Hà Nội trong tiến trình hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng
TCCS - Trong những năm qua, tiến trình hội nhập quốc tế của Thủ đô Hà Nội đạt được những dấu ấn quan trọng, góp phần vào công cuộc hội nhập chung của đất nước. Có được những thành tựu đó là nhờ Hà Nội đã phát huy được những lợi thế so sánh riêng có, chủ động, tích cực đón nhận những cơ hội, hạn chế, đẩy lùi thách thức, khẳng định vị thế trung tâm chính trị, kinh tế văn hóa hàng đầu của cả nước.
Quán triệt chủ trương của Đảng về hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng
Có thể thấy, thời gian qua, đường lối đổi mới toàn diện đất nước cùng những bước tiến trên con đường hội nhập kinh tế quốc tế, và tiếp đó là hội nhập quốc tế qua các nhiệm kỳ đại hội Đảng đã đặt nền móng, tạo cơ sở cho các bước hội nhập quốc tế tiếp theo của đất nước cả về phạm vi và cấp độ, nâng cao vị thế quốc gia của nước ta trong khu vực và trên thế giới. Hội nhập quốc tế mang lại cho đất nước nhiều cơ hội để khẳng định vai trò và giá trị của mình. Việt Nam trở thành một điểm đến du lịch hấp dẫn với các loại hình du lịch ngày càng phong phú, đa dạng. Nhiều di sản thiên nhiên, di sản văn hóa vật thể và phi vật thể được UNESCO công nhận. Uy tín, vị thế, vai trò của Việt Nam ngày càng được nâng cao trên trường quốc tế. Với nền tảng đó, chúng ta có cơ sở để tự tin chuyển từ “mở rộng quan hệ, gia nhập và tham gia hợp tác quốc tế” sang “chủ động đóng góp, tích cực khởi xướng và tham gia định hình các cơ chế hợp tác”, bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế. Nghị quyết số 22-NQ/TW, ngày 10-4-2013, của Bộ Chính trị khóa XI, về hội nhập quốc tế, là văn bản có ý nghĩa định hướng chiến lược, đánh dấu bước chuyển quan trọng trong tư duy hội nhập quốc tế của Đảng và Nhà nước ta; thống nhất nhận thức và hành động trong giai đoạn nước ta bắt đầu chuyển mạnh từ "hội nhập kinh tế quốc tế" sang "chủ động, tích cực hội nhập quốc tế" toàn diện, sâu rộng và hiệu quả trên tất cả các lĩnh vực, từ chính trị, quốc phòng, an ninh đến văn hóa, xã hội, khoa học, công nghệ, giáo dục, đào tạo…
Như vậy, trong giai đoạn mới hiện nay, tiến trình hội nhập quốc tế của Việt Nam đã bước sang giai đoạn cao hơn, chú trọng về chất lượng và hiệu quả, toàn diện và sau rộng hơn như đánh giá tại Đại hội XIII của Đảng “…Hội nhập quốc tế tiếp tục được triển khai chủ động, tích cực, tạo không gian quan hệ rộng mở, tranh thủ được sự hợp tác, giúp đỡ của cộng đồng quốc tế”, “Thúc đẩy hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, linh hoạt, hiệu quả vì lợi ích quốc gia - dân tộc trong giai đoạn mới”.
Quán triệt nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và các chỉ thị, nghị quyết của Đảng về hội nhập quốc tế, Hà Nội cũng đã ban hành các văn bản về hội nhập quốc tế như Kế hoạch số 33-KH/UBND, của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, ngày 19-1-2023, về Kế hoạch hội nhập quốc tế Thành phố Hà Nội năm 2023, trong đó xác định các mục tiêu: 1- Thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ cụ thể đã được giao năm 2023 tại các kế hoạch về hội nhập quốc tế của Ủy ban nhân dân thành phố; 2- Tiếp tục khai thác lợi thế, khắc phục các hạn chế, khó khăn nhằm tận dụng cơ hội và giảm thiểu thách thức, tác động tiêu cực trong quá trình hội nhập quốc tế, phấn đấu đưa nền kinh tế Thủ đô phát triển nhanh và bền vững ngang tầm với Thủ đô và thành phố lớn của các nước phát triển trong khu vực, đẩy mạnh và nâng cao vị thế của Thủ đô; 3- Đồng hành và hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình hội nhập và triển khai các cam kết về hội nhập kinh tế quốc tế, kịp thời lắng nghe ý kiến và phản hồi của các doanh nghiệp về các vấn đề chính sách, vướng mắc trong hội nhập kinh tế quốc tế và trong quá trình đàm phán, thực thi các hiệp định thương mại tự do (FTA). Hà Nội đã xác định rõ vai trò, trách nhiệm của Thủ đô trong quá trình hội nhập quốc tế và thể hiện sâu sắc trong Báo cáo chính trị, cụ thể hóa trong chủ đề Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ thành phố. Theo đó, 5 năm tới, Hà Nội đặt mục tiêu hội nhập, cạnh tranh với các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á; đến năm 2030, mục tiêu là ngang tầm các quốc gia châu Á và đến năm 2045 hướng tới hội nhập cạnh tranh toàn cầu.
Trên cơ sở đó, Hà Nội đã và đang thúc đẩy hội nhập quốc tế trên cơ sở phát huy những giá trị, lợi thế của mình, đón bắt cơ hội phát triển, giảm thiểu hạn chế, thách thức.
Phát huy những lợi thế của Hà Nội trong tiến trình hội nhập quốc tế
Trong tiến trình hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, Hà Nội đã và đang phát huy những lợi thế của mình.
Thứ nhất, môi trường chính trị ổn định. Đây được coi là điều kiện cơ bản, thuận lợi cho quốc phòng, an ninh, đối ngoại được bảo đảm, tăng cường. Công tác đối ngoại và hợp tác phát triển, hội nhập kinh tế quốc tế được mở rộng. Đến nay, Hà Nội có quan hệ hữu nghị, hợp tác với hơn 100 thủ đô, thành phố, vùng địa phương trên thế giới. Giai đoạn 2011 - 2022, Hà Nội đã ký kết 83 thỏa thuận quốc tế. Hằng năm, lãnh đạo thành phố đã tiếp xúc, làm việc với trên 200 đoàn khách, đối tác quốc tế; duy trì hoạt động giao lưu, trao đổi đoàn các cấp.
Thứ hai, Hà Nội là một trong những “đầu tàu” kinh tế lớn, đóng góp gần 20% GDP của cả nước; đóng góp 43% GRDP, 43,8% thu ngân sách của vùng đồng bằng sông Hồng. Đáng chú ý, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) là điểm sáng của Hà Nội nhờ môi trường đầu tư thông thoáng, chính trị ổn định, cơ sở hạ tầng thuận lợi, nguồn nhân lực dồi dào, chất lượng cao. Đây chính là động lực quan trọng cho sự phát triển và hội nhập quốc tế của Hà Nội. Việc tận dụng hiệu quả các lợi thế sẵn có cùng những định hướng sâu sát của chính quyền Thủ đô, Hà Nội trong thời gian tới sẽ tiếp tục là điểm đến đầu tư hấp dẫn.
Thứ ba, nằm ở vị trí trung tâm của đồng bằng sông Hồng, Thăng Long - Hà Nội được xem là vùng đất “địa linh - nhân kiệt”, nơi hội tụ nhiều điều kiện tự nhiên thuận lợi để phát triển thành trung tâm văn hóa - kinh tế - chính trị của cả nước. Với vị trí địa lý - chính trị quan trọng, Hà Nội là đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế; là đầu mối giao thương bằng đường bộ, đường sắt, đường hàng không và đường sông tỏa đi các vùng khác trong cả nước và đi quốc tế. Chính vì vậy, Hà Nội có nhiều lợi thế về điều kiện tự nhiên, tài nguyên cho trong phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế.
Thứ tư, Hà Nội có bề dày lịch sử nghìn năm văn hiến với nền văn minh Đại Việt rực rỡ. Với vị thế địa chính trị, địa kinh tế, địa tự nhiên, địa lịch sử và văn hóa, Hà Nội hội tụ những giá trị, lợi thế so sánh đặc thù, tạo nên bản sắc độc đáo của Thủ đô trên cơ sở kế thừa, bảo tồn và phát huy những giá trị lịch sử văn hóa trong suốt hơn nghìn năm lịch sử. Sau 15 năm mở rộng địa giới hành chính, Hà Nội hiện nay ngày càng thể hiện rõ vai trò, vị thế của một trung tâm đầu não của cả nước về chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học giáo dục và giao dịch quốc tế. Hà Nội là nơi tập trung các cơ quan lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, các đoàn thể nhân dân, nơi diễn ra các sự kiện quan trọng của cả nước; nơi tập trung các đại sứ quán, các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ, trụ sở của các tập đoàn kinh tế lớn của Việt Nam và nước ngoài. Vị thế Hà Nội ngày càng được nâng cao không chỉ với việc trở thành “thành phố vì hòa bình”, mà còn là 1 trong 10 thành phố du lịch tốt nhất châu Á. Trong 9 tháng năm 2023, khách du lịch đạt gần 3,5 triệu lượt người, gấp 2,1 lần cùng kỳ năm trước. Sở hữu những giá trị văn hóa đặc sắc với hàng trăm làng nghề, giá trị văn hóa ẩm thực độc đáo, trong giai đoạn tới, Hà Nội sẽ coi hội nhập quốc tế là động lực của sự phát triển bền vững.
Bên cạnh đó, nhiều di sản văn hóa, danh hiệu cao quý được UNESCO vinh danh, đặc biệt sau kỷ niệm 20 năm “Thành phố vì hòa bình”, năm 2019, Hà Nội là địa phương đầu tiên của Việt Nam được tổ chức UNESCO công nhận là thành viên của “Mạng lưới thành phố sáng tạo” với lĩnh vực đăng ký tham gia là “Thiết kế sáng tạo”. Đây là cơ hội, điều kiện thuận lợi để Thủ đô đẩy mạnh khởi nghiệp sáng tạo, phát triển công nghiệp văn hóa, định vị thương hiệu, quảng bá hình ảnh và hướng tới trở thành một thành phố sáng tạo tiêu biểu của khu vực Đông Nam Á, điểm đến của tri thức và sáng tạo trên thế giới.
Thứ năm, nguồn tài nguyên con người là một trong những lợi thế của Thủ đô Hà Nội. Người Hà Nội hào hoa, thanh lịch không còn sống khép kín như trước mà đang có những bước chuyển mình mạnh mẽ vào dòng chảy hội nhập chung của khu vực và thế giới, trở nên năng động, sáng tạo hơn, dễ thích nghi với những biến chuyển của thời đại. Xuất hiện ngày càng nhiều những người trẻ Hà Nội thành đạt, tranh thủ các điều kiện mới thuận lợi, ứng dụng các thành tựu khoa học kỹ thuật tiến bộ của nhân loại, khẳng định năng lực của mình trên nhiều lĩnh vực, hướng tới khát vọng xây dựng thủ đô giàu mạnh. Đó chính là nguồn tài nguyên quý giá, là chủ thể năng động của sự phát triển và hội nhập quốc tế của Hà Nội.
Với những lợi thế và tiềm năng trên, Hà Nội đang hội nhập sâu rộng vào dòng chảy toàn cầu, trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, khoa học - công nghệ… với những sắc thái, đặc điểm riêng. Quá trình hội nhập quốc tế của Hà Nội mang lại diện mạo mới, hiện đại hơn, năng động, nhạy bén, linh hoạt hơn. Nhiều khía cạnh của đời sống xã hội được “hội nhập hóa”, tiệm cận với những chuẩn giá trị chung của khu vực và thế giới.
Trong giai đoạn hiện nay, thế giới đang chứng kiến những biến động to lớn, sâu sắc, tác động trực tiếp tới môi trường an ninh và phát triển của nước ta nói chung và Hà Nội nói riêng. Bối cảnh mới của thế giới đặt ra các yêu cầu mới trong quá trình hội nhập quốc tế. Thời gian qua, tiến trình hội nhập quốc tế của Hà Nội đã và đang được triển khai tích cực trên các lĩnh vực. Quá trình hội nhập quốc tế đã và đang mang lại nhiều cơ hội để Hà Nội tiếp thu có chọn lọc các thành tựu, giá trị của nhân loại; đồng thời cũng đặt ra nhiều khó khăn, thách thức trong việc bảo tồn, bảo vệ các giá trị truyền thống lâu đời từng làm nên bản sắc, phong vị Hà Nội, để làm sao Hà Nội vẫn giữ nét vừa hiện đại, vừa văn hiến, văn minh; vừa phát triển toàn diện mang tầm khu vực, vừa tạo nên sức hút riêng bởi những lợi thế, tiềm năng, giá trị đặc sắc của mình.
Để thúc đẩy tiến trình hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng trong giai đoạn mới, Hà Nội xác định rõ các nhiệm vụ chủ yếu:
Thứ nhất, chủ động khai thác những cơ hội, tranh thủ điều kiện thuận lợi của môi trường quốc tế để tiếp tục đẩy mạnh hội nhập và phát triển. Bám sát các nhiệm vụ đối ngoại trọng tâm của Đảng và Nhà nước, đặc biệt là đường lối đối ngoại theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; xác định các mục tiêu đối ngoại trong từng lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội để chủ động xây dựng kế hoạch tổ chức các hoạt động đối ngoại có tính thống nhất và bổ trợ lẫn nhau.
Thứ hai, đẩy mạnh công tác đối ngoại, hợp tác, hội nhập quốc tế. Mở rộng hoạt động đối ngoại nhân dân, góp phần tăng cường sự hiểu biết và nâng cao vị thế quốc tế của Thủ đô; Đẩy mạnh công tác thông tin đối ngoại, quảng bá hình ảnh, nâng cao uy tín của Việt Nam và Hà Nội trên trường quốc tế; xác định hiệu quả đối ngoại không chỉ là nguồn lực mà còn là sức mạnh mềm, động lực cho phát triển Thủ đô.
Thứ ba, tổ chức các hoạt động đối ngoại có chọn lọc và ưu tiên, phù hợp với thế mạnh của đối tác và tiềm năng, nhu cầu của Thành phố cũng như nguồn lực có hạn trong tình hình mới, bảo đảm yêu cầu phòng chống dịch bệnh, nhằm duy trì một cách tích cực các cam kết quốc tế đã thiết lập, tranh thủ điều kiện thuận lợi để tăng cường hiệu quả, làm sâu sắc hơn các mối quan hệ song phương và đa phương giữa thành phố Hà Nội với các thành phố/địa phương trên thế giới và các tổ chức quốc tế, bám sát và phục vụ có hiệu quả các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô giai đoạn 2021-2025.
Thứ tư, phát huy uy tín và vị thế quốc tế để tạo môi trường thuận lợi cho phát triển, giữ vững độc lập, chủ quyền trong hội nhập; góp phần giữ vững thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, ổn định chính trị, kiên quyết, kiên trì đấu tranh với các âm mưu và ý đồ phá hoại của các thế lực thù địch.
Thứ năm, đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh, tranh thủ sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế để duy trì môi trường hòa bình, ổn định, tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh.
Thứ sáu, kết hợp chặt chẽ, hài hòa giữa nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, hội nhập kinh tế quốc tế với nhiệm vụ bảo đảm quốc phòng, an ninh trong từng bước đi, chính sách phát triển và trong từng dự án phát triển trên địa bàn Thủ đô.
Quá trình hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng đòi hỏi sự huy động mạnh mẽ các nguồn lực, sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của chính quyền và nhân dân Thủ đô, nhằm thực hiện khát vọng phát triển Thủ đô ngày càng giàu mạnh, văn minh, hiện đại, như mục tiêu phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 mà Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5-5-2022 nhấn mạnh. Theo đó, đến năm 2030, Thủ đô Hà Nội là Thành phố "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại"; trở thành trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước; hội nhập quốc tế sâu rộng, có sức cạnh tranh cao với khu vực và thế giới. Đến năm 2045, Thủ đô Hà Nội là thành phố kết nối toàn cầu, có mức sống và chất lượng cuộc sống cao; kinh tế, văn hoá, xã hội phát triển toàn diện, đặc sắc và hài hoà; tiêu biểu cho cả nước; có trình độ phát triển ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới./.
Nhận diện các ngành công nghiệp văn hóa Hà Nội trong bối cảnh mới  (16/11/2023)
Tạo động lực cho trí thức Việt Nam phát triển đáp ứng yêu cầu cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư  (15/11/2023)
Thanh niên quân đội với việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay  (12/11/2023)
Hà Nội: Thành phố sáng tạo, kết nối toàn cầu  (08/11/2023)
Quận Hai Bà Trưng đẩy mạnh cải cách hành chính góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của bộ máy nhà nước  (25/10/2023)
Hà Nội nỗ lực cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh  (24/10/2023)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Quan điểm và ứng xử của Trung Quốc trước tình hình thế giới mới
- Đóng góp của phụ nữ Việt Nam qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam