Chăm chút từng hạt giống nông thôn mới
Chúng tôi về Kon Tum khi những tia nắng vàng rực chớm xuân chiếu rọi xuống cao nguyên đang căng đầy nhựa sống. Những chồi non cựa mình bật dậy khắp núi rừng. Những vườn cà phê, hồ tiêu đang xanh xẫm lại tích lũy năng lượng cho một mùa ra hoa mới. Và hơn thế là sức sống mới trong mỗi căn nhà, mỗi bản làng khi nông thôn mới ùa về từng ngõ ngách cùng nguồn vốn tín dụng chính sách của Ngân hàng Chính sách xã hội.
Nơi nào có nhu cầu, nơi đó có Ngân hàng Chính sách xã hội
Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Đắk Mar, huyện Đắk Hà không giấu nổi niềm tự hào vì với tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 42% nhưng Đắk Mar là xã thứ 2 trong tỉnh Kon Tum cán đích nông thôn mới. Và từ năm 2014 đến nay, chất lượng các tiêu chí nông thôn mới được củng cố và nâng cao cùng dòng vốn tín dụng chính sách. Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Đắk Mar cho biết, chỉ tính riêng trong 3 năm (2016 - 2018) tổng doanh số cho vay các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn xã đạt 35 tỷ đồng. Vốn tín dụng chính sách đã góp phần thu hút, tạo việc làm tại chỗ 37 lao động; giúp 22 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; 491 hộ vay vốn sản xuất, kinh doanh; xây dựng hơn 1.340 công trình cung cấp nước sạch, công trình nhà tiêu hợp vệ sinh…
Ba năm qua, toàn xã đã có 3.276 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện. Con số dư nợ toàn xã đến hết năm 2018 đạt trên 39,8 tỷ đồng, tăng 6,5% so với thời điểm đầu năm 2016, có vẻ thấp hơn mức bình quân chung của tỉnh và toàn quốc, nhưng lại phản ánh sự tăng tốc thành công trong công tác giảm nghèo của xã. Tỷ lệ hộ nghèo còn 4,62%; tỷ lệ lao động trên địa bàn có việc làm thường xuyên đạt 98,1%. Thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 38 triệu đồng/người/năm. Nguồn vốn tín dụng đã góp phần giúp xã hiện thực hóa định hướng cho nhân dân là người đồng bào dân tộc thiểu số xây dựng nhà ở, các công trình phụ trợ và chuồng trại chăn nuôi phải được bố trí bảo đảm vệ sinh, thuận tiện cho sinh hoạt cũng như cảnh quan nông thôn, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất chủ yếu trên cây cà phê, khuyến khích phát triển kinh tế hộ gia đình và nhóm hộ để phát triển kinh tế. Báo cáo của Ủy ban nhân dân huyện Đắk Hà chỉ rõ bên cạnh các tiêu chí khác được duy trì, 5/6 tiêu chí nông thôn mới được nâng cao có góp công của tín dụng chính sách về nhà ở, thu nhập, hộ nghèo, việc làm và môi trường.
Với những xã đặc biệt khó khăn như Đắk Ui, công cuộc xây dựng nông thôn mới được tiến hành đồng thời và lồng ghép. Như Tổng Giám đốc NHCSXH Dương Quyết Thắng nhiều lần nhấn mạnh “nơi nào có người nghèo, có đối tượng chính sách thuộc diện ưu đãi tín dụng, nơi đó có NHCSXH”, dòng vốn NHCSXH không chỉ phủ hết các hộ nghèo có nhu cầu mà đang đóng góp vào sự hoàn thiện của từng tiêu chí nông thôn mới.
Cộng hưởng sức vươn nông thôn mới
Nhìn rộng ra toàn tỉnh Kon Tum giai đoạn 2016 - 2018, tổng doanh số cho vay các chương trình tín dụng đạt trên 2.056 tỷ đồng (trong đó doanh số cho vay tại các xã nông thôn mới đạt 1.667 tỷ đồng). Tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách đến hết năm 2018 đạt trên 2.367 tỷ đồng, tăng hơn 670 tỷ đồng (+41%) so với thời điểm đầu năm 2016 (dư nợ tại các xã nông thôn mới trong toàn tỉnh đạt 1.939 tỷ đồng, chiếm 83,5%/tổng dư nợ). Nguồn vốn tín dụng đến với gần 74 nghìn lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn từ NHCSXH (trong đó, số hộ được vay vốn tại các xã nông thôn mới đạt hơn 63 nghìn lượt hộ). Vốn tín dụng chính sách xã hội đã góp phần thu hút, tạo việc làm tại chỗ và đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài cho hơn 3,5 nghìn lao động (riêng các xã nông thôn mới là trên 1,8 nghìn lao động); giúp 743 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập (riêng các xã nông thôn mới là 577 học sinh, sinh viên); xây dựng gần 29 nghìn công trình cung cấp nước sạch, công trình nhà tiêu hợp vệ sinh ở nông thôn (riêng các xã nông thôn mới là hơn 28 nghìn công trình); hơn 997 căn nhà cho hộ nghèo và các hộ gia đình chính sách chưa có nhà ở trên toàn tỉnh (riêng các xã nông thôn mới là hơn 927 căn nhà)...
Trong năm 2018, doanh số cho vay các chương trình tín dụng chính sách tại tỉnh Kon Tum đạt 731 tỷ đồng. Lũy kế từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã có trên 25 nghìn lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn từ NHCSXH. Tín dụng chính sách đã góp phần thu hút, tạo việc làm tại chỗ và đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài cho 1.677 lao động; giúp 141 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng 9.424 công trình cung cấp nước sạch, công trình nhà tiêu hợp vệ sinh ở nông thôn; hơn 466 căn nhà cho hộ nghèo và các hộ gia đình chính sách chưa có nhà ở trên toàn tỉnh…
Nguồn vốn tín dụng hướng vào các nội dung về phát triển sản xuất của Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới đã góp phần cải thiện đời sống, tạo sinh kế và nâng cao thu nhập bền vững cho người dân nông thôn, phát huy và nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả. Nhiều mô hình sản xuất tiêu biểu đã được nhân rộng, như cà phê sạch vì sức khỏe cộng đồng; mô hình sản xuất rau sạch; mô hình trồng sâm Ngọc Linh, phát triển cây dược liệu...
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016 - 2020 tỉnh Kon Tum, Nguyễn Văn Hòa cho biết, cùng với những nỗ lực của tỉnh và nguồn vốn từ ngân sách nhà nước đến nay, toàn tỉnh đã có 19,8% số xã đạt tiêu chí thu nhập, 24,4% số xã đạt tiêu chí về hộ nghèo, 91,9% số xã đạt tiêu chí lao động có việc làm; 36% số xã đạt tiêu chí về tổ chức sản xuất. Tỷ lệ dân cư nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh đạt khoảng 86,5%. Toàn tỉnh có 13/86 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh đã giảm từ 23,3% (năm 2016) xuống còn 20,3% (cuối năm 2017), ước thực hiện năm 2018 là 17,45%, đạt mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo theo kế hoạch đề ra. Từ năm 2016 - 2018, trên địa bàn tỉnh có 07/61 xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu hoàn thành mục tiêu Chương trình 135 năm 2016.
Ghi nhận sự triển khai, thực hiện các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, văn bản hướng dẫn của các bộ, ngành về các Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới tại tỉnh Kon Tum, Đoàn khảo sát Ban Chỉ đạo Trung ương các Chương trình mục tiêu quốc gia, Tổng Giám đốc Dương Quyết Thắng cảm ơn sự quan tâm của Lãnh đạo Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của chi nhánh, đặc biệt là công tác tạo lập nguồn vốn để bổ sung nguồn vốn thực hiện tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn. Trong giai đoạn 2016 - 2018, mặc dù ngân sách tỉnh còn gặp nhiều khó khăn nhưng đã ưu tiên bố trí 17 tỷ đồng sang NHCSXH tỉnh để cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, đưa số dư vốn ủy thác từ ngân sách địa phương tại NHCSXH đạt 27 tỷ đồng.
Tuy nhiên, câu chuyện giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới của Kon Tum cần nhiều hơn thế sự hỗ trợ của các bộ, ngành có liên quan. Để thực hiện thành công các mục tiêu của 2 Chương trình quốc gia trong giai đoạn tới, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Kon Tum đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành liên quan xem xét, tiếp tục bố trí nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trong giai đoạn 2018 - 2020 cho một số công trình tại các xã, thôn là đối tượng thụ hưởng theo quy định; tăng mức vay ưu đãi hỗ trợ về nhà ở đối với hộ nghèo; xem xét, điều chỉnh quy định thực hiện một số tiêu chí nông thôn mới cho phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, khu vực…
Đặc biệt, cần cấp kinh phí sớm và đồng bộ nguồn vốn thực hiện chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2017 - 2020 theo Quyết định số 2085/QĐ-TTg, ngày 31-10-2016 và Quyết định số 2086/QĐ-TTg, ngày 31-10-2016, của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội các dân tộc thiểu số rất ít người giai đoạn 2016 - 2025. Đồng thời quan tâm bố trí đủ kinh phí cho địa phương thực hiện các chính sách, các Chương trình mục tiêu quốc gia, các dự án đầu tư tại vùng dân tộc thiểu số, miền núi, vùng đặc biệt khó khăn.
Ghi nhận những mong muốn của tỉnh, là Thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương, Tổng Giám đốc Dương Quyết Thắng cho biết sẽ báo cáo Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương để tổng hợp trả lời. Trên cương vị Tổng Giám đốc NHCSXH, bổ sung thêm vốn cho xã Đắk Ui 3 tỷ đồng để cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác vay vốn phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, đề nghị tiếp tục kiểm tra, rà soát nhu cầu của người dân để NHCSXH bố trí nguồn vốn kịp thời, giúp bà con phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo bền vững, phấn đấu đến năm 2020 toàn tỉnh Kon Tum có 25 xã đạt chuẩn nông thôn mới; giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh bình quân giai đoạn 2016 - 2020 là 3% - 4%/năm (riêng các huyện nghèo giảm từ 6% - 8%/năm) theo chuẩn nghèo quốc gia giai đoạn 2016 - 2020./.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Rumani và Cộng hòa Séc  (19/04/2019)
Khi chính sách đi vào cuộc sống ở quê hương Đồng Tháp Mười  (19/04/2019)
Quý I/2019: Gần 567.000 lượt hộ được vay vốn tín dụng chính sách  (18/04/2019)
Đoàn Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ thăm Việt Nam  (18/04/2019)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Việt Nam trên đường đổi mới
Những thành tựu cơ bản về phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam từ khi đổi mới đến nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay