Phát triển du lịch xanh gắn với xây dựng nông thôn mới
TCCS - Phát triển du lịch nông thôn là một trong những giải pháp nhằm khơi dậy tiềm năng, lợi thế của khu vực nông thôn, gắn với phát triển du lịch cộng đồng, điểm du lịch nông thôn, đồng thời đa dạng hoá các ngành nghề dịch vụ nông thôn để tăng thu nhập của người nông dân… góp phần phát triển kinh tế vùng nông thôn, xây dựng nông thôn mới đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững.
Mối quan hệ giữa xây dựng nông thôn mới và phát triển du lịch nông thôn
Phát triển du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới sẽ tận dụng kết cấu hạ tầng sẵn có để tạo thêm việc làm từ cung ứng dịch vụ, gia tăng thu nhập, góp phần thúc đẩy xóa đói giảm nghèo. Thực tiễn cho thấy, chương trình xây dựng nông thôn mới đóng vai trò hỗ trợ tích cực cho phát triển du lịch nông thôn trong việc nâng cấp, hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng, bảo đảm vệ sinh môi trường, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa, làng nghề truyền thống… đặc biệt có ý nghĩa trong quá trình phát triển nhanh và bền vững đất nước.
Ngược lại, du lịch nông thôn góp phần nâng cao chất lượng xây dựng nông thôn mới bền vững thông qua việc nâng cao thu nhập, tạo sinh kế cho người dân ở nông thôn, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp... Bên cạnh đó, du lịch nông thôn đem lại nhiều lợi ích về kinh tế - xã hội cho người dân địa phương thông qua tạo công ăn việc làm, nâng cao đời sống và có ý nghĩa to lớn trong công cuộc xóa đói giảm nghèo của Đảng và Nhà nước.
Du lịch nông thôn là loại hình du lịch diễn ra ở khu vực nông thôn, với quy mô kinh doanh nhỏ, không gian mở, được tiếp xúc trực tiếp và hòa mình vào thiên nhiên, gắn với những đặc điểm tiêu biểu ở khu vực nông thôn, những di sản văn hóa xã hội và văn hóa truyền thống ở làng xã...; thể hiện đặc tính đa dạng về môi trường, kinh tế, lịch sử, địa điểm của mỗi vùng nông thôn. Ở góc nhìn khác, du lịch nông thôn bao gồm chuỗi các hoạt động, dịch vụ và tiện nghi được cung cấp ở khu vực nông thôn nhằm khai thác các giá trị kinh tế, văn hóa, xã hội ở vùng nông thôn, đáp ứng nhu cầu trải nghiệm của du khách ở địa phương hoặc những vùng, miền khác. Từ cách hiểu đó, có thể chỉ ra đặc điểm của du lịch nông thôn là: Thứ nhất, du lịch nông thôn có nền tảng là nông nghiệp; thứ hai, mô hình du lịch nông thôn có thể thay đổi theo thời gian và không gian phù hợp với đặc thù và tình hình; thứ ba, phát triển du lịch nông thôn dựa trên sự gắn kết với các ngành, nghề khác, ngược lại, sự phát triển của các ngành, nghề khác là tiền đề để du lịch nông thôn phát triển; thứ tư, du lịch nông thôn có tính liên ngành và liên vùng cao.
Thêm hướng đi hiệu quả cho du lịch tỉnh Ninh Bình
Tỉnh Ninh Bình có nguồn tài nguyên du lịch phong phú, đa dạng, bao gồm cả rừng, núi, sông, hồ, biển; các hệ sinh thái đa dạng (rừng nguyên sinh, đất ngập nước…); hệ thống các di tích văn hóa, lịch sử, danh lam, thắng cảnh nổi tiếng. Trong đó nổi bật là Quần thể danh thắng Tràng An - di sản thiên nhiên và văn hóa thế giới (di sản thế giới hỗn hợp đầu tiên của Việt Nam), khu du lịch tâm linh Chùa Bái Đính – ngôi chùa lớn nhất Đông Nam Á; cố đô Hoa Lư; vườn quốc gia Cúc Phương; khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long, nhà thờ đá Phát Diệm…
Đây là những lợi thế lớn của tỉnh Ninh Bình trong phát triển du lịch, có thể tạo nên sự khác biệt, những sản phẩm du lịch đặc thù, có khả năng cạnh tranh và tạo nên thương hiệu riêng cho du lịch Ninh Bình. Tỉnh Ninh Bình đã và đang thu hút sự quan tâm của nhiều du khách trong và ngoài nước. Đặc biệt, vẻ đẹp thiên nhiên nguyên sơ, riêng có, cùng những có gắng nỗ lực tạo ra những điểm đến du lịch độc đáo, hấp dẫn và sản phẩm dịch vụ du lịch chất lượng, môi trường du lịch thân thiện, hiếu khách, làm cho điểm đến Ninh Bình ngày càng them hấp dẫn.
Du lịch ở nông thôn là loại hình du lịch được tổ chức tại vùng, khu vực nông thôn với quy mô hộ gia đình, hộ kinh doanh nhỏ. Du lịch ở nông thôn có không gian mở, sự hài hòa giữa con người và thiên nhiên gắn với đặc điểm nổi bật, văn hóa vùng miền và địa phương. Du lịch nông thôn ở Việt Nam nói chung và Ninh Bình nói riêng khai thác giá trị văn hóa, bản sắc dân tộc tại địa phương để phát triển. Loại hình này đáp ứng nhu cầu trải nghiệm của du khách về nhiều khía cạnh như: văn hóa, ẩm thực, tinh thần, trải nghiệm,… Du lịch nông thôn mang đậm tính đặc trưng về văn hóa, lối sống tại nông thôn đi đôi với sản xuất nông nghiệp. Du lịch nông thôn góp phần nâng cao chất lượng xây dựng nông thôn mới bền vững thông qua việc nâng cao thu nhập, tạo sinh kế cho người dân ở nông thôn, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp... Ngược lại, chương trình xây dựng nông thôn mới đóng vai trò hỗ trợ tích cực cho phát triển du lịch nông thôn trong việc nâng cấp, hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng, bảo đảm vệ sinh môi trường, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa, làng nghề truyền thống… Các loại hình du lịch nông thôn chủ đạo hiện nay tại Ninh Bình là du lịch nông nghiệp, du lịch sinh thái và du lịch cộng đồng. Các sản phẩm du lịch nông thôn khai thác tập trung vào giá trị cảnh quan sinh thái nông thôn, hoạt động sản xuất nông nghiệp, giá trị văn hóa truyền thống của khu vực, sản phẩm nghỉ dưỡng nông thôn chất lượng cao…
Hiện nay trên địa bàn tỉnh có 77 làng nghề đã được Ủy ban nhân dân tỉnh công nhận (trong đó có 4 làng nghề chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản; 13 làng nghề sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ, 46 làng nghề sản xuất đồ gỗ, mây tre đan, gốm sứ, thủy tinh, dệt may, sợi, thêu ren, đan lát, cơ khí nhỏ; 11 làng nghề sản xuất và kinh doanh sinh vật cảnh; 03 làng nghề dịch vụ, phục vụ đời sống dân cư nông thôn). Các làng nghề có thể tạo ra khá nhiều các sản phẩm thủ công độc đáo, như đồ gốm, các sản phẩm từ cói, mây tre đan, gỗ mỹ nghệ, sản phẩm thêu ren… Ở mỗi khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh đều đã hình thành và phát triển các mặt hàng du lịch đặc trưng của các vùng, miền. Đó là những gian hàng bán các sản phẩm thêu tay ở Khu du lịch Tam Cốc - Bích Động; các mặt hàng từ cói ở Nhà thờ đá Phát Diệm; các gian hàng gốm sứ mỹ nghệ, thêu ren ở Phố Cổ Hoa Lư, Khu du lịch tâm linh núi chùa Bái Đính...
Nông thôn tỉnh Ninh Bình đang chuyển mình, trở thành những miền quê đáng sống, các giá trị bản sắc độc đáo, khác biệt, các sản phẩm đặc trưng riêng có đang được quảng bá, lan toả, hình thành những điểm đến về du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn, du lịch trải nghiệm, thu hút khách du lịch mỗi khi về với Ninh Bình. Tuy vậy, để mô hình du lịch gắn với phát triển nông thôn mới phát triển bền vững vẫn còn nhiều khó khăn. Du lịch nông thôn chủ yếu quy mô nhỏ, do các doanh nghiệp, hộ gia đình, tổ hợp tác cung cấp. Mô hình tổ chức du lịch nông thôn chủ yếu mang tính chất tự phát, phát triển từ những dịch vụ đơn giản là tham quan trang trại, cải tạo nhà vườn thành nơi nghỉ ngơi của khách, chưa chuyên nghiệp, chưa hình thành điểm đến du lịch hấp dẫn, chưa có chính sách tổng thể cho phát triển du lịch nông thôn ở cấp quốc gia... Một số vùng nông thôn tuy đã chú ý đến cảnh quan môi trường, song vấn đề vệ sinh môi trường, ô nhiễm nguồn nước, không khí vẫn diễn ra, chưa khắc phục triệt để. Công tác quy hoạch hạ tầng cơ sở, hạ tầng nhân lực dành cho phát triển du lịch nông thôn gần như chưa có…
Để gắn kết phát triển du lịch với chương trình xây dựng nông thôn mới thời gian tới, phát triển du lịch nông thôn trên địa bàn tỉnh Ninh Bình mang đặc trưng của Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An, đồng thời đáp ứng mục tiêu gìn giữ, bảo tồn và phát triển nông thôn bản sắc đô thị Cố đô Di sản và phù hợp với định hướng của tỉnh quyết tâm xây dựng tỉnh Ninh Bình cơ bản đáp ứng các tiêu chí thành phố trực thuộc Trung ương trước năm 2030 và trở thành Đô thị di sản thiên niên kỷ và trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2035, cần tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp sau:
Một là, thực hiện quy hoạch phát triển du lịch nông thôn đồng bộ với quy hoạch xây dựng nông thôn mới. Quy hoạch không gian phát triển du lịch nông thôn cần gắn với đặc trưng sinh thái vùng, miền, chú trọng bảo tồn giá trị văn hóa - lịch sử. Quy hoạch cụ thể, đồng bộ kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất dịch vụ kỹ thuật phục vụ phát triển du lịch. Thiết kế và xây dựng dựa vào những vật liệu sẵn có từ địa phương và bảo đảm không phá vỡ không gian cảnh quan vùng quê, đặc trưng của vùng, miền...
Hai là, tuyên truyền, quảng bá, nâng cao nhận thức về du lịch nông thôn; đa dạng hóa và đổi mới hình thức, nội dung truyền thông du lịch nông thôn trên nền tảng công nghệ số, truyền thông, quảng bá sản phẩm du lịch nông thôn tại các hội chợ, triển lãm. Thay đổi tư duy, kiến thức, hành động cho cấp ủy, chính quyền, cán bộ; tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch; người dân, cộng đồng và khách du lịch về phát triển du lịch nông thôn bền vững trong xây dựng nông thôn mới. Bồi dưỡng, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực địa phương phục vụ du lịch.
Ba là, thiết lập và tăng cường sự liên kết, chia sẻ lợi ích giữa các chủ thể tham gia trong cộng đồng. Xác lập được vai trò, trách nhiệm cụ thể của từng bên liên quan trong quá trình phát triển du lịch cộng đồng gắn với xây dựng nông thôn mới như: Cộng đồng người dân tại chỗ - cơ quan quản lý nhà nước - doanh nghiệp du lịch, cơ sở cung cấp sản phẩm, dịch vụ - khách du lịch - cơ quan truyền thông - các chủ thể liên quan khác. Tiếp cận theo hướng quan điểm tư duy có hệ thống trong sự liên kết không gian và liên kết ngành.
Bốn là, khuyến khích, kêu gọi các sáng kiến, ý tưởng, dự án, mô hình khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực nông nghiệp, thủ công mỹ nghệ gắn với du lịch nông thôn; các giải pháp kết nối thị trường, marketing hiệu quả cho du lịch nông thôn; phát triển chuẩn hóa các sản phẩm du lịch nông thôn để được đánh giá, phân hạng công nhận là sản phẩm OCOP. Thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tổ chức các cuộc thi sáng tác ý tưởng liên quan tới du lịch nông thôn; tổ chức giải thưởng du lịch nông thôn cấp tỉnh. Tổ chức các lễ hội (đặc biệt là lễ hội văn hóa dân gian, lễ hội sản phẩm đặc sản, đặc trưng…), hoạt động kết nối du lịch các vùng, miền.
Năm là, gắn liền việc phát triển du lịch nông thôn với chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới - Chuẩn hóa các điểm du lịch cộng đồng theo bộ tiêu chí chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Ngoài ra, mỗi vùng, miền với thế mạnh riêng về cảnh quan, văn hóa, lịch sử, con người, ẩm thực và đặc biệt với những sản phẩm nông nghiệp phong phú đa dạng nhưng mang thế mạnh địa phương và là đặc sản vùng miền. Xây dựng Đề án phát triển dịch vụ du lịch cộng đồng gắn với xây dựng nông thôn mới, nhằm quy hoạch lại các điểm du lịch trong một tổng thể thống nhất, liên kết cùng phát triển dựa trên tài nguyên du lịch tự nhiên, văn hóa và giá trị bản địa tại các bản, làng, thôn, ấp. Phát huy thế mạnh các bên liên quan trong xây dựng đề án để bảo đảm đưa vào triển khai đạt hiệu quả cao và phát triển du lịch bền vững./.
Phát huy vai trò của các tổ chức tôn giáo trong xây dựng nông thôn mới ở huyện Yên Mô  (19/11/2024)
Tỉnh Ninh Bình: Làng thêu Văn Lâm giữ gìn tinh hoa truyền thống  (19/11/2024)
Huyện Kim Sơn phát huy vai trò của đồng bào các tôn giáo trong xây dựng nông thôn mới  (16/11/2024)
Mô hình phát triển du lịch xanh tỉnh Ninh Bình  (15/11/2024)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Việt Nam trên đường đổi mới
Những thành tựu cơ bản về phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam từ khi đổi mới đến nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay