Kinh tế - xã hội và môi trường vùng đồng bằng sông Cửu Long trước tác động của biến đổi khí hậu
TCCSĐT - Lịch sử khẩn hoang, xây dựng và phát triển vùng đồng bằng sông Cửu Long cho thấy, người dân vùng này có nhiều kinh nghiệm thích nghi với lũ lụt, hạn hán, xâm nhập mặn, đất chua phèn. Thế nhưng, điều đáng lo là hiện nay hiểu biết của nhiều người dân, doanh nghiệp trong vùng về biến đổi khí hậu vẫn còn khá mơ hồ và phần lớn vẫn chưa có một kế hoạch tích cực, chủ động để ứng phó, thích nghi hữu hiệu với thực trạng này.
Đồng bằng sông Cửu Long là vùng hạ lưu cuối cùng của lưu vực sông Mê Kông trước khi đổ ra Biển Đông. Toàn vùng có diện tích tự nhiên xấp xỉ 39.734km2, chiếm trên 4% diện tích toàn lưu vực sông Mê Kông. Đoạn sông Mê Kông khi chảy vào lãnh thổ Việt Nam ra đến biển dài 225km, chỉ chiếm khoảng 5,17% tổng chiều dài sông chính. Địa hình vùng đồng bằng sông Cửu Long khá thấp và phẳng, độ dốc trung bình là 1cm/km (1/100.000), có những vùng trũng như vùng Đồng Tháp Mười, vùng Tứ giác Long Xuyên - Hà Tiên và một số vùng trũng nhỏ ở U Minh; có hai mặt giáp biển dài hơn 600km, chịu tác động của cả hai loại triều khác nhau phía Biển Đông (bán nhật triều không đều) và phía Biển Tây (nhật triều không đều). Đặc điểm này tạo nên một sự phức tạp về chế độ thủy văn: phân phối dòng chảy thay đổi theo mùa và kỳ triều, đồng thời có các xáo trộn về chất lượng nước.
Đồng bằng sông Cửu Long nằm trọn trong khu vực châu Á gió mùa, mỗi năm chỉ có 2 mùa là mùa nắng và mùa mưa. Mùa mưa thường kéo dài từ tháng 5 đến tháng 10, mùa khô thường kéo dài trong những tháng còn lại của năm. Mỗi năm, toàn vùng nhận một lượng mưa khoảng 1.600 - 2.200 mm. Từ giữa đến cuối mùa mưa, khu vực phía Tây và phía Bắc của đồng bằng sông Cửu Long bị ngập lũ từ sông Mê Kông, ước tính có khoảng 1,2 - 1,9 triệu ha bị ngập lũ, chủ yếu là vùng Tứ giác Long Xuyên, vùng Đồng Tháp Mười và vùng giữa sông Tiền - sông Hậu. Đồng bằng sông Cửu Long có hơn 2,4 triệu ha đất canh tác nông nghiệp và 700.000 ha nuôi trồng thủy sản, bảo đảm cung cấp trên 50% sản lượng lúa và 65% sản lượng thủy sản nước ngọt và nước lợ và khoảng 75% lượng trái cây cho cả nước; hàng năm, đóng góp bình quân 27% tổng sản phẩm quốc nội (GDP).
Đồng bằng sông Cửu Long là nơi cư trú của hơn 18 triệu người, hầu hết sống tập trung dọc theo hai bên bờ sông, kênh, rạch. Mức gia tăng dân số ước tính khoảng 2,3%, cả tự nhiên lẫn tăng cơ học. Trên 70% dân số sống ở vùng nông thôn và ven đô, sinh kế của họ phụ thuộc khá nhiều vào diễn biến của thời tiết và nguồn nước tự nhiên. Những năm gần đây, khi nước mặn từ biển xâm nhập ngày càng sâu đã làm ảnh hưởng trên 50% diện tích canh tác, đặc biệt là vào mùa khô. Ngoài ra, vấn đề đất phèn - nước phèn, chiếm khoảng 1,6 triệu ha, luôn là một thử thách cho canh tác nông nghiệp của vùng. Sự gia tăng dân số nhanh, đa số người dân thuộc nhóm nghèo, cuộc sống phụ thuộc vào thiên nhiên, đã và đang là một thử thách lớn cho sự phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững.
Những tổn thương do biến đổi khí hậu
Nhiều nhà khoa học và các tổ chức quốc tế có uy tín đã xếp Việt Nam, đặc biệt là vùng đồng bằng sông Cửu Long, nằm trong nhóm quốc gia có nguy cơ tổn thương cao do tác động của hiện tượng biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Năm 2009, Trung tâm START vùng Đông Nam Á (Đại học Chulalongkorn, Thái Lan) và Viện Nghiên cứu Biến đổi Khí hậu - Đại học Cần Thơ đã phối hợp chạy mô hình khí hậu vùng, dựa vào chuỗi số liệu khí hậu giai đoạn 1980-2000 để phỏng đoán giai đoạn 2030-2040. Kết quả mô hình này cho thấy, nhiều khu vực của vùng đồng bằng sông Cửu Long sẽ bị tác động do nhiệt độ cao nhất trung bình trong mùa khô sẽ gia tăng từ 33-35C lên 35-37C. Lượng mưa đầu vụ Hè Thu thời gian từ 15-4 đến 15-5 sẽ giảm chừng 10-20%. Sự phân bổ mưa hằng tháng sẽ có khuynh hướng giảm vào đầu và giữa vụ Hè Thu nhưng gia tăng một ít vào cuối mùa mưa.
Mô hình thuỷ văn cho vùng đồng bằng sông Cửu Long cũng cho thấy xu thế lũ trong giai đoạn 2030-2040 sẽ khác đi so với hiện nay. Diện tích vùng đồng bằng sông Cửu Long bị ngập sẽ mở rộng hơn về phía các tỉnh Bạc Liêu - Cà Mau, trong khi số ngày chịu ngập ở các tỉnh đầu nguồn sẽ giảm. Tình hình nhiệt độ gia tăng, mưa giảm, diện tích lũ mở rộng và mực nước biển dâng cao sẽ tác động rất lớn đến hệ sinh thái và sản xuất nông nghiệp cũng như tạo ra các vấn đề khó khăn cho sự phát triển kinh tế - xã hội của vùng.
Biến đổi khí hậu sẽ tác động lên toàn bộ hệ sinh thái, tác động đến sự suy giảm chất lượng tự nhiên, kinh tế và xã hội. Vấn đề này làm thay đổi cán cân thực phẩm trong sinh quyển, làm mất tính đa dạng sinh học, đất và rừng bị suy kiệt. Đồng bằng sông Cửu Long là một trong những vùng trên thế giới bị ảnh hưởng rất rõ rệt, với những dự báo có thể xảy ra trong thời gian tới như sau:
- Nhiều vùng bảo tồn đất ngập nước như Tràm Chim, U Minh Thượng, Láng Sen, Trà Sư, Hà Tiên, Vồ Dơi, Bãi Bồi, Đất Mũi, Lung Ngọc Hoàng sẽ bị đe dọa ảnh hưởng, sự bền vững trở nên mong manh hơn. Một số sinh vật ở những khu vực này có thể bị tiêu diệt, nhưng một số côn trùng (như muỗi, sâu bệnh) có thể sẽ gia tăng số lượng.
- Diện tích canh tác nông nghiệp như lúa, màu, cây ăn trái và nuôi trồng thủy sản bị thu hẹp, năng suất và sản lượng sẽ suy giảm. Điều này có thể đe dọa an ninh lương thực quốc gia.
- Các vùng tài nguyên rừng, đất, nước, sinh vật hoang dã, khoáng sản (than bùn, cát, đá xây dựng,...) sẽ bị xâm lấn, tận khai thác và hủy hoại.
- Nông dân, ngư dân, diêm dân và thị dân nghèo sẽ là đối tượng chịu nhiều tổn thương nặng nề do thiếu nguồn dinh dưỡng tối thiểu, thiếu năng lực sở hữu tài nguyên, thiếu khả năng tài chính, thiếu điều kiện tiếp cận thông tin,… để có thể đối phó kịp thời với sự thay đổi thời tiết - khí hậu.
- Tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng và các những yếu tố tác động khác xuyên biên giới như các đập thuỷ điện và các dự án chuyển nước ở các quốc gia thượng nguồn khiến các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trong quá khứ và hiện tại trở nên bất ổn, gặp nhiều thử thách hơn.
- Dự báo sẽ có luồng dịch chuyển dòng di cư của nông dân ở các vùng ven biển bị tác động nặng nề do biến đổi khí hậu và nước biển dâng lên các đô thị vùng phía Bắc và phía Tây (như Châu Đốc, Long Xuyên, Cần Thơ, Vĩnh Long, Mỹ Tho, Tân An...). Điều này khiến các quy hoạch, kế hoạch phát triển đô thị bị phá vỡ, trật tự xã hội bị xáo trộn, môi trường đô thị bị xấu đi do sự gia tăng cơ học về dân số. Đây là thử thách rất nghiêm trọng nếu không có những giải pháp ứng phó hữu hiệu trong tương lai gần.
- Nhiều doanh nghiệp sẽ bị thiệt hại về kinh tế - tài chính do sản xuất bị đình trệ, tăng vốn đối phó, hàng hoá vận chuyển khó khăn hơn và bị hư hỏng nhiều hơn. Ngoài ra, còn nhiều rủi ro khác như mất nguồn cung ứng nguồn nguyên vật liệu, hiệu quả sản xuất và năng suất lao động giảm do những tác động về sức khoẻ cũng như điều kiện lao động của công nhân.
Một nguy cơ lớn khác làm tác động của biến đổi khí hậu trở nên nghiêm trọng hơn và ảnh hưởng đến nguồn tài nguyên nước của đồng bằng sông Cửu Long là sự hình thành chuỗi các đập thuỷ điện và các dự án chuyển nước ở thượng nguồn sông Mê Kông. Khi dòng chảy tự nhiên trên sông Mê Kông bị chặn, hình thành những đoạn hồ chứa dạng bậc thang, tiến trình thuỷ văn sông ngòi sẽ thay đổi và có thể bị kiểm soát dòng chảy theo ý muốn của các chủ nhân các nhà máy thuỷ điện. Đặc biệt, vùng đồng bằng phía hạ lưu, gồm cả phía dưới khu vực sông Tông - lê - sap của Cam - pu - chia và vùng đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam, sẽ bị tác động mạnh mẽ do hoạt động của chuỗi nhà máy thuỷ điện trên thượng nguồn. Các tác động sẽ bao gồm thay đổi đặc điểm quy luật thủy văn, thuỷ lực của dòng chảy, suy giảm chuyển tải trầm tích - bao gồm cả chất dinh dưỡng trong nước, thay đổi hình thái sông, ảnh hưởng đến chất lượng nước và gia tăng nguy cơ nhiễm mặn cho các khu vực ven biển.
Qua nhiều đợt điều tra, nghiên cứu tác động của biến đổi khí hậu lên sinh kế của các hộ nông dân trong khoảng 5-10 năm gần đây, một điều dễ nhận thấy là thời tiết ở vùng đồng bằng sông Cửu Long biến đổi khá bất thường và gây nhiều tác hại đến cuộc sống và thành quả sản xuất của người dân. Nhóm đối tượng bị nhiều tổn thương nhất là người nghèo, trẻ con, người già, người khuyết tật và phụ nữ. Các bệnh tật liên quan đến thời tiết chiếm vị trí hàng đầu trong thống kê bệnh tật. Các hộ nghèo, buôn bán nhỏ, ruộng đất ít, thiếu vốn chịu nhiều tổn thất do yếu tố biến đổi khí hậu.
Chủ động ứng phó và những đề xuất
Sớm nhận thức các nguy cơ tác động của biến đổi khí hậu và nước biến dâng lên sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, thời gian qua, các cấp chính quyền và cộng đồng các nhà khoa học Việt Nam đã có những cảnh báo, kiến nghị, đề xuất để có những chính sách cần thiết nhằm ứng phó, bao gồm giảm thiểu và thích ứng, với tình trạng nóng lên toàn cầu ảnh hưởng đến Việt Nam, đặc biệt là vùng đồng bằng sông Cửu Long. Đây được xem là mối đe dọa lớn cho an ninh lương thực và sinh kế của người dân. Nhiều văn bản chính thức của Nhà nước từ Trung ương đến các tỉnh, thành đã được ban hành, làm cơ cở pháp lý để các cấp, các ngành thực thi, nhằm chủ động ứng phó với những tác động bất lợi do biến đổi khí hậu. Quyết định số 158/2008/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 02-12-2008 “Phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu” là văn bản quan trọng cho việc triển khai các biện pháp ứng phó với biến đổi khí hậu ở Việt Nam. Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu có 4 nội dung chính của là: (1) Đánh giá được mức độ tác động của biến đổi khí hậu đối với các lĩnh vực, ngành và địa phương trong từng giai đoạn; (2) Xây dựng được Kế hoạch hành động có tính khả thi để ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu cho từng giai đoạn nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững của đất nước; (3) Tận dụng các cơ hội phát triển nền kinh tế theo hướng các-bon thấp; (4) Tham gia cùng cộng đồng quốc tế trong nỗ lực giảm nhẹ biến đổi khí hậu, bảo vệ hệ thống khí hậu trái đất.
Sự biến đổi nào mang tính toàn cầu cũng đem đến những rủi ro và cơ hội khác nhau cho các nhóm lợi ích trong cộng đồng. Tuy nhiên, tác động của biến đổi khí hậu dường như mang đến nhiều bất lợi chung cho cả xã hội hơn là thuận lợi. Do vậy, việc giảm nhẹ và thích nghi phải được nghiên cứu và đề xuất một cách thấu đáo. Đối với các quốc gia nghèo và tài nguyên hạn chế, biện pháp thích nghi được chú trọng hơn giảm thiểu, mặc dù cả hai có thể bổ sung cho nhau. Thích nghi với biến đổi khí hậu đòi hỏi phải có một quá trình lâu dài. Xây dựng kế hoạch hành động thích nghi với biến đổi khí hậu vừa mang tính cấp bách trước mắt vừa mang tính chiến lược lâu dài, nhằm giữ được sự phát triển bền vững kinh tế - xã hội cũng như môi trường.
Biến đổi khí hậu và nước biển dâng ở đồng bằng sông Cửu Long là vấn đề nghiêm trọng mà các nhà họach định chính sách, các chuyên gia quy hoạch, giới khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, thương gia, doanh nhân, các cán bộ địa phương và người dân phải nhận thức được. Các kịch bản và tình huống tác động cần phải được tiếp tục phân tích để có các dữ liệu thuyết phục và khoa học hơn. Trên cơ sở những kết quả phân tích về mặt dữ liệu, cần có các chủ trương ủng hộ việc chia sẻ thông tin và tìm phương cách giảm nhẹ - thích ứng đặt ra. Mỗi địa phương, mỗi ban, ngành cần xây dựng kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu một cách cụ thể. Tiếp đến, cần triển khai các biện pháp thực hành thích nghi cho toàn xã hội. Cứ như vậy, chúng ta sẽ tiếp tục thu thập các chứng cớ và dữ liệu từ thực tế để quay vòng tiếp chu trình ứng phó và thích nghi với biến đổi khí hậu.
Hiện tượng biến đổi khí hậu - nước biển dâng đã được nhiều nhà khoa học xác nhận và việc khảo sát, phân tích các dữ liệu vẫn đang được cập nhật liên tục. Đồng bằng sông Cửu Long là một vùng chịu ảnh hưởng tiêu cực nhất trong khu vực Đông Nam Á cả về mặt sinh thái, hệ canh tác và cơ cấu kinh tế - xã hội do tác động của biến đổi khí hậu. Đây là vấn đề nghiêm trọng mà các nhà họach định chính sách, các chuyên gia quy hoạch, giới khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, thương gia, doanh nhân, các cán bộ địa phương và người dân phải nhận thức được. Tiếp đến, cần có các chủ trương ủng hộ việc chia sẻ thông tin và tìm phương cách giảm nhẹ - thích ứng đang đặt ra với một yêu cầu khẩn thiết. Sự do dự, nghi ngờ và thiếu trách nhiệm hôm nay sẽ dẫn đến hậu quả xấu cho thế hệ mai sau.
Sau khi các kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu được biên soạn, các cấp, các ngành từ Trung ương đến các địa phương trong vùng cần tích cực hợp tác để triển khai các biện pháp thực hành thích nghi cho toàn xã hội. Sự hợp tác đó cần tập trung vào việc nghiên cứu, giải quyết một số vấn đề sau:
- Mô phỏng các diễn biến khí hậu cho các giai đoạn và kịch bản khác nhau.
- Đánh giá tác động biến đổi khí hậu lên mọi mặt sinh thái - môi trường, sản xuất nông thôn, phát triển đô thị, y tế cộng đồng, xã hội - sinh kế,...
- Xác định các đối tượng chịu tổn thương, đánh giá các mức độ tổn thương.
- Tăng cường năng lực, nhận thức, ý thức và hành vi bảo vệ môi trường - sinh thái cho cộng đồng, giảm thiểu các tác nhân làm khí hậu xấu hơn.
- Đề xuất và thử nghiệm các mô hình thích nghi với hoàn cảnh mới.
- Tìm các giống cây trồng, vật nuôi có khả năng chịu đựng ngưỡng thời tiết - khí hậu khắc nghiệt hơn.
- Rà soát lại các quy hoạch phát triển xem có thích ứng với sự thay đổi khí hậu và nước biển dâng ở mức độ nào để từ đó có những điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp.
- Dự báo diễn biến kinh tế, sức khỏe và biến đổi xã hội theo các kịch bản khí hậu.
- Điều chỉnh các chính sách phù hợp với những diễn biến và tác động ngày càng phức tạp, khó lường của thiên tai và biến đổi khí hậu.
- Xây dựng và duy trì mạng lưới thông tin, hệ thống cảnh báo thời tiết - thiên tai.
- Tăng cường hợp tác quốc tế và quốc gia; thường xuyên trao đổi, chia sẻ thông tin trong và ngoài nước về các giải pháp ứng phó, thích nghi hữu hiệu với biến đổi khí hậu./.
Phát huy vai trò của báo chí trong đấu tranh, phê phán các hiện tượng tiêu cực, những biểu hiện suy thoái tư tưởng, đạo đức, lối sống  (18/01/2017)
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp Chủ tịch Viện Nghiên cứu Malik  (18/01/2017)
Phó Thủ tướng: Sớm ổn định đời sống hộ dân trong vụ cháy ở Nha Trang  (18/01/2017)
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng làm việc với Hội Nạn nhân Chất độc da cam  (18/01/2017)
Hai Thứ trưởng Bộ Nội vụ bị kỷ luật do liên quan vụ Trịnh Xuân Thanh  (18/01/2017)
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh tiếp Phó Chủ tịch Ngân hàng AIIB  (18/01/2017)
- Một số vấn đề cơ bản về phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực nhà nước trong xây dựng nhà nước pháp quyền
- Việt Nam chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, thúc đẩy đối ngoại quốc phòng, góp phần bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa bằng các biện pháp hòa bình
- Thúc đẩy quá trình cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp nhà nước
- Bảo vệ, phát huy giá trị tài nguyên di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch bền vững
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về phát triển nông nghiệp và sự vận dụng của Đảng đối với vấn đề bảo đảm an ninh lương thực ở Việt Nam hiện nay
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên