Kinh tế Việt Nam qua 50 năm thống nhất, xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn
TCCS - Nhằm góp phần xây dựng báo cáo tổng kết “Những vấn đề lý luận - thực tiễn qua 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, góp phần hoàn thiện lý luận về đường lối đổi mới, về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” và phục vụ nhiệm vụ tư vấn cho Bộ Chính trị, Ban Bí thư, ngày 21-3-2023, Hội đồng Lý luận Trung ương phối hợp với Trường Đại học Kinh tế quốc dân tổ chức Hội thảo quốc gia “Kinh tế Việt Nam qua 50 năm thống nhất, xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn”.
Tham dự hội thảo có đông đảo các nhà khoa học, nhà quản lý, đại diện nhiều ban, bộ, ngành, địa phương trong cả nước. PGS, TS Phạm Văn Linh, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; GS, TS Phạm Hồng Chương, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế quốc dân đồng chủ trì hội thảo.
Phát biểu khai mạc, GS, TS Phạm Hồng Chương nêu rõ, hội thảo góp phần chuẩn bị những căn cứ, lý luận mới về phát triển kinh tế - xã hội, đóng góp vào Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV, qua đó, đề ra những định hướng chiến lược hiện thực hóa các mục tiêu phát triển đất nước đến năm 2030 và 2045 mà Đại hội XIII của Đảng xác định.
Báo cáo đề dẫn tại hội thảo, PGS, TS Vũ Văn Hà (Hội đồng Lý luận Trung ương) nhấn mạnh, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội, thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược: Xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế đất nước đã có những thành công cả về lý luận và thực tiễn.
Về mặt lý luận, đó là đột phá nhận thức về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, nhận thức lý luận về các thành phần kinh tế trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, về các mối quan hệ giữa đổi mới kinh tế với các lĩnh vực khác, về phát triển nhanh, bền vững... Chính những đổi mới này góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, nhanh chóng đưa Việt Nam từ một trong những quốc gia nghèo nhất trên thế giới trở thành quốc gia thu nhập trung bình và như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, theo PGS, TS Vũ Văn Hà, công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế vẫn còn những hạn chế, bất cập cả về lý luận và thực tiễn. Quá trình đổi mới nhận thức về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa diễn ra chậm, nhất là nhận thức về bản chất và nguyên tắc vận hành của kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, nên đã tạo ra sự thiếu đồng bộ, thiếu nhất quán và những bất cập trong quá trình hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, làm hạn chế, chưa huy động tối đa nguồn lực cho phát triển kinh tế.… Về thực tiễn, tăng trưởng kinh tế còn chậm, chưa thực sự bền vững, năng suất lao động còn thấp, khả năng cạnh tranh quốc tế chưa cao. Việc phân bổ các nguồn lực cho phát triển còn dàn trải, lãng phí; vấn đề phân hóa giàu nghèo, bất bình đẳng xã hội, tệ nạn xã hội có chiều hướng gia tăng…
Trước yêu cầu đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa; xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa, những phát triển trong lý luận, nhận thức và kết quả thực tiễn xây dựng và phát triển kinh tế cần được tổng kết một cách hệ thống những hạn chế, bất cập cần được xác định và tập trung nghiên cứu làm rõ, để xây dựng, hoàn thiện hệ thống lý luận về đường lối đổi mới nói chung, đổi mới phát triển kinh tế nói riêng, đồng thời trực tiếp góp phần xây dựng luận cứ đề xuất các nội dung xây dựng Văn kiện Đại hội XIV của Đảng.
Với gần 40 tham luận khoa học gửi tới hội thảo và gần 20 ý kiến phát biểu tham luận tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận sâu và làm rõ 7 nội dung trọng tâm:
Một là, vấn đề mô hình tăng trưởng kinh tế qua 50 năm thống nhất, xây dựng và phát triển đất nước: làm rõ những thành công và hạn chế của mô hình cũ và bước đổi mới, chuyển đổi mô hình tăng trưởng sang phát triển nền kinh tế thị trường;
Hai là, vấn đề công nghiệp hóa, hiện đại hóa: làm rõ những thành công, hạn chế và vấn đề đặt ra hiện nay với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; làm rõ chủ trương cũng như kết quả thực hiện phát triển nhanh, bền vững, thời cơ và thách thức với phát triển kinh tế số;
Ba là, vấn đề nhận thức lý luận và phát huy trong thực tiễn vai trò các thành phần và khu vực kinh tế (nhà nước, tư nhân, dân doanh), làm rõ kết quả, hạn chế, cùng những vấn đề đặt ra;
Bốn là, vấn đề phân bổ nguồn lực và phân phối thành quả trong phát triển: nhận thức và thực tiễn, vấn đề đặt ra cũng như tác động của nó đến quá trình thúc đẩy tăng trưởng đi liền với tiến bộ, công bằng xã hội;
Năm là, vấn đề phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong 50 năm qua: làm rõ những kết quả của các chủ trương, chính sách cùng những hạn chế, vấn đề đặt ra trong suốt tiến trình phát triển;
Sáu là, vấn đề mở rộng, nâng cao hiệu quả hoạt động kinh tế đối ngoại giai đoạn trước đổi mới và tích cực, chủ động hội nhập toàn diện, sâu rộng gắn với xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ trong điều kiện phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa;
Bảy là, vấn đề phát triển kinh tế gắn với xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, về nhận thức lý luận và xử lý mối quan hệ này trong chặng đường 50 năm qua, thành công, hạn chế…
Ngoài các vấn đề trên, các đại biểu tham dự hội thảo cũng trao đổi, làm rõ một số vấn đề về bối cảnh phát triển, các nhân tố tác động và các quá trình kinh tế trong 50 năm qua với tinh thần khách quan, nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật và với quan điểm lịch sử cụ thể để làm rõ bức tranh chung với kết quả, hạn chế, vấn đề đặt ra trên cả phương diện lý luận và thực tiễn cùng với những bài học kinh nghiệm…
Phát biểu kết luận hội thảo, PGS, TS Phạm Văn Linh cho biết, các ý kiến đến từ các nhà nghiên cứu, chuyên gia sẽ góp phần hiệu quả vào việc tổng kết những vấn đề lý luận và thực tiễn xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc qua 50 năm thống nhất, đi lên chủ nghĩa xã hội. Từ đó, góp phần hoàn thiện hệ thống lý luận về đường lối đổi mới, trong đó có nội dung đổi mới phát triển kinh tế nhằm phục vụ xây dựng các văn kiện Đại hội XIV của Đảng./.
Kinh tế Việt Nam năm 2022 và triển vọng năm 2023  (16/03/2023)
Đề cương về văn hóa Việt Nam - văn kiện mang tầm cương lĩnh của Đảng ta về văn hóa  (28/02/2023)
Hội đồng Lý luận Trung ương phát huy dân chủ và trí tuệ tập thể, dấn thân tìm tòi, đúc rút quy luật, nâng tầm sáng tạo và đột phá lý luận  (13/02/2023)
Hội thảo Văn hóa năm 2022: Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa  (18/12/2022)
Kỳ họp thứ sáu Hội đồng Lý luận Trung ương  (16/12/2022)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
- Bảo đảm an ninh con người của chính quyền đô thị: Kinh nghiệm của một số quốc gia và hàm ý chính sách đối với Việt Nam
- Phát huy vai trò trụ cột của đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước, đối ngoại nhân dân trong phối hợp xây dựng nền ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, thực hiện hiệu quả mục tiêu đối ngoại của đất nước
- Tăng cường công tác dân vận nhằm thực hiện hiệu quả chính sách xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong tình hình mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển