Chủ tịch Hồ Chí Minh thực hiện quyền công dân trong những ngày bầu cử Quốc hội khóa I (6-1-1946)
TCCSĐT - Chỉ còn ít ngày nữa nhân dân cả nước sẽ tham gia vào một sự kiện chính trị trọng đại của đất nước, thực hiện quyền làm chủ của mình để bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XIII được tiến hành vào ngày 22 tháng 5 tới. Tự hào và phấn khởi trước những thành tựu của đất nước, sự phát triển và trưởng thành của Quốc hội, mỗi người dân đất Việt lại bùi ngùi xúc động nhớ tới Chủ tịch Hồ Chí Minh – Người con ưu tú, công dân số một của dân tộc Việt Nam. Cả cuộc đời Người luôn chăm lo đến hạnh phúc và quyền làm chủ của nhân dân, bản thân Người là tấm gương mẫu mực tuyệt vời, một pho sách trọn vẹn thực hiện triệt để nhất những điều Người đã viết và nói ra. Bài viết nhìn lại những ngày bầu cử Quốc hội khóa I (6-1-1946), Người cùng toàn dân tham gia ngày bầu cử Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Ngay sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, trong phiên họp của Hội đồng Chính phủ lâm thời do Người chủ trì, sau khi khái quát tình hình của đất nước, Người nêu lên những vấn đề cấp bách, trong đó có tổ chức càng sớm càng hay cuộc tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu, thực hiện quyền tự do, dân chủ cho nhân dân. Người nói: … Nhân dân không được hưởng quyền tự do dân chủ. Chúng ta phải có một hiến pháp dân chủ. Tôi đề nghị Chính phủ tổ chức càng sớm càng hay, cuộc TỔNG TUYỂN CỬ với chế độ phổ thông đầu phiếu. Đây là một chủ trương hết sức đúng đắn, một tư duy chính trị nhạy cảm mang tầm chiến lược, đồng thời đã thể hiện thiên tài của trí tuệ của Người mà sau này lịch sử đã chứng minh tính đúng đắn hoàn toàn của những chủ trương đó. Chưa đầy một tuần sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được thành lập, Chính phủ lâm thời đã ra sắc lệnh tổ chức Tổng tuyển cử trong cả nước, để bầu ra Quốc dân đại hội. Trong lịch sử của các dân tộc vừa đấu tranh giành độc lập, chưa bao giờ một sắc lệnh về tổng tuyển cử được ban hành sớm như thế. Chỉ mấy tháng sau khi giành được độc lập, trong hoàn cảnh muôn vàn khó khăn, đáp lời kêu gọi thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân ta, không phân biệt nam, nữ, giàu, nghèo, dân tộc, giai cấp, tôn giáo, chính kiến đã tham gia cuộc Tổng tuyển cử bầu ra Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa mới bằng phương thức bầu cử dân chủ, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín. Sự kiện trọng đại này đã đi vào lịch sử nước ta như một mốc son đỏ chói, đánh dấu bước phát triển nhảy vọt về chất của thể chế dân chủ, mở ra một thời kỳ phát triển mới của dân tộc Việt Nam. Lần đầu tiên trong lịch sử, nước ta chẳng những đã trở thành một quốc gia độc lập mà còn có cơ quan nhà nước có đầy đủ cơ sở và tư cách pháp lý đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân, thay mặt nhân dân quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước. Đây là thắng lợi của đường lối cách mạng đúng đắn, sáng tạo của Đảng, chính sách đại đoàn kết dân tộc và tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng nhà nước pháp quyền; thể hiện tinh thần yêu nước, ý chí mãnh liệt và niềm tin tuyệt đối của nhân dân ta đối với sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Trước ngày Tổng tuyển cử bầu Quốc hội khoá I (vào ngày 5-1-1946), trong lời kêu gọi đồng bào cả nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu rõ: … Ngày mai là một ngày sẽ đưa quốc dân ta đến con đường mới mẻ. Ngày mai là một ngày sung sướng của đồng bào ta và ngày mai là ngày Tổng tuyển cử … Ngày mai tất cả các bạn cử tri nhớ đi bầu cử. Ngày mai mọi người đều vui vẻ hưởng quyền lợi của người dân độc lập, tự do... Từ ngày mồng 6-1-1946 ngày đầu tiên trong lịch sử mỗi dân Việt Nam bắt đầu hưởng thụ và sử dụng quyền dân chủ của mình..., toàn dân sẽ thực hiện cái quyền dân chủ ấy để lựa chọn những người xứng đáng vào cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân… Để giành được cái quyền thiêng liêng đó Người đã sát cánh cùng cả dân tộc kiên trì, bền bỉ đấu tranh vượt qua bao khó khăn, gian khổ suốt hơn 35 năm kể từ khi Người ra đi tìm con đường cứu nước, nhiều người con ưu tú của dân tộc đã hy sinh anh dũng để có được thành quả này. Một thành quả rất đáng tự hào và trân trọng của cả dân tộc Việt Nam.
Trong những ngày chuẩn bị cho cuộc bầu cử lịch sử, với lòng kính trọng và yêu quý Người, nhân dân đã suy tôn Người là công dân số một của đất nước, từ khắp nơi trong nước, nhiều người đã viết thư về đề nghị Bác không cần ra ứng cử ở một tỉnh nào, nhân dân cả nước sẽ bỏ phiếu tín nhiệm bầu Người vào Quốc hội, lại có người muốn đề nghị Bác ra ứng cử ở địa phương mình để được trực tiếp ghi tên Bác trong lá phiếu của mình…, Bác đã viết một bức thư ngắn cám ơn và trả lời nhân dân về đề nghị này, Người viết: … “Tôi rất cảm động trước toàn thể đồng bào Hà Nội đã có lòng quá yêu tôi mà quyết nghị tôi không phải ứng cử trong kỳ tổng tuyển cử sắp tới.
Nhưng tôi là là một công dân của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa nên không thể vượt qua thể lệ của tổng tuyển cử đã định. Tôi đã ứng cử ở thành phố Hà Nội nên không thể ra ứng cử ở nơi nào khác nữa.” (1)
Sáng ngày mồng 6 tháng Giêng năm 1946, trên mọi miền của cả nước, từ thành thị đến nông thôn, đâu đâu cũng được trang trí rực rỡ cờ, đèn và hoa, mọi người không phân biệt giàu, nghèo, già, trẻ, gái, trai, tất cả nô nức đi đến các nơi bỏ phiếu, thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân của một nước độc lập, tự do. Hòa mình vào ngày hội lớn của dân tộc, trong bộ ka ki giản dị, Người tham gia bỏ phiếu tại Hà Nội, Người vui vẻ thăm hỏi mọi người và bước vào phòng bỏ phiếu nhận lá phiếu đầu tiên thực hiện quyền công dân của một nước độc lập.
Sau này, trong nhiều năm trên cương vị là người lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước, Người vẫn luôn coi trọng và nghiêm chỉnh thực hiện quyền lợi, nghĩa vụ và trách nhiệm của một công dân.
Nhắc lại những kỷ niệm về Chủ tịch Hồ Chí Minh trong những ngày bầu cử Quốc hội đầu tiên để mỗi người chúng ta thấy rõ hơn tư tưởng và tấm gương đạo đức của Người, từ đó, ra sức rèn luyện và tu dưỡng, học tập và lao động, phấn đấu góp phần thực hiện mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” để thỏa lòng mong ước của Người. Trước mắt, cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, sáng suốt lựa chọn những đại biểu xứng đáng, tập trung, tham gia tổ chức thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011-2016, để Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp thật sự vững mạnh đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ đất nước trong giai đoạn mới theo tinh thần của Cương lĩnh chính trị, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, Báo cáo chính trị cùng các văn kiện quan trọng khác mà Đại hội XI của Đảng đã thông qua nhằm xây dựng nước Việt Nam giàu mạnh, đem lại hạnh phúc cho nhân dân để thỏa lòng mong muốn của Bác: Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành./.
-----------------------------------
(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, 1995, t 4, tr 116
Mục lục Tạp chí Cộng sản số 823 (5-2011)  (18/05/2011)
Mục lục chuyên đề cơ sở số 52 (4-2011)  (18/05/2011)
Ứng dụng, chuyển giao thành tựu khoa học - công nghệ trong nông, lâm nghiệp trên địa bàn Tây Nguyên  (18/05/2011)
- Kinh nghiệm quản lý thị trường vàng của một số quốc gia và hàm ý chính sách cho Việt Nam
- Thu hút trí thức người Việt Nam ở nước ngoài cho phát triển nguồn nhân lực khoa học - công nghệ
- Chiến lược triển khai quyền chỉ huy, kiểm soát biển của Mỹ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương và một số tác động
- Một số chính sách lớn nhằm nâng cao hiệu quả ứng phó, giải quyết các vấn đề an ninh phi truyền thống, an ninh mạng ở Việt Nam hiện nay
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên