Quảng Ninh phát huy vai trò hạt nhân, tạo động lực phát triển kinh tế của vùng đồng bằng sông Hồng
TCCS - Trong chặng đường 60 năm xây dựng và phát triển, đặc biệt ở thời kỳ đổi mới, Quảng Ninh đã đạt được nhiều thành tựu trong kiến thiết và phát triển đô thị. Với hệ thống hạ tầng kỹ thuật khung và hạ tầng xã hội thiết yếu được xây dựng, phát triển đồng bộ, hiện đại, Quảng Ninh đã và đang phát huy vai trò hạt nhân, đầu mối giao thông quan trọng của vùng đồng bằng sông Hồng, một trọng điểm du lịch hàng đầu quốc gia.
Ưu tiên nguồn lực đầu tư
Tháng 10-1963, tỉnh Quảng Ninh chính thức được thành lập. Giai đoạn 1963 -2008, trong quá trình tách các địa phương, các đảo, tỉnh đã thành lập huyện Cẩm Phả (năm 1975), thành lập thành phố Hạ Long (năm 1993), thành lập huyện Vân Đồn và huyện Cô Tô (năm 1994), thành lập lại thị xã Móng Cái (năm 1998), huyện Đầm Hà và huyện Hải Hà (năm 2001). Tiếp đó, đến năm 2003, sau 10 năm thành lập thành phố Hạ Long đã được công nhận là đô thị loại I và năm 2008 thành lập thành phố Móng Cái.
Tuy nhiên, từ năm 2010 tới nay, nhờ có sự phát triển cao về kinh tế - xã hội, sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt của tỉnh trong công tác phát triển đô thị và quy hoạch đô thị, tỷ lệ đô thị hóa của Quảng Ninh mới có sự đột phá mạnh mẽ, nhất là sau khi có 7 quy hoạch chiến lược. Từ nền tảng của những quy hoạch chiến lược, để tạo nguồn lực cho phát triển đô thị, Quảng Ninh đã xác định công tác lập, thẩm định, phê duyệt, quản lý, thực hiện quy hoạch đô thị là nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm, đồng thời, xác định quy hoạch là khởi nguồn của sự phát triển, là khung pháp lý cho việc đầu tư phát triển các lĩnh vực. Quảng Ninh tiếp tục lập các lớp quy hoạch từ đô thị, vùng huyện, đến phân khu chức năng, tỷ lệ phủ kín quy hoạch chung toàn tỉnh đến nay đạt 100%.
Tỉnh cũng mạnh dạn thực hiện và thực hiện thành công phương thức huy động nguồn lực đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP), bảo đảm các quy hoạch định hướng. Chỉ tính riêng giai đoạn 2016 - 2020, Quảng Ninh đã huy động hơn 123.000 tỷ đồng cho phát triển kết cấu hạ tầng, tạo sự bứt phá về giao thông, đô thị, du lịch, dịch vụ. Nhiều công trình trọng điểm đã hoàn thành, đưa vào sử dụng góp phần thúc đẩy mạnh mẽ liên kết vùng và hợp tác quốc tế, kết nối các trung tâm đô thị, cảng biển, khu công nghiệp, khu công nghệ cao của tỉnh,... tạo hệ sinh thái đô thị bền vững, gắn kết. Quảng Ninh cũng là địa phương duy nhất trong cả nước huy động được tư nhân đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long, đường cao tốc...
Lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh đã có tư duy, nhận thức, định hướng phát triển, triển khai chủ trương của Đảng, Nhà nước về xã hội hóa nguồn lực trong phát triển đô thị, hạ tầng giao thông. Qua đó thể hiện tinh thần dám nghĩ, dám làm không trông chờ, ỷ lại, xóa bỏ cơ chế xin - cho, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả. Nhờ đó, đến nay, Quảng Ninh có 13 đô thị. Hầu hết các đô thị trên địa bàn tỉnh đều phát triển đúng và vượt kế hoạch nâng loại đô thị như đề xuất, với tỷ lệ đô thị hóa là 68,5%, cao hơn tỷ lệ trong vùng đồng bằng sông Hồng (40,43%) và tỷ lệ đô thị hóa của cả nước (35,74%) và là một trong 5 địa phương có tỷ lệ đô thị hóa cao nhất cả nước. Giai đoạn 2015 - 2021, tỷ lệ đô thị hóa của Quảng Ninh khá nhanh, từ 59,1% (năm 2015) lên 67,5% (năm 2021) và năm 2022 đạt 68,5% (tăng 8,4% trong 7 năm). Kết quả này là do quá trình mở rộng phạm vi các khu vực nội thị tại các địa phương, như thị xã Quảng Yên, thị xã Đông Triều và thị trấn Cái Rồng (huyện Vân Đồn). Đặc biệt, sau khi có Nghị quyết số 04-NQ/TU, ngày 30-6-2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển thành phố Hạ Long đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 và nhập huyện Hoành Bồ vào thành phố Hạ Long, tạo ra nguồn lực và động lực xây dựng, hoàn thiện, tạo bước phát triển đột phá hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị đồng bộ, hiện đại, địa giới hành chính, không gian phát triển của thành phố được mở rộng, phát triển theo hướng bền vững, với tầm nhìn dài hạn.
Tạo động lực tăng trưởng dài hạn
Để gia tăng giá trị của liên kết vùng, thúc đẩy phát triển kinh tế và an sinh xã hội, Quảng Ninh chủ động đề xuất triển khai nhiều nội dung quan trọng, như ký kết biên bản hợp tác với các tỉnh, thành phố trong vùng (Hà Nội, Hải Dương, Hải Phòng); triển khai dự án đầu tư xây dựng đường tốc độ cao ven biển phía Bắc, nối liền Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa; ký kết và triển khai thực hiện biên bản Hội nghị Hợp tác hành lang kinh tế 5 tỉnh, thành phố: Lào Cai, Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh (Việt Nam) và Vân Nam (Trung Quốc) đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Cùng với đó là việc đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng kết nối liên vùng (cầu Bạch Đằng, cầu Triều, cầu Lại Xuân, cầu Bến Rừng...), dần khẳng định được vai trò là đầu mối giao thông quan trọng kết nối với các tỉnh phía Bắc (Việt Nam) và Vân Nam, Quảng Tây (Trung Quốc), trở thành một trọng điểm phát triển kinh tế biển, trung tâm dịch vụ hàng hải và vận tải biển.
Song song đó, Quảng Ninh đã tích cực chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh”, đẩy mạnh thực hiện 3 đột phá chiến lược, đạt những thành tựu ấn tượng. GRDP tăng trưởng 2 con số trong 7 năm liên tiếp trong giai đoạn 2016-2022; trong đó năm 2022 đạt 10,28%. Quy mô nền kinh tế tăng nhanh, hết năm 2022 ước đạt 269 nghìn tỷ đồng; GRDP bình quân đầu người đạt trên 8.200 USD, gấp đôi bình quân chung cả nước... Hiện, toàn tỉnh có 8 nhà máy điện đang hoạt động với tổng công suất 5.643,6MW; hằng năm phát lên hệ thống lưới điện quốc gia từ 35 -38 tỷ kWh điện, đóng góp ngân sách nhà nước trên 1.000 tỷ đồng, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia cũng như nhu cầu sử dụng điện phục vụ phát triển đất nước. Tỉnh đang triển khai 1 dự án điện khí LNG công suất 1.500MW (giai đoạn 1) tại thành phố Cẩm Phả (khởi động ngày 24-10-2021); dự kiến hoàn thành và đưa vào vận hành trong giai đoạn 2026 - 2027; dự kiến khi nhà máy đi vào hoạt động, sẽ cung cấp cho hệ thống lưới điện quốc gia khoảng 9 tỷ kWh điện/năm và đóng góp cho ngân sách địa phương khoảng 57.700 tỷ đồng trong vòng 25 năm. Ngoài ra, tỉnh Quảng Ninh đang đề xuất bổ sung dự án Nhà máy điện khí LNG (giai đoạn 2) vào Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045; dự án có quy mô công suất 1.500MW được đầu tư xây dựng nằm cạnh vị trí Nhà máy giai đoạn 1.
Quảng Ninh cũng là địa phương có sự đầu tư mạnh mẽ cho các khu công nghiệp, khu kinh tế. Hiện tỉnh có 5 khu kinh tế với tổng diện tích 375.171ha; 16 dự án khu công nghiệp với tổng diện tích là 12.886,8ha (có 10.387,3ha nằm trong các khu kinh tế). Tổng diện tích khu công nghiệp, khu kinh tế là 377.090ha, là tỉnh có số lượng và quy mô khu công nghiệp, khu kinh tế lớn nhất cả nước. 16 khu công nghiệp của tỉnh đều nằm trong Quy hoạch phát triển các khu công nghiệp đến năm 2020. Cùng với đó, có 3 khu kinh tế cửa khẩu nằm trong Quy hoạch phát triển được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã có quyết định thành lập, với tổng diện tích trên 144.735ha, bao gồm Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái có diện tích tự nhiên khoảng 121.197ha; Khu kinh tế cửa khẩu Hoành Mô - Đồng Văn có diện tích 14.236ha; Khu kinh tế cửa khẩu Bắc Phong Sinh có diện tích tự nhiên khoảng 9.302ha. Đồng thời, tỉnh có 2 khu kinh tế ven biển được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch phát triển đến năm 2020 với tổng diện tích trên 230.436ha, gồm Khu kinh tế ven biển Vân Đồn có tổng diện tích là 217.133ha và Khu kinh tế ven biển Quảng Yên có tổng diện tích 13.303ha.
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020 - 2025 xác định: “Đầu tư phát triển kết hạ tầng kinh tế - xã hội là một trong ba khâu đột phá chiến lược”. Trong đó, tỉnh ưu tiên đầu tư đặc biệt là hạ tầng giao thông chiến lược, hạ tầng các khu công nghiệp, khu kinh tế, hạ tầng đô thị, du lịch, dịch vụ đồng bộ, hiện đại bảo đảm tính liên thông, tổng thể. Tư duy đột phá và hành động sáng tạo của tỉnh Quảng Ninh trong thực hiện mô hình tổ chức không gian phát triển “một tâm, hai tuyến đa chiều, hai mũi đột phá, ba vùng động lực” đã góp phần kiến tạo các hành lang phát triển mới theo hướng bền vững hơn, thúc đẩy liên kết nội vùng, liên kết vùng, phân công và hợp tác lãnh thổ, phát huy tốt hơn các tiềm năng, thế mạnh, lợi thế so sánh, lợi thế cạnh tranh từng địa phương của tỉnh, trong tam giác động lực phía Bắc, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, vùng đồng bằng sông Hồng, vùng Thủ đô... mở ra nhiều cơ hội cho người dân và doanh nghiệp trong việc phát triển các ngành kinh tế./.
Quảng Ninh xây dựng nông thôn mới ngày càng thực chất, hiệu quả  (10/10/2023)
Kinh nghiệm phát triển nguồn nhân lực khoa học - công nghệ của Trung Quốc và một số gợi ý tham chiếu cho tỉnh Quảng Ninh  (09/10/2023)
Nhiều giải pháp hỗ trợ người dân phát triển kinh tế  (06/10/2023)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
- Tổng quan về chuyển đổi số ở Việt Nam
- Bảo tồn các di sản văn hóa vật thể trước thách thức của biến đổi khí hậu ở thành phố Cần Thơ hiện nay
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên