TCCS - Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hưng Yên và Vĩnh Phúc dự kiến sẽ "chung lưng đấu cật" để thực hiện dự án Vành đai 4 đầy tham vọng. Nếu dự án này được thực hiện, sẽ là một mô hình đầu tư mới hiện nay.

 

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng phát biểu_Ảnh: thanhnien.vn

Ngày 6-5-2021, dưới sự chủ trì của Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội làm việc với Ban Cán sự Đảng Bộ Giao thông vận tải và thường trực tỉnh ủy các tỉnh: Hưng Yên, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Bắc Giang để thống nhất về định hướng, quy hoạch, phương án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4.

Năm tỉnh, thành họp nhằm xây dựng tờ trình đề xuất chung với Thủ tướng Chính phủ về dự án quan trọng này.

Đây là dự án lớn, được đồng chí Bí thư Thành ủy Hà Nội thúc đẩy, với quan điểm dù dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, nhưng vẫn phải tiếp tục thực hiện “mục tiêu kép”.

Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô đã được Thủ tướng phê duyệt quy hoạch chi tiết từ năm 2011 với chiều dài toàn tuyến khoảng 98km, đi qua 14 huyện của 3 tỉnh, thành: Hà Nội (56,5km), Hưng Yên (20,3km) và Bắc Ninh (21,2km).

Theo tính toán của Hà Nội, phương án đầu tư và tổng mức đầu tư của dự án, nếu là cao tốc đi bằng, khoảng 105.000 tỉ đồng; nếu là cao tốc đi trên cầu cạn toàn tuyến, thì khoảng 135.000 tỷ đồng (đã gồm 2 cầu lớn vượt sông Hồng). Ngoài ra, kinh phí bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng theo chỉ giới 120km khoảng 25.000 tỷ đồng.

Theo Hà Nội, với mức kinh phí này, việc đầu tư bằng vốn đầu tư công là khó khả thi nên cần nghiên cứu theo hướng giải pháp đầu tư hỗn hợp (cả công lẫn tư).

Lãnh đạo 5 tỉnh có mặt tại hội nghị đều cho rằng, đường Vành đai 4 được hoàn thành và đưa vào sử dụng sẽ đem lại nguồn lực phát triển rất lớn, không chỉ đối với các tỉnh, thành có tuyến đường đi qua, mà các tỉnh trong vùng đồng bằng sông Hồng cũng được hưởng lợi.

Đại diện các địa phương nhất trí đề xuất Hà Nội làm đầu mối để triển khai thực hiện dự án này. 

Có mặt tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết, Bộ sẵn sàng hỗ trợ hết sức về mặt kỹ thuật, kinh nghiệm và giải quyết các khó khăn liên quan theo thẩm quyền.

Đồng chí Nguyễn Văn Thể cho rằng, để dự án triển khai thuận lợi, nên giao cho Hà Nội làm tổng chỉ huy đầu tư xây dựng. Đối với việc giải phóng mặt bằng, mỗi địa phương chủ động thực hiện phần việc theo địa bàn quản lý của mình.

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ủng hộ phương án đầu tư đường cao tốc đi trên cầu cạn toàn tuyến (tổng mức đầu tư 135.000 tỷ đồng, chưa kể giải phóng mặt bằng), mặc dù chi phí cao hơn khoảng 20.000 tỷ so với phương án cao tốc đi bằng, nhưng công năng sử dụng, ý nghĩa lâu dài và hiệu quả đầu tư cao hơn.

Kết luận hội nghị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho biết, lãnh đạo các tỉnh đều đồng tình với sự cần thiết và thể hiện quyết tâm sớm trình cấp có thẩm quyền chủ trương đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 "để kết nối đồng bộ, tăng cường năng lực, giải phóng ùn tắc giao thông, mở rộng không gian phát triển, khai thác các nguồn lực để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương trong Vùng Thủ đô"./.

Nguyễn Thùy (tổng hợp)