TCCS - Trong những năm qua, công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, văn hóa, đạo đức, lối sống, lòng yêu nước, tự hào dân tộc cho thế hệ trẻ của tỉnh Bắc Ninh có nhiều chuyển biến tích cực; tạo niềm tin cho xã hội về chất lượng giáo dục, nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài góp phần đào tạo nên những thế hệ công dân tốt, có phẩm chất, năng lực, đạo đức, văn hóa đáp ứng yêu cầu của xã hội.

Hoạt động thể dục, thể thao trong Trường Tiểu học Suối Hoa, thành phố Bắc Ninh_ Ảnh: bacninh.dcs.vn

Ngành Giáo dục Bắc Ninh đã xây dựng và ban hành văn bản hướng dẫn các đơn vị thực hiện quy tắc ứng xử trong môi trường học đường, trong đó quy định cụ thể những việc nên làm và không nên làm trong các mối quan hệ ứng xử, thể hiện thông qua trang phục, ngôn ngữ, hành vi ứng xử... Đẩy mạnh cuộc vận động xây dựng "Nhà trường văn hóa - Nhà giáo mẫu mực - Học sinh thanh lịch"; giảng dạy tài liệu giáo dục nếp sống thanh lịch, văn minh,...

Các Đoàn trường, Liên đội đảm nhận chăm sóc, tu sửa và làm vệ sinh tại các địa chỉ đỏ, nhà tưởng niệm, khu nghĩa trang liệt sỹ trên địa bàn; tổ chức chương trình về nguồn, thắp nến tri ân, hoạt động báo công, “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn”, “Thăm địa chỉ đỏ”… nhằm giáo dục lòng yêu nước, giáo dục truyền thống, lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho học sinh, thanh thiếu nhi. Cùng với đó là thực hiện Cuộc vận động “Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo” với các nội dung phù hợp, trong đó chú trọng nêu gương người tốt, việc tốt, gương mẫu trong đội ngũ giáo viên trẻ.

Hằng năm, tỉnh Bắc Ninh bố trí ngân sách địa phương để thực hiện các nhiệm vụ văn hóa học đường; xây dựng nội dung giáo dục giá trị văn hóa truyền thống; tình yêu quê hương; giá trị di tích lịch sử văn hóa địa phương. Tăng cường các giải pháp phù hợp, đồng bộ trong công tác phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội, bảo đảm phát huy vai trò, trách nhiệm của gia đình trong việc giáo dục văn hóa học đường cho học sinh; thực hiện rà soát, quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục phù hợp điều kiện cụ thể và bảo đảm yêu cầu phát triển giáo dục của từng địa phương; bảo đảm các cơ sở giáo dục đạt mức tối thiểu về cơ sở vật chất theo quy định. Trong đó, tỉnh đã chú trọng đến công tác quy hoạch các phòng học chức năng, sân chơi, bãi tập, nhà đa năng, các công trình vệ sinh, khu vui chơi, trồng cây xanh trong sân trường bảo đảm môi trường sư phạm thân thiện, an toàn.

Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận học sinh, sinh viên, nhà giáo biểu hiện lệch chuẩn về đạo đức, lối sống văn hóa. Ở một số địa phương, công tác xây dựng văn hóa học đường chưa được quan tâm đúng mức, thường xuyên; việc thực hiện còn mang tính hình thức, chưa đi vào chiều sâu; sự phối hợp giữa nhà trường, gia đình, xã hội và các tổ chức đoàn thể trong trường học thiếu chặt chẽ… 

Để khắc phục những hạn chế nêu trên, tỉnh Bắc Ninh đã đưa ra một số giải pháp nhằm đẩy mạnh công tác văn hóa học đường cho học sinh, sinh viên. Thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về xây dựng nền giáo dục với tư tưởng phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa và con người Bắc Ninh thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc; tăng cường đầu tư cho phát triển văn hóa, xây dựng văn hóa học đường tạo môi trường, điều kiện thuận lợi nhất để khơi dậy truyền thống yêu nước, niềm tin, khát vọng, tự hào dân tộc đối với học sinh, sinh viên, tỉnh Bắc Ninh đề xuất:

Thứ nhất, tiếp tục triển khai xây dựng văn hóa học đường gắn với thực hiện Chỉ thị số 08/CT-TTg ngày 1-6-2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường triển khai công tác xây dựng văn hóa học đường, Kết luận số 42-KL/TU ngày 4-12-2020 của Tỉnh ủy Bắc Ninh về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TU về “Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức lối sống, truyền thống văn hóa cho thế hệ trẻ tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2020 - 2030”; Kết luận số 01-KL/TW ngày 18-5-2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15-5-2016 của Bộ Chính trị khóa XII về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; cuộc vận động “Mỗi thầy cô giáo là tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”; phong trào xây dựng “Trường học hạnh phúc”; thi đua “Dạy tốt, Học tốt, Quản lý tốt” và triển khai Bộ quy tắc ứng xử văn hóa trong trường học phù hợp với từng địa phương, đơn vị, tạo nên một môi trường sư phạm lành mạnh, giáo dục ý thức, kỹ năng sống cho học sinh, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học.

Thứ hai, đẩy mạnh công tác tuyên truyền về xây dựng văn hóa học đường; tổ chức xây dựng các chuyên mục, chuyên đề về các nội dung của công tác giáo dục văn hóa học đường; tăng cường lan tỏa tấm gương người tốt, việc tốt trong học sinh, sinh viên; lan tỏa các giá trị tốt đẹp, đồng thời phê phán những hành vi lệch chuẩn về đạo đức, lối sống. Kiểm soát chặt chẽ các ấn phẩm văn hóa dành cho học sinh, sinh viên có yếu tố bạo lực, mang định kiến về giới, dân tộc, người khuyết tật, trái với truyền thống văn hóa, thuần phong, mỹ tục của dân tộc; kịp thời có biện pháp ngăn chặn thông tin xấu độc trên không gian mạng ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường văn hóa học đường của học sinh, sinh viên.

Thứ ba, thực hiện tốt chương trình giáo dục phổ thông năm 2018, chú trọng phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo và vận dụng kiến thức; khuyến khích tinh thần tự đọc, tự học, tạo cơ sở để người học cập nhật tri thức, kĩ năng, phát triển năng lực, hoàn thiện bản thân. Kết hợp giữa dạy chữ, dạy người, trang bị kỹ năng và định hướng nghề nghiệp cho người học; giáo dục phát triển toàn diện cả về phẩm chất và năng lực, hài hoà đức, trí, thể, mỹ; tôn trọng ý kiến học sinh, sinh viên; phát triển cho học sinh, sinh viên những phẩm chất yêu đất nước, yêu con người, chăm học, chăm làm, trung thực, trách nhiệm.

Thứ tư, tuyên truyền, giáo dục và triển khai các giải pháp thiết thực để thực hiện hiệu quả, thực chất 5 điều Bác Hồ dạy thiếu niên, nhi đồng. Giáo dục, bồi dưỡng cho học sinh, sinh viên về tình cảm, tình yêu quê hương đất nước; bảo tồn những giá trị văn hóa, lịch sử của cộng đồng các dân tộc; xây dựng, phát triển giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam. Chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở giáo dục thực hiện nghiêm túc việc xây dựng môi trường xanh, sạch, đẹp, an toàn, thân thiện; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục thông qua các hình thức khẩu hiệu, báo chí, phương tiện truyền thông, internet phù hợp với thuần phong mỹ tục, đúng mục tiêu, sứ mệnh của nhà trường, của ngành. bảo đảm công tác xây dựng văn hóa học đường là hoạt động thường xuyên, liên tục.

Thứ năm, sử dụng hiệu quả các thiết chế văn hóa ở cơ sở, có cơ chế để học sinh, sinh viên các trường học được hưởng chế độ ưu tiên khi vui chơi, tham quan tại các công trình văn hóa, sử dụng khu vực thể thao, sân chơi bãi tập công cộng. Đẩy mạnh công tác vận động, tuyên truyền, giáo dục nếp sống văn hóa trong gia đình, trách nhiệm của cha mẹ, ông bà trong giáo dục đạo đức, lối sống cho con cháu; triển khai có hiệu quả Đề án “Đẩy mạnh các hoạt động học tập tại thư viện, bảo tàng, nhà văn hóa, câu lạc bộ” và Đề án “Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng”.

Thứ sáu, tăng cường các giải pháp phù hợp, đồng bộ trong công tác phối hợp giữa nhà trường, gia đình, xã hội bảo đảm phát huy vai trò, trách nhiệm của gia đình trong việc giáo dục văn hóa ứng xử cho học sinh, sinh viên. Xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên, nhân viên theo hướng chuẩn hóa, bảo đảm đủ về số lượng, hợp lý về cơ cấu, nâng cao chất lượng, đặc biệt chú trọng nâng cao bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống, lương tâm nghề nghiệp và trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp giáo dục. Thực hiện rà soát, quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục phù hợp với điều kiện cụ thể và bảo đảm yêu cầu phát triển giáo dục của từng địa phương./.

Nguyễn Việt (tổng hợp)