TCCSĐT - Ngày 29-8-2017, tại Hà Nội, Bảo hiểm xã hội Việt Nam tổ chức Hội nghị cung cấp thông tin định kỳ về thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp; báo cáo kết quả thực hiện bảo hiểm y tế học sinh, sinh viên năm học 2016-2017 và triển khai nhiệm vụ năm học 2017-2018.
Tham dự Hội nghị có đồng chí Phạm Lương Sơn - Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam, lãnh đạo một số đơn vị của Bảo hiểm xã hội Việt Nam; đại diện các đơn vị chức năng của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam và phóng viên, biên tập viên các cơ quan thông tấn báo chí Trung ương và Hà Nội.

Tại Hội nghị, các phóng viên, biên tập viên các cơ quan thông tấn báo chí được Bảo hiểm xã hội Việt Nam thông tin về một số nội dung sau:

Một là, một số nội dung trong thực hiện Quyết định số 595/QĐ-BHXH, ngày 14-4-2007, của Tổng Giám đốc Bảo hiểm Xã hội Việt Nam về quy trình thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; cấp sổ bảo hiểm xã hội, thẻ bảo hiểm y tế. Quyết định này có hiệu lực từ ngày 01-5-2017 (thay thế Quyết định 959/QĐ-BHXH năm 2015.

Về việc cấp mã số bảo hiểm xã hội:

Đối với người tham gia: Trường hợp có mã số bảo hiểm xã hội, chỉ cần cung cấp mã số bảo hiểm xã hội khi tham gia, hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế được thuận lợi trên phạm vi toàn quốc. Trường hợp không nhớ, cơ quan bảo hiểm xã hội phải có trách nhiệm đối chiếu dữ liệu quản lý; Trường hợp chưa có mã số bảo hiểm xã hội, khi tham gia kê khai lập tờ khai tham gia, điều chỉnh thông tin bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế (Mẫu TK1-TS); Thông qua mã số bảo hiểm xã hội, người tham gia tự kiểm tra thông tin quá trình tham gia đóng, hưởng chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.

Đối với đơn vị, việc cấp mã số bảo hiểm xã hội thuận tiện trong việc giải quyết chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; giảm thời gian trong việc kê khai, cập nhật thông tin người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.

Đối với cơ quan bảo hiểm xã hội, việc cấp mã số bảo hiểm xã hội sẽ quản lý chặt chẽ quá trình đóng, hưởng chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế của người tham gia; cấp sổ bảo hiểm xã hội, thẻ bảo hiểm y tế điện tử theo một mẫu thống nhất và có thể cấp lại sổ bảo hiểm xã hội, thẻ bảo hiểm y tế tại bất kỳ cơ quan bảo hiểm xã hội trên toàn quốc; cắt giảm thủ tục hành chính, giảm giờ giao dịch của cá nhân, tổ chức với cơ quan bảo hiểm xã hội, tạo điều kiện thuận tiện cho người tham gia khi giao dịch với cơ quan bảo hiểm xã hội trong việc tham gia, hưởng chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.

Về xác nhận sổ bảo hiểm xã hội làm căn cứ giải quyết chế độ bảo hiểm xã hội đối với đơn vị nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp:

Đối với đơn vị nợ tiền đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, nếu người lao động đủ điều kiện hưởng bảo hiểm xã hội hoặc chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc thì đơn vị có trách nhiệm đóng đủ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, bao gồm cả tiền lãi chậm đóng theo quy định, cơ quan bảo hiểm xã hội xác nhận sổ bảo hiểm xã hội để kịp thời giải quyết chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động.

Trường hợp đơn vị chưa đóng đủ thì xác nhận sổ bảo hiểm xã hội đến thời điểm đã đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Sau khi thu hồi được số tiền đơn vị còn nợ thì xác nhận bổ sung trên sổ bảo hiểm xã hội.

Hai là, kết quả thực hiện bảo hiểm y tế học sinh, sinh viên năm học 2016-2017 và triển khai nhiệm vụ năm học 2017-2018.

Trong những năm qua, ngành bảo hiểm xã hội và ngành giáo dục và đào tạo luôn quan tâm chỉ đạo công tác bảo hiểm y tế học sinh, sinh viên, hằng năm cơ quan bảo hiểm xã hội cấp tỉnh, huyện đều chủ động với ngành giáo dục cùng cấp tiến hành ký kết chương trình, ban hành kế hoạch phối hợp, thành lập ban chỉ đạo để tổ chức thực hiện công tác bảo hiểm y tế học sinh sinh viên, xây dựng và giao chỉ tiêu phấn đấu cụ thể tới các trường học trên địa bàn, cùng với sự nỗ lực của ban giám hiệu và đội ngũ giáo viên, cán bộ y tế trong các trường học, kết quả công tác bảo hiểm y tế học sinh, sinh viên tham gia bải hiểm y tế tăng dần qua các năm: năm học 2013-2014 số học sinh, sinh viên tham gia bảo hiểm y tế đạt 85%, đến năm học 2016-2017, tỷ lệ học sinh, sinh viên tham gia bảo hiểm y tế đã đạt 92,5%, tương ứng khoảng 15,9 triệu học sinh, sinh viên có thẻ bảo hiểm y tế.

Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn đến 7,5% số học sinh, sinh viên chưa tham gia bảo hiểm y tế, đặt ra nhiệm vụ nặng nề của phát triển bảo hiểm y tế học sinh, sinh viên năm học 2017-2018. Nguyên nhân là do nhận thức của một bộ phận người dân còn hạn chế về chính sách bảo hiểm y tế nói chung và bảo hiểm y tế đối với học sinh, sinh viên nói riêng, vẫn chưa nhận thức đầy đủ về chính sách bắt buộc tham gia bảo hiểm y tế của học sinh, sinh viên. Một số cơ sở giáo dục chưa nhận thức đầy đủ về trách nhiệm chỉ đạo triển khai bảo hiểm y tế học sinh tại các nhà trường, chưa quan tâm thích đáng đến công tác y tế trường học. Một số cơ sở giáo dục bậc đại học, cao đẳng, chỉ liệt kê số tiền đóng bảo hiểm y tế của học sinh, sinh viên vào các khoản thu đầu năm học mà thiếu đi công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục ý thức chấp hành pháp luật bảo hiểm y tế cho học sinh, sinh viên. Tại một số cơ quan bảo hiểm xã hội chưa thật sự sâu sát trong quá trình triển khai thực hiện bảo hiểm y tế học sinh, sinh viên, chưa tham mưu kịp thời cho cấp ủy, chính quyền địa phương trong chỉ đạo thực hiện công tác này. Chưa phối hợp chặt chẽ với ngành giáo dục trong công tác rà soát, đối chiếu số học sinh, sinh viên đã tham gia và chưa tham gia bảo hiểm y tế để xây dựng kế hoạch tuyên truyền vận động phụ huynh và học sinh, sinh viên tham gia bảo hiểm y tế, đồng thời đề xuất giải pháp để phát triển học sinh, sinh viên tham gia bảo hiểm y tế.

Thực hiện Quyết định số 1167/QĐ-TTg, của Thủ tướng Chính phủ, ngày 28-6-2016 về việc điều chỉnh giao chỉ tiêu thực hiện bảo hiểm y tế giai đoạn 2016-2020, trong năm học 2017-2018, Bảo hiểm xã hội Việt Nam phấn đấu đạt tỷ lệ 100% học sinh, sinh viên tham gia bảo hiểm y tế.

Để đạt mục tiêu này, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã chỉ đạo bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố thực hiện một số giải pháp:

- Phối hợp chặt chẽ với ngành giáo dục và đào tạo từ Trung ương đến địa phương giao chỉ tiêu tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế của học sinh đối với từng cơ sở giáo dục; đưa tiêu chí về tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế học sinh sinh viên là một trong các tiêu chí đánh giá phân loại tổ chức cơ sở Đảng, đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ và việc chấp hành pháp luật của học sinh, sinh viên, đảm bảo đến hết năm 2017 đạt 100% học sinh, sinh viên tham gia bảo hiểm y tế.

- Thực hiện phương thức thu phí bảo hiểm y tế linh hoạt để giảm nhẹ số tiền đóng góp của phụ huynh học sinh vào đầu năm học.

Tại hội nghị, các câu hỏi của các phóng viên, biên tập viên cũng đã được Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Phạm Lương Sơn cùng đại diện lãnh đạo các đơn vị chuyên môn của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, cũng như đại diện Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam giải đáp đầy đủ, thấu đáo…/.