Sự kiện trong nước nổi bật tuần qua (từ ngày 22 đến ngày 28 tháng 01 năm 2018)
Thủ tướng mong báo chí cách mạng luôn tạo niềm tin cho nhân dân
Chiều tối 22-01, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có cuộc gặp mặt lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam và lãnh đạo các cơ quan thông tấn, báo chí.
Cùng dự có đồng chí Võ Văn Thưởng, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; đồng chí Thuận Hữu, Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân; đồng chí Mai Tiến Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Người phát ngôn của Chính phủ; đồng chí Trương Minh Tuấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng là lãnh đạo các cơ quan thông tấn, báo chí, phát thanh và truyền hình; Tổng Giám đốc, Tổng Biên tập một số cơ quan thông tấn, báo chí.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ sự cảm ơn chân thành nhất đối với sự đóng góp trực tiếp, to lớn, nhiều mặt của báo chí cách mạng Việt Nam trong một năm qua đối với các kết quả mà Chính phủ đạt được.
Thủ tướng cho rằng, niềm tin của nhân dân có được chính là nhờ sự đóng góp của báo chí mà “niềm tin của nhân dân quyết định rất lớn đến vận mệnh đất nước cũng như thực hiện đường lối chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước”. Thủ tướng tin tưởng báo chí cách mạng luôn tạo niềm tin cho nhân dân, nhất là trong bối cảnh cạnh tranh thông tin rất lớn từ mạng xã hội và mong muốn xây dựng niềm tin mạnh mẽ hơn về một đất nước Việt Nam phát triển với tốc độ cao hơn, lớn mạnh hơn.
Chủ tịch Quốc hội dự Hội nghị thường trực Hội đồng Nhân dân các tỉnh Bắc Trung Bộ
Sáng 23-01, tại thành phố Thanh Hóa, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã tham dự Hội nghị thường trực Hội đồng nhân dân các tỉnh Bắc Trung Bộ lần thứ ba, nhiệm kỳ 2016 - 2021, với chủ đề “Đổi mới, nâng cao chất lượng kỳ họp Hội đồng nhân dân tỉnh”.
Cùng tham dự có Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu; Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải; Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh; đại diện một số Ủy ban của Quốc hội, Bộ Nội Vụ và đại diện Đoàn đại biểu Hội đồng nhân dân các tỉnh Bắc Trung Bộ, gồm: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế.
Sau khi nghe 6 báo cáo chuyên đề, thảo luận của các đoàn đại biểu, thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân ghi nhận và chúc mừng những kết quả, thành tích mà Hội đồng Nhân dân các tỉnh, thành phố khu vực Bắc Trung Bộ đã đạt được trong thời gian qua.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, khu vực Bắc Trung Bộ có vị trí đặc biệt quan trọng, có nhiều lợi thế để phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy, hải sản… Việc phát triển kinh tế - xã hội của từng tỉnh không chỉ có ý nghĩa đối với khu vực mà còn góp phần vào thành tựu chung của đất nước.
Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, việc tiếp tục cụ thể hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước đòi hỏi Hội đồng Nhân dân các cấp phải tiếp tục đổi mới, sáng tạo trong tổ chức và hoạt động để hoàn thành nhiệm vụ mà nhân dân giao phó, làm tốt chức năng của cơ quan dân cử.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, Luật Tổ chức Chính quyền địa phương đã quy định cụ thể về quy trình, thủ tục, cách thức tiến hành kỳ họp, đây là cơ sở pháp lý quan trọng để Hội đồng nhân dân các cấp căn cứ và tổ chức kỳ họp.
Chủ tịch Quốc hội nhận xét, qua các tham luận cũng như ý kiến phát biểu của các đại biểu cho thấy, việc tổ chức kỳ họp của Hội đồng Nhân dân các cấp ở nhiều địa phương thời gian qua đã có nhiều đổi mới, cải tiến, tiết kiệm và hiệu quả. Bên cạnh những kết quả đạt được, việc tổ chức kỳ họp của Hội đồng Nhân dân các tỉnh cũng còn không ít tồn tại, hạn chế, vướng mắc.
Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, Kỳ họp Hội đồng Nhân dân là hình thức hoạt động quan trọng nhất của cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, là nơi quyết định những vấn đề cốt yếu, liên quan đến phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, nâng cao đời sống của nhân dân… Do đó, cần chú trọng đến chất lượng, hiệu quả trong tổ chức kỳ họp ở tất cả các khâu. Việc tổ chức các Kỳ họp Hội đồng Nhân dân cần đổi mới, sát với tình hình thực tế ở địa phương, nhưng phải bám sát quy định của Luật, bảo đảm đúng quy trình, thủ tục.
Thanh Hóa cần rút kinh nghiệm sâu sắc về công tác cán bộ
Chiều 23-01, tại thành phố Thanh Hóa, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa về tình hình hai năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng Bộ tỉnh lần thứ XVIII và nhiệm vụ giải pháp chủ yếu giai đoạn 2016 - 2020.
Phát biểu ý kiến tại buổi làm việc, Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao những nỗ lực của Đảng Bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Thanh Hóa trong việc thực hiện các nhiệm vụ đề ra. Trong cơ cấu các ngành kinh tế tại Thanh Hóa, khu vực công nghiệp - xây dựng chuyển động theo hướng tích cực, hiện chiếm 42,4%, dịch vụ chiếm 39,3%, tỷ trọng ngành nông, lâm, thủy sản là 14,2%. Thanh Hóa đã hình thành một số ngành công nghiệp quy mô lớn ximăng, mía đường, sản xuất vật liệu xây dựng, điện, lọc hóa dầu. Năm 2017, ngành du lịch tỉnh đón 7 triệu lượt khách.
Ghi nhận công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị tại Thanh Hóa có nhiều đổi mới, chuyển biến tích cực, Chủ tịch Quốc hội lưu ý Thanh Hóa cần rút kinh nghiệm sâu sắc về công tác cán bộ qua vụ việc kỷ luật cán bộ vừa qua.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh bước vào năm thứ ba thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng Bộ tỉnh, Tỉnh ủy Thanh Hóa cần tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện hơn, tạo không khí mới để năm 2018 lãnh đạo triển khai hoàn thành xuất sắc kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà, giữ vững an ninh - chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn, góp phần củng cố niềm tin trong nhân dân; thực hiện các Nghị quyết các Nghị quyết của Trung ương, nhất là Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Chủ tịch Quốc hội đánh giá hoạt động tích cực của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa, Hội đồng nhân dân tỉnh đạt nhiều kết quả khả quan. Chất lượng hoạt động ngày càng nâng lên, đáp ứng nguyện vọng, yêu cầu của nhân dân. Theo Chủ tịch Quốc hội, những hạn chế, khó khăn thách thức hiện nay của tỉnh tập trung vào chất lượng tăng trưởng, khả năng cạnh tranh và kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội chưa đồng Bộ. Cụ thể ngay trong Khu kinh tế Nghi Sơn - một trong tám Khu kinh tế ven biển trọng điểm của cả nước vẫn còn chưa hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội để đáp ứng nhu cầu phát triển trong thời gian tới.
Văn phòng Chủ tịch nước cần tích cực ứng dụng văn phòng điện tử
Ngày 23-01, tại Phủ Chủ tịch, Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức Hội nghị cán bộ, công chức, tổng kết công tác năm 2017, triển khai nhiệm vụ năm 2018. Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh; lãnh đạo Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chính phủ; đại biểu một số ban, ngành Trung ương, cùng toàn thể cán bộ, công chức, người lao động Văn phòng Chủ tịch nước dự Hội nghị.
Năm 2017, trên cương vị là người đứng đầu Nhà nước, thay mặt nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam về đối nội và đối ngoại, Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước đã triển khai nhiều hoạt động quan trọng do Bộ Chính trị, Ban Bí thư phân công, thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Hiến pháp và pháp luật.
Tập thể lãnh đạo, cán bộ, người lao động Văn phòng Chủ tịch nước đã phát huy truyền thống đoàn kết, khắc phục khó khăn, nêu cao tinh thần trách nhiệm, chủ động nghiên cứu, tham mưu, phục vụ Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước thực hiện chương trình công tác của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư; tham mưu, phục vụ trong các lĩnh vực lập pháp, hành pháp, tư pháp, quốc phòng, an ninh, đối ngoại. Cùng đó, Văn phòng Chủ tịch nước chú trọng kiện toàn công tác tổ chức - hành chính, quản trị - tài vụ; tổ chức các phong trào thi đua và hoạt động của các đoàn thể.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhấn mạnh, trong bối cảnh tình hình chung của năm 2017, khối lượng công việc của Văn phòng Chủ tịch nước tiếp tục tăng, nhiều nhiệm vụ rất nặng nề trong bối cảnh khó khăn về nhân lực, cơ sở vật chất, như công tác chuẩn bị Năm APEC 2017, trọng tâm là Tuần lễ Cấp cao APEC mà Văn phòng Chủ tịch nước là một trong những đơn vị tham mưu trực tiếp.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang đánh giá cao Văn phòng Chủ tịch nước đã tiếp tục chủ động phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chính phủ trong công tác nắm, phân tích, dự báo tình hình, tham mưu cho lãnh đạo cấp cao trong công tác điều hành, chỉ đạo, xử lý các vấn đề quan trọng liên quan đến phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh - quốc phòng; ghi nhận sự hiệu quả trong công tác phối hợp triển khai cơ chế họp định kỳ, hội ý lãnh đạo chủ chốt hàng tháng, qua đó giúp việc lãnh đạo cấp cao hệ thống lại những công việc điều hành, chỉ đạo.
Đồng tình với phương hướng nhiệm vụ năm 2018 của Văn phòng Chủ tịch nước, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đề nghị Văn phòng Chủ tịch nước tiếp tục nâng cao chất lượng công tác tổng hợp, nghiên cứu, tham mưu chiến lược, cũng như trong việc triển khai thực hiện tốt các đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật có liên quan đến trách nhiệm của Văn phòng Chủ tịch nước.
Để thực hiện tốt các nhiệm vụ, Chủ tịch nước yêu cầu Văn phòng Chủ tịch nước phải năng động, chủ động nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu, tham mưu, tiếp tục phát huy hiệu quả phối hợp với các Văn phòng Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân làm việc tại Hà Tĩnh
Sáng 24-01-2018, tại tỉnh Hà Tĩnh, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Đoàn công tác; Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Hà Tĩnh Lê Đình Sơn; Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh Đặng Quốc Khánh đã tới thăm, tặng quà và chúc Tết một số gia đình chính sách, hộ nghèo tại xã Thạch Hải, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh.
Tại Nhà văn hóa thôn Thượng Hải, xã Thạch Hải, huyện Thạch Hà, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch Quốc hội gửi tới nhân dân trong thôn những tình cảm thân thiết, lời thăm hỏi ân cần, chúc bà con đón Tết Mậu Tuất 2018 vui tươi, đầm ấm và sum vầy.
Chủ tịch Quốc hội ghi nhận kiến nghị của chính quyền và người dân địa phương về việc ngừng dự án mỏ sắt Thạch Khê trên địa bàn.Khẳng định thế mạnh phát triển du lịch biển của địa phương, Chủ tịch Quốc hội mong muốn bà con trên địa bàn tin tưởng chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, cùng chung sức, đồng lòng với chính quyền địa phương vượt qua khó khăn, đẩy mạnh sản xuất dần nâng cao mức sống.
Hướng tới kỷ niệm 88 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (03-02-1930 - 03-02-2018) và chuẩn bị đón Tết cổ truyền của dân tộc, sáng cùng ngày, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Đoàn công tác của đã đến dâng hoa, dâng hương tại Nhà bia tưởng niệm Thanh niên xung phong toàn quốc và Khu mộ 10 nữ Anh hùng liệt sỹ thanh niên xung phong trong Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc.
Trong không khí trang nghiêm, thành kính, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và các thành viên trong đoàn đã dâng hoa, thắp nén hương thơm kính cẩn nghiêng mình bày tỏ lòng thương tiếc khôn nguôi, sự biết ơn vô hạn trước những hy sinh anh dũng của các Anh hùng liệt sỹ, của các nữ thanh niên xung phong vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc.
Chủ tịch Quốc hội chúc Tết cán bộ, nhân dân biên giới Hà Giang
Sáng 27-01, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã dự lễ chào cờ tại Cột cờ Lũng Cú, xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn, Hà Giang - điểm cực Bắc, nơi địa đầu thiêng liêng của Tổ quốc.
Cùng tham dự lễ chào cờ có các Ủy viên Trung ương Đảng: Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn; Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc; Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Hà Ngọc Chiến; Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang Triệu Tài Vinh; Thượng tướng Lê Chiêm, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; Trung tướng Hoàng Xuân Chiến, Tư lệnh Bộ đội biên phòng. Cùng tham dự có: Trung tướng Đỗ Căn, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị; Thiếu tướng Phùng Sỹ Tấn, Tư lệnh Quân khu II, đại diện các bộ, ban ngành Trung ương và địa phương.
Tại Đồn biên phòng Lũng Cú, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân trao quà Tết và chúc các cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Lũng Cú, đồng bào xã Ma Lé, Lũng Cú, Lũng Táo, huyện Đồng Văn nói chung những tình cảm thân thiết, lời thăm hỏi ân cần, lời chúc đón Tết vui tươi, phấn khởi nhân dịp Xuân Mậu Tuất 2018.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh các cán bộ, chiến sĩ Đồn biên phòng Lũng Cú chủ động phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào các dân tộc, nhất là các gia đình chính sách, các hộ nghèo, bảo đảm 100% các hộ trong địa bàn được đón Tết vui vẻ, đầm ấm và hạnh phúc; các cán bộ, chiến sĩ không chỉ là những người lính bảo vệ biên cương mà còn là những thầy thuốc, người thầy giáo quân hàm xanh mang tri thức đến với bản làng biên cương.
Trao quà Tết tặng xã Ma Lé và xã Lũng Cú, cùng 30 hộ chính sách, hộ nghèo đồng bào các xã vùng biên giới, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước gửi tới đồng bào lời thăm hỏi ân cần, chúc bà con đón Tết vui tươi và đầm ấm. Chủ tịch Quốc hội vui mừng nhận thấy, dù vẫn còn gặp nhiều khó khăn nhưng đồng bào các dân tộc hai xã biên giới đã động viên con em tới lớp, tới trường; tập trung phát triển sản xuất, dần nâng cao đời sống. Chủ tịch Quốc hội mong muốn bà con sẽ luôn là những công dân gương mẫu trong thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, ủng hộ chủ trương của các cấp ủy, chính quyền địa phương, cùng chung sức sản xuất, nâng cao đời sống, phát triển kinh tế vùng biên vững mạnh.
Phó Thủ tướng dự họp mặt học sinh miền Nam các trường trên đất Bắc
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình và gần 2.000 thầy cô cùng các thế hệ học sinh miền Nam đã tham dự buổi gặp mặt.
Năm 1954, ngay sau khi hiệp định Geneva được ký kết, hòa bình được lập lại ở miền Bắc, Bác Hồ và Trung ương Đảng đã chủ trương thành lập một hệ thống trường học miền Nam trên đất Bắc. Đây là những trường dành riêng cho các em nhỏ miền Nam (từ 4, 5 đến 16, 17 tuổi) là con em cán bộ, bộ đội, các gia đình chính sách được các địa phương ở miền Nam lựa chọn gửi ra học tập, chuẩn bị cho sự nghiệp cách mạng miền Nam và xây dựng đất nước sau này.
Tuy chỉ tồn tại 21 năm (1954 - 1975) nhưng khi kết thúc nhiệm vụ lịch sử, các trường học sinh miền Nam trên đất Bắc đã mang lại những kết quả to lớn trong việc đào tạo nên những ‘hạt giống đỏ’ của miền Nam phục vụ cho đất nước.
Theo Phó Thủ tướng, 64 năm trước, với tầm nhìn sáng suốt của Bác Hồ và Trung ương Đảng, từ năm 1954 đến 1958, đã có 28 trường học sinh miền Nam được thành lập, với các loại hình từ mẫu giáo đến cấp I, II, III và bổ túc văn hóa. Sau năm 1964, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ngày càng trở nên ác liệt, Đảng, Chính phủ và Bác Hồ đã quyết định tiếp tục đưa thêm con em cán bộ, chiến sĩ và đồng bào miền Nam ra miền Bắc để đào tạo. Những năm tháng đó, đã có trên 32.000 học sinh miền Nam sống và học tập dưới những mái trường trên đất Bắc.
Và sau khi thống nhất đất nước, hầu hết các ‘hạt giống đỏ’ được gieo trồng trên đất Bắc về lại miền Nam, trở thành lực lượng nòng cốt góp phần quan trọng vào xây dựng, củng cố chính quyền cách mạng. Nhiều người trở thành cán bộ cấp cao của Đảng, Nhà nước, nhà khoa học, nhà giáo, nghệ sĩ, doanh nhân có uy tín.
Khẳng định sự sáng suốt, tầm nhìn chiến lược của Đảng và Bác Hồ, Phó Thủ tướng Thường trực cho rằng các trường học sinh miền Nam mặc dù đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình, song những bài học và kinh nghiệm vẫn còn nguyên giá trị đối với công tác đào tạo, bồi dưỡng và chuẩn bị nguồn cán bộ cho sự nghiệp cách mạng của Đảng trong thời kỳ mới.
Chủ tịch Quốc hội làm việc tại Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng Hà Giang
Tiếp tục chuyến thăm và làm việc tại Hà Giang, sáng 28-01, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Đoàn công tác đã tới thăm, làm việc tại Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Hà Giang.
Qua hai ngày tham gia các hoạt động chương trình “Xuân biên phòng ấm lòng dân bản” được tổ chức tại Hà Giang và đến thăm, chúc tết Đồn biên phòng Lũng Cú, Đồn biên phòng cửa khẩu quốc tế Thanh Thủy và qua nghe báo cáo, phát biểu ý kiến, Chủ tịch Quốc hội đánh giá rất cao sự cố gắng nỗ lực của tập thể Đảng ủy, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh và toàn thể cán bộ chiến sỹ Bộ đội Biên phòng tỉnh Hà Giang trong thực hiện các nhiệm vụ công tác thời gian qua.
Nói chuyện với cán bộ, chiến sỹ biên phòng, Chủ tịch Quốc hội đã chia sẻ sự xúc động, lòng tự hào dân tộc khi tham dự lễ chào cờ tại Cột cờ Lũng Cú, xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn - điểm cực Bắc, nơi địa đầu thiêng liêng của Tổ quốc; về nhân chứng lịch sử - nhà thơ Hùng Đình Quý khi còn là Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Đồng Văn là người đã đưa ra ý tưởng cắm một cột cờ bằng cây sa mộc cao 12m trên đỉnh núi Rồng, nay là Cột cờ Lũng Cú, trở thành điểm đến của nhiều du khách trong và ngoài nước.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh Hà Giang là tỉnh biên giới phía Tây Bắc của Tổ quốc, có đường biên giới dài hơn 277km với 34 xã, thị trấn biên giới, đời sống của đồng bào còn rất nhiều khó khăn nhưng cấp ủy, chính quyền địa phương Hà Giang đã cụ thể hóa chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước, bộ đội biên phòng, công an địa phương, các cơ quan chức năng, ban ngành đoàn thể, các thành viên của Mặt trận Tổ quốc đã phối hợp nhịp nhàng, góp phần từng bước ổn định và nâng cao, cải thiện đời sống nhân dân các xã vùng biên giới của Hà Giang.
Chủ tịch Quốc hội biểu dương trong thời gian qua, các cán bộ, chiến sỹ đã tích cực, chủ động tham gia có hiệu quả vào việc củng cố cơ sở chính trị, góp phần phát triển kinh tế-xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở khu vực viên giới, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức mạnh chiến đấu của các chi bộ cơ sở; tham gia có hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới trong điều kiện địa bàn các xã biên giới còn nhiều khó khăn, Cuộc vận động “Bộ đội Biên phòng chung tay vì người nghèo, không để ai bỏ lại phía sau.” Đặc biệt là chương trình "Nâng bước em đến trường" và nhiều việc làm thiết thực, có ý nghĩa khác đã và đang triển khai, được cấp ủy và nhân dân các dân tộc trong tỉnh ghi nhận và đánh giá cao.
Nhân dịp này, Chủ tịch Quốc hội lưu ý các lãnh đạo Bộ Chỉ huy biên phòng một số tỉnh biên giới, từ cách làm của Hà Giang cần triển khai tốt chương trình "Xuân biên phòng ấm lòng dân bản" năm 2018 trên địa bàn địa phương.
Đánh giá cao các chương trình mà lực lượng biên phòng đã có sáng kiến và tổ chức thực hiện đạt hiệu quả nhiều năm qua, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu cán bộ chiến sỹ tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được; thực hiện nghiêm túc công tác sẵn sàng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, tập trung chăm lo đời sống vật chất tinh thần cho bộ đội, quan tâm động viên các cán bộ, chiến sỹ ở lại làm nhiệm vụ trực Tết để cán bộ, chiến sỹ yên tâm công tác, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; chủ động phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương chăm lo đời sống vật chất tinh thần cho đồng bào các dân tộc, nhất là các gia đình chính sách, các hộ nghèo, bảo đảm 100% các hộ trong địa bàn đều được đón tết vui vẻ, đầm ấm và hạnh phúc.
Chủ tịch Quốc hội thăm và làm việc tại Bộ Tư lệnh Quân khu 2
Ngày 28-01, tại thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Đoàn công tác đã tới thăm, làm việc tại Bộ Tư lệnh Quân khu 2.
Sau khi nghe báo cáo của Thiếu tướng Phùng Sỹ Tấn, Tư lệnh Quân khu 2, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá cao sự lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện của Đảng ủy Bộ Tư lệnh Quân khu 2 và sự cố gắng nỗ lực vượt qua mọi khó khăn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao của toàn thể cán bộ, chiến sỹ lực lượng vũ trang Quân khu 2.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh Quân khu 2 có vị trí chiến lược quan trọng nằm ở phía Bắc và Tây bắc của Tổ quốc, là địa bàn miền núi, có tuyến đường biên giới dài trên 1.300km, với 34 dân tộc anh em sinh sống. Tuy đời sống của nhân dân trên địa bàn và cán bộ chiến sỹ lực lượng vũ trang Quân khu đã được cải thiện, song vẫn còn nhiều khó khăn. Thiên tai, bão lũ, lũ ống, lũ quét diễn ra bất thường gây thiệt hại nặng nề cho nhân dân và lực lượng vũ trang.
"Với tinh thần và trách nhiệm của người lính "Bộ đội cụ Hồ," các cán bộ chiến sỹ đã vượt qua khó khăn thử thách, luôn đoàn kết, thống nhất tập trung lãnh đạo, chỉ đạo hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị, không ngừng nâng cao chất lượng tổng hợp, trình độ khả năng sẵn sàng chiến đấu của Lực lượng vũ trang quân khu lên một bước mới, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, biên giới Quốc gia, giữ vững ổn định an ninh, chính trị trên địa bàn, tạo điều kiện thuận lợi để các địa phương đẩy nhanh phát triển kinh tế xã hội," Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Ghi nhận và biểu dương các cán bộ chiến sỹ trong quân khu đã tích cực, chủ động tham gia có hiệu quả vào việc củng cố cơ sở chính trị, góp phần phát triển kinh tế xã hội, xóa đói giảm nghèo, củng cố quốc phòng, an ninh, khắc phục hậu quả thiên tai xảy ra trên địa bàn, Chủ tịch Quốc hội bày tỏ vui mừng vì hình ảnh "Bộ đội cụ Hồ" của cán bộ chiến sỹ lực lượng vũ trang Quân khu 2 luôn tỏa sáng, được cấp ủy, nhân dân các dân tộc Tây Bắc ghi nhận, đánh giá cao. Cùng với đó, công tác đối ngoại quân sự của Quân khu đạt được nhiều kết quả toàn diện...
Chủ tịch Quốc hội đề nghị Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu 2 tiếp tục phát huy những thành tích đã đạt được, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị triển khai thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị; tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc công tác sẵn sàng chiến đấu, làm tốt mọi công tác chuẩn bị cho ra quân huấn luyện và thực hiện tốt công tác tuyển quân…
Chủ tịch Quốc hội lưu ý các cán bộ, chiến sỹ Quân khu 2 trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới tổ chức vui xuân, đón Tết với phương châm vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm, sẵn sàng chiến đấu cao; tập trung chăm lo đời sống vật chất tinh thần cho bộ đội, quan tâm động viên các cán bộ, chiến sỹ ở lại làm nhiệm vụ trực Tết; chủ động phối hợp với cấp ủy, chính quyền các địa phương thăm hỏi, tặng quà, chăm lo cho các gia đình chính sách, người có công và gia đình bị thiệt hại nặng nề do lũ ống, lũ quét xảy ra trên địa bàn trong năm 2017 vừa qua, đảm bảo cho nhân dân các dân tộc trên địa bàn đều được đón Tết vui vẻ, đầm ấm...
Nhân dịp chuẩn bị đón Tết nguyên đán, Chủ tịch Quốc hội đã tặng quà Tết và chúc mừng năm mới cán bộ, chiến sỹ lực lượng vũ trang Quân khu 2, Bộ Chỉ huy quân sự Phú Thọ, Lữ đoàn 297 và Lữ đoàn 604.
Thủ tướng Chính phủ gặp mặt Đội tuyển U23 Việt Nam
Sau hơn 5 tiếng bị hoãn, đến 19h ngày 28-01, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc có cuộc gặp mặt các thành viên của đội U23 Việt Nam và HLV trưởng Park Hang-seo sau khi đội có một hành trình dài trên các tuyến phố Hà Nội. Tham dự buổi gặp mặt còn có Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến.
Thủ tướng bày tỏ: Tôi đã chờ đợi ở đây hơn 5 tiếng đồng hồ. Chưa bao giờ có sự chờ đợi lâu như thế đối với một Thủ tướng nhưng cũng chưa bao giờ có niềm vui lớn như thế bởi vì cuộc chờ đợi này là hòa với niềm vui của nhân dân cả nước, đặc biệt là nhân dân Thủ đô Hà Nội. Tôi hiểu các em và các bạn rất đói và mệt. Tôi tin rằng với niềm vui này thì đang đói cũng vui. Chúc buổi gặp mặt đầy ý nghĩa, ít có khi Việt Nam vào chung kết giải U23 châu Á.
Tại buổi gặp, Trưởng đoàn U23 phát biểu, báo cáo về quá trình thi đấu tại giải U23 châu Á và Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng công bố các quyết định khen thưởng.
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng đã trao Huân chương Lao động hạng Nhất cho đội tuyển bóng đá U23 Việt Nam, Huân chương Lao động hạng Ba cho huấn luyện viên Park Hang-seo, thủ môn Bùi Tiến Dũng và tiền vệ Nguyễn Quang Hải.
Tiếp đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trao Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho các thành viên Đội tuyển U23 Việt Nam.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến trao bằng khen của Ủy ban cho các cầu thủ là người dân tộc là Bùi Tiến Dũng, Bùi Tiến Dụng và Hà Đức Chinh.
Đội tuyển đã tặng Thủ tướng quả bóng và chiếc áo có chữ ký của toàn bộ các cầu thủ U23 Việt Nam.
Kết thúc cuộc gặp mặt, Thủ tướng chia sẻ: Hôm nay, đất trời như bừng sáng, muôn triệu trái tim Việt Nam, cả nước Việt Nam hòa một niềm vui reo ca tưng bừng đón chào đội tuyển U23 Việt Nam mà người dân Việt Nam gọi là các chiến chiến binh sân cỏ Việt Nam đã đồng tâm tận lực, quật cường, làm sáng lên niềm tự hào Việt Nam - Hồ Chí Minh. Làm thắm đỏ màu cờ rực sáng, ánh sao vàng của lá cờ Tổ quốc thân yêu trên đấu trường thể thao Châu Á.
Châu Phi nỗ lực hành động để hình thành thị trường chung  (30/01/2018)
Đối thoại chính trị, an ninh, quốc phòng Việt Nam - Hoa Kỳ lần thứ 9  (30/01/2018)
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh tiếp Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao Nhật Bản  (30/01/2018)
Chủ tịch nước thăm và chúc Tết cán bộ, chiến sỹ Quân đoàn 4  (30/01/2018)
- Bảo tồn các di sản văn hóa vật thể trước thách thức của biến đổi khí hậu ở thành phố Cần Thơ hiện nay
- Tự chủ chiến lược dưới tác động của các vấn đề an ninh phi truyền thống tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
- Xây dựng nền văn hóa Việt Nam ngày càng bền vững, tiến bộ, bản sắc, tương xứng với trình độ phát triển kinh tế - xã hội hiện nay theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 2)
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay