Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và vấn đề cung, cầu lao động của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020

ThS. Bùi Kiến Thường, ThS. Phạm Thị Thúy Trường Chính trị tỉnh Hà Nam
21:19, ngày 31-01-2018
TCCSĐT - Loài người đang bước vào kỷ nguyên của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (hay còn gọi là cách mạng 4.0) với những tác động được dự báo là nhanh, mạnh và rộng khắp chưa từng có trong lịch sử. Từ cuộc cách mạng lần này, vấn đề lao động và việc làm ở Việt Nam được dự báo sẽ có sự biến động lớn.
Từ những tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0

Loài người từng trải qua ba cuộc cách mạng công nghiệp: Cách mạng công nghiệp lần thứ nhất bắt đầu từ năm 1760 (mở đầu từ nước Anh), hoàn thành vào những năm 30, 40 của thế kỷ XIX, mở ra cho nhân loại kỷ nguyên sản xuất cơ khí. Cách mạng công nghiệp lần thứ hai bắt đầu từ cuối thế kỷ XIX đến giữa thế kỷ XX với đặc trưng cơ bản là điện khí hóa. Cách mạng công nghiệp lần thứ ba từ thập kỷ 70 của thế kỷ XX đến đầu thế kỷ XXI với đặc trưng cơ bản là tự động hóa, được thúc đẩy bởi siêu máy tính, máy tính cá nhân và Internet. Hiện nay, nhân loại đang bước vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư với những tiền đề trong bối cảnh khoa học, công nghệ phát triển mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực như trí tuệ nhân tạo, công nghệ người máy, Internet kết nối vạn vật, công nghệ in ba chiều (3D), công nghệ Nano, công nghệ sinh học, vật liệu mới… thể hiện tập trung ở một số lĩnh vực:

Thứ nhất, công nghệ cảm biến cực nhạy dựa trên cơ sở vật liệu Nano điện tử và sinh học điện tử, có khả năng biến đổi những tín hiệu tác động vô cùng yếu thành tín hiệu điện như sóng tư duy, bức xạ hồng ngoại cực yếu…

Thứ hai, trí tuệ nhân tạo có khả năng giải mã, phân tích khối lượng thông tin cực lớn, với tốc độ cực nhanh, kể cả các thông tin trực cảm, sóng tư duy, xúc cảm.

Thứ ba, siêu máy tính quang tử sử dụng các quang tử ánh sáng thay vì sử dụng tín hiệu điện tử trong các máy tính điện tử, có tốc độ tính toán cực nhanh, với khả năng lưu trữ thông tin vượt xa các máy tính điện tử thông thường.

Thứ tư, công nghệ chế tạo vật liệu từ các nguyên tử.

Thứ năm, mạng Internet kết nối vạn vật (IoT) có độ linh hoạt cao trong sản xuất, có khả năng đáp ứng nhanh chóng nhu cầu của người tiêu dùng bằng cách tự động hóa điều chỉnh thiết kế và dây chuyền công nghệ sản xuất, sử dụng hệ máy tính có trí tuệ nhân tạo cho phép xây dựng các nhà máy và xí nghiệp thông minh. Với Internet vạn vật , các hệ thống vật lý không gian ảo tương tác với nhau và với con người theo thời gian thực.

Thứ sáu, công nghệ 3D mở ra thời kỳ của nhiều loại vật liệu mới có những tính năng đặc biệt, vừa nhẹ hơn, bền hơn, vừa có thể tái chế và dễ thích ứng. Đã xuất hiện loại vật liệu thông minh có thể tự hồi phục hoặc tự làm sạch, các kim loại có khả năng khôi phục hình dạng ban đầu, gốm sứ và pha lê biến áp lực thành năng lượng …

Thứ bảy, các nguồn năng lượng tái sinh (năng lượng mặt trời, năng lượng gió, năng lượng thủy triều, năng lượng địa nhiệt).

Thứ tám, thành tựu mới trong sinh học phân tử, sinh học tổng hợp và di truyền học, với sự hỗ trợ của những phương tiện hiện đại, giúp giải mã nhanh các hệ gen, tìm hiểu sâu về mật mã di truyền, có thể chỉnh sửa mã gen để chữa các bệnh di truyền, tạo ra giống cây trồng mới trong nông nghiệp có những tính năng thích hợp với tình trạng hạn hán, đất nhiễm mặn hoặc chống sâu bệnh…

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư có những đặc điểm cơ bản:

Một là,
cách mạng công nghiệp lần thứ tư phát triển với tốc độ cấp số nhân, làm biến đổi nền công nghiệp ở mọi quốc gia. Bề rộng và chiều sâu của những thay đổi này tạo nên sự biến đổi trong toàn bộ hệ thống sản xuất, quản lý và quản trị.

Hai là, cách mạng công nghiệp lần thứ tư dựa trên cơ sở nhà máy sản xuất và chế tạo thông minh, trong đó nhu cầu của thị trường và người tiêu dùng được đáp ứng một cách nhanh chóng, kịp thời, chính xác, thậm chí tới từng cá nhân.

Ba là, cách mạng công nghiệp lần thứ tư không chỉ tạo ra “môi trường cộng sinh” giữa người và robot mà còn tạo ra “môi trường cộng sinh” giữa thế giới ảo và thế giới thực, đó là sự “cộng sinh” giữa trí tuệ sáng tạo của con người và những sản phẩm trí tuệ nhân tạo trên phạm vi rộng lớn và có tính phổ quát.

Bốn là, tạo ra kỷ nguyên mới trong công nghệ robot. Công nghệ robot thâm nhập sâu vào nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội và sản xuất, thay con người trong dây chuyền sản xuất như lắp ráp ô tô, sản xuất thuốc chữa bệnh, tham gia vào quá trình tự động hóa trong các nhà máy cũng như trên đồng ruộng, chăm sóc người bệnh…

Năm là, mở ra kỷ nguyên chuyển từ công nghệ loại trừ dần đi vật liệu thừa từ phôi ban đầu để thu được sản phẩm như mong muốn sang công nghệ chế tạo theo từng nguyên tử vật chất nên loại bỏ hoàn toàn phế liệu trong quá trình sản xuất. Công nghệ 3D mở ra kỷ nguyên có nhiều loại vật liệu mới có khả năng đặc biệt, nhẹ hơn, bền hơn, có thể tái chế và dễ thích ứng.

Sáu là,
theo dự báo của chuyên gia quốc tế, công nghệ cảm biến sẽ mở ra kỷ nguyên mới trong các dịch vụ: Khoảng giữa thập niên thứ ba của thế kỷ này, 10% dân số sẽ mặc quần áo kết nối với internet,; 10% mắt kính kết nối với Internet; sử dụng điện thoại di động cấy ghép vào người; 30% kiểm toán ở công ty được thực hiện bằng trí tuệ nhân tạo.

Bảy là,
cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang đẩy nhanh tiến độ phát triển mới trong lĩnh vực quân sự, trong đó phổ biến các vũ khí trang bị thông minh sử dụng trí tuệ nhân tạo và sử dụng phương thức tác chiến lấy mạng làm trung tâm. Cách mạng công nghiệp lần thứ tư không chỉ làm thay đổi diện mạo đời sống xã hội mà còn làm thay đổi căn bản phương thức hoạt động trong lĩnh vực quân sự.

Những biến động nhanh chóng và to lớn của cách mạng khoa học - công nghệ với những đặc điểm đặc trưng của kỷ nguyên công nghệ mới tác động mạnh mẽ đến cung, cầu lao động trong các loại hình doanh nghiệp sản xuất, dịch vụ trên thế giới trong đó có Việt Nam.

Đến vấn đề cung, cầu nhân lực của các doanh nhiệp ở Việt Nam


Quá trình vận động của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư sẽ làm thay đổi cấu trúc thị trường lao động. Việc ứng dụng những thành tựu của cuộc Cách mạng này, một mặt sẽ tạo ra việc làm mới thay thế ở những lĩnh vực đòi hỏi chuyên môn kỹ thuật cao; mặt khác, tỷ lệ thất nghiệp ngày càng gia tăng, vì vậy, việc làm, thu nhập của người lao động sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Nguy cơ lớn hơn là tỷ lệ thất nghiệp cao tiềm ẩn những bất ổn chính trị-xã hội, thậm chí dẫn đến những biến động chính trị.

Quá trình robot hóa sẽ dẫn tới tình trạng mất việc làm nghiêm trọng đối với người lao động. Các việc làm có nguy cơ bị loại bỏ hoặc giảm mạnh như: Các công việc lặp đi, lặp lại; các giao dịch mà nhân viên không cần bằng cấp, chỉ dựa trên quy trình như các giao dịch tài chính… Theo các chuyên gia của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF), các nghề có nguy cơ mất việc làm cao nhất gồm: công nhân nhà máy (44%); nhân viên thu ngân (40%); tài xế taxi (20%); nhân viên chăm sóc khách hàng (18%); phi công (16%). Trong khi đó, có rất ít việc làm khó thay thế bằng robot. Theo WEF, các công việc ít bị thay thế bằng robot như: Bác sĩ, y tá (3%); luật sư (4%); nhà báo (5%); nhà nghiên cứu (6%); nông dân (11%) (1).

Tại Diễn đàn kinh tế thế giới các chuyên gia cũng đưa ra dự báo: Đến năm 2020 sẽ có 7,1 triệu lao động trên thế giới bị mất việc làm do những biến động đột phá của thị trường lao động. Tổ chức lao động quốc tế (ILO) cho thấy, trong hai thập niên tới (thập niên thứ ba và thứ tư của thế kỷ XXI) khoảng 56% số người lao động tại 5 quốc gia Đông Nam Á (trong đó có Việt Nam), có nguy cơ mất việc do bị thay thế bởi công nghệ, đặc biệt các ngành dệt may, da giầy, lắp ráp điện tử, chế biến thủy sản, dịch vụ bán lẻ… Cụ thể hơn, ILO cảnh báo trong 10 năm tới, 70% số việc làm ở Việt Nam có rủi ro cao, 18% có rủi ro trung bình và 12% có rủi ro thấp (2).

Theo số liệu thống kê, lực lượng lao động cả nước năm 2008 có 48,34 triệu người (chiếm 70% dân số), trong đó trong độ tuổi lao động là 44,17 triệu người (chiếm 91,4%); lực lượng lao động Việt Nam có cơ cấu trẻ, nhóm tuổi 15-34 là 20,97 triệu người (chiếm 43,4%). Tốc độ tăng lực lượng lao động hàng năm giảm dần (năm 2005: 2,26%, năm 2007: 2%, năm 2008: 1,65%), mỗi năm lực lượng lao động được bổ sung khoảng 1 triệu người. Trong khi đó, năm 2008, cả nước có trên 4,145 triệu cơ sở kinh tế, hành chính, sự nghiệp, thu hút gần 17 triệu lao động vào làm việc, trong đó có gần 3,935 triệu cơ sở thuộc khu vực sản xuất kinh doanh, chiếm tỷ trọng 94,9%. Số doanh nghiệp đăng ký kinh doanh có 300 nghìn (trong đó có trên 200 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động). So với năm 2002, số lượng cơ sở tăng nhanh ở tất cả các loại hình, ngành kinh tế, trong đó tăng nhiều nhất là ở các ngành, lĩnh vực như: kinh doanh bất động sản tăng 426,2%; sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng tăng 343%, thông tin truyền thông tăng 318,6%; hoạt động tài chính và ngân hàng, bảo hiểm tăng 248,9%. Hằng năm các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh thu hút thêm lao động vào làm việc từ 1,2 đến 1,5 triệu người.

Theo bản tin thị trường lao động Việt Nam, lực lượng lao động cả nước quý 1-2016 là 54,40 triệu người, quý 2 là 54,36 triệu người, quý 3 là 54,44 triệu người và quý 4 là 54,56 triệu người. Tỷ lệ qua đào tạo có bằng, chứng chỉ các quý 1, 2, 3, 4 năm 2016 tương ứng là 20,71; 20,62; 21,50; 21,39. Trong quý 1-2017, lực lượng lao động cả nước là 54,51 triệu người, tỷ lệ qua đào tạo là 21,52. Theo số liệu thống kê cho thấy, tỷ lệ lao động khu vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản giảm nhanh hơn các quý trước, tỷ lệ lao động làm công hưởng lương tiếp tục tăng, tỷ lệ thất nghiệp của nhóm có trình độ đại học trở lên giảm.

Cũng theo báo cáo thị trường lao động quý 1-2017 cho thấy, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên qua đào tạo có bằng/chứng chỉ từ 3 tháng trở lên là 11,73 triệu, tăng 460 nghìn người (4,08%)so với quý 1-2016, nhóm trung cấp tăng cao (6,53%), nhóm cao đẳng (4,24%), nhóm sơ cấp nghề (3,11%) và nhóm đại học, trên đại học (2,98%). Tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng/chứng chỉ từ 3 tháng trở lên quý 1-2017 chiếm 21,52% lực lượng lao động, tăng 0,13 điểm phần trăm so với quý 4-2016 và 0,81 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước.

Chuyển dịch cơ cấu lao động trong quý 1-2017 cho thấy: ngành nông, lâm, thủy sản là 40,5%, giảm 1,04 điểm % so với quý 4-2016; tỷ trọng việc làm ngành công nghiệp-xây dựng tăng 0,44 điểm % so với quý 4-2016 và 0,77 điểm % so với cùng kỳ năm trước. Thống kê cũng cho thấy số người có việc làm tăng mạnh ở một số ngành công nghiệp chế biến, chế tạo (213 nghìn người), giáo dục-đào tạo, bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy (đều ở mức 104 nghìn người) và giảm mạnh ở ngành nông, lâm, thủy sản (573 nghìn người), hoạt động trợ giúp xã hội (46 nghìn người), xây dựng, hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm (33 nghìn người).

Và những khó khăn mà các doanh nghiệp Việt Nam phải đối mặt

Theo số liệu mà các chuyên gia đưa ra, tỷ lệ thất nghiệp ở Việt Nam trầm trọng hơn ở các nước phát triển, bởi vì hiện nay lợi thế lao động giá rẻ không còn nữa, trong khi Việt Nam đang trong thời kỳ dân số vàng, lực lượng lao động hiện nay hơn 53 triệu người, mỗi năm lại tăng thêm khoảng 1,5 triệu lao động, do vậy sức ép việc làm rất lớn. Đại bộ phận lao động Việt Nam trình độ thấp, chưa được đào tạo chuyên môn, kỹ thuật (81,9% năm 2015).

Báo cáo Thương mại điện tử năm 2015 của Việt Nam cho thấy: 24% doanh nghiệp cho biết gặp khó khăn trong tuyển dụng nhân sự có kỹ năng công nghệ thông tin và chuyên môn đào tạo. Kết quả khảo sát trong 3 năm gần đây cho thấy tỷ lệ này có chiều hướng giảm, từ 29% năm 2013 xuống còn 24% năm 2015 nhưng vẫn cho thấy nguồn nhân lực hiện tại chưa đáp ứng nhu cầu sản xuất kinh doanh trong bối cảnh mới. Nhiều doanh nghiệp hoạt động tại Việt Nam chủ yếu là để tận dụng nguồn lao động dồi dào, chi phí thấp, do vậy, việc ứng dụng tự động hóa, công nghệ thông tin vào sản xuất, quản lý doanh nghiệp chưa được các doanh nghiệp quan tâm đúng mức, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs).

Tháng 7-2016, Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) công bố báo cáo, trong đó đánh giá 70% người lao động Việt Nam thuộc một số ngành nghề sẽ bị mất việc làm khi nền công nghiệp 4.0 được triển khai; riêng với ngành dệt may, con số này là 86%. Thực trạng các yếu tố quan trọng cho việc phát triển Cách mạng công nghiệp 4.0 ở Việt Nam là rất yếu, mới chỉ bắt đầu tạo lập một số yếu tố và phạm vi hoạt động chưa kết nối rộng, chủ yếu tập trung vào một số lĩnh vực phục vụ tiêu dùng. Những thách thức lớn về tạo nền tảng cho công nghệ hiện đại như nền tảng của các kết nối và ứng dụng thiết bị thông minh, nguồn nhân lực công nghệ thông tin đáp ứng cho yêu cầu phát triển lĩnh vực này thiếu trầm trọng. Dự báo đến năm 2020 sẽ thiếu 100.000 ứng viên ngành công nghệ thông tin, số lượng ứng viên đáp ứng yêu cầu sử dụng mỗi năm chỉ tăng 8% trong khi đó nhu cầu phải tăng 40% (4).

Hội nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC), theo ILO có đến 50% doanh nghiệp các nước lo ngại về tình trạng thiếu hụt lực lượng lao động phù hợp với hội nhập AEC. Tại Việt Nam, chất lượng lao động còn hạn chế trên các mặt:

Một là, về chất lượng, năng suất và cơ cấu lao động. Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, nếu lấy thang điểm 10 thì chất lượng nhân lực của Việt Nam chỉ đứng thứ 11/12 nước được xếp hạng (đạt 3,79 điểm so với 6,91 điểm của Hàn Quốc, 5,76 điểm của Ấn Độ, 5,59 của Ma-lai-xi-a và Thái Lan là 4,94 điểm). Ngay trong các nước AEC, tuy tốc độ tăng khá cao nhưng năng suất lao động của Việt Nam vẫn thuộc nhóm thấp.

Ở khu vực TPP, năng suất lao động của Việt Nam cũng thuộc nhóm thấp: chỉ bằng 1/15 của Singapore, 1/11 của Nhật Bản, 1/6 của Malaisia và 1/3 của Thái Lan hoặc Trung Quốc. Đặc biệt, từ sau khủng hoảng kinh tế thế giới năm 2008, tốc độ tăng năng suất trung bình của Việt Nam chỉ còn 3,9%/năm (so với hơn 5% thời kỳ trước đó).

Hai là, về trình độ chuyên môn và tay nghề. Việt Nam còn thiếu nhiều lao động lành nghề, nhân lực qua đào tạo chưa đáp ứng được nhu cầu của các doanh nghiệp ở trong nước, nhất là các doanh nghiệp FDI. Tay nghề và các kỹ năng mềm khác của lao động đang là vấn đề bức bách nhất trong quá trình hội nhập của Việt Nam hiện nay. Đặc biệt, các doanh nghiệp đầu tư vào các khu công nghệ cao hiện nay càng gặp nhiều khó khăn khi tuyển dụng nhân lực cả số lượng và chất lượng theo yêu cầu của doanh nghiệp. Tuy hằng năm có nhiều kỹ sư, cử nhân ra trường nhưng số đáp ứng yêu cầu công việc là rất khiêm tốn (theo đánh giá chỉ khoảng trên 10%). Trong khi đó, tình trạng chảy máu nhân lực chất lượng cao cũng rất đáng lưu tâm khi hằng năm có nhiều sinh viên giỏi ở lại hay tìm ra nước ngoài sau khi du học hoặc tốt nghiệp trong nước.

Ba là, về trình độ ngoại ngữ và tin học.
Theo tổ chức thực hiện thi IELTS, thí sinh Việt Nam chỉ đạt điểm trung bình là 5,78/9 điểm so với 5,97 của Indonesia, 6,53 của Philipine và 6,64 của Malaisia. Thực tế, trình độ ngoại ngữ của lao động có tay nghề, có trình độ chuyên môn đang là rào cản lớn trong hội nhập. Lực lượng lao động qua đào tạo và tay nghề cao lại thông thạo ngoại ngữ và tin học là yếu tố chính để nâng cao sức cạnh tranh và hội nhập hiệu quả của doanh nghiệp Việt Nam trong thời gian tới.

Những hạn chế của nguồn nhân lực của doanh nghiệp Việt Nam có nhiều nguyên nhân, trong đó chủ yếu là công tác đào tạo của hệ thống giáo dục quốc dân và đào tạo tại doanh nghiệp. Từ đó, giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trước hết thuộc về Nhà nước trong việc nâng cao nhận thức về giáo dục và đào tạo nghề nghiệp; đổi mới thể chế, chính sách và hoàn thiện hệ thống pháp luật về giáo dục và đào tạo nghề; khuyến khích đẩy mạnh xã hội hóa. Ngoài ra còn là trách nhiệm của các cơ sở giáo dục và đào tạo nghề; của doanh nghiệp và đặc biệt là của bản thân người lao động.

Một thách thức không nhỏ với Việt Nam là lực lượng lao động đông nhưng trình độ, kỹ năng thấp đang trở thành bất lợi đối với sự phát triển của quốc gia trong giai đoạn Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, thậm chí là cản trở không nhỏ cho phát triển vì trong sự phát triển đó phải tiếp tục dành một nguồn lực để giải quyết việc làm cho đối tượng lao động này. Trong các vấn đề đặt ra trước sự hiện hữu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, vấn đề nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là nhân tố quan trọng trong thực hiện cuộc Cách mạng này, trước hết là nhân lực chất lượng cao trong các lĩnh vực như công nghệ thông tin, tự động hóa, điện tử viễn thông…Vì vậy, tập trung đào tạo nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao là nhiệm vụ cấp thiết./.
----------------------
Tài liệu tham khảo:

1. WEF: The Futur of Jobs: Employment, Skills and WorkForce Strategy For the Fourth Industrial Revolution - Global challenge Report, January 2016

2. ILO: ASEAN in transformation: How techlology is changing jobs and enterprises, 7-2016 (rủi ro cao có sắc xuất bị thay thế trên 70%; rủi ro trung bình có sắc xuất bị thay thế từ 30 - 70%; rủi ro)

3. Bản tin cập nhật thị trường lao động Việt Nam số 13, quý 1-2017

4. Ban Tuyên giáo Trung ương: Tài liệu nghiên cứu Nghị quyết Hội nghị lầnthứ sáu Ban Chấp hành Trung ương khóa XI, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2013, tr.200