Phiên họp thứ 15
của Ủy ban Thường vụ Quốc hội
khai mạc ngày 23-12-2008
Diễn ra từ ngày 23 đến 27-2, phiên họp thứ 15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tiếp tục cho ý kiến đối với một số dự án luật đã được Quốc hội thảo luận lần đầu tiên trong Kỳ họp thứ 4 vừa qua, gồm dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự; dự án Luật Quy hoạch đô thị; dự án Luật Quản lý nợ công; dự án Luật Bồi thường Nhà nước; dự án Luật Lý lịch tư pháp...

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng sẽ xem xét, cho ý kiến và thông qua dự thảo Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung Điều 10 Pháp lệnh Dân số; quyết định việc tăng thẩm quyền xét xử cho Tòa án nhân dân cấp huyện; danh sách các huyện, quận, phường thực hiện thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân quận, huyện, phường…

Tiếp tục giữ hình phạt tử hình đối với tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, tham ô, nhận hối lộ

Trong phiên khai mạc sáng nay, dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội bàn thảo về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự.

Theo báo cáo của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, đa số đại biểu Quốc hội tán thành với phạm vi sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự nhằm đáp ứng một số vấn đề bức xúc nhất thực tiễn đang đặt ra, như vấn đề tham ô tài sản, nhận hối lộ; mua bán, tàng trữ, vận chuyển trái phép chất ma túy; vệ sinh an toàn thực phẩm; ô nhiễm môi trường; đánh bạc…

Bên cạnh đó các đại biểu cũng đề nghị xem xét sửa đổi thêm một số vấn đề khác như quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân trong một số lĩnh vực về thuế; rà soát các luật chuyên ngành như Luật Phòng, chống tham nhũng, Luật Sở hữu trí tuệ… để quy định trách nhiệm hình sự đối với các hành vi cấm thực hiện…

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng việc sửa đổi toàn diện Bộ luật Hình sự đòi hỏi cần có nhiều thời gian rà soát, nghiên cứu kỹ lưỡng trên cơ sở tổng kết toàn diện việc thi hành Bộ luật Hình sự. Vì vậy, nếu lùi việc sửa đổi, bổ sung để nghiên cứu sửa đổi toàn diện Bộ luật thì sẽ không kịp thời xử lý những vấn đề bức xúc thực tiễn đang đặt ra.

Về hình phạt tử hình, hầu hết các đại biểu Quốc hội tán thành việc bỏ hình phạt tử hình đối với một số tội, tuy nhiên, chưa nên bỏ hình phạt tử hình đối với tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh; tội tham ô tài sản; tội nhận hối lộ…

Theo Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, việc sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh đang là vấn đề gây nhức nhối trong dư luận xã hội, hành vi phạm tội có thể gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe nhiều người trên một diện rộng. Trong một số trường hợp hành vi phạm tội trở nên đặc biệt nguy hiểm, gây hậu quả nghiêm trọng.

Đối với tội tham ô tài sản và nhận hối lộ, không nên bỏ hình phạt tử hình vì tệ nạn tham nhũng được coi là quốc nạn và vẫn diễn ra nghiêm trọng, phức tạp; đấu tranh phòng, chống tham nhũng được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị và của toàn dân, thể hiện quyết tâm cao của Đảng và Nhà nước ta. Do đó chưa nên bỏ hình phạt tử hình đối với 3 tội danh nêu trên.

Về tội trốn thuế, gian lận thuế. Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho rằng, việc xử lý đối với hành vi trốn thuế chưa nghiêm, chủ yếu là xử lý hành chính, chỉ một số ít được xử lý bằng các biện pháp hình sự. Vì vậy, một mặt cần giữ nguyên mức định lượng số tiền trốn thuế làm cơ sở để truy cứu trách nhiệm hình sự, mặt khác nghiên cứu nâng mức tiền phạt lên cao hơn nữa đối với tội danh này.

Liên quan đến việc chấp hành có điều kiện thời hạn còn lại của hình phạt tù đối với người chưa thành niên phạm tội, đại biểu Trương Thị Mai – Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội và đại biểu Đào Trọng Thi – Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội cùng chung ý kiến nên quy định một hình thức quản lý tại gia đình có điều kiện nhằm làm tăng thêm cơ hội cho người chưa thành niên đang chấp hành hình phạt tù./.