Kết nối sức mạnh hệ thống chính trị để “không ai bị bỏ lại phía sau”
“Tín dụng chính sách xã hội là giải pháp để thực hiện mục tiêu giảm nghèo một cách cơ bản và bền vững”. Câu đầu tiên trong Chiến lược Phát triển Ngân hàng Chính sách xã hội giai đoạn 2011 - 2020 cũng là kim chỉ nam cho mỗi hoạt động của cán bộ, viên chức và người lao động trong hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội từ ngày đầu thành lập.
Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) không đơn thuần chỉ là đơn vị ủy thác của Chính phủ tích cực và hiệu quả tín dụng chính sách này mà còn đảm nhiệm vai trò cầu nối, đòn bẩy thúc đẩy việc hoàn thiện hệ thống chính sách, đồng thời tối đa hóa hiệu ứng từng chính sách qua cách thức sáng tạo cùng sự bền bỉ thực thi chính sách.
Khởi tạo những động năng
Về thăm xã Tân Hội, huyện Đức Trọng (Lâm Đồng) - một trong 11 xã của cả nước, đại diện cho vùng Tây Nguyên và Lâm Đồng được Trung ương chọn thí điểm xây dựng mô hình nông thôn mới trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa giai đoạn 2009 - 2011 lại càng thấm câu nói mà Tổng Giám đốc NHCSXH Dương Quyết Thắng từng nhiều lần nhấn mạnh “Ở đâu chính quyền địa phương quan tâm, ở đó công tác tín dụng chính sách triển khai hiệu quả góp phần tích cực vào công tác giảm nghèo, phát triển kinh tế địa phương”.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Bùi Văn Tân bật mí, một trong những điểm tựa để xã cán đích nông thôn mới kể từ cuối năm 2013 và giữ vững danh hiệu này đến nay, đó chính là Đảng ủy, Ủy ban nhân dân xã chủ động tận dụng nguồn vốn tín dụng chính sách hòa vào các định hướng phát triển kinh tế của xã vừa đẩy nhanh tiến trình giảm nghèo, vừa bù lấp những khoảng trống thiết yếu của đời sống dân sinh cũng là các yếu tố cấu thành chỉ tiêu giảm nghèo đa chiều, xây dựng nông thôn mới. Thay vì mở rộng hỗ trợ tín dụng tràn lan, xã thắt chặt việc bình xét hộ nghèo để có những chính sách đầu tư trọng điểm cũng như tránh tình trạng bà con trông chờ, ỷ lại. Với những hộ mới thoát nghèo, hộ nghèo, đối tượng chính sách hằng tháng, hằng quý Đảng ủy, ủy ban nhân dân xã cử người xuống họp, xem bà con có nhu cầu gì không, để kịp thời hỗ trợ, đặc biệt là cùng các hội, đoàn thể hướng dẫn bà con tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính sách phát triển kinh tế.
Câu chuyện tín dụng chính sách thực hiện 2 Chương trình mục tiêu Quốc gia về giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới của Tân Hội, thêm sinh động khi ông Tân nhớ lại khoảng thời gian 2010 - 2011, dịch chân tay miệng bùng phát do thiếu nhà vệ sinh, ông đã tận dụng nguồn vốn vay tập trung hỗ trợ bà con xây nhà vệ sinh sạch sẽ - một tiêu chí quan trọng trong cấu phần xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo đa chiều.
“Tân Hội có nhiều nguồn vốn tín dụng từ Quỹ Tín dụng nhân dân đến Agribank, nhưng nguồn vốn của NHCSXH là nguồn vốn có tính quan trọng quyết định cho công cuộc giảm nghèo của xã trong những năm qua”, ông Tân tâm sự.
Hay như xã Đắk Wer, huyện Đắk R’Lấp (Đắk Nông) tách ra từ xã Nhân Cơ vào năm 2005 với hộ nghèo và mù chữ chiếm tới 70%, cả xã chẳng có nổi một con đường cấp phối để đi lại. Nhưng chỉ sau 13 năm, đã trở thành 1/10 xã nông thôn mới của tỉnh Đắk Nông.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Lê Quang Dũng vẫn nhớ như in những ngày “vạn sự khởi đầu nan” ấy. Xã không chỉ có đồng bào bản địa mà còn có những người dân di cư từ các tỉnh miền núi phía Bắc, các tỉnh Tây Nguyên khác về. Cả xã chia làm 2 khu vực với hai thái cực, một khu vực người dân chăm chỉ, “thuận buồm xuôi gió” đưa vốn tín dụng vào, phần còn lại là sự kỳ công của chính quyền cũng như NHCSXH từ việc tuyên truyền người dân thay đổi tư duy tự cung, tự cấp, trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Chính phủ theo kiểu “mưa dầm thấm đất” cho đến việc hỗ trợ bà con lựa chọn hình thái kinh tế, nguồn vốn để thoát nghèo. Ai có sức, có đất thì chính quyền và NHCSXH định hướng vào trồng cà phê, hồ tiêu, người có con học tốt thì hướng đến con đường giảm nghèo từ việc đầu tư cho con đi học. Sự tận tâm, tận lực của chính quyền xã với người dân cùng nguồn vốn tín dụng luôn sẵn sàng đã giúp thay đổi tư duy phát triển kinh tế của người dân Đắk Wer sang kinh tế hàng hóa, tích lũy đất đai, mở rộng sản xuất.
Những thực chứng ấy thêm minh chứng cho tính đúng đắn của việc ra đời Chỉ thị số 40-CT/TW, ngày 22-11-2014, của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội (Chỉ thị 40). Từ những ngày đầu góp sức xây dựng Chỉ thị, trong 4 năm qua, NHCSXH tiếp tục nối những nhịp cầu đưa Chỉ thị vào cuộc sống. Những cuộc làm việc với các bộ, ban, ngành Trung ương và cấp ủy, chính quyền các tỉnh, thành phố trở thành một trong những nội dung quan trọng mà Ban lãnh đạo NHCSXH cũng như các chi nhánh triển khai thường niên.
Chỉ tính riêng năm 2018, Ban lãnh đạo NHCSXH đã đi thực địa và làm việc với gần 1/3 số tỉnh, thành trong cả nước để đánh giá hiệu quả tín dụng chính sách trên địa bàn từ đó tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị 40.
Từ sự chia sẻ đến những cái siết chặt tay giữa chính quyền địa phương và NHCSXH đã góp phần đưa nguồn vốn địa phương ủy thác sang NHCSXH để cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác tăng 8.000 tỷ đồng. Riêng năm 2018 tăng 2.764 tỷ đồng so với cuối năm 2017, đưa tổng nguồn vốn ủy thác của địa phương đến 31-12-2018 đạt 11.809 tỷ đồng. Nguồn vốn ủy thác không chỉ dồi dào ở những tỉnh có tiềm lực mà cả ở những địa phương còn đang khó khăn như: Đồng Tháp (+73 tỷ đồng), Quảng Ngãi (+42 tỷ đồng),...
Tối đa hóa sức mạnh nội lực
Ghi nhận những đóng góp quan trọng của NHCSXH trong thành tựu chung của ngành, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước kiêm Chủ tịch Hội đồng quản trị NHCSXH Lê Minh Hưng nhấn mạnh: “Chính sách tín dụng là chính sách căn cơ, bền vững, lâu dài trong thực hiện công tác bảo đảm an sinh xã hội”. Trong đó, NHCSXH không chỉ là đại diện ủy thác giải ngân tín dụng mà còn là một động lực góp phần gia tăng nguồn lực hỗ trợ thực hiện tín dụng chính sách.
Điều này có thể thấy rõ không chỉ từ việc tăng cường hiệu quả Chỉ thị 40 mà còn là việc cải thiện các chính sách, công cụ để tối đa hóa nguồn vốn huy động từ các tổ chức, cá nhân trên thị trường. Đáng nói là sáng kiến huy động tiết kiệm tại điểm giao dịch xã đã góp phần đẩy mạnh huy động vốn của các tổ chức, cá nhân trên thị trường đạt 25.056 tỷ đồng, tăng 6.562 tỷ đồng so với năm 2017, đưa tổng nguồn vốn tín dụng chính sách đạt 194.420 tỷ đồng đến 31-12-2018, tăng 19.038 tỷ đồng so năm 2017.
Cũng từ những đợt kiểm chứng, lắng nghe từ người dân, chính quyền về các chính sách tín dụng, NHCSXH đã điều chỉnh nguồn vốn và phương thức chuyển tải vốn hợp lý hiệu quả hơn, đồng thời kiến nghị đến các cơ quan chức năng, Chính phủ để có những chính sách hợp lòng dân, gia tăng động lực cho công cuộc giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới của cả nước. Nhìn lại 8 năm thực hiện chiến lược 2011 - 2020, có tới 8/22 chính sách tín dụng mới và 1 chính sách được điều chỉnh bổ sung để tiếp tục thực hiện đi vào từng “phân khúc” đối tượng chính sách và những người yếu thế có tính tới cả yếu tố vùng miền, địa lý. Hệ thống tín dụng chính sách góp phần giảm sự thiếu hụt các chiều vào của chỉ số nghèo đa chiều, hiện thực hóa mục tiêu thiên niên kỷ của Liên Hợp quốc, như trình độ giáo dục người lớn, chất lượng nhà ở, nguồn nước sinh hoạt, nhà tiêu hợp vệ sinh...
Các chính sách cũng được triển khai điều chỉnh cho phù hợp với khả năng sử dụng thanh toán của đối tượng cũng như từng địa phương. Giai đoạn từ năm 2011 đến nay, Thủ tướng Chính phủ đã 3 lần ban hành Quyết định giảm lãi suất cho vay một số chương trình tín dụng tại NHCSXH. Và mới đây nhất là việc điều chỉnh mức vay của chương trình tín dụng nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn phù hợp hơn với nhu cầu thực tế.
Đặc biệt, chính sách mở rộng độ phủ tín dụng thực hiện song hành cùng việc các giải pháp củng cố và nâng cao chất lượng tín dụng của NHCSXH. Từ việc đồng bộ các cơ chế, quy trình nghiệp vụ nhằm nâng cao chất lượng công tác xử lý nợ bị rủi ro, đến việc tăng cường phối hợp chặt chẽ với các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động tổ tiết kiệm và vay vốn tại cơ sở; phối hợp với chính quyền địa phương và các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác tăng cường giám sát quá trình sử dụng vốn vay, nâng cao ý thức và nguyên tắc “có vay - có trả” cho người dân.
Chính sách tín dụng vừa có cái lý vừa thêm đầy đặn chữ tình khi NHCSXH luôn theo sát từng bước chuyển động trong đời sống sản xuất của người dân. Như UNDP đánh giá, nguyên nhân tái nghèo chủ yếu do thiên tai, NHCSXH luôn kịp thời chỉ đạo các đơn vị thường xuyên theo dõi diễn biến để kịp thời ứng phó, quan trọng hơn là nắm bắt kịp thời thiệt hại của khách hàng vay vốn, áp dụng các biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn như: Xử lý nợ, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, tiếp tục cho vay khôi phục sản xuất sau mưa lũ... Tính nhân văn trong tín dụng chính sách của Đảng, Nhà nước ta đối với người nghèo và các đối tượng yếu thế vì thế càng nhân thêm giá trị trong quá trình thực thi tín dụng chính sách.
Đến 31-12-2018, tổng dư nợ tín dụng chính sách của NHCSXH đạt 187.792 tỷ đồng, tăng 16.003 tỷ đồng (+9,3%) so với năm 2017, với gần 6,7 triệu hộ nghèo và các đối tượng chính sách đang được vay vốn. Trong đó, dư nợ tín dụng thực hiện theo kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao đạt 165.141 tỷ đồng, tăng 12.938 tỷ đồng, hoàn thành 100% kế hoạch. Riêng năm 2018 hơn 2,1 triệu lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác được tiếp cận vốn với doanh số cho vay đạt 62.078 tỷ đồng, tăng 6.964 tỷ đồng so với năm 2017. Tổng doanh số thu nợ năm 2018 đạt 45.888 tỷ đồng, tăng 5.379 tỷ đồng so với năm 2017 và tỷ lệ nợ quá hạn và nợ khoanh chiếm 0,78%/tổng dư nợ, trong đó nợ quá hạn chiếm 0,39%/tổng dư nợ, thêm minh chứng cho hiệu quả dòng vốn tín dụng.
Bức tranh tín dụng năm 2018 cũng đã dự báo một chiến lược 10 năm của NHCSXH hoàn thành mục tiêu đề ra, góp phần làm đẹp thêm một chính sách nhân văn của Đảng, Nhà nước ta đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Đây là nền tảng để NHCSXH tiến bước vững chắc ở tuổi 17 với những tham vọng lớn hơn nữa. Từ việc dần hình thành những trụ đỡ mới cho người yếu thế về việc làm, nhà ở, cho đến việc áp dụng công nghệ hiện đại vào hoạt động, NHCSXH kỳ vọng chính sách tín dụng không chỉ đáp ứng 100% nhu cầu mà còn phải đủ nhanh để người dân không vì chậm tiếp cận tín dụng mà bị bỏ lại phía sau trong hành trình thoát nghèo, phát triển bền vững./.
Agribank được vinh danh tại 02 hạng mục Giải thưởng Sao Khuê 2019  (24/04/2019)
Thông tin kinh tế đáng chú ý trong tuần (từ ngày 15 đến 21-4-2019)  (24/04/2019)
Hoạt động đối ngoại nổi bật tuần qua (từ ngày 15 đến ngày 21-4-2019)  (24/04/2019)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Việt Nam trên đường đổi mới
Những thành tựu cơ bản về phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam từ khi đổi mới đến nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay