TCCS - Ngày 15-5-2010, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Tạp chí Cộng sản phối hợp với Thành Đoàn Thành phố Hồ chí Minh và Hội Doanh nghiệp trẻ Thành phố Hồ chí Minh tổ chức Hội thảo khoa học "Doanh nghiệp, doanh nhân trẻ với sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước".

Tham dự Hội thảo có trên 160 đại biểu là các nhà khoa học, nhà quản lý, lãnh đạo, đại diện Ban Tuyên giáo của một số tỉnh phía Nam và đông đảo các doanh nhân trẻ. GS, TS. Trương Giang Long, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản đã thay mặt Ban tổ chức đọc Báo cáo đề dẫn và phát biểu kết luận Hội thảo. Tạp chí Cộng sản xin giới thiệu bài Tổng thuật Hội thảo này.

1 - Vai trò, những đóng góp và bài học kinh nghiệm của các doanh nghiệp, doanh nhân trẻ đối với sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước

Hầu hết các ý kiến tại Hội thảo đều nhận định, đưa nước ta trở thành một nước công nghiệp phát triển là chủ trương nhất quán của Đảng, sự nghiệp lớn của toàn dân. Trải qua hơn 10 năm thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, nền kinh tế nước ta tăng trưởng tốt. Thành công đó có phần đóng góp không nhỏ của khối các doanh nghiệp cùng với đội ngũ doanh nhân, nhất là đội ngũ doanh nhân trẻ. Họ đang là lực lượng xung kích của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và không chỉ góp phần đáng kể vào tăng trưởng kinh tế - xã hội mà còn góp phần giải quyết việc làm cho người lao động, bảo đảm an sinh xã hội... mặc dù vẫn còn hạn chế về vốn, chất lượng nguồn nhân lực, trình độ quản lý...

Đánh giá về đóng góp thiết thực của doanh nhân trẻ, PGS, TS. Phương Ngọc Thạch, Phó Chủ tịch Hiệp hội Khoa học kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, thời gian qua các doanh nghiệp tư nhân và hộ kinh doanh cá thể đã phát triển nhanh, góp phần chuyển đổi cơ cấu lao động, tăng tiềm lực kinh tế và giải quyết việc làm cho người lao động... Giai đoạn 2000 - 2008, cả nước có 330.490 doanh nghiệp, gần 4 triệu hộ kinh doanh cá thể đăng ký hoạt động. Cùng với phát triển về số lượng, năng lực của kinh tế tư nhân trong nền kinh tế cũng tăng lên đáng kể, tổng số vốn đăng ký giai đoạn 2000 - 2008 của khu vực này là 2.110 nghìn tỉ đồng (lớn hơn cả số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài cùng kỳ). Ông Nguyễn Anh Ngọc, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh đưa ra đánh giá: các doanh nhân trẻ có rất nhiều đóng góp tích cực vào chiến lược phát triển chung của đất nước, nhất là thời gian gần đây đã nâng cao chất lượng sản phẩm nhằm thực hiện tốt cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên tiêu dùng hàng Việt Nam".

Về giải quyết việc làm cho người lao động, ThS. Vũ Đình Quân, Tạp chí Cộng sản cho biết, khối doanh nghiệp tư nhân có tốc độ tạo việc làm lớn nhất, ở thời điểm năm 2000 giải quyết được hơn 850 ngàn người có việc làm, đến cuối năm 2008 con số đó đã lên đến 4,3 triệu người, chiếm hơn 54% tổng số lao động của các doanh nghiệp chính thức tạo ra và gấp gần 4 lần tổng số lao động có việc làm mà các doanh nghiệp nhà nước Trung ương tạo ra.

Theo ông Võ Quốc Thắng, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp trẻ Việt Nam, phong trào Hội Doanh nhân trẻ được khởi xướng ban đầu từ Thành phố Hồ Chí Minh, đến nay đã lan tỏa lớn tới các tỉnh trong cả nước. Đội ngũ doanh nhân phát triển mạnh trong những năm qua không chỉ về số lượng mà còn trưởng thành cả kinh nghiệm thương trường và cả về nhận thức trách nhiệm với cộng đồng.

Bàn về trách nhiệm với xã hội của doanh nhân, ThS. Ngô Thị Bích Hồng, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, những doanh nghiệp trẻ đã góp sức thổi bùng lên khả năng kinh doanh mạnh mẽ, tôn chỉ hành động: vì lợi ích cổ đông, lợi ích cộng đồng và trách nhiệm với Nhà nước.

Dưới góc nhìn của nhà giáo dục, PGS, TSKH Hồ Đắc Lộc, Hiệu trưởng Trường Đại học Kỹ thuật công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh nhận định: mọi hoạt động xã hội đều tạo ra giá trị cho xã hội, doanh nhân đã tạo ra giá trị xã hội lớn. Trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, nguồn nhân lực chất lượng cao đóng vai trò quan trọng, cần phải thấy rằng trường học và doanh nghiệp có quan hệ hữu cơ, trường học đã và đang đào tạo, đào tạo lại để cung cấp sản phẩm nguồn nhân lực chất lượng cao cho doanh nghiệp, ngược lại doanh nghiệp cũng là nơi đào tạo lại và giúp cho trường tiêu thụ sản phẩm của mình.

2 - Cơ hội và thách thức đối với doanh nhân trẻ trong chặng đường tiếp theo của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước

Nhận định chung về cơ hội và thách thức của doanh nghiệp, doanh nhân trẻ ngày nay, ThS. Thái Văn Rê, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh nhận xét: Việt Nam đã gia nhập WTO, nhiều ngành nghề mới được phát triển, cơ hội tiếp cận và mở rộng thị trường tăng lên; giới trẻ Việt Nam có tính năng động, được đào tạo đầy đủ hơn, tiếp cận được nhiều công trình khoa học, nhiều trang thiết bị công nghệ tiên tiến trên thế giới; khả năng tiếp cận các nguồn thông tin dễ dàng; trình tự, thủ tục để triển khai các hoạt động kinh doanh cũng đơn giản và thuận tiện hơn nhiều... Theo ông Trần Hữu Thế, Bí thư Tỉnh Đoàn Phú Yên, nền kinh tế thị trường mang lại nhiều cơ hội song không ít thách thức cho các doanh nghiệp, doanh nhân. Điều đó đòi hỏi họ phải biết chấp nhận thách thức từ thực tế để nhìn lại mình, biết mình cần chuẩn bị gì cho cuộc cạnh tranh gay gắt ấy, phải cố gắng không ngừng nếu không sẽ bị chậm, thậm chí tụt hậu.

Ông Nguyễn Quốc Dũng, Hội Doanh nghiệp trẻ Thành phố Hồ Chí Minh, cho rằng: không phải đa số doanh nhân đều được thừa hưởng từ gia đình những thuận lợi về quan hệ, tài chính, cơ sở sản xuất sẵn có... Vậy thì, thách thức cũng chính là cơ hội để trải nghiệm, rèn luyện bản thân và đi đến thành công lâu dài. Tuy nhiên, cũng phải biết chấp nhận rằng không phải ai kinh doanh cũng thành công, ai muốn cũng sẽ trở thành doanh nhân.

Bàn về thu nhập GDP bình quân đầu người trong quá trình công nghiệp hóa, đưa nước ta trở thành nước công nghiệp, TS. Võ Hùng Dũng, Giám đốc Chi nhánh Phòng Thương mại và Công nghiệp tại Cần Thơ đã lưu ý: chúng ta mất 20 năm (từ 1990) để từ mức thu nhập bình quân đầu người chưa đến 100 USD/năm lên trên 1.000 USD/năm, đó là một chặng đường dài với sự đóng góp của nhiều lớp lãnh đạo doanh nghiệp Việt Nam tiên phong trong thời kỳ đổi mới, trong giai đoạn chuyển đổi và ở thời kỳ hội nhập với nỗi khát khao đưa đất nước vượt qua nghèo khó, tiến đến giàu mạnh. Tiến vào câu lạc bộ các nước có mức thu nhập trung bình, để không mắc phải cái bẫy thu nhập trung bình là thách thức mới đối với giới doanh nhân Việt Nam, đặc biệt các nhà lãnh đạo doanh nghiệp trẻ.

Theo ông Thái Hồng Quang, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Ozvie, trở ngại lớn của các doanh nghiệp trong quá trình đầu tư cho sản xuất là vốn. Mặc dù đã có nhà đầu tư bỏ vốn vào đầu tư cho doanh nghiệp nhưng doanh nghiệp vẫn cần vốn lưu động sản xuất, vẫn cần đến ngân hàng. Các ngân hàng Việt Nam hiện nay rất yếu trong việc tiếp cận khách hàng, nên doanh nghiệp thường lấy nguồn tiền đầu tư từ nước ngoài. Việc các ngân hàng trong nước không tin doanh nghiệp Việt Nam phát triển, đã tạo cơ hội cho ngân hàng nước ngoài xâm nhập thị trường. Nếu ngân hàng tin tưởng doanh nghiệp Việt Nam hơn thì chắc chắn nguồn lợi sẽ quay lại. Trong khi tư nhân nước ngoài còn nhìn thấy khả năng phát triển của doanh nghiệp để đầu tư vào, mà ngân hàng trong nước không nhìn thấy là điều đáng tiếc.

Ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hội Tin học Thành phố Hồ Chí Minh, Giám đốc Công ty Phát triển Công viên Phần mềm Quang Trung nhìn nhận doanh nhân trẻ trong lĩnh vực công nghệ cao đang đứng trước những thách thức: không được hỗ trợ vốn; người quản lý thiếu kỹ năng và kinh nghiệm quản lý, nặng về chuyên môn kỹ thuật; khó khăn về thị trường.

Đề cập đến vấn đề môi trường, ông Trần Duy Linh, Giám đốc Công ty Garan đưa ra nhận định, thời đại ngày nay có nhiều thách thức lớn: cạnh tranh quyết liệt trên phạm vi toàn thế giới; dân số tăng; đất canh tác giảm; tài nguyên, năng lượng bắt đầu cạn kiệt; ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu. Vì vậy, các quốc gia phải nỗ lực phát triển khoa học - công nghệ nhằm tăng năng suất, giảm giá thành, sử dụng ít nguyên, nhiên liệu trong sản xuất hàng hóa. Nhà báo Xuân Nghi cho rằng, bảo vệ môi trường là một vấn đề hết sức nan giải đối với các quốc gia đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Các doanh nghiệp thường nghĩ tới việc làm thế nào để có thể thu được lợi nhuận cao và nhanh nhất. Tuy nhiên, nếu chỉ vì lợi nhuận trước mắt mà quay lưng lại với môi trường, họ sẽ tự đào thải mình.

3 - Những đề xuất, kiến nghị, giải pháp để phát huy vai trò doanh nhân trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước

TS. Đinh Sơn Hùng, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Thành phố đưa ra những kiến nghị với Đảng và Nhà nước nhằm giúp doanh nhân phát huy cao vai trò của mình trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Một là, tạo môi trường phát triển và kinh doanh cho doanh nhân. Thông qua việc thực hiện đúng vai trò điều tiết, hỗ trợ của Nhà nước trong nền kinh tế thị trường hiện đại; thực hiện cải cách hành chính mạnh mẽ và thực chất nhằm mục tiêu bảo vệ và tạo điều kiện cho hoạt động kinh doanh chân chính của doanh nhân; xây dựng hệ thống tài chính - ngân hàng thực sự minh bạch, hỗ trợ doanh nhân trong kinh doanh; nâng cao chất lượng các chương trình xúc tiến thương mại... Hai là, xây dựng quy trình đào tạo, bồi dưỡng doanh nhân một cách bài bản. Ba là, khuyến khích thành lập các hiệp hội ngành nghề, câu lạc bộ doanh nhân... Cần có một tổ chức hiệp hội doanh nhân Việt Nam thống nhất, có hệ thống từ Trung ương đến tỉnh, thành phố. Xây dựng luật về hội, hiệp hội doanh nghiệp, tạo hành lang pháp lý thúc đẩy hình thành và phát triển các tổ chức hiệp hội doanh nghiệp.

ThS. Thái Văn Rê đề xuất một số giải pháp nhằm giải quyết các khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp, doanh nhân trẻ, như: đẩy mạnh hoạt động thành lập và phát triển các vườn ươm doanh nghiệp; xây dựng quy chế khuyến khích thành lập và phát triển các quỹ đầu tư mạo hiểm; đẩy mạnh hoạt động bảo lãnh tín dụng cho các doanh nghiệp, trong đó cần có các cơ chế, chính sách ưu tiên để hỗ trợ cho các doanh nghiệp, doanh nhân trẻ; đẩy mạnh và sớm triển khai các chính sách cụ thể về hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp, doanh nhân trẻ, nhất là các nội dung về khởi sự và quản trị doanh nghiệp; đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ cung cấp thông tin cho các doanh nghiệp.

Bà Ngô Thị Kim Loan, Công ty Siêu Cường kiến nghị: Nhà nước cần có những chính sách cụ thể, phù hợp, hỗ trợ thuế cho các doanh nghiệp trong sản xuất để đủ sức cạnh tranh với hàng ngoại nhập, đó là thiết thực trong hưởng ứng cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam". Bà Kim Thư, Phó Giám đốc Công ty Thiên Hòa cũng kiến nghị: Nhà nước cần có những biện pháp, chế tài mạnh, luật bảo vệ doanh nghiệp trong lĩnh vực sỡ hữu trí tuệ, phát minh sáng chế, vì hiện nay việc sao chép mẫu mã, bản quyền đang lan rộng. Các cơ quan tổ chức bình chọn các giải thưởng cho doanh nghiệp, doanh nhân cần xây dựng lại những tiêu chí bình chọn vì, hiện nay có những doanh nghiệp “đánh bóng” thương hiệu qua các giải thưởng mà thực tế kinh doanh không có lãi.

Bà Trương Thanh Thúy, Ủy viên Ban Chấp hành Tỉnh Đoàn Kiên Giang đề xuất Nhà nước cần có chính sách phù hợp để nữ doanh nhân có điều kiện cống hiến. Doanh nhân nữ ở Việt Nam phải đảm đương nhiều trách nhiệm khác ngoài công việc kinh doanh. Mặc dù gánh nhiều trách nhiệm như vậy, họ vẫn cố gắng để thành công trong thương trường. Vì vậy, họ cần được sự hỗ trợ của Nhà nước trong việc quản lý và phát triển doanh nghiệp, như nhiều nước đang làm.

Bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Chủ tịch ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã phát biểu tại Hội thảo: Doanh nghiệp, doanh nhân nước ta có xuất phát điểm thấp hơn so với doanh nghiệp, doanh nhân các nước phát triển (về vốn, nguồn lực...). Nhưng có những thuận lợi lớn là Đảng và Nhà nước luôn quan tâm và bản thân các đối tượng này năng động, có bản lĩnh, chủ động sáng tạo trong kinh doanh. Ngoài việc đóng góp tăng trưởng GDP lớn, giải quyết việc làm cho xã hội... các doanh nghiệp Việt Nam đã cung cấp thị trường hàng hóa nội địa có sức cạnh tranh hàng ngoại nhập, có những hàng hóa chủ lực xuất khẩu ra thị trường quốc tế. Nhiều chính sách mới của Nhà nước hình thành xuất phát từ những kết quả hoạt động kinh doanh thành công, khó khăn của doanh nghiệp.

Tổng hợp các ý kiến của các đại biểu, GS, TS. Trương Giang Long, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản kết luận:

1 - Muốn có kinh tế thị trường phải có doanh nhân trẻ, họ là lực lượng trung tâm thực hiện sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, là tài sản của đất nước.

2 - Để hoàn thành trọng trách thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, doanh nhân trẻ phải thể hiện chân dung mình trong thời kỳ mới: đi theo Đảng, làm kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Vì vậy, kinh doanh phải có văn hóa, đạo đức, lý tưởng, lẽ sống và trách nhiệm với Đảng, với dân tộc.

3 - Thành công của doanh nghiệp là tính sáng tạo. Doanh nhân cần Đảng và Nhà nước ban hành cơ chế, chính sách, để rồi bằng năng lực, bản lĩnh, trí tuệ trong công việc, trách nhiệm khát vọng cống hiến cho xã hội của mình mà làm giàu cho đất nước./.