Quảng Ninh đẩy mạnh chuyển đổi số toàn diện
TCCS - Chuyển đổi số là quá trình thay đổi tổng thể và toàn diện của cá nhân, tổ chức về cách sống, cách làm việc và phương thức sản xuất dựa trên các công nghệ số. Chuyển đổi số là một xu thế trên toàn cầu, có tác động vô cùng sâu rộng lên các lĩnh vực của nền kinh tế - chính trị - xã hội. Trên cơ sở Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã xác định xây dựng và triển khai Đề án chuyển đổi số toàn diện tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 là một trong những đề án quan trọng của tỉnh, là nội dung quan trọng để hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của Quảng Ninh trong giai đoạn tới.
Trong những năm qua, tỉnh Quảng Ninh quan tâm, đầu tư, triển khai ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, ở tất cả các lĩnh vực và xác định lấy hiện đại hóa nền hành chính làm nhiệm vụ trọng tâm, đột phá. Tỉnh đã chủ động nghiên cứu, xây dựng và tổ chức triển khai Đề án xây dựng Chính quyền điện tử, Đề án triển khai mô hình thành phố thông minh. Với quyết tâm chính trị cao, cách làm bài bản, có tính đột phá, sáng tạo, công tác chỉ đạo sâu sát, quyết liệt, các dư địa mới đã được khai phá, trong đó có sự đóng góp quan trọng từ phát triển hạ tầng viễn thông, hạ tầng công nghệ thông tin, các phần mềm ứng dụng công nghệ thông tin và cơ sở dữ liệu chuyên dùng. Chính quyền điện tử tỉnh Quảng Ninh trở thành khung tham chiếu của cả nước, đóng góp nhiều kinh nghiệm quý báu cho xây dựng Chính phủ điện tử. Nền hành chính được hiện đại hóa, thể hiện rõ nét qua việc thay đổi phương thức chỉ đạo, điều hành, cách thức làm việc và phục vụ của cơ quan nhà nước nhờ ứng dụng công nghệ thông tin. Thủ tục hành chính được giải quyết bằng quy trình điện tử, hồ sơ điện tử, dịch vụ công trực tuyến, đến nay 100% thủ tục hành chính được cung cấp trực tuyến, trong đó 70% dịch vụ công đạt mức 4, tạo sự công khai, minh bạch, thuận lợi, tăng tỷ lệ hài lòng của người dân, doanh nghiệp đối với cơ quan chính quyền các cấp.
Mô hình thành phố thông minh đã đạt được một số kết quả bước đầu ở một số lĩnh vực như y tế thông minh, giáo dục thông minh, môi trường thông minh... mang đến nhiều giá trị thụ hưởng cho người dân, doanh nghiệp đáp ứng yêu cầu quản lý của cơ quan nhà nước. Thương hiệu về môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh Quảng Ninh được tạo dựng vững chắc với bộ chỉ số PCI, PAR Index, SIPAS, PAPI dẫn đầu các tỉnh, thành cả nước và chỉ số ICT tỉnh Quảng Ninh từ vị trí thứ 61/63 so với các tỉnh, thành phố năm 2013 đã vươn lên đứng vị trí thứ 3/63 trong 02 năm (2019-2020). Với những kết quả đã đạt được trong xây dựng Chính quyền điện tử và triển khai xây dựng mô hình thành phố thông minh, với tiềm năng, kinh nghiệm và lợi thế sẵn có, cùng với xu thế chuyển đổi số của thế giới, khu vực và quốc gia, Quảng Ninh xác định bài toán lớn là xây dựng và triển khai chuyển đổi số ở cả 03 trụ cột gồm Chính quyền số, kinh tế số, xã hội số.
Một là, đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động lãnh đạo, quản lý, điều hành của các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội
Nhận thức đóng vai trò có tính chất quyết định trong chuyển đổi số. Sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là người đứng đầu; hành động đồng bộ ở các cơ quan, địa phương và sự tham gia của tổ chức, doanh nghiệp và người dân là yếu tố cốt lõi bảo đảm sự thành công của chuyển đổi số. Theo đó, phát triển Chính quyền số tổng thể, toàn diện trên cơ sở phát huy kết quả Chính quyền điện tử, thành phố thông minh, huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị tạo ra động lực cải cách quản trị công mạnh mẽ dựa trên dữ liệu và công nghệ số tạo nền tảng dẫn dắt chuyển đổi số của tỉnh, chú trọng cải cách đầu tư công và hỗ trợ phát triển hệ sinh thái doanh nghiệp số, công dân số.
Hai là, phát triển mạnh kinh tế số tạo nền tảng thúc đẩy phát triển và tạo ra các giá trị tăng trưởng mới trong các ngành, lĩnh vực kinh tế - xã hội; từng bước đưa kinh tế số giữ vai trò chủ đạo trong tăng trưởng GRDP của địa phương.
Kinh tế số thúc đẩy tái cấu trúc và nâng cao hiệu quả kinh tế địa phương; đẩy mạnh chuyển đổi số trong doanh nghiệp; phát triển kinh tế số từ các ngành kinh tế mũi nhọn, có tiềm năng, thế mạnh nổi trội, thúc đẩy giá trị kinh tế số Internet, đột phá về kinh tế số ICT góp phần cơ cấu lại nền kinh tế và tạo các giá trị tăng trưởng mới. Quảng Ninh tiếp tục duy trì vị trí dẫn đầu về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI); thuộc nhóm dẫn đầu về đổi mới sáng tạo trong toàn quốc. Đến hết năm 2025, kinh tế số chiếm ít nhất 20% GRDP của tỉnh. Tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân trên 11%/năm.
Ba là, xây dựng xã hội số an toàn, nhân văn dựa trên ba trụ cột thiên nhiên - văn hóa - con người để hình thành công dân số, xã hội số, đảm bảo an toàn, an ninh mạng gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh và chủ quyền số quốc gia:
Phát triển xã hội số dựa trên ba trụ cột thiên nhiên - văn hóa - con người, tạo đột phá về hạ tầng số bảo đảm liên thông, đồng bộ, tổng thể, hiện đại; thu hẹp khoảng cách số; xây dựng bộ tiêu chí về văn hóa số của người Quảng Ninh văn minh, lịch sự trên môi trường số.
Thực hiện các chủ trương, chỉ đạo của Trung ương, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU, ngày 5-2-2022, về chuyển đổi số toàn diện tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 trên 3 trụ cột là chính quyền số, kinh tế số, xã hội số. Tỉnh phấn đấu đến năm 2025 thuộc nhóm các địa phương dẫn đầu cả nước về an toàn, an ninh mạng; đi đầu trong chuyển đổi số các cơ quan đảng, nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội; trở thành mô hình mẫu về chuyển đổi số toàn diện cấp tỉnh. Hiện thực hóa mục tiêu này, Quảng Ninh đã “đi trước, đón đầu”, tập trung xây dựng hạ tầng “mềm“, hạ tầng số từng bước đồng bộ, hiện đại phục vụ chuyển đổi số. Quảng Ninh đã và đang đẩy mạnh chuyển đổi số toàn diện và đạt được những kết quả ấn tượng. Chuyển đổi số cũng mang lại những thành quả nhất định trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và thay đổi, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. Cụ thể là toàn tỉnh Quảng Ninh hiện có trên 6.100 trạm phát sóng di động. Hạ tầng Internet băng rộng được triển khai tại 100% xã, phường, thị trấn; 100% dân số được phủ sóng mạng thông tin di động; 99,8% dân số được phủ sóng mạng di động 4G trở lên; tỷ lệ 1,3 thuê bao/người; 100% dân số được phủ sóng Internet; 92,84% số hộ gia đình sử dụng thuê băng rộng cố định; 89,13% số hộ gia đình có kết nối cáp quang (cả nước là 75,39%).
Trong đó tỉnh Quảng Ninh tập trung triển khai Đề án xây dựng chính quyền điện tử là nền tảng cốt lõi cho xây dựng chính quyền số; nâng cao hiệu lực hiệu quả hoạt động, công tác chỉ đạo, điều hành, phục vụ của chính quyền thông qua hệ thống hạ tầng, hệ thống thông tin dùng chung được triển khai sâu, rộng cả 3 cấp (tỉnh, huyện, xã) và kết nối liên thông với trục văn bản của Văn phòng Chính phủ; cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết TTHC với mô hình 14 trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh và cấp huyện, 177 bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hiện đại cấp xã.
Hiện 100% cán bộ, công chức, viên chức cơ quan hành chính nhà nước từ cấp tỉnh đến cấp xã tham gia, sử dụng thành thạo các tiện ích hệ thống chính quyền điện tử, thành phố thông minh của tỉnh; trên 99% văn bản hành chính giữa các cơ quan hành chính nhà nước của tỉnh được trao gửi, nhận dưới dạng văn bản điện tử có sử dụng chữ ký số; kết nối 100% bộ, ban, ngành của trung ương và 100% các địa phương trong toàn quốc; gửi và nhận trên 13,7 triệu văn bản điện tử có ký số; 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện được cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình, được thiết lập, niêm yết, công khai trên Cổng Dịch vụ công của tỉnh.
Bên cạnh đó, tỉnh cung cấp 1.240 dịch vụ công trực tuyến/tổng số 1.367 thủ tục hành chính trên Cổng Dịch vụ công quốc gia (đạt tỷ lệ 90,7%). Năm 2023 toàn tỉnh đã tiếp nhận 861.990 hồ sơ thủ tục hành chính, trong đó giải quyết 99,7% đúng hạn và trước hạn; trên 77% hồ sơ thực hiện qua dịch vụ công trực tuyến; 100% phí, lệ phí thanh toán không dùng tiền mặt. Tỷ lệ xử lý hồ sơ công việc toàn trình cả 3 cấp tỉnh đạt trên 82%, cao gấp 1,5 lần trung bình toàn quốc (gần 50%), trong đó cấp xã đạt trên 75%, cấp huyện đạt trên 80%, cấp tỉnh đạt trên 85%.
Cùng với phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, tỉnh xác định chuyển đổi số là nền tảng quan trọng để hoàn thành mục tiêu đến năm 2030 trở thành một tỉnh tiêu biểu của cả nước về mọi mặt. Đến nay tỉnh đã có những tiền đề quan trọng tiếp cận với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Hiện tại, Quảng Ninh đang đứng thứ 11 trong toàn quốc về tổng điểm xây dựng chính quyền số, các hệ thống thông tin của tỉnh được kết nối chặt chẽ với hệ thống thông tin của các bộ, ngành, các cơ sở dữ liệu quốc gia để phục vụ chuyển đổi số đồng bộ, thống nhất. Tỉnh cũng đang đẩy mạnh hoàn thiện hệ thống cấp và quản lý mã số vùng trồng, vùng nuôi thủy sản; số hóa cơ sở dữ liệu ba loại rừng; truy xuất nguồn gốc các sản phẩm OCOP; đồng thời, thí điểm triển khai mô hình chợ 4.0, thanh toán không dùng tiền mặt; nộp thuế điện tử qua hệ thống điện tử (etax)...
Với mục tiêu trở thành tỉnh chuyển đổi số toàn diện, điển hình, Quảng Ninh đang nỗ lực, quyết tâm thực hiện chuyển đổi số trên cả ba trụ cột là chính quyền số, kinh tế số và xã hội số, đồng thời tiên phong tổ chức triển khai chuyển đổi số dữ liệu đất đai. Thời gian qua Quảng Ninh đã đạt được những kết quả quan trọng trong xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số. Về cung cấp dịch vụ công trực tuyến, Quảng Ninh đã cung cấp 1.462 dịch vụ công trực tuyến trên cổng dịch vụ công của tỉnh. Về cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia, tỉnh đã cung cấp 1.231 dịch vụ công trực tuyến trong tổng số 1.280 thủ tục hành chính của các sở, ban, ngành trên Cổng dịch vụ công của tỉnh; trong đó, có 1.017 thủ tục hành chính được cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình (đạt 81%)…
Hiện nay, tỉnh Quảng Ninh đang nỗ lực đẩy mạnh chuyển đổi số toàn diện và đạt được những kết quả ấn tượng. Chuyển đổi số cũng mang lại những thành quả nhất định trong phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh và thay đổi, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, đồng thời, tạo cơ sở xây dựng nền hành chính hiện đại, đổi mới phương thức phục vụ, bảo đảm gắn kết ứng dụng số với cải cách hành chính, qua đó, thực hiện thành công mục tiêu của tỉnh về cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút đầu tư, thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển./.
Quảng Ninh: Phát triển bền vững kinh tế, xã hội gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh  (18/11/2024)
Đầu tư cho giáo dục là đầu tư phát triển con người  (18/11/2024)
Quảng Ninh đẩy mạnh chuyển đổi số, nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân  (16/11/2024)
Khơi dậy tiềm năng du lịch văn hóa để phát triển bền vững  (15/11/2024)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
- Tổng quan về chuyển đổi số ở Việt Nam
- Bảo tồn các di sản văn hóa vật thể trước thách thức của biến đổi khí hậu ở thành phố Cần Thơ hiện nay
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay