TCCS - Xã hội hóa giáo dục ở Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung là một nhiệm vụ quan trọng trong quá trình xây dựng trường chuẩn quốc gia, tạo ra sức mạnh tổng hợp trong bối cảnh nguồn vốn đầu tư cho giáo dục còn hạn chế. Để làm tốt công tác xã hội hóa giáo dục ở Thủ đô, cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về xã hội hóa giáo dục.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ đến thăm, động viên học sinh, giáo viên Trường Trung học phổ thông Phan Đình Phùng (Hà Nội) trong ngày đầu đến trường sau thời gian tạm nghỉ phòng, chống dịch Covid-19_Ảnh: giaoducthoidai.vn

Xã hội hóa giáo dục Hà Nội - xu hướng tất yếu và đúng đắn

Xã hội hóa giáo dục là quá trình huy động toàn xã hội tham gia làm giáo dục, các tầng lớp nhân dân góp sức xây dựng nền giáo dục dưới sự lãnh đạo của Đảng và sự quản lý của Nhà nước, làm cho giáo dục trở thành nhiệm vụ, trách nhiệm của toàn xã hội. Các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể nhân dân, các tổ chức chính trị - xã hội - kinh tế, các gia đình và cá nhân đều có trách nhiệm tích cực góp phần phát triển sự nghiệp giáo dục, đóng góp trí tuệ, nhân lực, vật lực cho giáo dục; kết hợp giáo dục giữa nhà trường, gia đình và xã hội tạo nên môi trường giáo dục lành mạnh ở mọi nơi, trong từng cộng đồng, từng tập thể.

Thực tế những năm qua cho thấy, xã hội hóa giáo dục ở Hà Nội đã tạo ra nhiều thành tựu mới cho ngành giáo dục và cho cả xã hội. Điển hình là việc thu hút đầu tư nước ngoài vào giáo dục theo nhiều hình thức, như công nhận văn bằng, thành lập cơ sở giáo dục, đào tạo theo hình thức liên doanh; hợp đồng hợp tác kinh doanh hoặc theo hình thức 100% vốn nước ngoài để thực hiện các hoạt động giáo dục cho người nước ngoài hiện đang công tác có thời hạn tại Việt Nam; giáo dục bậc trung học phổ thông cho người Việt Nam và người nước ngoài… Hệ thống giáo dục của Thủ đô được đa dạng hóa, từng bước xây dựng xã hội học tập. Giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học ngoài công lập trong những năm qua đã đạt được nhiều kết quả, phát triển loại hình trường, lớp chất lượng cao đáp ứng nhu cầu học tập của người dân.

Trong khi nguồn lực của Nhà nước đầu tư cho giáo dục cả nước nói chung, giáo dục Hà Nội nói riêng còn hạn hẹp thì việc huy động đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục là rất cần thiết. Một trong những yếu tố quyết định tới công tác xã hội hóa giáo dục Hà Nội là vai trò của các tổ chức, cán bộ, giáo viên, nhân viên trong các nhà trường, đây là lực lượng quan trọng có sự ảnh hưởng và quyết định tới thành công của công tác xã hội hóa giáo dục. Để làm tốt công tác xã hội hóa, công tác tuyên truyền giúp phụ huynh học sinh, các tầng lớp nhân dân, các doanh nghiệp hiểu được các nội dung về công tác xã hội hóa, nhận thức sâu sắc hơn về công tác xã hội hóa giáo dục có vai trò quan trọng. Trong những năm gần đây, nhờ chính sách xã hội hóa giáo dục, nhiều tập đoàn, doanh nghiệp tham gia vào quá trình đào tạo, xây dựng trường, cơ sở đào tạo đã trực tiếp góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và góp phần đáp ứng nhu cầu của xã hội. Song bên cạnh những mặt tích cực, xã hội hóa giáo dục cũng đang đặt ra cho Nhà nước và toàn dân nhiều vấn đề cần quan tâm tháo gỡ, cần có sự vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa của công tác truyền thông.

Đẩy mạnh tuyên truyền trong công tác xây dựng xã hội hóa giáo dục ở Hà Nội

Trong bối cảnh đất nước ngày càng hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới, tập trung thực hiện chiến lược lấy con người làm trung tâm phát triển, ngành giáo dục và đào tạo thủ đô cần bám sát các chủ trương, đường lối, chính sách phát triển giáo dục của Trung ương, thành phố; tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, sự quản lý của Nhà nước đối với giáo dục; huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị cùng tham gia phát triển sự nghiệp giáo dục, đào tạo.

Nhiều năm trở lại đây, không thể phủ nhận vai trò quan trọng của xã hội hóa trong cải tạo cơ sở vật chất trường lớp, bổ sung trang thiết bị dạy học theo phương thức Nhà nước và nhân dân cùng làm (như gắn màn hình đa chức năng, bảng tương tác, phòng học ngoại ngữ…); hỗ trợ trả lương cho đội ngũ lao động không có trong biên chế, không thể trả lương từ ngân sách nhà nước (giám thị, giáo viên tư vấn, giáo viên năng khiếu, giáo viên tiếng Anh, nhân viên phục vụ, bảo vệ…). Tuy nhiên, theo đánh giá của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, hiện vẫn còn tình trạng chưa hiểu đúng và làm đúng pháp luật về xã hội hóa trong giáo dục, dẫn tới cách thức triển khai không phù hợp khi kêu gọi xã hội hóa, tài trợ với cơ sở giáo dục, thậm chí lạm thu khi kêu gọi xã hội hóa, tài trợ với cơ sở giáo dục. Do vậy, công tác tuyên truyền cần làm tốt một số việc sau:

- Xây dựng nội dung tuyên truyền, nâng cao nhận thức về xã hội hóa giáo dục cho toàn xã hội. Cần lựa chọn hình thức tuyên truyền thích hợp cho từng khu vực nội thành, ngoại thành, các trường trọng điểm… Trên cơ sở nội dung, hình thức tuyên truyền giáo dục đã được xác định, cần xây dựng kế hoạch triển khai cụ thể, như chọn thời điểm, bố trí địa điểm phù hợp, chuẩn bị tài liệu triển khai nghiêm túc, trình bày nội dung thuyết phục, đưa vấn đề xã hội hóa giáo dục vào nội dung sinh hoạt của các tổ chức, đoàn thể; xây dựng chuyên mục “Xã hội hóa giáo dục và đào tạo” trên các phương tiện thông tin đại chúng.

- Huy động sức mạnh tổng hợp của các cấp, các ngành và toàn dân thủ đô cùng chăm lo sự nghiệp giáo dục và đào tạo. Nhà trường luôn xác định phụ huynh học sinh là nhân tố tích cực tham gia vào công tác xã hội hóa giáo dục, vì vậy, nhà trường luôn thực hiện tốt các nhiệm vụ: Xây dựng kế hoạch, huy động sự giúp đỡ của các bậc phụ huynh, phát huy khả năng và lòng nhiệt tình của phụ huynh học sinh… Qua thực tế, phụ huynh học sinh đưa ra những ý kiến hay giúp nhà trường có những quyết định đúng đắn. Chất lượng giáo dục toàn diện của thành phố được giữ vững, chất lượng giáo dục mũi nhọn tiếp tục phát triển; việc đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy được đẩy mạnh ở tất cả các cấp học, ngành học.

- Tăng cường đổi mới công tác thông tin truyền thông để tạo ra sự đồng thuận; nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo phục vụ nhu cầu phát triển, đẩy mạnh cải cách hành chính và ứng dụng công ngghệ thông tin trong ngành.

Vấn đề đẩy mạnh xã hội hóa, tăng cường tự chủ trong các cơ sở giáo dục là vấn đề khó. Hà Nội là Thủ đô của cả nước nên phải đi đầu, có sáng kiến, sáng tạo để tháo gỡ. Sở Giáo dục và đào tạo Hà Nội cần chủ động nghiên cứu, đề xuất các mô hình quản lý, tham mưu để thành phố báo cáo, đề xuất với các bộ, ngành trung ương. Các cấp quản lý cần có thêm hướng dẫn để các đơn vị tuyên truyền, thực hiện tốt hơn nữa nguồn thu xã hội hóa, bảo đảm sự công khai, minh bạch, không để xảy ra tình trạng lạm thu đầu các năm học, làm xấu đi mối quan hệ giữa nhà trường với phụ huynh. Trong đó, cần biểu dương những cách làm tốt, vận động tài trợ từ nhiều nguồn lực khác nhau trong xã hội, như doanh nghiệp, tổ chức phi chính phủ, hội cựu học sinh…

Để triển khai có hiệu quả các nội dung trên, các giải pháp tuyên truyền được đề ra gồm: Tuyên truyền qua các cơ quan báo chí trung ương và thủ đô thông qua xây dựng chuyên mục, chuyên đề, chương trình về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo và dạy nghề trên các kênh, chương trình quảng bá tại Đài Phát thanh - Truyền hình Hà Nội. Mở các chuyên trang, chuyên mục, chuyên đề về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo và dạy nghề trên các báo, tạp chí in, báo điện tử. Đồng thời, thông qua đội ngũ cán bộ thông tin cơ sở, đưa nội dung tuyên truyền về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo và xã hội hóa giáo dục lên hệ thống các đài truyền thanh, truyền hình cấp quận, huyện, tổ chức tuyên truyền lưu động đến tận người dân. Bên cạnh đó, có thể đưa nội dung tuyên truyền vào chương trình giảng dạy, các buổi sinh hoạt trong nhà trường, cơ sở đào tạo, dạy nghề. Tuyên truyền thông qua việc tuyên dương, khen thưởng các đơn vị, cá nhân có nhiều thành tích trong công tác phát triển xã hội hóa giáo dục, thông qua câu lạc bộ của các đoàn thể chính trị - xã hội ở Thủ đô./.