Một số vấn đề và giải pháp nhằm tăng cường quản lý môi trường tại các cụm công nghiệp
TCCS - Thời gian qua, việc hình thành và phát triển hệ thống các cụm công nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội có đóng góp quan trọng trong tăng trưởng công nghiệp và dịch vụ, nhất là với khu vực ngoại thành, làng nghề, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế Thủ đô theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tuy nhiên, việc phát triển các cụm công nghiệp gặp nhiều bất cập, trong đó có vấn đề môi trường.
Nhiều tồn tại trong công tác bảo vệ môi trường cụm công nghiệp
Có thể thấy, công tác bảo vệ môi trường tại các cụm công nghiệp luôn là vấn đề nóng và khó giải quyết, đặc biệt là tại các cụm công nghiệp làng nghề. Theo báo cáo của Sở Công Thương Hà Nội, hiện, thành phố có 70 cụm công nghiệp hoạt động nằm trên địa bàn 17 quận, huyện, thị xã với khoảng 3.864 cơ sở sản xuất, đóng góp vào ngân sách khoảng 1.100 tỷ đồng/năm, với khoảng 60.000 lao động. Theo quy hoạch, tổng diện tích của 70 cụm công nghiệp là 1.686 ha, trong đó hiện trạng có 1.392 ha đã đầu tư xây dựng hạ tầng, hoạt động ổn định, còn khoảng 294 ha cần đầu tư hạ tầng bổ sung, hoặc thực hiện giai đoạn 2. Những cụm công nghiệp trên góp phần đưa việc sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp làng nghề trở nên chuyên nghiệp, hiệu quả hơn, đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế Thủ đô.
Tuy nhiên, vấn đề xử lý nước thải tại các cụm công nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội còn nhiều tồn tại. Hiện có 26 cụm công nghiệp đã có hệ thống xử lý nước thải bao gồm: 10 cụm công nghiệp do chủ đầu tư thực hiện. Trong đó, có 7 cụm công nghiệp có trạm xử lý nước thải đang hoạt động bình thường; 2 cụm công nghiệp có trạm xử lý nước thải không hoạt động; 1 cụm công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải hoạt động không hiệu quả do chỉ xây dựng hệ thống thu gom, bể chứa, lắng; 15 cụm công nghiệp được đầu tư xây dựng 14 trạm xử lý nước thải thuộc Đề án đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung tại các cụm công nghiệp trên địa bàn thành phố giai đoạn 2014 - 2015 (theo Quyết định số 7209/QĐ-UBND, ngày 2-12-2013). Hầu hết các cụm công nghiệp tại các làng nghề, có quy mô nhỏ, trong đó nhiều cụm nằm xen kẽ hoặc gần khu dân cư cũng không có hệ thống xử lý nước thải mà đều xả thải trực tiếp ra môi trường, gây ô nhiễm nghiêm trọng.
Theo ông Đàm Tiến Thắng, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, trong giai đoạn đầu phát triển cụm công nghiệp trên địa bàn, các địa phương chủ yếu muốn thu hút nhanh các nhà đầu tư nên vấn đề bảo vệ môi trường chưa được quan tâm đúng mức. Các cụm công nghiệp vừa tiến hành xây dựng hạ tầng vừa tiếp nhận doanh nghiệp. Phần lớn các cụm công nghiệp trên địa bàn Hà Nội được hình thành và phát triển từ làng nghề, hoạt động còn mang tính tự phát, không có quy hoạch trong khi để đáp ứng được các yêu cầu về xử lý môi trường, phòng cháy chữa cháy… đòi hỏi chi phí đầu tư trang thiết bị, hệ thống rất tốn kém nên… đã bị “bỏ qua”.
Theo bà Nguyễn Thị Thu Huyền, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Thanh Trì (đơn vị quản lý cụm công nghiệp Ngọc Hồi), việc quản lý, duy trì hoạt động của cụm công nghiệp Ngọc Hồi cả năm chỉ trông vào nguồn thu khoảng 2,2 tỷ từ tiền dịch vụ công nghiệp và tiền xử lý nước thải nên nếu có sự cố hoặc hỏng hóc gì, cần sửa chữa nâng cấp thì cũng không có kinh phí. Hiện, Nghị định số 68/2017/NĐ-CP, ngày 25-5-2017 của Chính phủ chưa có quy định cụ thể về chế tài xử lý đối với các doanh nghiệp chậm đóng các khoản chi phí sử dụng các dịch vụ công cộng, tiện ích trong cụm công nghiệp, do vậy các ban quản lý rất khó khăn trong công tác đôn đốc các doanh nghiệp nộp các khoản chi phí nêu trên nhằm duy tu, bảo dưỡng, duy trì hoạt động của cụm.
Tăng cường quản lý môi trường tại các cụm công nghiệp
Để khắc phục phần nào những bất cập liên quan đến xử lý môi trường tại các cụm công nghiệp, Sở Công Thương Hà Nội đã xây dựng Chương trình hỗ trợ đầu tư hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2020-2023, trong đó, đề xuất hỗ trợ kinh phí hoàn thiện hạ tầng (hệ thống xử lý nước thải, bãi tập kết chất thải rắn, hệ thống giao thông nội bộ, tường rào cụm công nghiệp, nhà điều hành…) cho 56 cụm công nghiệp do Ban Quản lý dự án cấp huyện làm chủ đầu tư. Ngoài ra, sẽ hỗ trợ một phần kinh phí cho các doanh nghiệp là chủ đầu tư các cụm công nghiệp thành lập mới thuộc địa bàn các huyện khó thu hút đầu tư như Ba Vì, Mỹ Đức... Bên cạnh đó, Sở Công Thương sẽ tiếp tục chủ trì phối hợp với các Sở, ngành, tiếp tục tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố trong việc xây dựng Chương trình hỗ trợ đầu tư hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp trên địa bàn Hà Nội giai đoạn 2020 - 2030. Theo đó, đề xuất cơ chế hỗ trợ, khuyến khích việc chuyển đổi chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng kỹ thuật các cụm công nghiệp do các ban quản lý dự án đầu tư xây dựng của ủy ban nhân dân cấp huyện sang các doanh nghiệp theo quy định của Nghị định số 68/2017/NĐ-CP, ngày 25-5-2017 của Chính phủ về quản lý, phát triển cụm công nghiệp và các quy định hiện hành. Hỗ trợ đầu tư nhằm chuẩn hóa và đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật các cụm công nghiệp do ban quản lý dự án cấp huyện làm chủ đầu tư đáp ứng được các yêu cầu về cụm công nghiệp, như: giao thông nội bộ, vỉa hè, cây xanh, cấp nước, thoát nước… Chủ trì trong công tác quản lý nhà nước đối với các cơ sở dữ liệu về cụm công nghiệp, phối hợp với các sở chuyên ngành để được cung cấp các số liệu quản lý thuộc thẩm quyền về Sở Công Thương.
Cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, chấn chỉnh các hoạt động xả thải và xử lý nghiêm các đơn vị nếu phát hiện vi phạm. Tập trung kiểm soát chặt chẽ các nguồn gây ô nhiễm, tăng cường quản lý rác thải công nghiệp, nguy hại, sinh hoạt; giải quyết ô nhiễm tại cụm công nghiệp và các điểm nóng khác. Kiên quyết xử lý các cơ sở sử dụng lãng phí năng lượng, tài nguyên, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Sở có kế hoạch kiểm tra định kỳ, đột xuất các đơn vị hoạt động về công tác bảo vệ môi trường. Đây cũng là tiền đề để tạo đột phá trong phát triển sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công, góp phần vào sự phát triển của kinh tế - xã hội bền vững của Thủ đô./.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng dự Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập Trường Trung học phổ thông Nguyễn Gia Thiều  (15/11/2020)
Hà Nội phát triển thị trường trong nước gắn với cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”  (10/11/2020)
Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) bổ sung nhiều quy định mới, có tính đột phá  (10/11/2020)
Sửa đổi Luật Bảo vệ môi trường để đáp ứng tốt hơn yêu cầu bảo vệ môi trường trong giai đoạn mới  (03/11/2020)
Những kết quả nổi bật trong công tác xây dựng Đảng ở Hà Nội  (02/11/2020)
- Hoàn thiện hệ thống chính sách hỗ trợ và thúc đẩy đổi mới sáng tạo đối với doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội
- Một số vấn đề cơ bản về phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực nhà nước trong xây dựng nhà nước pháp quyền
- Việt Nam chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, thúc đẩy đối ngoại quốc phòng, góp phần bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa bằng các biện pháp hòa bình
- Thúc đẩy quá trình cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp nhà nước
- Bảo vệ, phát huy giá trị tài nguyên di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch bền vững
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG
Những vấn đề môi trường cấp bách hiện nay: Thực trạng và giải pháp