Công tác dân vận với việc thực hiện thành công nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ thành phố Hà Nội
TCCS - Công tác dân vận được coi là nhiệm vụ chính trị quan trọng của Đảng bộ thành phố Hà Nội qua nhiều nhiệm kỳ. Những nỗ lực thực hiện nhiệm vụ này thời gian gần đây là nguyên nhân đưa đến những thành công trên mọi lĩnh vực trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, xây dựng Thủ đô văn minh, hiện đại của Đảng bộ thành phố.
Đại hội Đảng bộ thành phố Hà Nội khóa XVII nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra mục tiêu, nhiệm vụ tổng quát đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và tầm nhìn phát triển Thủ đô đến năm 2045 như sau: Đến năm 2025, xây dựng Đảng bộ thành phố có năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu cao và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tiêu biểu; phát triển nhanh và bền vững Thủ đô theo hướng đô thị xanh, thành phố thông minh, hiện đại, có sức cạnh tranh cao trong nước và khu vực; cơ bản hoàn thành mục tiêu công nghiệp hóa, GRDP/người đạt 8.300 - 8.500 USD.
Đến năm 2030, Hà Nội trở thành thành phố “xanh - thông minh - hiện đại”; phát triển năng động, hiệu quả, có sức cạnh tranh khu vực và quốc tế; hoàn thành công nghiệp hóa Thủ đô; GRDP/người đạt 12.000 - 13.000 USD.
Đến năm 2045, Hà Nội có chất lượng cuộc sống cao; kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển toàn diện, bền vững; là thành phố kết nối toàn cầu, có sức cạnh tranh quốc tế, GRDP/người đạt trên 36.000 USD. Những mục tiêu, nhiệm vụ nói trên do đại hội đề ra là rất nặng nề, đòi hỏi sự nỗ lực, phấn đấu cao của Đảng bộ và nhân dân Thủ đô trong suốt cả nhiệm kỳ.
Trong 6 định hướng lớn, nhiệm vụ trọng tâm và khâu đột phá để thực hiện, đầu tiên chính là: Tiếp tục tạo chuyển biến mạnh mẽ về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng hệ thống chính trị thực sự trong sạch, vững mạnh, tiêu biểu, bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Thí điểm tổ chức thành công mô hình chính quyền đô thị, củng cố chính quyền nông thôn. Đẩy mạnh “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí... Củng cố và tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng bộ.
Trong định hướng lớn, nhiệm vụ trọng tâm và khâu đột phá đầu tiên vừa đề cập tới này, có nội dung về việc Củng cố và tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng bộ thành phố. Thực hiện nội dung này, đòi hỏi sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, với những thành quả thuyết phục đạt được trên mọi lĩnh vực, để từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân Thủ đô; đồng thời thể hiện thái độ phục vụ người dân của hệ thống chính quyền thành phố các cấp, sự tâm huyết của đội ngũ cán bộ, đảng viên, sức chiến đấu và năng lực lãnh đạo của các tổ chức đảng trong toàn Đảng bộ thành phố. Những kết quả toàn diện, nỗ lực không mệt mỏi của các thành viên của hệ thống chính trị, tổ chức đảng trong Đảng bộ thành phố chính là căn cứ vững chắc để Củng cố và tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng bộ thành phố.
Đi vào các giải pháp cụ thể, Đại hội cũng đề ra những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu trong giai đoạn 2020 - 2025, trong đó giải pháp thứ 13 là: Đổi mới nội dung, phương thức và nâng cao hiệu quả hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và tổ chức chính trị - xã hội các cấp, hoạt động của các hội quần chúng thành phố, phát huy quyền làm chủ của nhân dân Thủ đô. Đây chính là sự cụ thể hóa một trong những nhiệm vụ của công tác dân vận trong tổng thể các nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ thành phố Hà Nội nhiệm kỳ 2020 - 2025. Tất cả các giải pháp đề ra nhằm phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh cũng là nhằm “xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại”. Để thực hiện được tất cả các giải pháp mang tính toàn diện, đồng bộ nói trên, công tác dân vận có vai trò rất quan trong, từ dân vận chính quyền, dân vận của các tổ chức trong hệ thống chính trị, dân vận cấp ủy cho đến phát huy vai trò của các tổ chức đại diện các giới, các ngành trong hệ thống Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân, tất cả đều góp phần tập trung “khơi dậy ý chí, phát huy truyền thống ngàn năm văn hiến, anh hùng, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân”.
Để cụ thể hóa nhiệm vụ của công tác dân vận trong cả nhiệm kỳ cũng như những năm sau đó, ngày 24-1-2022, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã ban hành Quyết định số 2387-QĐ/TU, về “Việc ban hành Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị thành phố Hà Nội”.
Quy chế gồm 4 chương, 28 điều, nêu rõ dân vận và thực hiện công tác dân vận là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược không chỉ đối với Đảng bộ Thủ đô, mà còn với sự nghiệp cách mạng của đất nước. Thực hiện tốt công tác dân vận là điều kiện quan trọng bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, thắt chặt mối quan hệ mật thiết giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân.
Thực hiện công tác dân vận là trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hệ thống chính trị của thành phố. Trong đó, Thành ủy thành phố Hà Nội và các cấp ủy lãnh đạo trực tiếp công tác dân vận; các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hệ thống chính trị từ thành phố đến cơ sở phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, thực hiện hiệu quả công tác dân vận. Cần nêu cao trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị, địa phương trong thực hiện công tác dân vận. Thường xuyên học tập, quán triệt tư tưởng, đạo đức và thực hiện phong cách dân vận của Chủ tịch Hồ Chí Minh về trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân. Các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, tập thể lãnh đạo, người đứng đầu các sở, ban, ngành, các địa phương, cơ quan, đơn vị lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức đối với công tác dân vận gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao, phân công lãnh đạo trực tiếp phụ trách công tác dân vận.
Theo Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị thành phố Hà Nội, ban hành theo Quyết định số 2387-QĐ/TU, ngày 24-1-2022, định kỳ 3 tháng, 6 tháng, 1 năm và trong trường hợp cần thiết, Thường trực Thành ủy làm việc với Ban Dân vận Thành ủy, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, cơ quan, tổ chức liên quan của thành phố về tình hình nhân dân và công tác dân vận. Thành ủy thành phố chỉ đạo kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết việc thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, quy định, quyết định, quy chế, kết luận của Trung ương và Thành ủy về công tác dân vận.
Ban Dân vận Thành ủy được giao nhiệm vụ chủ trì nghiên cứu, tham mưu giúp Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố, trực tiếp và thường xuyên là Ban Thường vụ, Thường trực Thành ủy ban hành các chủ trương, chính sách và giải pháp về công tác dân vận. Tham gia ý kiến với các cơ quan nhà nước trong việc cụ thể hóa các nghị quyết, chỉ thị, quy định, quyết định, quy chế, kết luận của Trung ương và Thành ủy về công tác dân vận, phát huy quyền làm chủ của nhân dân Thủ đô. Thẩm định đề án liên quan đến công tác dân vận của các cơ quan, tổ chức trước khi trình Ban Thường vụ, Thường trực Thành ủy. Tham gia thẩm định đề án thuộc các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại có liên đến công tác dân vận. Hướng dẫn, kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết các nghị quyết, chỉ thị, quy định, quyết định, quy chế, kết luận của Trung ương và Thành ủy về công tác dân vận. Hướng dẫn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, cập nhật kiến thức về công tác dân vận. Tham gia ý kiến với Ban Tổ chức Thành ủy về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy làm công tác dân vận. Đồng thời, Ban Dân vận Thành ủy phối hợp với các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị thành phố cụ thể hóa, tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ công tác dân vận; theo dõi, tổng hợp tình hình nhân dân để báo cáo và tham mưu Ban Thường vụ Thành ủy, Thường trực Thành ủy.
Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội chỉ đạo giám đốc các sở, ngành, chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã, thủ trưởng các đơn vị sự nghiệp trực thuộc nghiêm túc triển khai các nội dung của chương trình và đã ban hành 18 văn bản chỉ đạo; các cơ quan nhà nước, chính quyền các cấp ban hành 14.478 văn bản triển khai thực hiện công tác dân vận gắn với chủ đề năm của thành phố.
Công tác tuyên truyền, phổ biến về công tác dân vận, việc xây dựng và thực hiện Quy chế Dân chủ ở cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức các cấp được thành phố quan tâm thực hiện. Ban cán sự Đảng Ủy ban nhân dân thành phố lãnh đạo Ủy ban nhân dân thành phố thể chế hóa đường lối, chủ trương, nghị quyết, chỉ thị của Đảng về công tác dân vận, thực hiện Quy chế Dân chủ ở cơ sở bằng các văn bản, chương trình, kế hoạch để tổ chức thực hiện. Thành phố cũng xác định rõ những nhiệm vụ cụ thể cần thực hiện ở cấp cơ sở và trách nhiệm của lãnh đạo Ủy ban nhân dân cấp xã trong việc thực hiện công tác dân vận chính quyền, việc thực hiện Quy chế Dân chủ ở cơ sở. Nhờ đó, đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong ý thức, trách nhiệm và thái độ phục vụ nhân dân của cơ quan nhà nước. Không khí dân chủ, cởi mở ngày càng thể hiện rõ trong sinh hoạt chính trị, chuyên môn và đời sống của nhân dân.
Thành phố cũng tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, tinh thần trách nhiệm, đạo đức công vụ, thái độ phục vụ nhân dân. Từ năm 2016 đến năm 2020, thành phố đã đơn giản hóa đối với 556 thủ tục hành chính; tỷ lệ hồ sơ giải quyết đúng hạn, trước hạn đạt 98,81% (năm 2016), 98,13% (năm 2017), 99,51% (năm 2018), 99,1% (năm 2019), trên 98% (năm 2020); tính đến ngày 25-5-2021, tổng số dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 hiện đang cung cấp cho người dân, doanh nghiệp là 1.685 dịch vụ (trong đó, 1.217 dịch vụ công mức độ 3 và 468 dịch vụ công mức độ 4). Bên cạnh đó, thành phố đã tập trung chỉ đạo đẩy mạnh ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin, phấn đấu đưa thành phố đi đầu cả nước về xây dựng chính quyền điện tử.
Công tác tiếp nhận, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân được thực hiện theo đúng quy định, việc đối thoại với nhân dân được thực hiện có nền nếp, chất lượng, hiệu quả đã góp phần củng cố niềm tin của nhân dân đối với chính quyền thành phố. Từ năm 2015 - 2020, các cấp ủy, chính quyền tổ chức 1.715 hội nghị đối thoại định kỳ giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân. Công tác phối hợp giữa các cơ quan nhà nước với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội cùng cấp trong thực hiện công tác dân vận được quan tâm thực hiện. Qua đó góp phần phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội của thành phố trong thực hiện các nhiệm vụ chính trị được giao, đặc biệt là trong tham gia quản lý nhà nước, giám sát, phản biện xã hội, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng các tầng lớp nhân dân. Các cơ quan nhà nước của thành phố đã tích cực tham mưu, đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác dân vận; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đẩy mạnh phong trào thi đua Dân vận khéo theo tinh thần Chỉ thị số 12-CT/TU, ngày 5-12-2016, của Thành ủy “Về đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả phong trào thi đua “Dân vận khéo” trên địa bàn thành phố Hà Nội, giai đoạn 2016 - 2020”, gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị ở địa phương, cơ quan, đơn vị; việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và các phong trào thi đua yêu nước do các cơ quan, đơn vị tổ chức, phát động...
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội đã bám sát chương trình, kế hoạch, hướng dẫn của Trung ương và Thành ủy, các nhiệm vụ chính trị của thành phố; chủ động triển khai toàn diện các nhiệm vụ công tác với cách làm đổi mới, sáng tạo, đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Mặt trận các cấp thành phố đã tập trung tuyên truyền, vận động, đoàn kết tập hợp các tầng lớp nhân dân thực hiện đồng bộ các giải pháp, giám sát công tác phòng, chống dịch COVID-19; vận động cán bộ, nhân dân ủng hộ Quỹ phòng, chống dịch COVID-19 bằng nhiều hình thức linh hoạt, sáng tạo, phát huy tinh thần đoàn kết, truyền thống tương thân tương ái của dân tộc. Mặt trận Tổ quốc các cấp đã chủ động, tích cực tham gia công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV, đại biểu hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 bảo đảm đúng quy định của luật, bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch, theo đúng tiến độ; linh hoạt tổ chức các hội nghị tiếp xúc cử tri trong bối cảnh dịch bệnh; thực hiện sát sao công tác kiểm tra, giám sát về bầu cử, được các cấp ủy đảng, chính quyền và nhân dân đánh giá cao. Mặt trận Tổ quốc các cấp cũng đã phát huy tinh thần sáng tạo và tự quản của nhân dân, triển khai các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước; phát huy dân chủ, đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; thực hiện giám sát và phản biện xã hội, tham gia xây dựng Đảng và chính quyền trong sạch, vững mạnh.
Trong năm nay, tổ chức mặt trận các cấp của thành phố tiếp tục củng cố xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, tạo sự đồng thuận trong xã hội để tập hợp được người dân và toàn thể tổ chức chính trị cùng vào cuộc với sự phát triển chung của thành phố. Tuyên truyền sâu rộng mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ thành phố và 10 chương trình công tác của Thành ủy khóa XVII; đổi mới các hình thức tổ chức tuyên truyền, vận động phù hợp với tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19, hướng mạnh về cơ sở, ứng dụng công nghệ thông tin để triển khai các hoạt động, tạo sức lan tỏa sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân. Đồng thời, thực hiện tốt hơn nữa vai trò của Mặt trận Tổ quốc trong các hoạt động giám sát và phản biện xã hội, thực hiện Quy chế Dân chủ ở cơ sở, hướng dẫn người dân xây dựng và thực hiện nghiêm túc quy ước, các mô hình tự quản trong cộng đồng dân cư phù hợp với quy định của pháp luật, góp phần tham gia xây dựng chính quyền…
Đến hết năm 2022, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân phối hợp với các cấp, các ngành của thành phố tập trung làm tốt một số nhiệm vụ trọng tâm: Bám sát nhiệm vụ chính trị của thành phố và chương trình công tác năm 2022, đẩy mạnh hoàn thành tốt những nhiệm vụ đã đề ra, phát huy hơn nữa vai trò tập hợp, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc; thực hiện nghiêm túc các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, góp phần giữ vững ổn định chính trị - xã hội trên địa bàn thành phố.
Đồng thời, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân tiếp tục phát huy vai trò nòng cốt trong tuyên truyền, vận động hội viên, đoàn viên và nhân dân thực hiện phòng, chống dịch COVID-19; tuyên truyền, vận động hội viên, đoàn viên và nhân dân tích cực tham gia lao động, sản xuất, kinh doanh, góp phần duy trì, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô. Tập trung đẩy mạnh và nâng cao công tác tuyên truyền giáo dục, chính trị tư tưởng tới cán bộ, hội viên nông dân; vận động nông dân thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng, bàn giao đất cho các dự án đường vành đai 4 qua thành phố, nhất là các quận, huyện có đường Vành đai 4 đi qua, gồm Sóc Sơn, Mê Linh, Hoài Đức, Đan Phượng, Thanh Oai, Thường Tín và Hà Đông.
Tiếp tục phối hợp, tham mưu làm tốt công tác kiện toàn tổ chức bộ máy, cán bộ hệ thống chính trị thành phố. Đổi mới, sắp xếp, củng cố tổ chức bộ máy của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân các cấp tinh gọn, hiệu quả. Tăng cường nắm tình hình hội viên, đoàn viên, tình hình dân tộc, tôn giáo, dư luận xã hội. Tham mưu, phối hợp đề xuất các cấp ủy, chính quyền giải quyết kịp thời những vấn đề dân sinh bức xúc liên quan đến đất đai, giải phóng mặt bằng, quản lý đô thị… Tiếp tục phát huy vai trò nòng cốt trong công tác chăm lo, hỗ trợ đối với đoàn viên, hội viên và nhân dân; tích cực tham gia các hoạt động nhân đạo, từ thiện, và công tác tôn giáo./.
Xây dựng mô hình “một cửa” đồng bộ, hiện đại - Điểm sáng trong giải quyết thủ tục hành chính ở thành phố Hà Nội  (30/10/2022)
Thành ủy Hà Nội với nhiều mô hình hay, cách làm mới trong thực hiện học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh  (29/10/2022)
- Kinh nghiệm quản lý thị trường vàng của một số quốc gia và hàm ý chính sách cho Việt Nam
- Thu hút trí thức người Việt Nam ở nước ngoài cho phát triển nguồn nhân lực khoa học - công nghệ
- Chiến lược triển khai quyền chỉ huy, kiểm soát biển của Mỹ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương và một số tác động
- Một số chính sách lớn nhằm nâng cao hiệu quả ứng phó, giải quyết các vấn đề an ninh phi truyền thống, an ninh mạng ở Việt Nam hiện nay
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
-
Việt Nam trên đường đổi mới
Những thành tựu cơ bản về phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam từ khi đổi mới đến nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm