Khi Chỉ thị “bốn mươi” của Đảng đi vào cuộc sống!
Nhiều gia đình nghèo “rớt mùng tơi”, lại ở vùng sâu, xa của tỉnh Bình Thuận nên ít ai nghĩ con em của họ được vào đại học. Nhờ có nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội, hàng nghìn hộ đã thoát nghèo, nhiều em không chỉ được học nghề mà còn học đại học ở các trường danh giá như đại học sư phạm, ngân hàng, y dược...
“Ươm mầm” nhân lực...
Chúng tôi về xã Tân Hải, huyện La Gi vào những ngày này, không khó để tìm ông Lê Anh Hùng, Cựu chiến binh làm kinh tế giỏi và đặc biệt hơn ông có 3 người con đã học xong đại học nhờ vốn vay từ chương trình học sinh, xinh viên. Gia đình ông Hùng bây giờ nổi tiếng trong xã bởi từ nghèo khó trở thành triệu phú, con cái được ăn học đàng hoàng, sống tình nghĩa với xóm làng. Ông Hùng kể: “Cách đây mươi năm tôi vay 20 triệu đồng của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) để trồng 1.000 trụ thanh long, cuộc sống lúc ấy còn khó khăn vì 3 con đang tuổi ăn tuổi học, nhưng sau 4 năm thanh long cho thu hoạch nên có thêm nguồn vốn để tái đầu tư thanh long. Vừa trả nợ xong cho ngân hàng thì các con lần lượt vào đại học, thế là phải nhờ đến nguồn vốn vay học sinh, sinh viên của NHCSXH mà không phải chỉ một mà đến 3 lần cho 3 đứa con. Các con tôi hiện nay đã ổn định, cháu đầu Lê Cường Quốc hiện là kỹ sư xây dựng đang làm cho công ty nước ngoài; cháu thứ hai Lê Tấn Cường tốt nghiệp đại học công nghệ thông tin đang làm việc tại Thành phố Hồ Chí Minh và cháu út Lê Quốc Mỹ Anh vừa làm vừa học cao học đại học dược ở Thành phố Hồ Chí Minh. Nhà tôi hiện nay mỗi năm trừ các khoản chi phí còn để dành được khoảng 500 triệu đồng”.
Từ La Gi ngược lên Đức Linh, một huyện miền núi của Bình Thuận, cách thành phố Phan Thiết hơn 130km. Từ trung tâm huyện đi thêm 12km mới đến được xã Sùng Nhơn, vùng đất có tiếng là nghèo nhưng hiếu học. Vừa đặt chân đến đầu ngõ thôn 2 hỏi nhà chị Miền liền được bà con kể: Nhà chị ấy nghèo lắm nhưng mấy người con rất có chí, có 3 người con học đại học bằng tiền vay từ NHCSXH với tiền đi làm thuê. Căn nhà gỗ bọc gạch cấp 4 khá cũ như nói hộ hoàn cảnh gia đình chị Miền. Không có điện thoại để hẹn trước nhưng rất may là chị Miền vừa ở ngoài đồng về. Gặp khách lạ, nhưng khi đề cập đến chuyện học hành của 3 người con thì khuôn mặt chị ngời lên niềm vui, hy vọng.
Chị kể, nhà có 5 sào ruộng trông được mùa để gửi gạo cho con ăn học nhưng vừa rồi lụt nặng nên lúa hư hết, phải chạy vay mượn bà con để gửi vào cho mấy đứa nhỏ. Tôi có 3 người con, đứa đầu là Nguyễn Thị Đào Lưu, sinh năm 1989, thạc sĩ chuyên ngành Tâm lý học. Hai người con còn lại là Nguyễn Xuân Ngân sinh năm 1991 và Nguyễn Thị Ngân Hà, sinh năm 1994 tốt nghiệp Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh, khoa vật lý và tin học. Lúc các con đậu đại học, gia đình tôi nghĩ không kham nổi nhưng nhờ nguồn vay được 88,6 triệu đồng học sinh, sinh viên của NHCSXH nên đã đưa các con bước vào đại học. Cái nghèo không thể dập tắt hy vọng và ước mơ của những thanh niên trẻ ở vùng quê nghèo khó nơi đây.
Xã Sùng Nhơn có khoảng 2.000 hộ cư ngụ, đời sống người dân còn khó khăn nhưng có đến 287 hộ vay gần 6,3 tỷ đồng cho con đi học. Tinh thần hiếu học của lớp trẻ rất cao, rất đáng được biểu dương; tuy vậy do hoàn cảnh nghèo nên hầu như đều trông chờ vào nguồn vốn vay học sinh, sinh viên...
Một con số khá ấn tượng ở vùng đất miền núi này khi ông Lê Văn Nhị - Giám đốc NHCSXH huyện Đức Linh cho chúng tôi biết, toàn huyện có 31.670 hộ nhưng đã có 5.356 hộ vay với số tiền 124,6 tỷ đồng để cho 7.214 học sinh, sinh viên được thực hiện ước mơ học vấn, nâng cao tri thức để đổi đời...
Đòn bẩy phát triển kinh tế...
Thực hiện Chương trình hành động số 33 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc thực hiện Chỉ thị số 40 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội. Chương trình hành động của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân tỉnh, các huyện, thị xã, thành phố đã quan tâm cân đối bổ sung nguồn ngân sách ủy thác NHCSXH cho vay người nghèo và các đối tượng chính sách. Ủy ban nhân dân tỉnh, huyện chỉ đạo, thực hiện tốt công tác tổng điều tra hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều áp dụng giai đoạn 2016 - 2020 trên địa bàn tỉnh làm cơ sở thực hiện chính sách tín dụng. Hằng năm, các địa phương thực hiện rà soát, công bố số hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn. Đồng thời, trong năm, chính quyền cấp xã cũng tiến hành rà soát, bổ sung hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều làm cơ sở thực hiện các chính sách đối với người nghèo. Vốn tín dụng chính sách góp phần đáng kể trong việc thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, giảm tỷ lệ thất nghiệp, hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, đóng vai trò quan trọng trong việc ổn định và phát triển kinh tế tại địa phương. Đặc biệt là đối với đồng bào dân dân tộc thiểu số, dư nợ cho vay hộ đồng bào dân tộc đến nay đạt trên 337 tỷ đồng với 14,4 nghìn hộ còn dư nợ, chiếm 59,5% tổng số hộ dân tộc thiểu số trên địa bàn.
Theo thống kê mới nhất của huyện Bắc Bình toàn huyện có hộ nghèo và hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giai đoạn 2016 - 2020 là 2.726 hộ, chiếm tỷ lệ 8,87%, trong đó hộ nghèo 1.526 hộ, chiếm 4,96%, hộ cận nghèo 1.200 hộ, chiếm tỷ lệ 3,9%. Hầu hết hộ nghèo và cận nghèo đều nằm rải rác ở các xã nhưng nhiều nhất là ở các xã thuộc vùng khó khăn và vùng đồng bào dân tộc thiểu số, như Phan Sơn, Phan Tiến, Phan Lâm, Sông Bình, Phan Thanh.
Phải ghi nhận rằng, trong những năm qua cả hệ thống chính trị ở huyện Bắc Bình đã vào cuộc triển khai nhiều phương án giảm nghèo giúp dân, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu vùng xa. Mặt khác, Nghị quyết 04 của Tỉnh ủy về phát triển toàn diện dân sinh kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số, Chỉ thị số 40 của Ban Bí thư Trung ương Đảng đã “thổi làn gió mới” không chỉ ở đồng bằng mà còn lan tỏa đến tận miền núi xa xôi nhất... Ở Phan Hòa, Phan Thanh, Phan Hiệp nơi có nhiều người Chăm, Nùng, Mường sinh sống khi nghe nhắc đến nguồn vốn vay từ Nghị quyết 04 để nuôi bò, ai cũng biết ơn về một chính sách thiết thực, hiệu quả của Đảng bộ Bình Thuận. Ông Vòng Lập Sườn, dân tộc Tày ở thôn Bình Đức, xã Phan Hiệp, huyện Bắc Bình là một minh chứng điển hình. Vay 20 triệu đồng mua con bò cái, đến nay gia đình ông đã gây giống được 15 con, thu lãi trên 150 triệu đồng. Từ một hộ nghèo nay gia đình ông Sườn đã trở thành hộ khá.
Lan tỏa nguồn vốn
Ở đảo Phú Quý xa xôi, các chương trình tín dụng ưu đãi đến với bà con nghèo đã tiếp sức thêm cho họ trong cuộc sống mưu sinh. Nhiều hộ đã mạnh dạn vay vốn để đầu tư ghe thuyền, mở rộng thêm lồng bè nuôi hải sản, mua bán thêm nhiều hàng hóa... Cuộc sống của nhiều hộ dân đã khởi sắc hơn. Như gia đình chị Bùi Thị Thương, thôn Hội An, xã Tam Thanh từng là hộ nghèo của xã, lam lũ làm thuê, làm mướn, đầu tắt mặt tối cho cuộc sống mưu sinh hàng ngày... Nhờ sự tư vấn nhiệt tình của cán bộ tín dụng NHCSXH và cán bộ Hội Phụ nữ xã, chị Thương đã mạnh dạn vay vốn 30 triệu đồng để mở sạp nhỏ mua bán thịt heo tại chợ xã. Thời gian cùng với sự kiên trì, giàu nghị lực vươn lên, chị Thương đã mở rộng được gian hàng và buôn bán ngày càng phát triển. Từ đó, ngôi nhà của chị cũng được sửa chữa khang trang hơn, con cái của chị được đi học đến nơi đến chốn. Khi được Ủy ban nhân dân xã Tam Thanh công nhận thoát nghèo, không giấu được cảm xúc này, chị tâm sự: “Tôi rất biết ơn NHCSXH đã mang đến cho tôi cơ hội vươn lên thoát nghèo”.
Thực hiện Chương trình hành động của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân tỉnh, các huyện, thị xã, thành phố đã quan tâm cân đối nguồn ngân sách để bổ sung nguồn vốn ủy thác sang NHCSXH được 36,1 tỷ đồng, tăng 195% so với nguồn ngân sách ủy thác trước khi có chỉ thị, trong đó ngân sách cấp tỉnh giao bổ sung 24 tỷ đồng và 100% các huyện, thị xã và thành phố chuyển sang 12,1 tỷ đồng; nâng tổng nguồn vốn ngân sách chuyển sang NHCSXH cho vay các chương trình tín dụng chính sách tại địa phương đến 30/6/2019 là 60,9 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 2,33% tổng nguồn vốn.
Giám đốc NHCSXH tỉnh Bình Thuận, Phạm Anh Đức cho biết: Trong 5 năm qua, chi nhánh đã tập trung nguồn vốn trên 3.150 tỷ đồng giải ngân cho trên 140.000 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác để đầu tư sản xuất, kinh doanh, phục vụ đời sống; Vốn tín dụng chính sách đã góp phần giúp trên 28.000 lượt hộ vượt qua ngưỡng nghèo; giải quyết việc làm cho trên 6,6 nghìn lao động; giúp trên 9,7 nghìn học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng trên 108.000 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; hỗ trợ xây dựng nhà ở cho 116 hộ nghèo; gần 10.000 hộ gia đình sống ở vùng khó khăn được vay vốn đầu tư sản xuất, kinh doanh... Đến 30-6-2019, tổng nguồn vốn hoạt động của NHCSXH tỉnh Bình Thuận đạt 2.616 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn cân đối từ Trung ương là 2.555 tỷ đồng (gồm vốn Trung ương chuyển về 2.253 tỷ đồng, nguồn vốn huy động tại tỉnh được Trung ương cấp bù lãi suất là 302 tỷ đồng), chiếm tỷ lệ 97,67% tổng nguồn vốn.
Sau 5 năm thực hiện Chỉ thị số 40, một số kết quả nổi bật là cấp ủy, chính quyền từ tỉnh, huyện đến xã đã nhận thức rõ hơn về vai trò, vị trí của tín dụng chính sách xã hội trong việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo, giải quyết việc làm, xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an sinh xã hội tại địa phương. Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội đã quan tâm hơn đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội. Vốn của NHCSXH đang ngày càng tăng sức lan tỏa sâu rộng từ miền núi vùng cao đến miền hải đảo xa xôi của Bình Thuận, chính là nhờ Chỉ thị số 40 của Ban Bí thư đã thực sự đi vào cuộc sống./.
Ngân hàng Chính sách xã hội triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2019  (26/07/2019)
Dòng vốn chính sách nơi “bát ngát chân trời miền hạ”  (26/07/2019)
Quyết sách mang tính đột phá  (26/07/2019)
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tăng cường vai trò của tài chính vi mô cho phát triển “nông nghiệp, nông dân và nông thôn xanh” tại Việt Nam
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên