Khu 1: Tam Cốc Bích Động - Cố đô Hoa Lư – Hang động Tràng An
17:50, ngày 04-03-2012
1. Khu du lịch Tam Cốc - Bích Động
Vị trí: Nằm trên địa phận xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư, cách trung tâm thành phố Ninh Bình khoảng 6km về phía Tây nam.
Đặc điểm: Khu du lịch Tam Cốc - Bích Động là 1 trong 21 khu du lịch trọng điểm quốc gia, có diện tích 350,3ha. Đây là một quần thể di tích và danh thắng vẫn giữ được những nét nguyên sơ thiên tạo với nhiều hang động đẹp và các di tích lịch sử văn hoá nổi tiếng như: Tam Cốc, đền Thái Vi, chùa Bích Động, hang Múa, động Tiên,…
Thời điểm tham quan: 7h00 - 17h00 hàng ngày.
Tam Cốc
Vị trí: Tam Cốc là tuyến tham quan, du lịch hang động, thuộc địa phận thôn Văn Lâm, xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư, cách thành phố Ninh Bình 6km về phía Tây Nam.
Đặc điểm: Tam Cốc nghĩa là Ba hang (xuyên thuỷ) gồm: Hang Cả dài 127m, Hang Hai dài 70m, Hang Ba dài 45m, nằm dọc theo dòng sông Ngô Đồng, dưới các dãy núi bốn mùa cỏ cây hoa lá xanh tươi. Xa xưa vùng này là biển cả, sóng vỗ qua nhiều thế kỷ, bào mòn vào vách đá tạo nên những hình thù kỳ lạ.
Du khách đi thăm Tam Cốc chỉ có một con đường thuỷ duy nhất vào ra mất khoảng 2 giờ đồng hồ. Những chiếc thuyền đưa du khách lướt nhẹ trên dòng sông Ngô Đồng. Trong không gian tĩnh lặng, du khách có thể cảm nhận rõ cái trong trẻo của không gian nơi đây, không tiếng còi xe, tiếng máy nổ, chỉ có tiếng mái chèo nhè nhẹ, ràn rạt, tiếng gió vi vu vuốt qua những cung đàn đá, tiếng chim lảnh lót buông từng nốt nhạc trong không gian và tiếng những giọt nước tong tong nhỏ như cách giữ nhịp thời gian của đá núi.
Đền Thái Vi
Vị trí: Thuộc địa phận thôn Văn Lâm, xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư, cách bến thuyền Tam Cốc khoảng 1km về phía Tây Nam.
Đặc điểm: Đền Thái Vi được xây dựng vào thế kỷ thứ 13, thờ bốn đời vua Trần và hoàng hậu Thuận Thiên. Đền có kiến trúc theo kiểu "Nội công ngoại quốc", trước đền có giếng ngọc, phía trong sân đền có gác chuông hai tầng tám mái làm bằng gỗ lim, tại đây có treo một quả chuông đúc từ năm Chính Hoà thứ 19 (1689).
Điều độc đáo ở đền Thái Vi là nghệ thuật chạm khắc đá đạt tới đỉnh cao của nghệ thuật. Đường nét chạm khắc trên các cột đá của đền rất mềm mại, uyển chuyển, tao nhã như chạm khắc trên gỗ.
Hang Múa
Vị trí: Nằm ở chân núi Múa, thuộc địa phận thôn Khê Đầu Hạ, xã Ninh Xuân, huyện Hoa Lư.
Đặc điểm: Hang Múa nằm trong trái núi tựa như một quả chuông, rộng khoảng 800m2. Tên Hang Múa gắn liền với truyền thuyết xưa kia khi vua Trần về lập Am Thái Vi, ông thường du thuyền tới đây để nghe các cung tần, mỹ nữ ca hát nên hang được mang tên Hang Múa.
Hang Múa là điểm du lịch sinh thái kết hợp với thể thao leo núi. Đường lên núi được xây dựng mô phỏng theo Vạn Lý Trường Thành của Trung Quốc với 486 bậc đá. Từ trên đỉnh núi du khách có thể phóng rộng tầm mắt chiêm ngưỡng toàn bộ khung cảnh nên thơ của Tam Cốc.
Chùa Bích Động
Vị trí: Toạ lạc trên sườn núi Bích Động, thuộc thôn Đam Khê Trong, xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư, cách thành phố Ninh Bình 9km về phía Tây Nam, cách bến thuyền Tam Cốc 3km.
Đặc điểm: Chùa Bích Động được xây dựng theo kiểu chữ "Tam"- Hán tự, ba toà không liền nhau, tam cấp dọc theo sườn núi, dựa vào thế núi từ thấp lên cao thành 3 ngôi chùa riêng biệt: Hạ, Trung và Thượng.
Điều độc đáo của chùa Bích Động là núi, động và chùa bổ sung cho nhau, lại ẩn hiện giữa những cây đại thụ xanh biếc, làm cho chùa hoà nhập với cảnh trí thiên nhiên ngoạn mục. Toàn cảnh như một bức tranh núi rừng hùng tráng, dát lên một phù điêu gồm 3 ngôi chùa cổ kính, mái ngói rêu phong, có đủ 8 cảnh đẹp mà người xưa đã gọi là ''Bích sơn bát cảnh''. Bích động là một ngôi chùa độc nhất vô nhị ở Việt Nam, không nơi nào có thế đất, thế núi như vậy. Đây là một danh thắng nổi tiếng đã được mệnh danh là “Nam thiên đệ nhị Động”.
Động Tiên
Vị trí: Thuộc thôn Đam Khê, xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư. Cách chùa Bích Động gần 1km.
Đặc điểm: Động Tiên có 3 hang lớn. Hang thứ nhất như một nhà vòm cao khoảng 15m, rộng 35m2; Hang thứ hai là động chính, rộng khoảng 60m2, chỗ cao nhất 50m; Hang thứ ba thấp và nhỏ hơn, nền bằng phẳng, có khối nhũ đá như hai lọ lộc bình lớn.
Động Tiên như một lâu đài tráng lệ. Các biến đổi của tự nhiên đã tạo nên những hình dáng kỳ thú của nhũ đá trong động với hình cây tiền, cây thóc, ông tiên, cô tiên, rồng, voi, sư tử, hổ, kỳ đà, đại bàng, và cả những đám mây bay lượn nhiều màu sắc.
Thung Nắng
Vị trí: Thuộc địa phận thôn Đam Khê, xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư.
Đặc điểm: Thung Nắng là điểm du lịch sinh thái, lịch sử, với cảnh quan thiên nhiên kỳ thú, núi rừng hoang sơ, quyến rũ và ngôi đền Vối Đại cổ kính, linh thiêng. Đường vào Thung Nắng phải đi bằng thuyền khoảng 3km. Du khách tới tham quan và tìm hiểu lịch sử ngôi đền Vối Đại được xây dựng bằng đá cách đây hàng trăm năm; hoà mình vào thiên nhiên, thưởng ngoạn sự hùng vĩ của núi non, hang động kỳ ảo. Tất cả hoà nhập vào nhau, tạo cho du khách một cảm giác nồng nàn, thi vị trong giang sơn cẩm tú, một không gian rộng lớn của thung lũng ngập tràn ánh nắng đúng như tên gọi "Thung Nắng".
Liên hệ:Trạm du lịch Thạch Bích - Thung Nắng
Điện thoại: (030) 361.81.23
Thung Chim
Vị trí: Thung Chim thuộc thôn Đam Khê, xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư.
Đặc điểm: Thung Chim có diện tích 34ha, là điểm du lịch sinh thái với cảnh quan núi rừng nguyên sơ và các dịch vụ du lịch xây dựng theo mô hình trang trại, vườn cây ăn trái, ao nuôi trồng thuỷ sản.
Nét độc đáo khi du khách tham quan Thung Chim là được du thuyền len lỏi trong những khu rừng ngập nước, khám phá cuộc sống hoang dã của các loài chim…
Liên hệ: Công ty Cổ phần dịch vụ thương mại và du lịch Doanh Sinh
Điện thoại: (030) 224.74.91
Fax: (030) 362.40.97
2. Khu di tích lịch sử văn hóa Cố đô Hoa Lư
Cố đô Hoa Lư là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá của nước Đại Cồ Việt, là kinh đô đầu tiên trong nền văn minh Đại Việt của dân tộc, của nền phong kiến tập quyền nước ta. Kinh đô Hoa Lư có diện tích khoảng 300ha, thuộc địa phận xã Trường Yên, huyện Hoa Lư, tồn tại suốt 42 năm qua ba vương triều tiếp nối: Đinh - Lê - Lý (968 - 1010).
Cho dù thời gian và sự thăng trầm của lịch sử, nhưng Kinh đô Hoa Lư vẫn còn lưu giữ những chứng tích lịch sử hào hùng: đó là những bức tường thành do thiên nhiên và con người tạo dựng; ngôi đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng và vua Lê Đại Hành cổ kính, uy nghiêm... Đây sẽ mãi là những dấu son lịch sử sáng ngời để người dân Việt Nam nói chung, người dân Ninh Bình nói riêng luôn trân trọng và tự hào.
Thời điểm tham quan: 8h00 - 16h30 hàng ngày.
Liên hệ: Ban quản lý Khu Di tích lịch sử văn hoá Cố đô Hoa Lư
Địa chỉ: xã Trường Yên, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình
Điện thoại: (030) 362.00.99 / 362.00.44
Đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng
Vị trí: Đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng (còn có tên gọi là đền Thượng) nằm trên địa phận làng Trường Yên Thượng, xã Trường Yên, huyện Hoa Lư. Đền quay hướng Đông, trong khuôn viên rộng khoảng 5 mẫu, lấy núi Mã Yên làm án.
Đặc điểm: Đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng là một công trình kiến trúc đặc sắc, kết tinh đỉnh cao nghệ thuật điêu khắc trên gỗ và đá thế kỷ thứ 17. Đền được xây dựng trên nền cung điện xưa của kinh đô Hoa Lư, có kiến trúc theo kiểu "Nội công ngoại quốc", gồm ba toà: Bái Đường, Thiêu Hương và Chính Cung. Bái Đường thờ công đồng; Thiêu Hương thờ Tứ trụ triều Đinh; Chính Cung thờ vua Đinh Tiên Hoàng và các Hoàng tử: Đinh Liễn, Đinh Đế Toàn, Đinh Hạng Lang. Đường đi trong đền theo hình chữ "Vương"- Hán tự. Các công trình kiến trúc đối xứng nhau theo đường chính đạo, tên gọi phỏng theo tên gọi của cung điện thời xưa. Trên sân Rồng, ngay trước gian giữa của Bái Đường, có Long sàng bằng đá xanh nguyên khối hình chữ nhật. Đây là một Long sàng đá đẹp và có giá trị nhất ở nước ta.
Đền thờ vua Lê Đại Hành
Vị trí: Đền thờ vua Lê Đại Hành (còn có tên gọi là đền Hạ) nằm trên địa phận làng Trường Yên Hạ, xã Trường Yên, huyện Hoa Lư. Đền được xây dựng quay hướng Đông, trên nền cung điện xưa của kinh đô Hoa Lư, lấy núi Đèn làm án, cách đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng khoảng 200m về phía Bắc.
Đặc điểm: Đền thờ vua Lê Đại Hành được xây dựng vào thế kỷ thứ 17, có kiến trúc theo kiểu "Nội công ngoại quốc". Đền có ba toà: Bái Đường, Thiêu Hương và Chính Cung. Bái đường thờ công đồng; Thiêu Hương thờ Tứ trụ triều Lê; Chính Cung thờ Vua Lê Đại Hành, Hoàng hậu Dương Vân Nga và Lê Long Đĩnh là con thứ năm của vua Lê Đại Hành và là đời vua thứ ba của nhà Tiền Lê. Nét đặc biệt của đền thờ vua Lê Đại Hành là nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc gỗ thời Hậu Lê, thế kỷ thứ 17 được lưu giữ gần như nguyên vẹn, với những nét chạm khắc tinh xảo, sống động.
Núi Mã Yên
Vị trí: Núi Mã Yên nằm trước đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng, thuộc địa phận làng Trường Yên Thượng, xã Trường Yên, huyện Hoa Lư.
Đặc điểm: Núi cao chừng 200m, hai đầu nhô cao, giữa võng xuống trông giống hình yên ngựa nên gọi là Mã Yên. Tương truyền, khi Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi Hoàng đế năm 968, ông đã chọn Hoa Lư, một vùng núi non hiểm trở để xây dựng kinh đô và lấy núi này làm án. Vì vậy, sau khi băng hà, nhân dân đã đưa thi hài ông an táng trên đỉnh núi như muốn khẳng định sự nghiệp cao cả của ông trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Con người vĩnh hằng, bất tử đó vẫn như còn ngồi trên yên ngựa để cứu dân, giúp nước. Vượt qua 265 bậc đá, đứng trên đỉnh núi Mã Yên du khách có thể phóng tầm mắt, bao quát toàn bộ không gian khoáng đạt, cổ kính của cố đô Hoa Lư.
Chùa Nhất Trụ
Vị trí: Toạ lạc ở thôn Yên Thành, xã Trường Yên, huyện Hoa Lư. Chùa quay hướng Tây, cách đền thờ vua Lê Đại Hành 100m về phía Bắc.
Đặc điểm: Chùa Nhất Trụ được xây dựng từ thời Tiền Lê, kiến trúc theo kiểu chữ “Đinh”- Hán tự. Tất cả kèo, xà đều được làm bằng gỗ lim. Trong chùa có một cột kinh bằng đá nên gọi là Nhất Trụ. Đây là cột Kinh đá do vua Lê Đại Hành làm ở niên hiệu ứng Thiên thứ hai, năm 995 để dâng đức Phật. Cột Kinh đá có chiều cao 4,16m, gồm có 6 bộ phận đá được lắp ghép với nhau một cách hoàn chỉnh mà không dùng chất kết dính, thể hiện sự tính toán tỉ mỉ, khoa học của các nghệ nhân, đồng thời cũng chứng minh loại hình thư pháp đá xuất hiện rất sớm ở nước ta. ở phần thân cột, tám mặt đều được mài nhẵn, chạm khắc khoảng 2500 chữ Hán. Nội dung bản khắc trên thân cột là khắc Kinh Đà La Ni, Thủ Lăng Nghiêm và bài thần chú ca ngợi sự bền vững của đức hạnh phật, sự to lớn bao trùm của trí tuệ, tài năng phật Như Lai.
Đền thờ công chúa Phất Kim
Vị trí: Đền toạ lạc trên nền cung Vọng Nguyệt - chính là nơi ở của Công chúa Phất Kim, nằm trong kinh thành Hoa Lư xưa, cách đền thờ vua Lê Đại Hành khoảng 150m về phía Bắc.
Đặc điểm: Đền thờ công chúa Phất Kim còn gọi là Phủ Bà Chúa, thờ công chúa Phất Kim - con gái thứ ba của vua Đinh Tiên Hoàng. Công chúa Phất Kim là hiện thân của người phụ nữ Việt Nam, đã hy sinh hạnh phúc riêng tư của mình, kết duyên cùng Ngô Nhật Khánh (thủ lĩnh sứ quân ở Đường Lâm) nhằm tạo mối liên kết hai dòng họ Ngô - Đinh, giúp vua cha củng cố nền độc lập non trẻ của nước nhà. Nhưng trước sự phản bội, bất nghĩa của người chồng Ngô Nhật Khánh - đang tìm cách cầu viện Chiêm Thành chống lại vua cha, nàng đã xuống tóc đi tu. Và khi nghe tin vua cha Đinh Tiên Hoàng cùng anh trai Đinh Liễn bị ám hại, Công chúa Phất Kim đau đớn, tủi nhục và thất vọng đã nhảy xuống giếng nước ở lầu Vọng Nguyệt tự vẫn, thể hiện tấm lòng trung hiếu, sáng trong, thà chết chứ không chịu theo giặc chống lại vua cha.
Động Thiên Tôn
Động Thiên Tôn
Vị trí: Nằm ở chân núi Dũng Đương, động cao khoảng 60m, quay hướng Nam, thuộc địa phận thị trấn Thiên Tôn, huyện Hoa Lư, cách thành phố Ninh Bình 7km về phía Bắc.
Đặc điểm: Động Thiên Tôn là nơi thờ Phật và thờ thần Trấn Vũ Thiên Tôn. Đồng thời, động còn là tiền đồn quan trọng, cửa ngõ của kinh đô Hoa Lư xưa. Nơi đây gắn liền với tên tuổi Đinh Bộ Lĩnh khi dẹp loạn 12 sứ quân. Tương truyền, trước lúc đem quân đi dẹp loạn, Đinh Bộ Lĩnh đã vào cầu khấn trong động để mong được thần giúp đỡ, lời cầu của Đinh Bộ Lĩnh linh ứng, thần Thiên Tôn đã giúp ông đánh tan 11 sứ quân khác. Sau khi lên ngôi Hoàng đế, ông liền cho sửa đền, tô tượng, sắc phong cho thần là “An Quốc Tôn Thần”, xây dựng Nhà Tiền Tế và Kính Thiên Đài là nơi tiếp đón các sứ thần nước ngoài trước khi nhà vua cho vào bệ kiến.
Động Hoa Sơn
Vị trí: Động Hoa Sơn nằm ở lưng chừng núi Chùa, phía Đông Nam Cố đô Hoa Lư, thuộc địa phận thôn áng Ngũ, xã Ninh Hoà, huyện Hoa Lư.
Đặc điểm: Động Hoa Sơn là một tác phẩm kỳ diệu của tạo hoá. Với chiều dài khoảng 100m, xuyên qua núi tạo thành 3 hang liền nhau, mỗi hang một vẻ chứa đựng cả rừng nhũ đá đầy màu sắc. Nhân dân trong vùng đã lấy động làm chùa, làm nơi thờ Phật, do đó có thể coi Hoa Sơn là một ngôi chùa “Thiên tạo”. Con người và thiên nhiên nơi đây đã cùng nhau tạo nên một danh thắng, một di tích thật là kỳ thú giữa chốn non nước hữu tình của kinh đô xưa.
Cái tên Hoa Sơn là do Vua Tự Đức đặt cho khi tuần du ra Bắc và ghé thăm chùa. Nhà vua còn cho tập hợp các ngôi mộ thuộc Hoàng tộc Nhà Đinh và những người có công với Triều Đình rồi xây lăng Nghĩa Chủng ở phía Đông Nam, cách Hoa Sơn khoảng 100m.
Động Hoa Sơn tương truyền chính là nơi nuôi ấu chúa thời nhà Đinh. Vì thế mà động còn có tên dân gian là “Phôi sinh tự”, nhân dân quen gọi là “Chùa bà đẻ”.
3. Khu du lịch sinh thái Tràng An
Khu du lịch sinh thái Tràng An nằm ở phía Đông Bắc tỉnh Ninh Bình, cách thành phố Ninh Bình 7km về phía Tây, cách Cố đô Hoa Lư 4km về phía Nam, với diện tích 2.168ha, nằm trên địa bàn 8 xã, phường thuộc huyện Hoa Lư, huyện Gia Viễn và thành phố Ninh Bình. Trong đó: xã Trường Yên: 772,12ha; xã Ninh Xuân: 375,56ha; xã Gia Sinh: 529,6ha; xã Ninh Hải: 159,6ha; xã Ninh Hoà: 74ha; phường Ninh Khánh: 31,56ha; xã Ninh Nhất: 182,41ha; phường Tân Thành: 43,68ha.
Nhìn từ góc độ tài nguyên du lịch tự nhiên và nhân văn, khu du lịch sinh thái Tràng An đã hội tụ đầy đủ những điều kiện để trở thành một khu du lịch quốc gia độc đáo và danh tiếng, bao gồm 4 khu chức năng chính: Khu trung tâm, Khu du lịch hang động, Khu tâm linh núi chùa Bái Đính, Khu công viên văn hoá. Toàn khu có 9 tuyến du lịch đường thuỷ và 2 tuyến du lịch đường bộ. Hệ thống giao thông đường bộ được xây dựng 11 tuyến đường chính và các tuyến đường nhánh, các quèn đi bộ qua núi có tổng chiều dài 39,41km.
Hang động Tràng An
Hang động Tràng An
Vị trí: Nằm ở trung tâm khu du lịch sinh thái Tràng An, cách thành phố Ninh Bình 7km về phía Tây, cách cố đô Hoa Lư 4km về phía Nam.
Đặc điểm: Quần thể hang động Tràng An là hệ thống phòng thủ phía Nam của kinh đô Hoa Lư xưa, nơi đây như một trận đồ bát quái tự nhiên được tạo nên bởi 31 Thung, gần 50 Hang động xuyên thuỷ chạy dài trên 10km theo hướng Bắc - Nam cùng với nhiều di tích lịch sử gắn liền với Cố đô Hoa Lư, góp phần tô điểm, khẳng định thêm giá trị lịch sử của vùng đất Cố đô này. Mỗi hang động là một kiệt tác của thiên nhiên, trải qua hàng triệu năm đẽo gọt, tạo nên bảo tàng nhũ đá sinh động, kỳ thú.
Thời điểm tham quan: 7h00 - 16h30 hàng ngày.
Liên hệ: Trạm du lịch Tràng An
Địa chỉ : Xã Trường Yên, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình
Điện thoại: (030) 362.03.35
Phủ Đột
Vị trí: Toạ lạc cạnh cửa hang Đột, gần với thung Hang Tối Ngoài. Phủ Đột là điểm tham quan đầu tiên trong hành trình khám phá hang động Tràng An.
Đặc điểm: Phủ Đột có kiến trúc kiểu chữ “Đinh”- Hán tự, là nơi thờ hai vị tướng triều Đinh với tước hiệu Tả Thanh Trù và Hữu Thanh Trù. Tương truyền năm 979, vua Đinh Tiên Hoàng và Hoàng tử Đinh Liễn bị sát hại, triều đình nhà Đinh đưa Hoàng tử Đinh Toàn mới 6 tuổi lên làm vua. Trong triều lúc này có nhiều xung đột xảy ra. Sợ ấu chúa bị nạn, hai vị tướng với tước hiệu Tả Thanh Trù và Hữu Thanh Trù đã đưa Đinh Toàn vào núi rừng phía Nam kinh đô lánh nạn. Sau khi hai vị qua đời, nhân dân kinh đô đã xây dựng ngôi phủ thờ này để tưởng nhớ, cảm thương tấm lòng trung nghĩa của hai vị tướng đó.
Đền Nội Lâm
Vị trí: Nằm trong khu du lịch sinh thái Tràng An, đền Nội Lâm thuộc sơn phận thôn Văn Lâm, xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư.
Đặc điểm: Đền Nội Lâm (còn gọi là đền Trần) là nơi thờ thần Quý Minh và Hoàng Phi quý nương là phu nhân của thần Quý Minh. Theo truyền thuyết, thần Quý Minh là một vị tướng của vua Hùng, trấn ải sứ Sơn Nam. Nét độc đáo của ngôi đền là các xà ngang, bậc cửa, 12 cột và mái hiên đều làm bằng đá. Đặc biệt hàng cột ngoài hiên gồm 4 cột, mặt tiền đều chạm khắc nổi rồng mây ở giữa, phía trên chạm khắc chim phượng hoặc cá hoá phượng, phía dưới chạm khắc rùa, cá rô, con ly, hoa sen và lá sen. Đường nét chạm khắc tinh tế, uyển chuyển, mềm mại, sống động lạ thường. Đúng là những khối đá có hồn, độc nhất vô nhị, thể hiện tinh hoa của nghệ thuật dân gian.
Phủ Khống
Vị trí: Phủ Khống nằm gần cửa hang Khống, quay hướng Đông Nam, hướng về phía thung Khống.
Đặc điểm: Phủ Khống có kiến trúc kiểu chữ “Đinh”- Hán tự. Tiền Đường không có cửa ngoài, cửa lui vào tận hàng cột cái để che Hậu Cung. Vì thế Tiền Đường chính là hiên của Hậu Cung.
Tục truyền rằng: Khi vua Đinh Tiên Hoàng băng hà, triều đình đã làm 100 chiếc quan tài bằng đồng, trong đó có một chiếc để thi hài ông, 7 vị quan đại thần trong triều đứng ra khâm liệm, sau đó đã tự vẫn bằng rượu độc và mang theo điều bí mật về những chiếc quan tài và nơi chôn cất vua Đinh Tiên Hoàng. Một vị quan trấn ải phía Nam của kinh đô Hoa Lư, nghe tin ấy vô cùng thương tiếc nên đã bỏ triều đình vào trong thung Khống ẩn tích và lập nơi thờ 7 vị quan đại thần. Ông trồng một cây thị nhỏ để đánh dấu nơi thờ. Thời gian sau, ông cũng qua đời. Nhân dân kinh đô Hoa Lư đã xây dựng phủ thờ ông bên cạnh cây thị xưa với tên gọi Phủ Khống.
Chùa Bàn Long
Vị trí: Nằm trong dãy núi Đại Tượng, ở thôn Khê Đầu Thượng, xã Ninh Xuân, huyện Hoa Lư.
Vị trí: Nằm trong dãy núi Đại Tượng, ở thôn Khê Đầu Thượng, xã Ninh Xuân, huyện Hoa Lư.
Đặc điểm: Chùa Bàn Long lấy động núi làm chùa, đây là ngôi chùa có rất sớm ở nước ta, được hình thành từ trước thời Đinh cách đây hơn 10 thế kỷ. Tương truyền, nhân dân địa phương khi phát hiện ra động, thấy trong động có rồng cuộn, nên lập chùa ngay từ đó.
Tên gọi "Bàn Long Tự" (chùa Bàn Long) là do Chúa Trịnh Sâm đặt cho khi ông đến thăm chùa. "Bàn Long" là bệ rồng vì trong động có nhũ đá dáng hình như con rồng ngồi. Nét đặc biệt chỉ có ở chùa Bàn Long là trên vách động nhũ đá tạo hình tứ linh: Long, Ly, Quy, Phượng chầu về các tượng Phật, và ở giữa động có một nhũ đá giống hình tượng Phật cưỡi ngựa trắng càng làm tăng giá trị linh thiêng cho chùa.
Đền Vực Vông
Vị trí: Nằm ở chân núi Nhiên Sơn, phía Bắc thôn Chi Phong, xã Trường Yên, huyện Hoa Lư, cách Cố đô Hoa Lư 3km về phía Tây Bắc.
Đặc điểm: Đền Vực Vông được xây dựng vào thế kỷ thứ 16, có kiến trúc kiểu chữ "Công"- Hán tự, thờ Bà Chúa Quận Mỹ, tên là Nguyễn Thị Niên (con gái của Nguyễn Quyện - một danh tướng triều Mạc trấn giữ đất Trường Yên) cùng chồng là Mỹ Quận Công Bùi Văn Khuê và các con. Bà là người phụ nữ tài hoa, tiết nghĩa, sau khi báo thù cho chồng bà đã tuẫn tiết để giữ trọn nghĩa phu thê thuỷ chung son sắc. Bà được nhân dân tôn thờ là Mẫu Thoải.
Chùa Bái Đính
Vị trí: Chùa Bái Đính thuộc địa phận xã Gia Sinh, huyện Gia Viễn, cách thành phố Ninh Bình khoảng 16km về phía Tây, cách Cố đô Hoa Lư 4km.
Đặc điểm: Chùa Bái Đính là tên gọi chung cho khu chùa toạ lạc trên khuôn viên rộng 700ha, với trên 20 hạng mục công trình kiến trúc, bao gồm: khu chùa cổ và khu chùa mới. Đây là khu chùa lớn nhất Việt Nam.
Khu chùa cổ nằm ở lưng chừng núi Đính, lấy động núi làm chùa thờ Phật. Tương truyền, Thiền sư Nguyễn Minh Không (1065 – 1141) quê ở xã Đàm Xá, phủ Trường Yên, nay là xã Gia Thắng, huyện Gia Viễn, khi đến đây tìm cây thuốc đã phát hiện ra động này, từ đó biến động thành chùa thờ Phật.
Khu chùa mới nằm ở phía Tây Bắc núi Đính, bao gồm 6 hạng mục chính: cổng Tam quan, hành lang La Hán, Tháp chuông, điện thờ Quan Thế Âm Bồ Tát, điện Pháp chủ và điện Tam thế. Đây cũng là ngôi chùa hiện đang sở hữu nhiều kỷ lục nhất Việt Nam, gồm: Chùa có bộ Tam thế bằng đồng lớn nhất Việt Nam, Ngôi chùa có giếng nước lớn nhất Việt Nam, Chùa có pho tượng Phật Thích Ca bằng đồng cao và nặng nhất Việt Nam, Đại hồng chung lớn nhất Việt Nam, Chùa có hành lang La Hán lớn nhất Việt Nam, Chùa có nhiều cây bồ đề nhất Việt Nam.
Tháng 6 năm 2009, chùa Bái Đính vinh dự được cung nghênh sáu viên ngọc xá lợi Phật về an vị và cúng dường vĩnh viễn tại chùa. Đây là bảo vật quý mà Hoà thượng Pháp sư Tịnh Giác, cố vấn tối cao Giáo hội Phật giáo Hoàng gia Thái Lan, Viện chủ tổ đình Giác Quang - Thành phố Hồ Chí Minh cúng dường cho chùa và là một tặng vật vô giá đối với các Tăng Ni, Phật tử Việt Nam./.
Lễ hội truyền thống  (04/03/2012)
Ẩm thực Ninh Bình  (04/03/2012)
Chủ tịch Thượng viện Chile kết thúc tốt đẹp chuyến thăm Việt Nam  (04/03/2012)
Cử tri Nga bắt đầu bỏ phiếu để bầu tổng thống mới  (04/03/2012)
Trao giải thưởng Kovalevskaia cho hai nhà khoa học nữ  (04/03/2012)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Kinh tế di sản trong bối cảnh hội nhập quốc tế của Việt Nam hiện nay
- Giải quyết mối quan hệ giữa bảo tồn và phát huy giá trị kinh tế di sản từ góc nhìn quản trị vùng và địa phương
-
Việt Nam trên đường đổi mới
Những thành tựu cơ bản về phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam từ khi đổi mới đến nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay