Kiên Giang phấn đấu trở thành tỉnh giàu, mạnh từ kinh tế biển
TCCS - Sau hơn 10 năm tích cực triển khai thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TW, của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X, “Về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020”, Kiên Giang đã đạt được nhiều thành tựu trong phát triển kinh tế biển. Trong bối cảnh, tình hình mới, quán triệt Nghị quyết số 36-NQ/TW, của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, “về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Kiên Giang tiếp tục chủ động đề ra và quyết tâm thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, phấn đấu đến năm 2045 đưa Kiên Giang trở thành tỉnh phát triển mạnh về kinh tế biển trong vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Những chuyển biến trong phát triển kinh tế biển
Là một tỉnh ven biển ở vùng đồng bằng sông Cửu Long, Kiên Giang có vùng biển với diện tích khoảng 63.290km2, bờ biển dài khoảng 200km. Toàn tỉnh có hơn 143 hòn đảo lớn nhỏ, trong đó Phú Quốc - nằm trong vùng vịnh Thái Lan - là đảo lớn nhất với diện tích 593km2, là một trong những ngư trường quan trọng của cả nước. Sau hơn 10 năm thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TW, ngày 9-2-2007, của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X, “Về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020”, tỉnh đã cụ thể hóa việc triển khai thực hiện Nghị quyết thông qua 110 dự án, đề án để khai thác tiềm năng, thế mạnh vùng biển, hải đảo và ven biển trên địa bàn, với những giải pháp phù hợp với thực tế từng địa phương.
Thời gian qua, tỉnh tập trung phát triển khai thác hải sản xa bờ gắn với bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Phương tiện khai thác đánh bắt được đầu tư tăng thêm; trong đó chú trọng đầu tư tàu cá đủ điều kiện vươn khơi đánh bắt xa bờ; đạt sản lượng khai thác hằng năm từ 500.000 tấn - 600.000 tấn. Nuôi trồng thủy sản vùng ven biển phát triển khá nhanh và đa dạng với sản lượng nuôi trồng thủy sản đạt bình quân hơn 217.000 tấn/năm. Toàn tỉnh có gần 20 nhà máy chế biến thủy sản với dây chuyền sản xuất công nghệ hiện đại, kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt bình quân 160 triệu USD/năm. Việc quy hoạch, quản lý tài nguyên, môi trường ven biển, hải đảo được tăng cường; sản lượng, giá trị sản phẩm từ các ngành, nghề khai thác tiềm năng biển, ven biển, hải đảo ngày càng tăng.
Điểm nổi bật trong phát triển kinh tế biển ở Kiên Giang thời gian qua là tỉnh đã đề ra nhiều giải pháp huy động các nguồn lực đầu tư phát triển, xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội vùng ven biển và hải đảo, bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, cải thiện đời sống nhân dân. Riêng trong giai đoạn 2011 - 2015, tỉnh đã huy động hơn 136.000 tỷ đồng vốn đầu tư phát triển vùng biển - đảo, chiếm 80% nhu cầu vốn đầu tư toàn tỉnh. Nhiều dự án, công trình lớn đã được triển khai, hoàn thành đưa vào sử dụng, như Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc; cầu Cái Lớn - Cái Bé; lưới điện quốc gia ra các đảo Phú Quốc, Hòn Tre, Lại Sơn, Hòn Nghệ, Sơn Hải; đưa vào sử dụng các cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão Lình Huỳnh, Hòn Tre, Thổ Châu, An Thới, Xẻo Nhàu, đê chắn sóng Dương Đông, hệ thống cấp điện, nước các xã ven biển; đầu tư các tuyến đường ven biển và hệ thống đường giao thông trên các đảo Phú Quốc, Hòn Nghệ, Lại Sơn, Hòn Tre, Nam Du, An Sơn; hệ thống trường học, trạm y tế cho các xã ven biển và hải đảo,...
Đặc biệt, huyện đảo Phú Quốc được quan tâm đầu tư với nhiều dự án, công trình quan trọng như: Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc, cảng Bãi Vòng, cảng An Thới, hệ thống giao thông, cấp điện, cấp nước,... Nhiều khách sạn, khu nghỉ dưỡng cao cấp, khu vui chơi giải trí lớn được đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng, phục vụ khách du lịch trong nước và quốc tế, tạo điểm nhấn cho du lịch Phú Quốc, như khu Vinpearl, khu Safari, cáp treo An Thới - Hòn Thơm,... Nhờ đó, du lịch biển Kiên Giang những năm gần đây có bước phát triển khá mạnh.
Tỉnh cũng đã hoàn thành nhiều công trình thủy lợi vùng ven biển phục vụ nuôi trồng thủy sản; các công trình gia cố đê biển; đầu tư phát triển hệ thống điện, nước nâng tỷ lệ hộ dân được sử dụng điện vùng ven biển, hải đảo đạt 96% và sử dụng nước sạch 83%; xây dựng 13 dự án mang tính cấp thiết ứng phó với biển đổi khí hậu, như nâng cấp đê biển từ Hà Tiên đến Tiểu Dừa (An Minh), khôi phục và phát triển rừng phòng hộ ven biển, quản lý tổng hợp vùng bờ,...
Nhìn chung, sau hơn 10 năm thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TW, kinh tế biển của Kiên Giang có bước phát triển khá toàn diện, chuyển dịch cơ cấu kinh tế đúng hướng và tích cực, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Riêng trong giai đoạn 2011 - 2015, tăng trưởng kinh tế biển đạt 11,4%/năm, chiếm tỷ trọng gần 74% GRDP toàn tỉnh. Các chính sách an sinh xã hội, chăm sóc sức khỏe nhân dân được triển khai đến tận các xã ven biển, hải đảo. Quốc phòng - an ninh được giữ vững, bảo vệ tốt an ninh, chủ quyền biên giới, biển, đảo và các địa bàn trọng điểm, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Nhận diện hạn chế, đề ra mục tiêu phát triển mới
Bên cạnh những thành tựu, quá trình phát triển kinh tế biển ở Kiên Giang cũng đang đối diện với nhiều khó khăn, thách thức và đang bộc lộ không ít hạn chế, bất cập. Đó là:
- Quy mô, tốc độ, chất lượng phát triển kinh tế biển của tỉnh so với điều kiện, tiềm năng còn nhiều hạn chế, chưa tương xứng. Kết cấu hạ tầng về giao thông, thủy lợi, điện, nước... tuy có được đầu tư nhưng chưa đáp ứng nhu cầu phát triển.
- Việc khai thác đánh bắt, nuôi trồng thủy sản có bước phát triển nhưng chưa thực sự ổn định, bền vững; nguồn lợi kinh tế ven biển khai thác chưa hiệu quả; ứng dụng khoa học - công nghệ vào nuôi trồng thủy sản chưa nhiều.
- Phát triển kinh tế biển chưa gắn kết hài hòa với phát triển xã hội và bảo vệ môi trường. Môi trường sinh thái vùng biển, ven biển ở một số nơi bị ô nhiễm nặng.
- Chất lượng sản phẩm và dịch vụ du lịch ở một số địa phương có biển và ven biển chưa cao, chưa thật hấp dẫn du khách.
- Nguồn nhân lực biển chưa đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế biển trong giai đoạn mới, chưa trở thành nhân tố then chốt trong phát triển bền vững kinh tế biển.
- Cơ chế, chính sách phát triển kinh tế thủy sản còn bất cập; chưa thu hút các nhà đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng vùng biển, ven biển; vốn đầu tư cho hạ tầng kỹ thuật vùng ven biển, hải đảo chưa đáp ứng nhu cầu.
- Tác động của biến đổi khí hậu dẫn đến tình trạng sạt lở biển ngày càng tăng (toàn tỉnh có trên 70km bờ biển bị sạt lở), ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của nhân dân.
Từ những kinh nghiệm trong quá trình phát triển kinh tế biển hơn 10 năm qua, từ những yêu cầu của thực tiễn trong thời kỳ hội nhập quốc tế, đòi hỏi Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Kiên Giang phải tiếp tục phát triển mạnh kinh tế biển phù hợp với tình hình thực tế của địa phương và gắn với tổng thể chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển cả nước trong giai đoạn phát triển mới.
Ngày 21-2-2019, Tỉnh ủy Kiên Giang ban hành “Chương trình hành động số 47-CTr/TU thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW, của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Theo đó, mục tiêu tổng quát trong phát triển kinh tế biển trên địa bàn tỉnh từ nay đến năm 2030 được xác định là: “Tập trung nguồn lực khẩn trương đẩy nhanh tốc độ xây dựng Kiên Giang trở thành địa phương biển mạnh của vùng biển và ven biển Tây Nam bộ; đạt các tiêu chí quốc gia về phát triển bền vững kinh tế biển; bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa biển; hình thành văn hóa sinh thái biển; chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng; ngăn chặn xu thế ô nhiễm, suy thoái môi trường biển, tình trạng sạt lở bờ biển, biển xâm thực vùng ven biển; phục hồi và bảo tồn các hệ sinh thái biển quan trọng; ứng dụng khoa học mới, tiên tiến, hiện đại thúc đẩy phát triển bền vững kinh tế biển của tỉnh”.
Tỉnh đề ra 06 định hướng phát triển kinh tế biển: 1- Du lịch và dịch vụ biển; 2- Nuôi trồng và khai thác hải sản; 3- Kinh tế hàng hải; 4- Khai thác dầu khí và các tài nguyên, khoáng sản biển khác; 5- Phát triển các khu công nghiệp, khu đô thị ven biển; 6- Phát triển năng lượng tái tạo và các ngành kinh tế biển mới.
Bốn khâu đột phá trong phát triển kinh tế biển được xác định là: 1- Tập trung xây dựng phát triển Phú Quốc thành trung tâm dịch vụ, du lịch sinh thái nghỉ dưỡng mang tầm quốc tế; 2- Khai thác thủy sản theo hướng bền vững, đi đôi với tập trung đẩy mạnh nuôi trồng ven biển, tận dụng tối đa lợi thế nuôi biển; 3- Phát triển mạnh các đô thị đảo và ven biển. 4- Phát triển kinh tế hàng hải.
Một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu
Để đạt được những mục tiêu đề ra, Tỉnh ủy Kiên Giang xác định một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu sẽ tập trung triển khai thực hiện đồng bộ trong thời gian tới:
Một là, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của chính quyền các cấp, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về phát triển bền vững biển, tạo sự đồng thuận trong toàn xã hội.
Nâng cao nhận thức, tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy, tổ chức đảng, sự quản lý của chính quyền trong tổ chức thực hiện, kiểm tra, giám sát quá trình triển khai thực hiện các chủ trương, giải pháp về phát triển bền vững kinh tế biển. Nâng cao hiệu quả, đa dạng hóa các hình thức, nội dung tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về biển, đảo, chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam trong toàn hệ thống chính trị, trong nhân dân, trong cộng đồng người Việt ở nước ngoài và cộng đồng quốc tế. Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức đoàn thể các cấp trong công tác tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân giám sát và phản biện xã hội việc thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW.
Hai là, tập trung hoàn thiện các quy hoạch, kế hoạch liên quan đến biển, đảo.
Các cấp, các ngành, địa phương thực hiện rà soát, bổ sung và xây dựng mới các quy hoạch liên quan đến biển, đảo theo hướng quản lý tổng hợp, phù hợp với hệ sinh thái biển, bảo đảm sự gắn kết hài hòa, đồng bộ giữa bảo tồn và phát triển các vùng đất liền, vùng ven bờ, vùng biển và hải đảo của tỉnh và các tỉnh lân cận.
Tích cực phối hợp với cơ quan có thẩm quyền ở Trung ương khẩn trương xây dựng quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ trên địa bàn của tỉnh. Phối hợp chặt chẽ với các địa phương trong vùng biển và ven biển Tây Nam bộ trong xây dựng các mục tiêu, định hướng phát triển để bảo đảm phát triển bền vững kinh tế biển trên cơ sở phát huy tối đa lợi thế so sánh về điều kiện tự nhiên, vị trí địa lý, bảo đảm tính liên kết vùng và giữa các địa phương.
Tập trung nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế biển; khuyến khích, thu hút mạnh các doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực kinh tế biển nhất là nuôi trồng, khai thác thủy sản và chế biến thủy sản và các ngành kinh tế biển mới, như khai thác mỏ dưới đáy biển, công nghệ sinh học biển, an toàn và giám sát hàng hải,... và các ngành biển khác có lợi thế của tỉnh.
Ba là, tập trung phát triển văn hóa - xã hội vùng biển, đảo và ven biển.
Tiếp tục ưu tiên dành quỹ đất đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường học, quan tâm đời sống giáo viên, tạo điều kiện tốt để nâng cao chất lượng dạy và học ở vùng biển, đảo. Quan tâm đầu tư xây dựng trường chất lượng cao ở các huyện đảo và vùng biển, đảo, nhất là trên địa bàn huyện Phú Quốc. Tăng cường giáo dục nâng cao kỹ năng sinh tồn, thích ứng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng, phòng, tránh thiên tai cho học sinh, sinh viên cho tất cả các bậc học, cấp học.
Tiếp tục củng cố và phát triển mạng lưới y tế vùng biển, đảo; ưu tiên đầu tư xây dựng trạm y tế, trang thiết bị y tế và lực lượng cán bộ y tế ở các xã đảo phục vụ tốt cho việc chăm sóc, khám, chữa bệnh cho nhân dân. Đầu tư cơ sở vật chất, nguồn nhân lực đạt chuẩn cho Bệnh viện Đa khoa huyện Phú Quốc; bảo đảm 100% số xã đảo có trạm y tế, trong đó 50% xã đạt chuẩn y tế cho vùng biển, đảo theo tiêu chí của Bộ Y tế.
Thực hiện có hiệu quả công tác đào tạo nghề, đáp ứng yêu cầu lao động của các ngành kinh tế biển và việc chuyển đổi nghề của người dân; bảo đảm người dân ở vùng biển có cuộc sống, thu nhập ổn định. Chú trọng phát triển các thiết chế văn hóa cho cộng đồng dân cư vùng biển, đảo; phát huy bản sắc, giá trị văn hóa dân tộc, tri thức ứng xử với biển, tạo nền tảng để xây dựng văn hóa biển. Bảo đảm an ninh, an toàn cho dân cư vùng ven biển, trên đảo và người lao động trên biển.
Bốn là, bảo vệ môi trường, bảo tồn, phát triển bền vững đa dạng sinh học biển; chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng và phòng, chống thiên tai.
Xác định rõ các khu vực cần bảo vệ, bảo tồn, khu vực hạn chế khai thác tài nguyên khoáng sản, khu vực nuôi trồng thủy hải sản ở biển và vùng bờ... Chú trọng bảo tồn đa dạng sinh học, phục hồi các hệ sinh thái biển, nhất là các hệ sinh thái biển quan trọng; bảo đảm tính toàn vẹn và mối quan hệ tự nhiên giữa các hệ sinh thái đất liền và biển.
Kiểm soát nghiêm ngặt các dự án đầu tư có nguy cơ ô nhiễm môi trường cao ở khu vực biển đảo theo tiêu chí, yêu cầu kỹ thuật quốc gia và quốc tế; bảo đảm phòng ngừa, ngăn chặn không để xảy ra các sự cố ô nhiễm môi trường. Nâng cao năng lực quan trắc, giám sát tài nguyên, môi trường biển, năng lực ứng phó sự cố môi trường, hóa chất độc trên biển; quản lý rác thải biển, nhất là rác thải nhựa; cải thiện, nâng cao chất lượng môi trường vùng biển, đảo của tỉnh.
Trên cơ sở ứng dụng các thành tựu khoa học và công nghệ, có các biện pháp hữu hiệu trong phòng, chống biển xâm thực, xói lở bờ biển, ngập lụt, hạn hán, xâm nhập mặn; bảo vệ, bảo tồn tài nguyên biển cho các vùng có cỏ biển, rạn san hô và các loài thủy, hải sản quý hiếm; xây dựng và triển khai hiệu quả chương trình nâng cao nhận thức về bảo vệ, bảo tồn tài nguyên biển trong phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường cho cán bộ và người dân.
Năm là, bảo đảm quốc phòng, an ninh và mở rộng hợp tác quốc tế.
Tiếp tục xác định nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội kết hợp với bảo đảm quốc phòng - an ninh vùng biển, đảo của tỉnh; triển khai đồng bộ các biện pháp nhằm bảo vệ vững chắc các quyền và lợi ích quốc gia trên vùng biển, đảo; bảo đảm năng lực xử lý tốt các tình huống trên biển, đảo. Tăng cường quản lý nhà nước trên biển, đảo, nhất là sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa các lực lượng chức năng trên biển trong bảo vệ chủ quyền, bảo đảm an ninh, an toàn vùng biển, đảo.
Kịp thời giải quyết các xung đột, bức xúc trong quần chúng nhân dân, không để tạo thành điểm nóng gây phức tạp tình hình an ninh, trật tự vùng biển, đảo của tỉnh. Chủ động phòng ngừa, đấu tranh và ngăn chặn có hiệu quả đối với các loại tội phạm, buôn lậu, gian lận thương mại qua đường biển.
Đẩy mạnh các hoạt động hợp tác quốc tế nhằm tranh thủ các nguồn lực về khoa học, công nghệ, tri thức, đào tạo nhân lực, tài chính, trang thiết bị phục vụ tốt công tác quản lý và khai thác bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo trên địa bàn tỉnh./.
Phát triển kinh tế biển gắn với quốc phòng, an ninh, đối ngoại trong tình hình mới  (20/02/2020)
Phát huy các tiềm năng, thế mạnh của địa phương để phục vụ phát triển kinh tế - Bài học kinh nghiệm của Lào Cai  (17/02/2020)
Ninh Thuận đổi mới tư duy, tập trung đầu tư để kinh tế biển trở thành động lực cho phát triển  (31/12/2019)
Hà Giang bảo đảm sự hài hòa giữa phát triển du lịch và bảo vệ môi trường  (30/12/2019)
Trà Vinh phát triển kinh tế biển trước thách thức biến đổi khí hậu  (28/12/2019)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên