Xây dựng nông thôn mới đạt kết quả toàn diện
Cả nước đã huy động được khoảng 269.561 tỷ đồng để thực hiện Chương trình. Trong đó, vốn ngân sách Trung ương: 8.000 tỷ đồng. Vốn ngân sách địa phương: 33.887 tỷ đồng, trong đó, 51 tỉnh nhận hỗ trợ từ ngân sách Trung ương đã bố trí được khoảng 19.528 tỷ đồng. Vốn lồng ghép từ các chương trình, dự án khác là: 38.076 tỷ đồng. Vốn tín dụng: 158.420 tỷ đồng. Vốn doanh nghiệp đóng góp là 12.218 tỷ đồng. Nhân dân và cộng đồng đóng góp 18.959 tỷ đồng.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn dẫn số liệu điều tra của Tổng cục Thống kê cho thấy, từ năm 2011- 2017, cả nước đã hoàn thành một khối lượng đường giao thông gấp hơn 5 lần của giai đoạn 2001-2010, có 99,4% tổng số xã trên cả nước có đường ô tô đến trung tâm xã, đặc biệt ở những địa bàn vùng núi cao, địa hình phức tạp (Hà Giang, Cao Bằng, Yên Bái, Thanh Hóa, Nghệ An...).
Tính chung về tiêu chí giao thông, 4.850 xã đã đạt (54,3%), 7.611 xã đạt tiêu chí thủy lợi (đạt 85,3%), 4.983 xã đạt tiêu chí trường học (đạt 55,8%), 4.681 xã đạt tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa (đạt 52,4%), 6.330 xã đạt tiêu chí nhà ở dân cư (đạt 70,9%)...
Trong tổ chức sản xuất, phát triển kinh tế, các địa phương đã tập trung đầu tư và đã phát triển được khoảng 21.000 mô hình sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao trên diện rộng, dần hình thành được một số vùng sản xuất tập trung theo hướng hàng hóa, trong đó, đã có 744 chuỗi nông sản an toàn.
Qua tổng hợp báo cáo của các địa phương, hiện nay, cả nước có khoảng 4.823 sản phẩm đặc sản cấp xã, huyện có lợi thế, trong đó mới có 1.086 sản phẩm (khoảng 22,52%) có đăng ký/công bố tiêu chuẩn chất lượng; có 695 (14,4%) sản phẩm có đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ.
Tính tới hết năm 2017, cả nước có 62,3% số xã đạt tiêu chí thu nhập, 58,5% số xã đạt chuẩn tiêu chí giảm hộ nghèo, 94,8% số xã đạt tiêu chí lao động có việc làm. Riêng tiêu chí tổ chức sản xuất, cả nước có 71,2% số xã đạt do rà soát lại theo yêu cầu mới của Bộ tiêu chí quốc gia.
Cả nước đã có 4.795 xã đạt tiêu chí môi trường và an toàn thực phẩm (đạt 53,7%); 76,7% số xã đạt tiêu chí văn hóa so với cuối năm 2016.
Tuy nhiên, Bộ Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết khoảng cách chênh lệch về kết quả xây dựng nông thôn mới giữa các vùng, miền còn khá lớn cụ thể: Vùng Đồng bằng sông Hồng có 63,33% số xã đạt chuẩn, Đông Nam Bộ là 63,22%, miền núi phía Bắc chỉ đạt 15,53%, Tây Nguyên 22,5%, Đồng bằng sông Cửu Long 29,43%, Duyên hải Nam Trung Bộ 30,87%.
Vấn đề ô nhiễm môi trường ngày càng có dấu hiệu nghiêm trọng ở một số địa bàn, phức tạp, khó xử lý, trong đó có ô nhiễm nguồn nước ở các tuyến sông, kênh, mương; chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, nông sản trên phạm vi cả nước có tiến bộ nhưng chuyển biến chưa rõ nét vẫn đang là vấn đề nổi lên được xã hội quan tâm.
Nợ đọng xây dựng cơ bản nông thôn mới giảm 70%
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ mức 15.000 tỷ đồng nợ đọng xây dựng cơ bản trong xây dựng nông thôn mới vào đầu năm 2016 thì tới nay, số này đã giảm 70%, chỉ còn hơn 4.900 tỷ đồng. Đến hết tháng 01-2018, toàn quốc có 26/63 tỉnh không nợ đọng xây dựng cơ bản thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Trong đó, năm 2017 có thêm 11 địa phương báo cáo đã xử lý hết nợ. Đến nay, tổng số nợ đọng xây dựng cơ bản còn khoảng 4.943 tỷ đồng (giảm 10.284 tỷ đồng so với thời điểm 31-01-2016; giảm 4.872 tỷ so với thời điểm cùng kỳ năm trước). Một số tỉnh có nợ đọng xây dựng cơ bản lớn, nhưng kết quả xử lý còn chậm, nhất là các địa phương tự cân đối ngân sách như Vĩnh Phúc, Hải Phòng.
Triển khai Đề án “Chương trình Mỗi xã một sản phẩm”
Thực hiện chương trình, nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xác định mục tiêu tới hết năm nay, cả nước có khoảng 39% số xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, tăng khoảng 5% so với năm 2017, có ít nhất có 54 đơn vị cấp huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Bình quân tiêu chí/xã cả nước tăng thêm tối thiểu 0,5 tiêu chí/xã so với năm 2017; giảm số xã đạt dưới 5 tiêu chí xuống dưới 60 xã.
Để đạt được mục tiêu trên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị các bộ, ngành và địa phương thực hiện nghiêm túc phương châm của Ban Chỉ đạo Trung ương: “Chủ động, quyết tâm, sáng tạo, quyết liệt và hiệu quả”; xác định nhiệm vụ tập trung truyền thông về ý nghĩa, tác động của Chương trình xây dựng nông thôn mới; tiếp tục rà soát, tham mưu, đề xuất cấp có thẩm quyền hoàn thiện tất cả các cơ chế, chính sách để thực hiện Chương trình; hướng dẫn và đôn đốc các địa phương triển khai hiệu quả các Đề án xây dựng nông thôn mới đặc thù ở Điện Biên, Lào Cai, Nghệ An...; Đề án thí điểm xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2018-2020 của 4 huyện Hải Hậu, Nam Đàn, Đơn Dương và huyện Xuân Lộc,…
Các bộ, địa phương tiếp tục triển khai có hiệu quả Chương trình khoa học và công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020; ưu tiên thúc đẩy phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, nhất là sản xuất nông nghiệp sạch - an toàn; nhanh chóng tổ chức triển khai Đề án “Chương trình mỗi xã một sản phẩm” giai đoạn 2018 – 2020 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Ngay trong năm 2018, các địa phương tập trung vào hình thành hệ thống quản lý, điều hành Chương trình quốc gia “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), ban hành Bộ tiêu chí và quy trình đánh giá, phân hạng sản phẩm; chủ động lựa chọn ít nhất 1 huyện để chỉ đạo thí điểm...
2 huyện đạt chuẩn nông thôn mới
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ vừa ký quyết định công nhận huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An và huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam đạt chuẩn nông thôn mới năm 2017.
Xuất phát điểm của huyện Nam Đàn khi bắt tay vào xây dựng nông thôn mới khá thấp (năm 2010 chỉ có 03/23 xã đạt 09 tiêu chí; còn lại 20/23 xã mới chỉ đạt từ 02 - 08 tiêu chí). Đến nay, huyện Nam Đàn có 23/23 xã (100%) đã được UBND tỉnh Nghệ An công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.
Từ năm 2011 đến 2017, tổng nguồn lực xây dựng nông thôn mới của huyện Nam Đàn là 1.530,4 tỷ đồng trong đó, ngân sách Trung ương 107,2 tỷ đồng, chiếm 7%; ngân sách tỉnh 145 tỷ đồng, chiếm 9,47%; ngân sách huyện 160 tỷ đồng, chiếm 10,46%; ngân sách xã 193,2 tỷ đồng, chiếm 12,62%; doanh nghiệp hỗ trợ 98,5 tỷ đồng, chiếm 6,45%; nhân dân đóng góp 346,7 tỷ đồng, chiếm 22,65% (trong đó nhân dân đóng góp bằng tiền là 319,8 tỷ đồng; hiến đất 212.355 m2, 28.468 m2 tường rào và 121.093 ngày công, tương ứng 26,9 tỷ đồng); vốn lồng ghép từ các chương trình, dự án trên địa bàn 479,8 tỷ đồng, chiếm 31,35%.
Về phát triển sản xuất, huyện đã tập trung chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi đúng hướng. Trong những năm qua, các xã đã xây dựng được nhiều mô hình sản xuất cho hiệu quả khá cao, như: mô hình bí đỏ tại xã Nam Trung; mô hình rau mầm tại xã Nam Cát; mô hình rau màu tại xã Nam Anh, Nam Xuân; mô hình nuôi dê sinh sản tại các xã Nam Hưng, Nam Thái, Nam Nghĩa, Nam Thượng, Nam Lộc,... Đặc biệt, năm 2017 đã xây dựng được một số mô hình rau theo tiêu chuẩn VietGAP tại các xã Nam Thanh, Vân Diên, Xuân Hòa... Chăn nuôi tiếp tục có bước phát triển khá, ổn định tổng đàn, tăng sản lượng xuất chuồng năm sau cao hơn năm trước, chủ yếu tập trung vào một số loại con vật chính như: bò, dê, lợn, gà... Trên địa bàn huyện có 803 trang trại và gia trại, trong đó có 43 trang trại đạt chuẩn theo quy định; toàn huyện có trên 1.810 ha, trong đó có những mô hình cho hiệu quả tốt, như: mô hình nuôi cá lồng tại xã Nam Lộc, mô hình nuôi cá truyền thống tại xã Nam Tân, Nam Thanh; mô hình ươm nuôi cá giống tại xã Xuân Hòa,....
Do chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực, nên thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn của huyện năm 2017 đạt 36 triệu đồng/người (tăng 18,5 triệu đồng so với năm 2010); tỷ lệ hộ nghèo tại các xã đều dưới 5% và trên địa bàn toàn huyện năm 2017 là 3,16% (giảm 11,44% so với năm 2010).
Huyện Duy Tiên có 16/16 (100%) xã đã được UBND tỉnh Hà Nam công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.
Về phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân trong xây dựng nông thôn mới ở các xã, huyện đã chỉ đạo các xã tích cực chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, cơ cấu mùa vụ, sử dụng các giống mới có năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế cao. Đã hình thành vùng chuyên canh trồng cam, ổi, bưởi tập trung với diện tích trên 100 ha (tại các xã Trác Văn, Chuyên Ngoại, Châu Giang), doanh thu trên 800 triệu đồng/ha/năm. Chăn nuôi phát triển theo hướng chăn nuôi trang trại, gia trại tập trung quy mô vừa và lớn, đảm bảo an toàn dịch bệnh; mô hình sữa tươi hữu cơ của trang trại Mục Đồng tại xã Trác Văn; thuỷ sản tiếp tục phát triển, đã đầu tư hạ tầng khu chăn nuôi thuỷ sản tập trung quy mô 130ha (làm đường, hệ thống điện, trạm bơm, kiên cố hoá kênh tưới tiêu - đưa vào sử dụng từ năm 2016), bước đầu đã phát huy hiệu quả. Giá trị sản xuất ngành nông nghiệp, thủy sản năm 2016 (theo giá so sánh năm 2010) đạt 1.236 tỷ đồng.
16/16 xã trên địa bàn huyện đều có mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản đảm bảo bền vững (như mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ: lúa giống, cam vinh, rau hữu cơ, ổi Trác Văn, nấm ăn, nấm dược liệu, gà móng Tiên Phong, cá lồng trên sông Hồng...). Thu nhập bình quân đầu người của các xã trên địa bàn huyện năm 2017 là 38 triệu đồng/người. Tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn của huyện còn 1,41%.
Xây dựng khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu, vườn mẫu
Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo số 173/TB-VPCP kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ tại Hội nghị toàn quốc triển khai xây dựng mô hình khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu, vườn mẫu.
Xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, quan trọng và có tính chiến lược để thực hiện thành công Nghị quyết 26-NQ/TW của Hội nghị lần thứ 7 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa X về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Đây là chủ trương đúng đắn, hợp lòng dân của Đảng, nhà nước, đã được nhân dân đồng tình và hưởng ứng tích cực. Để tiếp tục đẩy mạnh phong trào xây dựng nông thôn mới, Phó Thủ tướng yêu cầu trong thời gian tới, các bộ, ngành, địa phương liên quan phải đẩy mạnh tuyên truyền vận động, quán triệt nhận thức đối với đội ngũ cán bộ làm công tác xây dựng nông thôn mới các cấp (tỉnh, huyện, xã) và người dân, cộng đồng về mục tiêu, nhiệm vụ, kế hoạch triển khai xây dựng khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu, vườn mẫu trên địa bàn.
Xác định rõ xây dựng nông thôn mới là quá trình liên tục, lâu dài có điểm bắt đầu nhưng không có điểm kết thúc, các xã sau khi đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới cần tiếp tục phấn đấu nâng cao chất lượng các tiêu chí và hướng tới xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu. Vì vậy, việc xây dựng khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu, vườn mẫu sẽ tạo nền tảng quan trọng để hướng tới xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu và huyện nông thôn mới kiểu mẫu, trong đó, cốt lõi là nâng cao vượt bậc đời sống vật chất và tinh thần cho người dân nông thôn.
Đồng thời, xây dựng và ban hành tiêu chí, chỉ tiêu cụ thể xây dựng khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu, vườn mẫu, làm căn cứ để chỉ đạo, thực hiện, xét công nhận mức đạt chuẩn phù hợp với điều kiện thực tiễn và phát huy tối đa lợi thế của địa phương. Trong đó, chú trọng các nội dung liên quan trực tiếp đến chất lượng cuộc sống của người dân, như: việc làm cho người lao động, nâng cao thu nhập, mức hưởng thụ văn hóa của người dân, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của cộng đồng; công tác bảo vệ môi trường, xây dựng cảnh quan sáng - xanh - sạch - đẹp; xây dựng mối quan hệ tình làng, nghĩa xóm tốt đẹp; công tác đảm bảo an toàn an ninh trật tự ở khu dân cư nông thôn...
Phó Thủ tướng yêu cầu khi triển khai xây dựng khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu phải lấy vai trò của cộng đồng dân cư là chính, phải để cộng đồng dân cư tự bàn bạc, thống nhất lựa chọn lĩnh vực phù hợp, là điểm mạnh của cộng đồng để phấn đấu trở thành kiểu mẫu; Nhà nước chỉ là người hướng dẫn, hỗ trợ, đưa ra các tiêu chí phù hợp để xét, công nhận và công bố. Xây dựng khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu là nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân nông thôn, tạo dựng mối quan hệ đoàn kết, gắn bó tình làng nghĩa xóm, sẵn sàng giúp đỡ, sẻ chia lẫn nhau. Vì vậy, khi triển khai thực hiện nội dung này, cơ quan quản lý Nhà nước các cấp cần phối hợp chặt chẽ với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội các cấp để tuyên truyền, vận động, tổ chức cho người dân tham gia. Tuyệt đối không vì thành tích mà huy động quá sức dân, phải để người dân thực sự tự nguyện, tự mình chung tay, góp sức xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu.
Chủ động phát động cuộc thi khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu, vườn mẫu và định kỳ hằng năm tổ chức khen thưởng cá nhân tiêu biểu, tôn vinh các tổ chức kinh tế hợp tác (tổ hợp tác, hợp tác xã), doanh nghiệp có đóng góp tích cực, hiệu quả cho xây dựng khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu, vườn mẫu trên địa bàn./.
Thông báo Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XII  (12/05/2018)
Bế mạc Hội nghị lần thứ 7, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XII  (12/05/2018)
Bộ trưởng Ngoại giao Cộng hòa Liên bang Brazil thăm chính thức Việt Nam  (12/05/2018)
Phê duyệt Đề án ứng dụng công nghệ thông tin - truyền thông trong Hệ thống thống kê nhà nước giai đoạn 2017 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030  (12/05/2018)
Xung lực mới cho sự nghiệp đổi mới đồng bộ và toàn diện  (12/05/2018)
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Quan điểm và ứng xử của Trung Quốc trước tình hình thế giới mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên