Trưa ngày 23-11 (theo giờ địa phương), tức rạng sáng nay, 24-11 (theo giờ Hà Nội), tại thủ đô Li-ma của Pê-ru, Hội nghị cấp cao Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 16 đã bế mạc và ra Tuyên bố chung.

Trong Tuyên bố chung, các nhà lãnh đạo APEC nhấn mạnh, cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu hiện nay là một trong những thách thức kinh tế trầm trọng nhất mà khu vực phải đối mặt; đồng thời cam kết hành động nhanh chóng và kiên quyết nhằm giải quyết tình trạng trì trệ kinh tế toàn cầu, hoan nghênh các biện pháp thúc đẩy về tiền tệ và tài chính mà các nền kinh tế thành viên APEC đưa ra. Các nhà lãnh đạo APEC ủng hộ sự phối hợp trong ứng phó và có một chiến lược toàn diện nhằm giải quyết vấn đề giá lương thực toàn cầu tăng cao thông qua Khuôn khổ Hành động toàn diện được Nhóm đặc trách của Liên Hợp Quốc về Khủng hoảng Lương thực toàn cầu triển khai.

Trước đó, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết cùng lãnh đạo 20 nền kinh tế thành viên APEC khác dự phiên họp kín thứ hai.

Tại phiên họp kín thứ 2, các nhà lãnh đạo APEC thảo luận các vấn đề: thúc đẩy hội nhập kinh tế khu vực, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, biến đổi khí hậu và an ninh con người.

Về hội nhập kinh tế khu vực, các nhà lãnh đạo đánh giá cao kết quả triển khai cam kết tại Hội nghị cấp cao APEC lần thứ 14 tại Hà Nội; khẳng định mục tiêu Bogo tiếp tục là nền tảng cơ bản để APEC thực hiện tự do hóa thương mại và đầu tư. Hội nghị thông qua Chương trình hành động kéo dài nhiều năm về hội nhập khu vực do các Bộ trưởng đệ trình, trong đó cam kết triển khai hiệu quả Kế hoạch Thuận lợi hoá Thương mại về cắt giảm 5% chi phí giao dịch từ nay đến năm 2010.

Theo đề xuất của Pê-ru, các nhà lãnh đạo APEC đề nghị tăng cường khuyến khích doanh nghiệp thực hiện các trách nhiệm xã hội, trên cơ sở tự nguyện và phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội và văn hoá của từng nền kinh tế thành viên.

Bên cạnh nội dung kinh tế, các nhà lãnh đạo APEC cũng thông qua nhiều kết quả quan trọng về bảo đảm an ninh con người. Hội nghị cam kết hợp tác chống chủ nghĩa khủng bố, ghi nhận vai trò của Chiến lược chống khủng bố toàn cầu của Liên hợp quốc và nhấn mạnh sự cần thiết triển khai các biện pháp chống khủng bố của tổ chức này.

Trước những thảm họa thiên nhiên nghiêm trọng xảy ra trong khu vực thời gian qua, các nhà lãnh đạo APEC thông qua Chiến lược giảm nguy cơ thiên tai và sẵn sàng ứng phó với tình trạng khẩn cấp của khu vực châu Á-Thái Bình Dương và các nguyên tắc của APEC về đối phó và hợp tác chống thiên tai; chỉ đạo cần xây dựng các dự án nâng cao năng lực dài hạn và ủng hộ việc đưa giáo dục về thiên tai vào chương trình dạy học ở những nơi cần thiết.

Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết nhấn mạnh, trong bối cảnh kinh tế thế giới hiện nay, APEC càng cần đẩy mạnh hội nhập khu vực, góp phần giải quyết khủng hoảng và khẳng định mạnh mẽ quyết tâm thực hiện mục tiêu mở cửa, tự do hóa thương mại và đầu tư. Chủ tịch nước đề nghị hội nhập kinh tế khu vực dù trong khuôn khổ nào cũng cần mang tính “mở”, và dựa trên nền tảng cơ bản của APEC là hỗ trợ Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và hướng tới thực hiện mục tiêu Bogo. Trong quá trình đó, các nền kinh tế đang phát triển cần được dành ưu đãi theo nguyên tắc đãi ngộ đặc biệt và khác biệt, và được dành các cam kết phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội cụ thể. Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết bày tỏ quan tâm sâu sắc của Việt Nam đến vấn đề biến đổi khí hậu và đối phó với thiên tai, đề nghị Hội nghị cấp cao đưa ra các biện pháp tăng cường hợp tác hơn nữa trong các lĩnh vực này.

Cùng với Tuyên bố chung của Hội nghị cấp cao, các nhà lãnh đạo APEC ra Tuyên bố Li-ma về Kinh tế toàn cầu.

Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Gia Khiêm đánh giá Hội nghị cấp cao APEC lần thứ 16 đạt được nhiều kết quả. Theo Phó Thủ tướng, thứ nhất, các nhà lãnh đạo bày tỏ quyết tâm chung đổi mới và làm lành mạnh thị trường tài chính thế giới cũng như tại từng nền kinh tế. Thứ hai, APEC nhấn mạnh tầm quan trọng của Tổ chức Thương mại Thế giới, cam kết phối hợp thúc đẩy để Tổ chức Thương mại Thế giới đạt thoả thuận về phương thức giảm thuế ngay trong năm 2008, sớm kết thúc Vòng đàm phán Đô-ha. Thứ ba, đồng thời với việc đẩy mạnh thực hiện mục tiêu Bogo, APEC tiếp tục thúc đẩy khả năng xây dựng một khu vực mậu dịch tự do châu Á - Thái Bình Dương. Thứ tư, điểm rất quan trọng là các nhà lãnh đạo APEC đều khẳng định, dù kinh tế khó khăn vẫn tiếp tục ủng hộ nỗ lực của các nước đang phát triển về xoá đói giảm nghèo, bảo đảm an ninh năng lượng, ứng phó với biến đổi khí hậu và thiên tai, dịch bệnh thông qua hỗ trợ phát triển chính thức ODA và thực hiện các Mục tiêu Thiên niên kỷ. Thứ năm, một nội dung mới của Hội nghị cấp cao năm nay là vấn đề trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp. Các nhà lãnh đạo khuyến khích doanh nghiệp kết hợp các nội dung xã hội, môi trường và lao động vào chiến lược kinh doanh của mình trên cơ sở tự nguyện, phù hợp với điều kiện và khả năng của từng doanh nghiệp.

Trong thời gian dự Hội nghị cấp cao APEC lần thứ 16, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã có các cuộc hội kiến với Tổng thống Chi-lê Michelle Bachelet và Tổng thống Mê-xi-cô Felipe Calderon.

Gặp Tổng thống Chile Michelle Bachelet, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết nhấn mạnh, Việt Nam luôn quan tâm theo dõi và đánh giá cao mô hình của Chi-lê về phát triển kinh tế năng động, tốc độ tăng trưởng cao và bền vững, mạnh về quản lý vĩ mô và sức cạnh tranh. Đây là những kinh nghiệm quý báu mà Việt Nam mong muốn được chia sẻ. Chủ tịch nước khẳng định, Việt Nam ủng hộ Chi-lê ứng cử làm Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2014-2015.

Tổng thống Chi-lê đặc biệt nhấn mạnh việc hai nước thúc đẩy hợp tác văn hóa, nhất là trong năm 2010 - nhân kỷ niệm 200 năm độc lập của Chi-lê và 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội.

Tiếp Tổng thống Mê-xi-cô Felipe Calderon, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết chúc mừng Mê-xi-cô vừa được bầu là Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2009-2010; đề nghị hai nước tăng cường phối hợp và hợp tác chặt chẽ trong Hội đồng Bảo an và các tổ chức quốc tế, diễn đàn đa phương khác.

Chủ tịch nước mong muốn Mê-xi-cô sớm công nhận Việt Nam là nước có nền kinh tế thị trường nhằm mở rộng bền vững quan hệ thương mại song phương.

Tổng thống Felipe Calderon khẳng định, nhân dân Mê-xi-cô luôn dành tình cảm kính trọng đặc biệt đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã dựng tượng và đặt tên Hồ Chí Minh cho công viên ở thủ đô Mê-xi-cô, thành phố A-ca-pun-cô và một giảng đường tại Đại học Quốc gia Mê-xi-cô. Tổng thống Calderon bày tỏ cảm thông sâu sắc trước thiệt hại của nhân dân Hà Nội trong đợt mưa lớn vừa qua; đề nghị các nước tăng cường hợp tác bảo vệ môi trường và mong Việt Nam ủng hộ sáng kiến của Mê-xi-cô trong lĩnh vực này.

Vào lúc 16 giờ ngày 23-11 (theo giờ địa phương), tức 4 giờ sáng nay (theo giờ Hà Nội), Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã rời Thủ đô Li-ma của Pê-ru, lên đường về nước, kết thúc chuyến tham dự Hội nghị cấp cao APEC 16./.