Mở rộng diện bao phủ chính sách bảo hiểm xã hội cho khu vực kinh tế phi chính thức
TCCS - Một trong những mục tiêu quan trọng của Nghị quyết số 28-NQ/TW được thông qua tại Hội nghị Trung ương 7 khóa XII là đến năm 2021 phấn đấu đạt khoảng 35% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội, trong đó nông dân và lao động khu vực phi chính thức tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện chiếm khoảng 1% lực lượng lao động trong độ tuổi. Nhưng trên thực tế, trong hơn 10 năm triển khai thực hiện, số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện rất thấp. Ðến thời điểm này mới chỉ có hơn 240 nghìn người và chủ yếu là những người đã đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, tiếp tục tham gia đủ năm để được hưởng lương hưu. Vì vậy, việc đạt mục tiêu do Nghị quyết số 28-NQ/TW đề ra là rất khó khăn.
Định hướng của Đảng và Nhà nước
Hiến pháp năm 2013 (Điều 34), Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 đã từng bước mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội đối với khu vực phi chính thức (bảo hiểm xã hội tự nguyện). Đặc biệt, Nghị quyết số 15/NQ-TW, ngày 1-6-2012, Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương khóa XI, về Một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012 - 2020 và Nghị quyết số 21/NQ-TW, ngày 22-11-2012, của Bộ Chính trị, về Tăng cường lãnh đạo của Đảng đối với chính sách bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế giai đoạn 2012 - 2020 đã khẳng định quan điểm: “Mở rộng và hoàn thiện chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế có bước đi, lộ trình phù hợp với phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Phát triển hệ thống bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đồng bộ với phát triển các dịch vụ xã hội, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của nhân dân; tạo điều kiện thuận lợi cho mọi người tham gia và thụ hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế”. Các nghị quyết cũng đặt ra mục tiêu cụ thể: Thực hiện có hiệu quả các chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; tăng nhanh diện bao phủ đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, nhất là bảo hiểm xã hội tự nguyện; thực hiện mục tiêu bảo hiểm y tế toàn dân. Phấn đấu đến năm 2020, có khoảng 50% lực lượng lao động tham gia bảo hiểm xã hội, 35% lực lượng lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp; trên 80% dân số tham gia bảo hiểm y tế, đồng thời nêu rõ định hướng sửa đổi chính sách: Mở rộng chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với người tham gia các loại hình bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, nhất là bảo hiểm xã hội tự nguyện cho nông dân, lao động trong khu vực phi chính thức; bảo hiểm y tế cho các đối tượng chính sách, người thuộc hộ gia đình cận nghèo, nông dân, học sinh, sinh viên, đồng bào ở các vùng đặc biệt khó khăn, vùng núi.
Mới đây nhất, Nghị quyết số 28/NQ-TW, ngày 23-5-2018, của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, về Cải cách chính sách bảo hiểm xã hội, đã chủ trương xây dựng hệ thống bảo hiểm xã hội đa tầng - được xem là một trong những cải cách quan trọng nhất, theo đó bảo hiểm xã hội cơ bản bao gồm bảo hiểm xã hội bắt buộc và bảo hiểm xã hội tự nguyện. Bảo hiểm xã hội tự nguyện với các chế độ hưu trí, tử tuất hiện nay từng bước mở rộng sang các chế độ khác dựa trên đóng góp của người lao động không có quan hệ lao động; có sự hỗ trợ phù hợp từ ngân sách nhà nước cho nông dân, người nghèo, người có thu nhập thấp, lao động khu vực phi chính thức để mở rộng diện bao phủ bảo hiểm xã hội; nâng cao ý thức, trách nhiệm của người lao động đối với việc tự bảo đảm an sinh cho bản thân.
Mở rộng diện bao phủ bảo hiểm xã hội theo lộ trình điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu phù hợp từng thời kỳ. Nghị quyết cũng đặt ra mục tiêu cụ thể: Giai đoạn đến năm 2021: Phấn đấu đạt khoảng 35% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội, trong đó nông dân và lao động khu vực phi chính thức tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, chiếm khoảng 1% lực lượng lao động trong độ tuổi; khoảng 28% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm thất nghiệp; có khoảng 45% số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, bảo hiểm xã hội hằng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội. Giai đoạn đến năm 2025: Phấn đấu đạt khoảng 45% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội, trong đó nông dân và lao động khu vực phi chính thức tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, chiếm khoảng 2,5% lực lượng lao động trong độ tuổi; khoảng 35% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm thất nghiệp; có khoảng 55% số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, bảo hiểm xã hội hằng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội; chỉ số đánh giá mức độ hài lòng của người tham gia bảo hiểm xã hộiđạt mức 85%. Giai đoạn đến năm 2030: Phấn đấu đạt khoảng 60% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội, trong đó nông dân và lao động khu vực phi chính thức tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện chiếm khoảng 5% lực lượng lao động trong độ tuổi; khoảng 60% số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, bảo hiểm xã hội hằng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội; chỉ số đánh giá mức độ hài lòng của người tham gia bảo hiểm xã hội đạt mức 90%.
Việc mở rộng chính sách bảo hiểm xã hội đối với lao động khu vực phi chính thức đang là một vấn đề rất được quan tâm hiện nay, không chỉ thể chế hóa các quan điểm của Đảng và Nhà nước về lĩnh vực này, mà còn góp phần bảo đảm an sinh xã hội đối với lao động khu vực phi chính thức.
Kết quả triển khai
Với 18 triệu việc làm năm 2016 và tăng dần qua các năm tiếp theo, quy mô lao động việc làm phi chính thức ở Việt Nam còn rất lớn và chưa có xu hướng giảm. Người lao động trong khu vực phi chính thức thường không có hợp đồng lao động, không có bảo hiểm xã hội, không tham gia công đoàn, không có liên hệ nhiều với các khu vực khác của nền kinh tế và do đó ít được sự bảo vệ của pháp luật lao động và an sinh xã hội. Vì vậy, thực hiện bảo hiểm xã hội cho mọi người lao động nói chung và bản thân người lao động trong khu vực phi chính thức nói riêng được xem vừa là mục tiêu, vừa là giải pháp tích cực góp phần thực hiện công bằng xã hội trong hệ thống các chính sách an sinh xã hội, bảo đảm cho mọi người dân đều được tham gia và hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật.
Điều 34, Hiến pháp năm 2013 đã quy định về quyền an sinh xã hội của công dân, bảo đảm an sinh xã hội cho mọi công dân, tuy nhiên đến nay lao động khu vực phi chính thức vẫn còn nhiều hạn chế trong tiếp cận các chính sách an sinh xã hội, đặc biệt là chính sách bảo hiểm xã hội.
Cẩn phải khẳng định rằng,bảo hiểm xã hội là sự bảo đảm thay thế hoặc bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi họ bị giảm hoặc mất thu nhập do ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, thất nghiệp, hết tuổi lao động hoặc chết, trên cơ sở đóng vào Quỹ Bảo hiểm xã hội. Quá trình triển khai thực hiện pháp luật bảo hiểm xã hội tự nguyện ở Việt Nam cũng đã đạt được một số kết quả nhất định, như số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện không ngừng tăng lên qua các năm, từ trên 6 nghìn người tham gia năm 2008 đến nay đã có trên 231 nghìn người đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện, tổng số thu từ đóng góp 10 năm qua lên trên 6.416 tỷ đồng. Mức đóng góp bình quân năm 2013 là 2,7 triệu đồng/người/năm thì đến nay đã tăng lên trên 5,7 triệu đồng, cho thấy giá trị đóng góp và sự hưởng ứng của người dân đã được tăng lên đáng kể. Số người nghỉ hưu hằng năm tăng nhanh, tính đến năm 2017 đã có trên 35 nghìn người hưởng lương hưu của bảo hiểm xã hội tự nguyện, mức lương hưu bình quân đạt gần 1,9 triệu đồng/người/tháng, bằng 138% so với mức lương cơ sở, cao gấp hơn 3 lần so với trợ cấp giảm nghèo chung cả nước. Ngoài ra, việc người hưởng lương hưu được cấp thẻ bảo hiểm y tế, thanh toán chi phí khám, chữa bệnh đã giúp họ vượt qua khó khăn, rủi ro, bệnh tật khi tuổi cao sức yếu.
Bảo hiểm xã hội tự nguyện bước đầu đáp ứng được nhu cầu bảo đảm các chế độ dài hạn, như hưu trí và tử tuất cho khối lao động thuộc khu vực phi chính thức; công tác quản lý và tổ chức thực hiện cũng đã được chú trọng, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin nhằm bảo đảm tính hiệu quả áp dụng của loại hình bảo hiểm xã hội này.
Tuy nhiên, ở cả hai góc độ quy định của pháp luật và thực tiễn áp dụng bảo hiểm xã hội tự nguyện tại Việt Nam hiện nay còn tồn tại nhiều khó khăn, hạn chế. Số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện chỉ bằng 1,7% so với bảo hiểm xã hội bắt buộc và 2% so với bảo hiểm thất nghiệp và chiếm chưa đầy 0,6% so với lực lượng lao động thuộc diện tham gia, điều này dễ thấy mức độ bao phủ của bảo hiểm xã hội tự nguyện là rất thấp và vẫn còn trên 99% lực lượng lao động chưa tham gia, họ là những đối tượng tiềm năng cần khai thác. Với số thu bình quân mỗi năm đạt trên 642 tỷ đồng, nếu chia đều bình quân cho các tỉnh/thành phố thì mới ở mức 10,2 tỷ/năm, số này là chưa đáng kể so với số nguồn thu bảo hiểm khác và còn rất khiêm tốn. Tốc độ tăng trưởng qua các năm của bảo hiểm xã hội tự nguyện chưa ổn định, số người tham gia tăng nhanh vào các năm 2012 và 2013 lần lượt 38% và 26% nhưng từ năm 2014 trở đi lại giảm dần.
Những khó khăn, hạn chế trên, theo ý kiến nhiều chuyên gia, một mặt, do nhận thức người lao động về bảo hiểm xã hội còn hạn chế; mặt khác, các chế độ bảo hiểm xã hội tự nguyện hiện nay chưa hấp dẫn đối với người lao động và công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật chưa được tiến hành đồng bộ, hiệu quả. Đây là những thách thức trong thực hiện chỉ tiêu kế hoạch của Nhà nước và cơ hội để người dân có lương hưu, chăm sóc y tế khi về già đang trở nên khó khăn.
Chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện đã phát huy tác dụng rõ rệt, số người hưởng lương hưu tăng nhanh qua các năm, bình quân giai đoạn 2014 - 2017 tăng 51%. Với mức lương hưu mà người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện nhận được có tác động trực tiếp đến đời sống của người lao động, giúp họ cải thiện được cuộc sống khi hết tuổi lao động. So sánh với mức sống trung bình cả nước thì lương hưu bình quân đã tác động đến đời sống người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện trong năm 2016 và 2017 tương ứng là 107% và 111%.
Tuy nhiên, trong số 35 nghìn người hưởng chế độ hưu trí hiện nay thì chủ yếu vẫn những người đã đóng bổ sung một vài năm để đủ điều kiện về thời gian để hưởng lương hưu. Như vậy, nếu tính số người tham gia từ đầu để hưởng lương hưu thì chưa có ai được hưởng, do thiếu năm đóng góp hoặc thiếu điều kiện về tuổi đời. Trong khi đó, số người hưởng chế độ bảo hiểm xã hội một lần (bao gồm cả bảo hiểm xã hội tự nguyện và bảo hiểm xã hội bắt buộc) liên tục tăng qua các năm, mỗi năm có trên 600 nghìn người thanh toán bảo hiểm xã hội 1 lần. Điều này cho thấy, số người lao động không muốn tiếp tục đóng góp mà có nhu cầu hưởng chế độ bảo hiểm xã hội 1 lần là rất lớn.
Nguyên nhân và giải pháp khắc phục
Trên cơ sở đánh giá thực trạng diện bao phủ bảo hiểm xã hội ở Việt Nam thời gian vừa qua, các nguyên nhân dẫn đến tốc độ mở rộng diện bao phủ tăng chậm có thể phân nhóm thành các nguyên nhân thuộc về thiết kế chính sách và các nguyên nhân thuộc về tổ chức thực hiện.
Một là, nguyên nhân thuộc về chính sách:
Thứ nhất, Luật Bảo hiểm xã hội chưa bao phủ hết đối tượng có khả năng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc: 1- Chủ hộ kinh doanh không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc. Thực tế nhóm đối tượng này với khoảng trên 5 triệu chủ hộ kinh doanh, trong đó có khoảng 3,7 triệu hộ có đăng ký kinh doanh, tính đến hết 30-9-2016 có khoảng hơn 4.240 chủ hộ kinh doanh đã đăng ký và thực tế cơ quan bảo hiểm xã hội đã tổ chức thu và giải quyết hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội; 2- Người quản lý doanh nghiệp, người quản lý, điều hành hợp tác xã không hưởng tiền lương.
Thứ hai, trong thời gian dài, chúng ta chưa có chính sách hỗ trợ người dân tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện. Theo Luật Bảo hiểm xã hội, kể từ năm 2018 mới có chính sách hỗ trợ người dân tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện từ ngân sách nhà nước, đây cũng là lý do số lượng người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện tăng chậm.
Thứ ba, các quy định về điều kiện được hưởng lương hưu khá khắt khe: Về thời gian, phải tham gia 20 năm mới được được hưởng lương hưu dẫn đến tình trạng nhiều người có thời gian đóng bảo hiểm xã hội dài, thậm chí đến 18-19 năm nhưng vẫn rời khỏi hệ thống, hưởng bảo hiểm xã hội một lần thay vì được hưởng lương hưu.
Thứ tư, chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện chưa thật hấp dẫn do chỉ thực hiện 2 chế độ là hưu trí và tử tuất, trong khi nhiều người dân có nhu cầu tham gia nhiều chế độ hơn nhưng chưa được đáp ứng.
Thứ năm, sự kết nối và hỗ trợ lẫn nhau giữa các chế độ bảo hiểm xã hội còn thiếu. Chẳng hạn, ở nhiều nước, chính sách bảo hiểm thất nghiệp thực sự hỗ trợ cho người lao động không bị rời khỏi hệ thống bảo hiểm xã hội qua các hỗ trợ rất cụ thể. Người lao động ở tuổi trung niên dễ bị sa thải, quỹ bảo hiểm thất nghiệp có thể hỗ trợ một phần tiền lương để doanh nghiệp giảm áp lực về tài chính khi sử dụng lao động có năng suất không cao bằng lao động trẻ; hoặc miễn giảm một phần chi phí đóng bảo hiểm xã hội bằng cách trích từ quỹ bảo hiểm thất nghiệp để đóng thay doanh nghiệp; nhờ đó, doanh nghiệp tiếp tục sử dụng lao động, người lao động tiếp tục có việc làm và tiếp tục nằm trong hệ thống bảo hiểm xã hội, tiếp tục đóng góp cho tăng trưởng. Hệ thống chính sách bảo hiểm xã hội của Việt Nam chưa có các quy định như vậy. Trong bối cảnh lao động từ tuổi 35 trở lên đang có nguy cơ bị sa thải hiện nay thì các chính sách này là hết sức cần thiết.
Hai là, nguyên nhân về tổ chức thực hiện:
Thứ nhất, hình thức giao chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội phù hợp với các địa phương chưa có. Đây không phải là vấn đề dễ dàng bởi vì với tính chất thị trường lao động linh hoạt, sự di chuyển lao động giữa các địa phương rất khác nhau; lao động có quan hệ lao động cần được giao chỉ tiêu theo tỷ lệ tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc; lao động không có quan hệ lao động, thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện cần được giao theo tỷ lệ tăng trưởng. Cách giao chỉ tiêu hiện nay là giao chỉ tiêu tổng thu, giao về mặt tài chính chứ không phải giao về phát triển đối tượng.
Thứ hai, tính tuân thủ pháp luật bảo hiểm xã hội chưa cao: Nhiều đơn vị, doanh nghiệp cố tình trốn đóng, đóng không đủ số người thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Thứ ba, công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội đã được tăng cường nhưng vẫn gặp nhiều khó khăn trong triển khai thực hiện.
Thứ tư, cơ quan bảo hiểm xã hội mặc dù đã tích cực đẩy mạnh hiện đại hóa, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, nhưng quá trình này vẫn đang trong lộ trình hoàn thiện, nên còn một số nội dung chưa đáp ứng được nhu cầu, mong muốn của người lao động.
Để mở rộng diện bao phủ bảo hiểm xã hội, đặc biệt là đối với lao động khu vực phi chính thức, cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để hướng đến cả 2 mục tiêu là phát triển thêm đối tượng mới và duy trì, hạn chế đối tượng đang tham gia rời khỏi hệ thống. Cụ thể:
Một là, giải pháp phát triển các đối tượng tham gia mới sẽ tập trung vào việc rà soát, mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với các nhóm chủ hộ kinh doanh, người quản lý doanh nghiệp, người quản lý, điều hành hợp tác xã không hưởng tiền lương, người lao động làm việc theo chế độ linh hoạt. Nghiên cứu sửa đổi, bổ sung theo hướng tăng tính hấp dẫn, linh hoạt của chế độ bảo hiểm xã hội tự nguyện, như có sự hỗ trợ phù hợp từ ngân sách nhà nước cho nông dân, người nghèo, người có thu nhập thấp, lao động khu vực phi chính thức để mở rộng diện bao phủ bảo hiểm xã hội; nghiên cứu thiết kế các gói bảo hiểm xã hội tự nguyện ngắn hạn linh hoạt để người lao động có nhiều sự lựa chọn tham gia và thụ hưởng.
Hai là, mở rộng các chế độ bảo hiểm xã hội tự nguyện, tạo điều kiện chuyển đổi thuận lợi giữa bảo hiểm xã hội tự nguyện và bảo hiểm xã hội bắt buộc. Sửa đổi điều kiện hưởng chế độ hưu trí theo hướng giảm dần số năm đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu để được hưởng chế độ hưu trí từ 20 năm xuống 15 năm, hướng tới còn 10 năm với mức hưởng được tính toán phù hợp nhằm tạo điều kiện cho người lao động cao tuổi, có số năm tham gia bảo hiểm xã hội thấp được tiếp cận và thụ hưởng quyền lợi bảo hiểm xã hội.
Ba là, đổi mới phương pháp tuyên truyền cho phù hợp với đặc điểm, tính chất đặc thù của từng nhóm đối tượng, vùng, miền; chú trọng, phát huy vai trò của những tổ chức, cá nhân có uy tín trong cộng đồng dân cư để vận động nhân dân tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.
Bốn là, đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, đơn giản hóa các quy trình, thủ tục đăng ký, đóng, hưởng bảo hiểm xã hội, nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ bảo hiểm xã hội theo hướng thân thiện, công khai, minh bạch, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.
Năm là, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người lao động trong việc tiếp cận dịch vụ bảo hiểm xã hội, đặc biệt đối với việc tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện với việc đa dạng các dịch vụ đóng, hưởng thông qua hệ thống dịch vụ viễn thông, dịch vụ ngân hàng...
Sáu là, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra về bảo hiểm xã hội, trong đó tập trung thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm đối với các đơn vị, doanh nghiệp cố tình trốn đóng, nợ đóng bảo hiểm xã hội./.
Thực hiện phát huy dân chủ ở nước ta hiện nay: Thực trạng và giải pháp  (22/10/2019)
Khai mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV  (22/10/2019)
Bài học sâu sắc về công tác cán bộ qua vụ Trịnh Xuân Thanh  (17/09/2019)
Phòng chống nguy cơ "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong Đảng - vấn đề sống còn của Đảng và chế độ ta  (16/09/2019)
Chuyện như đùa ở Hải Dương  (16/09/2019)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Quan điểm và ứng xử của Trung Quốc trước tình hình thế giới mới
- Đóng góp của phụ nữ Việt Nam qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam