Ngày 16-10-2008, tại thành phố Nam Định, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch phối hợp với Ủy ban nhân dân thành phố Nam Định tổ chức Hội nghị Sơ kết thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” (2006-2008) các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc.

Tham dự và chủ trì Hội nghị có các đồng chí: Huỳnh Vĩnh Ái, Thứ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch; Hà Thị Liên, Ủy viên Thường trực, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Lê Hoàng Minh, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nông dân Việt Nam; Hoàng Ngọc Thanh, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; đại biểu đại diện lãnh đạo một số bộ, ngành và lãnh đạo các cục, vụ cơ quan thành viên Ban chỉ đạo thực hiện phong trào; Lãnh đạo Ủy ban nhân dân và các sở, ban ngành thành phố Nam Định; Trưởng (phó) Ban chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”, Lãnh đạo Ủy ban Mặt trận tổ quốc; Giám đốc (phó giám đốc) và Trưởng (phó phòng nghiệp vụ) thuộc Sở Văn hoá, thể thao và Du lịch của 31 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc và đại diện cho các cơ quan thông tấn báo chí Trung ương và địa phương đăng cai tổ chức Hội nghị.

Trong 5 năm qua, Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”  đã có những tác động tích cực đến các lĩnh vực của đời sống xã hội: tiếp tục khơi dậy và phát huy tinh thần đoàn kết ở các cộng đồng dân cư, giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, tương thân tương ái, đền ơn đáp nghĩa, thực hiện và phát huy dân chủ, xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở trong sạch, vững mạnh. 
 
Các phong trào xây dựng gia đình văn hoá; xây dựng làng văn hoá, tổ văn hoá, đã phát huy vai trò tự quản của nhân dân, xây dựng các cộng đồng dân cư ổn định, từng bước phát triển kinh tế, ngăn chặn, đẩy lùi các tệ nạn xã hội.

Để tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao chất lượng phong trào “Toàn dân doàn kết xây dung đời sống văn hoá” trong giai đoạn 2008 - 2010, Hội nghị cho rằng cần tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

Một là, tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục thực hiện nhiệm vụ văn hoá trong thời kỳ mới. Tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về tư tưởng, đạo đức, lối sống gắn với thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.

Hai là, nâng cao chất lượng phong trào xây dựng “Gia đình văn hoá”, “Làng văn hoá”, “Tổ dân phố văn hoá”. Phấn đấu 100% “Gia đình văn hoá’, “Làng văn hoá”, “Tổ dân phố văn hoá” được công nhận và công nhận lại bảo đảm tiêu chuẩn.

Ba là, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, vững chắc trong việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội; thực hiện Quy chế văn hoá công sở, văn hoá trong các cơ quan nhà nước, đoàn thể chính trị, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp, nếp sống văn minh nơi công cộng và văn hoá giao thông gắn với các danh hiệu thi đua hiện có trong gia đình, tổ dân phố, cơ quan, đơn vị. Phát huy vai trò gương mẫu của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, cán bộ, chiến sỹ trong lực lượng vũ trang, coi đây là khâu đột phá trong thực hiện nếp sống văn hoá trong toàn xã hội.

Bốn là, xây dựng và hoàn thiện thiết chế văn hoá, thể thao trên cơ sở tăng cường đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước, sự đóng góp của nhân dân, doanh nghiệp đóng trên địa bàn.

Năm là, nâng cao chất lượng cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dung đời sống văn hoá ở khu dân cư”; vận động các tầng lớp dân cư đoàn kết giúp nhau xoá đói, giảm nghèo, xây dựng đời sống văn hoá tinh thần lành mạnh, phong phú; nâng cao chất lượng các danh hiệu “Gia đình văn hoá”, “Làng văn hoá”, “Tổ dân phố văn hoá”, tạo nền tảng vững chắc xây dựng đời sống văn hoá ở cơ sở.

Sáu là, nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban chỉ đạo các cấp; bảo đảm 100% ban chỉ đạo cấp tỉnh, trên 80% ban chỉ đạo cấp huyện, trên 50% ban chỉ đạo cấp xã được cấp kinh phí hoạt động thường xuyên, ổn định theo Thông tư liên tịch số 31/2006/TTLT/BTC-BVHTT giữa Bộ Tài chính và Bộ Văn hoá - Thông tin.
 
Bảy là, đẩy mạnh xã hội hoá các hoạt động văn hoá. Vận động các cơ quan, đơn vị, người hảo tâm tham gia đóng góp xây dựng cơ sở vật chất cho các hoạt động thể thao văn hoá, quỹ hỗ trợ giảm nghèo, những người có hoàn cảnh khó khăn và gia đình chính sách. Tổ chức tốt các hình thức, phương pháp hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể dục thể thao, lễ hội, vui chơi, giải trí lành mạnh, phù hợp thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia. Phat huy vai trò chủ động, tích cực và sáng tạo của nhân dân trong xây dựng đời sống văn hoá ở cơ sở./.