Hoạt động chào mừng Đại hội đại biểu toàn quốc Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh lần thứ XI
Triển lãm Đoàn Thanh niên Cộng sản - "Tự hào truyền thống, vững bước tương lai"
Các đại biểu tham quan triển lãm.
Sáng 10-12, tại Trung tâm Hội nghị quốc gia (Hà Nội), trong khuôn khổ chương trình Đại hội đại biểu toàn quốc Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2017-2022, đã diễn ra lễ khai mạc triển lãm “Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh - Tự hào truyền thống, vững bước tương lai.”
Tham dự và thực hiện nghi thức khai mạc triển lãm có đồng chí Lê Quốc Phong, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư thứ Nhất Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam, Trưởng ban Tổ chức Đại hội cùng đông đảo đại biểu thanh niên ưu tú trên khắp mọi miền đất nước.
Triển lãm được tổ chức trang trọng góp phần thể hiện lời tri ân của thế hệ trẻ hôm nay đối với các thế hệ cha anh; tuyên truyền, giáo dục truyền thống yêu nước, lý tưởng cách mạng cho thế hệ trẻ; bồi đắp niềm tin, lý tưởng của thanh niên vào con đường mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân đã lựa chọn; qua đó cổ vũ thanh niên phát huy tinh thần xung kích, tình nguyện, sáng tạo xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn hiện nay.
Được trưng bày từ ngày 08 đến 14-12 tại Trung tâm Hội nghị quốc gia - nơi tổ chức Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XI, triển lãm gồm hơn 500 hình ảnh, tài liệu, hiện vật tiêu biểu qua các thời kỳ lịch sử và 10 kỳ Đại hội của Đoàn.
Triển lãm gồm hai phần lớn: "Thế hệ anh hùng, chiến thắng vẻ vang" và "Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh qua các kỳ Đại hội"; được bố cục thành các khu vực với nhiều chủ đề: Đoàn Thanh niên qua các kỳ Đại hội; Thế hệ anh hùng - Chiến thắng vẻ vang; Chủ tịch Hồ Chí Minh với thế hệ trẻ Việt Nam; Tuổi trẻ Việt Nam học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh đồng hành với thanh niên lập thân, lập nghiệp; Phong trào Xung kích, tình nguyện phát triển kinh tế-xã hội và bảo vệ Tổ quốc; Phong trào Sáng tạo trẻ.
Các hình ảnh, hiện vật tại triển lãm thể hiện nội dung khái quát lịch sử ra đời, cống hiến, trưởng thành của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và các thế hệ thanh niên Việt Nam; khắc họa vai trò của tổ chức Đoàn; đóng góp quan trọng của lớp lớp thanh niên vào quá trình xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; những kết quả nổi bật đạt được của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh trong nhiệm kỳ 2012-2017.
Triển lãm được thực hiện với hình thức đổi mới, hiện đại, trải đều trong các không gian của Trung tâm Hội nghị quốc gia, sử dụng công nghệ mới như khu vực triển lãm về Đại hội Đoàn qua các thời kỳ bằng thực tế ảo, ứng dụng công nghệ thông tin nhằm tăng sự tương tác với đại biểu.
Đặc biệt, tại không gian về tuổi trẻ sáng tạo, các đại biểu có thể trải nghiệm, tương tác, khám phá thành tựu khoa học kỹ thuật và xem các mô hình, sản phẩm nghiên cứu khoa học, sản phẩm sáng tạo trẻ của thanh niên…
Cuộc thi “Thủ lĩnh Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tại Nga năm 2017”
Một tiết mục văn nghệ tham gia phần thi Tài năng.
Thực hiện Chương trình công tác Đoàn và phong trào thanh niên năm và hướng tới Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XI, tối 09-12, Ban Cán sự Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tại Liên bang Nga đã tổ chức cuộc thi “Thủ lĩnh Đoàn tại Liên bang Nga 2017” tại Hội trường trường Đại học Nghiên cứu Công nghệ Quốc gia “MISiS.”
Với nội dung chính: “Tuổi trẻ Việt Nam tại Liên bang Nga tiên phong, gương mẫu, đoàn kết, sáng tạo, phát triển, hướng về Tổ quốc”, cuộc thi quy tụ được đại diện của tất cả các cụm Chi đoàn tại thủ đô Moskva, trở thành một sân chơi sôi nổi và hữu ích đối với các đoàn viên, sinh viên Việt Nam theo học tại các trường Đại học ở Nga.
Tham dự với tư cách ban Giám khảo cuộc thi có lãnh đạo Phòng Công tác lưu học sinh, Đại sứ quán Việt Nam, Hội Người Việt, Ban Cán sự Đoàn. Đồng chí Phạm Đức Vinh, Phó Bí thư Đảng ủy tại Liên bang Nga, đến dự và cổ vũ cuộc thi.
Phát biểu khai mạc, ông Lê Anh Duy, Bí thư Ban cán sự Đoàn tại Liên bang Nga, Trưởng ban chỉ đạo cuộc thi nhấn mạnh tiếp nối các hoạt động thể thao mùa Hè vừa qua, cuộc thi này khởi đầu cho một năm hoạt động thanh niên và sinh viên trong năm 2018 đang đến rất gần.
Đặc biệt, những hoạt động giao lưu sôi nổi còn có ý nghĩa động viên tất cả các đoàn viên bước vào mùa thi hiệu quả.
Cuộc thi dành cho 5 cụm chi đoàn đại diện cho các đoàn viên đang học tập tại 30 trường đại học ở Moskva bao gồm 4 phần: “Tôi là ai,” “Thủ lĩnh sáng tạo,” “Thủ lĩnh tài năng,” “Thủ lĩnh thông thái.”
Trong đó các đoàn viên có cơ hội thể hiện khả năng của mình qua hình thức đa dạng: từ thuyết trình trước đám đông, khả năng sáng tạo, làm chủ công nghệ mới, biểu diễn nghệ thuật, và tất nhiên, không thể thiếu các kiến thức về tổ chức Đoàn.
Các phần thi của từng đội được xây dựng xuyên suốt theo chủ đề lựa chọn từ gợi ý của Ban tổ chức, ví dụ: Hành trình tuổi trẻ ngoài nước vì biển đảo quê hương; Du học sinh với việc giữ gìn và quảng bá truyền thống văn hóa dân tộc; Thanh niên và mạng xã hội ngày nay; Thanh niên và mùa Hè xanh; Đồng hành với thanh niên trong học tập...
Bạn Lê Hồng Nhung, Bí thư Chi đoàn trường Nông nghiệp Liên bang Nga, thành viên Ban tổ chức cuộc thi cho biết tập hợp được các đoàn viên trên địa bàn rộng lớn như Moskva không phải việc đơn giản, vì vậy các bạn tham dự cuộc chơi đều nỗ lực hết mình để giao lưu, học hỏi, trau dồi các kiến thức về Đoàn Thanh niên Cộng sản. Các đề án đưa ra thi tài đều phải có tính khả thi từ 95 đến 100%.
Dù mang tên là cuộc thi thủ lĩnh Đoàn, song mỗi phần thi đều là kết quả làm việc tập thể, là đóng góp của các đoàn viên trong chi đoàn. Cuộc thi giữa những người trẻ không chỉ diễn ra trên sân khấu, mà còn lan tỏa đến các cổ động viên.
Đánh giá phần thi không chỉ có ban giám khảo mà còn qua sự cổ vũ của chính các sinh viên. Phần giao lưu giữa các cán bộ Đoàn và đoàn viên đã thực sự tạo ra sự kết nối, sự lên tiếng và lắng nghe đúng tinh thần hoạt động Đoàn.
Kết thúc cuộc thi, đề án “Vòng tay Việt Nga” của cụm chi đoàn số ba với chủ đề xây đắp tình hữu nghị Nga-Việt với những hành động cụ thể và thiết thực như quyên góp “Mỗi ngày một rúp” gây quỹ hoạt động, đã giành được số điểm cao nhất. Ngoài ra, Ban giám khảo cũng trao một giải Nhì, một giải Ba và một giải Khuyến khích cùng giấy khen của Ban cán sự Đoàn.
Dẫu học tập xa Tổ quốc với những điều kiện không dễ dàng như ở trong nước, song sức trẻ và tinh thần học hỏi cùng cảm nhận giá trị nhân văn, tự hào và phát huy truyền thống lịch sử đã là nét đẹp chân thành và nhiệt huyết được lan tỏa từ các đoàn viên Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, đội ngũ trí thức tương lai đang học tập tại Liên bang Nga.
Mô hình tổ hợp tác sản xuất trong thanh niên
Hơn 13 năm gắn bó với công tác đoàn, anh Nguyễn Hoàng Mỹ (sinh năm 1983), Bí thư đoàn xã Tân Long, huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long đã dẫn dắt phong trào thanh niên tại địa phương từng bước phát triển. Một trong những sáng kiến tâm huyết của anh là tập hợp thanh niên thành lập nên các tổ hợp tác sản xuất, góp phần tạo việc làm ổn định và mang lại thu nhập khá cho thanh niên địa phương.
Năm 2011, xuất phát từ những hiểu biết và đam mê của bản thân đối với nghề chăm sóc hoa kiểng, anh Nguyễn Hoàng Mỹ đã vận động 7 thanh niên chí thú làm ăn trên địa bàn để thành lập tổ hợp tác chăm sóc hoa kiểng thuê. Sau 6 tháng làm thuê, các thành viên trong tổ nhận thấy nhu cầu cây kiểng trên thị trường còn khá lớn nên bàn bạc, thống nhất trồng những loại cây có giá trị cao để bán. Bên cạnh nguồn vốn tích lũy do chăm sóc hoa kiểng thuê, nhóm đã mạnh dạn vay thêm 120 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Vĩnh Long để mở rộng đầu tư kinh doanh. Đến nay, diện tích cây kiểng của các thành viên trong tổ đã mở rộng được 2 ha, trồng trên 5.000 cây kiểng các loại với nguồn tiêu thụ khá ổn định từ các thị trường hoa kiểng lớn như Cái Mơn (tỉnh Bến Tre), Sa Đéc (tỉnh Đồng Tháp). Nhờ đó mà thu nhập của các thành viên trong tổ từng bước ổn định, hàng năm thu trên 2 tỷ đồng từ các hoạt động.
Hiện nay hoạt động của tổ hợp tác chăm sóc hoa kiểng đã tạo việc làm cho hơn 30 thanh niên địa phương, trong đó có 14 người là lao động thường xuyên. Qua thời gian tham gia, nhiều thanh niên đã có nguồn thu nhập ổn định, lâu dài, xây dựng nhà cửa khang trang. Anh Đỗ Văn Trí (ngụ xã Tân Long) cho biết, anh đã tham gia tổ hợp tác chăm sóc cây kiểng từ những ngày đầu thành lập. Dù bản thân không có vốn để đầu tư trồng cây kiểng như các thành viên khác nhưng thu nhập từ nghề chăm sóc hoa kiểng cũng đảm bảo được đời sống hàng ngày của gia đình. Anh Trí chia sẻ, trước đây anh theo phụ các ghe bơm cát, thu nhập cũng khá nhưng công việc rất nặng nhọc, lại xa gia đình. Từ ngày anh Mỹ tạo điều kiện để tham gia vào tổ hợp tác, vừa chăm sóc vườn kiểng của anh, vừa cùng các thành viên khác đi chăm sóc kiểng thuê nên thu nhập khá hơn. Bản thân anh cũng đam mê nên quyết định sẽ đeo đuổi nghề chăm sóc kiểng này để ngày càng nâng cao tay nghề, được nhiều khách hàng thuê làm việc, từ đó có thu nhập và phát triển kinh tế gia đình.
Không chỉ phát triển mô hình tổ hợp tác chăm sóc cây kiểng, anh Mỹ còn linh hoạt nắm bắt nhu cầu tại địa phương và các nguồn vốn hỗ trợ, từ đó tập hợp thanh niên thành lập các tổ hợp tác sản xuất như: tổ chăn nuôi, tổ trồng lúa và sản xuất lúa giống trên cánh đồng mẫu do thanh niên làm nòng cốt. Bên cạnh đó, anh tăng cường học hỏi khoa học kỹ thuật để chuyển giao cho các thành viên tổ hợp tác. Anh Mỹ cho biết, trước nay, vấn đề tập hợp thanh niên nông thôn vào tổ sản xuất luôn gặp nhiều khó khăn do thiếu vốn, thiếu kỹ thuật, thiếu sự quyết tâm làm giàu. Chính vì thế, khi thành lập tổ hợp tác, điều quan trọng là tìm được những thanh niên có cùng sở thích ở một lĩnh vực, cùng chí thú làm ăn và tận dụng được các nguồn hỗ trợ thì mới duy trì được hiệu quả. Theo anh Mỹ, thời gian tới anh tiếp tục vận động thanh niên để mở rộng và nâng cao chất lượng hoạt động của tổ, tăng thêm ngành nghề đầu tư, tìm thêm đầu ra cho các sản phẩm. Ngoài ra, với vai trò là Bí thư đoàn, anh tiếp tục đề xuất thành lập các tổ hợp tác mới, phù hợp với nhu cầu tại địa phương, đề xuất các ngành chức năng hỗ trợ vốn, kỹ thuật cho thanh niên, giúp họ có thêm điều kiện tham gia vào các tổ hợp tác, tích cực lao động sản xuất để phát triển kinh tế.
Phó Bí thư Tỉnh Đoàn Vĩnh Long Bùi Văn Chiều cho biết, thời gian qua, các mô hình tổ hợp tác sản xuất trong thanh niên tại xã Tân Long đã phát huy hiệu quả khá tốt và đi vào chiều sâu. Không chỉ tập hợp được một số lượng ổn định thanh niên tham gia vào tổ hợp tác, bản thân anh Nguyễn Hoàng Mỹ cũng nhiệt tình, tâm huyết, thể hiện được vai trò người đứng đầu nên đã duy trì và phát triển được mô hình trong nhiều năm. Thông qua mô hình, không ít thanh niên đã tìm thấy được niềm đam mê, chí thú làm ăn, từ đó theo đuổi hoạt động của tổ, góp phần phát triển kinh tế của bản thân, gia đình. Hiện nay, do việc tập hợp thanh niên trên địa bàn tỉnh tham gia vào các tổ hợp tác sản xuất còn gặp nhiều khó khăn nên định hướng sắp tới, Tỉnh Đoàn Vĩnh Long tiếp tục rà soát lại và tìm các mô hình hiệu quả tương tự như mô hình tổ hợp tác chăm sóc hoa kiểng để đầu tư nhân rộng. Đồng thời, Tỉnh Đoàn sẽ có những điều chỉnh trong quá trình phát triển các mô hình để đảm bảo phù hợp với đặc điểm từng địa phương, tập hợp được đúng các đối tượng thanh niên chí thú làm ăn, có niềm đam mê làm giàu nhằm đẩy mạnh hơn nữa phong trào phát triển kinh tế trong thanh niên./.
Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XI bắt đầu ngày làm việc đầu tiên  (10/12/2017)
Trung Quốc sẽ tiến hành tổng điều tra kinh tế toàn quốc lần thứ tư  (10/12/2017)
Hát Xoan: Từ bảo vệ khẩn cấp đến di sản phi vật thể của nhân loại  (10/12/2017)
Thu hẹp chênh lệch tiền lương giữa khối hành chính và doanh nghiệp  (09/12/2017)
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về phát triển nông nghiệp và sự vận dụng của Đảng đối với vấn đề bảo đảm an ninh lương thực ở Việt Nam hiện nay
- Công an nhân dân tu dưỡng, rèn luyện, quyết tâm thực hiện lời căn dặn “Danh dự là điều thiêng liêng, cao quý nhất” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
- Chính sách đối ngoại đa phương của nước Mỹ tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
- Nâng cao chất lượng quản lý đảng viên ở ngoài nước trong giai đoạn mới: Thực trạng và giải pháp
- Xây dựng huyện đảo Trường Sa trở thành trung tâm kinh tế - xã hội trên biển gắn với bảo vệ chủ quyền biển, đảo: Thực tiễn và vấn đề đặt ra hiện nay
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên