo đồng thời là Vua của Ai-len. Năm 1911, Vua Giooc-giơ (George) V thăm Ai-len lần cuối cùng trước khi bùng nổ cuộc đấu tranh giành độc lập của người Ai-len năm 1916 đưa đến việc Ai-len trở thành quốc gia độc lập ngày 6-12-1922 mà lại còn độc lập thực sự chứ không phải độc lập như những thành viên Khối Thịnh vượng chung coi người đứng đầu nền quân chủ Anh quốc là người đứng đầu nhà nước của họ. Quá khứ, lịch sử ấy và cuộc đấu tranh giành độc lập của Ai-len đã khiến cho quan hệ giữa Anh và Ai-len trên danh nghĩa là bình thường nhưng trong thực tế lại không được bình thường. Bên cạnh những mắc mớ dai dẳng suốt bao thế kỷ về lịch sử, văn hoá và tôn giáo còn có thêm vấn đề Bắc Ai-len. Nhà nước quân chủ lập hiến ở Anh biết rằng không những không thể thay đổi được lịch sử liên quan đến hai nước mà còn phải cần đến Ai-len để giải quyết ổn thoả vấn đề Bắc Ai-len theo hướng thà chấp nhận cho Bắc Ai-len quyền tự chủ rộng rãi còn hơn để mất xứ ấy về Ai-len. Còn đối với Ai-len, càng bình đẳng và bình thường bao nhiêu với Anh thì càng có thể  bảo đảm tốt hơn bấy nhiêu cho việc duy trì bản sắc văn hoá và tôn giáo dân tộc cũng như cho Bắc Ai-len có được quyền tự quyết thực sự về vận mệnh và tương lai chính trị của khu vực lãnh thổ đặc biệt này. Cho nên, nét đặc biệt ở chuyến thăm này của Nữ hoàng Anh Ê-li-da-bét II là Nữ hoàng Anh đến thăm những địa điểm có liên quan đến cuộc chiến tranh giành độc lập mà được người Ai-len coi là thiêng liêng cũng như sự chờ đợi Nữ hoàng Anh nói lời xin lỗi về những gì mà thực dân Anh trong quá khứ đã gây ra đối với con người và đất nước Ai-len sau khi Thủ tướng Anh Đa-vit Ca-mơ-run (David Cameron) đã làm việc đó cách đây một năm.

 

Cho nên chuyến thăm này của Nữ hoàng Anh Ê-li-da-bét II có thể được coi như dấu ấn về việc hai bên khép lại quá khứ để mở ra một kỷ nguyên quan hệ mới là quan hệ bình đẳng và hữu nghị thật sự chứ không chỉ trên phương diện pháp lý và danh nghĩa bề ngoài như trong gần một thế kỷ qua kể từ khi Ai-len độc lập với nền quân chủ lập hiến ở Anh. Và đó cũng là cách giúp Hoàng gia Anh bảo tồn được ảnh hưởng còn có được ở Ai-len.