Trải qua 30 năm hợp tác, Chính phủ Việt Nam và UNFPA đã rút ra được nhiều bài học kinh nghiệm quý báu về nguyên nhân thành công của chương trình hợp tác giữa hai bên. Đó là: Bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau; Cam kết và trách nhiệm cao; Phương thức thực hiện phù hợp và hiệu quả; Xây dựng quan hệ đối tác rộng lớn nhằm huy động đóng góp cao cho Chương trình Dân số - Sức khỏe sinh sản/ Kế hoạch hóa gia đình.

Bước khởi đầu khó khăn

Việt Nam gia nhập Liên hợp quốc ngày 20 tháng 9 năm 1977. Ngay sau thời điểm này, Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) là một trong những tổ chức đầu tiên của Liên hợp quốc đã có mặt tại Việt Nam để hỗ trợ Chính phủ và nhân dân Việt Nam trong lĩnh vực dân số, góp phần xây dựng lại đất nước. Lúc đó, Việt Nam là một đất nước vừa bước ra khỏi cuộc kháng chiến lâu dài và gian khổ, mang trên mình bao vết thương chiến tranh, với một vốn kinh nghiệm không nhiều về phát triển và hợp tác quốc tế. Các cán bộ làm công tác dân số của Việt Nam và ngay cả cán bộ của Ủy ban Kế hoạch nhà nước (nay là Bộ Kế hoạch và Đầu tư) chịu trách nhiệm về lĩnh vực này, cũng không có bao nhiêu kinh nghiệm và kiến thức trong việc hợp tác và thực thi Chương trình dân số. Những ngày đầu của quan hệ hợp tác Việt Nam và UNFPA thật đầy khó khăn và vất vả. Hầu hết các văn bản chương trình và dự án Dân số đều do các chuyên gia quốc tế và UNFPA soạn thảo dựa trên nhu cầu của phía Việt Nam. Kinh phí và việc tổ chức các hoạt động của chương trình, kể cả việc giám sát và đánh giá, đều do các cơ quan quốc tế điều hành, phía Việt Nam chỉ đảm nhận việc thực hiện một số hoạt động, nhưng phần lớn đều có sự hỗ trợ kỹ thuật của UNFPA.

Một chi tiết nhỏ sau, cũng cho phép chúng ta có thể hình dung ra sự khó khăn của công việc ngày đó. Ông Xgiắc Ba-vê-lơ, Trưởng Văn phòng UNFPA đầu tiên tại Việt Nam (1977-1979), hồi tưởng lại những ngày đầu: “Tôi vẫn nhớ mình đã hơi lúng túng khi ông Xa-lát xuất hiện ở Hà Nội để ký kết Chương trình Quốc gia đầu tiên (với Việt Nam, HQM). Lúc đó tôi mới đến Hà Nội được một tuần, Văn phòng UNFPA còn chưa có máy chữ!. Ba mươi năm trôi qua, mọi việc giờ đây đã khác hẳn”. Thật khó mà hình dung, một Văn phòng Liên hợp quốc, lại không có nổi một cái máy chữ, nhưng ngày ấy là thế, khó khăn chồng chất khó khăn.

Kề vai sát cánh tạo nên sự cộng hưởng

Có thể nói, trên lĩnh vực dân số, UNFPA đã sát cánh cùng các cơ quan hữu quan của Việt Nam, từng bước khắc phục những trở ngại, từng bước thực hiện những mục tiêu dân số mà Đảng và Chính phủ đề ra. Trong quá trình hợp tác, trên cơ sở tin cậy và hiểu biết lẫn nhau, hai bên rất chân thành và thẳng thắn trong đối thoại và phối hợp hành động nhằm đạt được mục tiêu đã đề ra. Đồng chí Mai Kỷ, nguyên Bộ trưởng - Chủ nhiệm Ủy ban Quốc gia Dân số -Kế hoạch hóa gia đình, nhận xét “Có thể nói sự cộng hưởng của cách làm Việt Nam và sự giúp đỡ của UNFPA đã tạo nên sự thành công nhanh, rõ rệt và đáng tin cậy qua từng năm”.

Suốt 30 năm qua, các cán bộ của Văn phòng UNFPA luôn cùng các cán bộ phía Việt Nam đi đến nhiều miền của đất nước Việt Nam, thực hiện công tác điều tra, đào tạo cán bộ dân số, y tế, giám sát dự án..., đem lại cho Việt Nam một kết quả khả quan trên lĩnh vực này. Hệ quả tất yếu là, nếu so với Mục tiêu của Chiến lược Dân số - Kế hoạch hóa gia đình đến năm 2000 của Việt Nam: “giảm cho được tổng suất sinh xuống mức 2,9 con hoặc thấp hơn, quy mô dân số dưới mức 82 triệu người vào năm 2000 để đạt mức sinh thay thế vào năm 2015”, thì với sự cố gắng không mệt mỏi của cả hai phía, trong thực tế, dân số của Việt Nam năm 2000 chỉ là 78 triệu, tổng tỷ suất sinh là 2,3 con/1 phụ nữ. Kết quả cuộc điều tra biến động dân số năm 2006 chỉ ra rằng mức sinh tiếp tục giảm ở Việt Nam. Tổng tỷ suất sinh hiện dừng ở mức 2,09 con/1phụ nữ, sát ngay dưới mức sinh thay thế!.

Lợi ích của quá trình giảm sinh và giảm tốc độ tăng dân số được đánh giá là thành tựu góp phần quý giá để Việt Nam đạt được mục tiêu phát triển (về GDP bình quân đầu người); góp phần nâng cao và cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân Việt Nam cũng như thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội - môi trường của Việt Nam và Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ (MDGs). Việc tiếp tục duy trì được mức giảm sinh như hiện nay nhờ thành quả của Chương trình Dân số - Kế hoạch hóa gia đình đã và đang góp phần tạo cơ sở thực tiễn để Đảng và Chính phủ Việt Nam đề ra quyết tâm sớm đạt kế hoạch đưa Việt Nam thành nước có thu nhập trung bình với GDP tính theo đầu người là 1000 đôla Mỹ vào cuối thập kỷ này.

Thành quả và bài học quý giá

Việt Nam và UNFPA đã bền bỉ và nỗ lực hợp tác qua 7 Chương trình Quốc gia, với tổng kinh phí do UNFPA viện trợ không hoàn lại là 170 triệu USD. Sự hợp tác hữu hiệu này đã đóng góp vào thành công của Chương trình mục tiêu quốc gia về Dân số - Kế hoạch hóa gia đình và công cuộc xóa đói, giảm nghèo; góp phần xây dựng chuẩn mực gia đình và nếp sống Kế hoạch hóa gia đình; nâng cao năng lực quốc gia trong lĩnh vực dân số - phát triển; củng cố và phát triển hệ thống dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản/ kế hoạch hóa gia đình; nâng cao năng lực xây dựng, quản lý và thực hiện chương trình của cán bộ Việt Nam. Với thành tựu nổi bật trên lĩnh vực dân số, Việt Nam đã được nhận Giải thưởng Dân số Liên hợp quốc năm 1999, đây là vinh dự lớn của Việt Nam và cũng là vinh dự lớn của mối quan hệ hợp tác Việt Nam – UNFPA.

Trải qua 30 năm hợp tác, Chính phủ Việt Nam và UNFPA đã rút ra được nhiều bài học kinh nghiệm quý báu về nguyên nhân thành công của chương trình hợp tác giữa hai bên. Đó là: Bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau; Cam kết và trách nhiệm cao; Phương thức thực hiện phù hợp và hiệu quả; Xây dựng quan hệ đối tác rộng lớn nhằm huy động đóng góp cao cho Chương trình Dân số - Sức khỏe sinh sản/ Kế hoạch hóa gia đình.

Việt Nam đang phát triển trong một thế giới luôn thay đổi. Ðối với lĩnh vực dân số, trong thời gian tới, nguồn tài trợ của UNFPA cũng như của cộng đồng quốc tế có xu hướng ngày càng giảm đi. Nhiều ưu tiên cấp bách mới xuất hiện trong công cuộc phát triển kinh tế, xã hội sẽ có ảnh hưởng không nhỏ tới quy mô đầu tư cho lĩnh vực này. Trong khi đó, cả hai phía Việt Nam và UNFPA đều đang trong giai đoạn thay đổi và hoàn thiện về tổ chức: công tác dân số - Kế hoạch hóa gia đình của Việt Nam được sát nhập vào công tác y tế và UNFPA đang tích cực cùng các tổ chức Liên hợp quốc khác thực hiện Sáng kiến Một Liên hợp quốc. Công việc quan trọng lúc này là nghiên cứu và xây dựng những chính sách và phương thức thực hiện phù hợp nhất sao cho công tác dân số, chăm sóc sức khoẻ sinh sản được lồng ghép chặt chẽ vào hệ thống y tế với những ưu tiên vẫn được duy trì ở cấp quốc gia, với tầm nhìn xa hơn và chuẩn bị đáp ứng với những thách thức mới khi dân số đi dần vào ổn định và đời sống kinh tế - xã hội có những chuyển biến sâu sắc.