Tọa đàm khoa học “Kinh tế số - đô thị sáng tạo” và Hội nghị cộng tác viên Tạp chí Cộng sản phía Nam
TCCS - Ngày 14-12-2021, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Cơ quan Thường trực tại miền Nam, Tạp chí Cộng sản phối hợp với Trường Đại học Tài chính - Marketing tổ chức Tọa đàm khoa học với chủ đề: “Kinh tế số và đô thị sáng tạo” và Hội nghị cộng tác viên Tạp chí Cộng sản phía Nam. Các đồng chí PGS, TS. Nguyễn Ngọc Hà, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản; TS. Phùng Ngọc Bảo, Vụ trưởng, Trưởng Cơ quan Thường trực tại miền Nam, Tạp chí Cộng sản và PGS, TS. Phạm Tiến Đạt, Hiệu trưởng, Trường đại học Tài chính Marketing cùng dự và chủ trì.
Tham dự buổi toạ đàm còn có các chuyên gia, nhà nghiên cứu, quản lý, các cơ quan liên quan về chủ đề kinh tế số và đô thị sáng tạo, cùng đại diện các học viện, trường đại học đứng chân trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.
Báo cáo đề dẫn cuộc tọa đàm, PGS, TS. Phạm Tiến Đạt đánh giá, sự phát triển của các ngành công nghiệp sáng tạo cũng như kinh tế số là kết quả trực tiếp chuyển dịch từ nền kinh tế truyền thống sang nền kinh tế tri thức. Mục tiêu cuối cùng của phát triển kinh tế số và đô thị sáng tạo là đáp ứng ngày càng tốt hơn cho nhu cầu ngày càng cao của cộng đồng cư dân đô thị, cũng như sự đòi hỏi về chuyển đổi số theo xu thế chung của các nền kinh tế trên thế giới. Trong khi đó, phát triển kinh tế số và xây dựng đô thị sáng tạo là một quá trình dài, phức tạp, đòi hỏi về cách tiếp cận, phương pháp, chuẩn bị dữ liệu chuyển đổi số, lựa chọn công nghiệp sáng tạo, nguồn lực sáng tạo cho đến việc ban hành cơ chế, chính sách về kinh tế số, sáng tạo và tài chính đầu tư... Do đó cần đánh giá sát đúng thực trạng về tình hình phát triển kinh tế số và đô thị sáng tạo ở Việt Nam, qua đó đề xuất những giải pháp mang tính thiết thực để các đô thị ở nước ta, nhất là Thành phố Hồ Chí Minh, có thể vận dụng vào thực tiễn.
Tại buổi tọa đàm, nhiều đại biểu cho rằng, chủ trương đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển kinh tế là một chủ trương mới, đột phá quan trọng trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng.
Theo PGS, TS. Vũ Tuấn Hưng, Phó Viện trưởng Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ và PGS, TS. Trần Mai Ước, Trường Đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư với nhiều thành tựu khoa học, công nghệ mới, nhất là công nghệ số, đã và đang làm thay đổi mạnh mẽ phương thức sản xuất, tổ chức và sinh hoạt xã hội, tạo ra sự phát triển nhảy vọt của nhiều doanh nghiệp, nhiều lĩnh vực, nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Đặc biệt, các thành tựu khoa học - công nghệ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nhất là công nghệ số đã tạo ra nhiều cơ hội, điều kiện thuận lợi để đất nước ta nói chung và Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng thực hiện phương thức phát triển theo hướng đi tắt, đón đầu. Bởi vì, khi kinh tế số phát triển sẽ góp phần làm giảm bớt khoảng cách tụt hậu của nền kinh tế Việt Nam so với các nền kinh tế trên thế giới, mở ra cơ hội bứt phá phát triển.
Nhiều đại biểu cho rằng, việc phát triển kinh tế số và đô thị sáng tạo ở Việt Nam nói chung và Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng còn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, đó là: Hệ thống thể chế, chính sách còn yếu, chưa đồng bộ, hiệu quả, nên chưa khai thác hết tiềm năng để phát triển kinh tế số; cơ sở dữ liệu của nhiều bộ, ngành, địa phương đang xây dựng còn manh mún và phân tán, không có sự kết nối liên thông...
Để phát triển kinh tế số và đô thị sáng tạo một cách hiệu quả, bền vững, theo PGS, TS. Nguyễn Văn Y, Phó Giám đốc Học viện Cán bộ Thành phố Hồ Chí Minh và TS. Đinh Kiệm, Trường Đại học Lao động Xã hội, Thành phố Hồ Chí Minh và các nhà khoa học cho rằng, trong quá trình xây dựng, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Việt Nam cần phải quan tâm tới thể chế cho phát triển kinh tế số, trong đó, chú trọng xây dựng khung khổ pháp luật, môi trường thuận lợi thúc đẩy phát triển, khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, phát triển kinh tế số; hỗ trợ, khuyến khích sự ra đời, hoạt động của những lĩnh vực mới, mô hình kinh doanh mới. Cùng với việc đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế, phát triển các ngành, lĩnh vực, vấn đề chuyển đổi số, phát triển kinh tế số cần được xác định là một nội dung quan trọng được ưu tiên phát triển nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của các ngành, lĩnh vực, của nền kinh tế, phát triển nhanh và bền vững đất nước.
Việc phát triển kinh tế số và đô thị sáng tạo có liên quan, ảnh hưởng và tác động tới mọi thành viên trong xã hội về nhiều mặt, từ việc làm, tổ chức công việc tới cách thức làm việc, cách sống, bảo vệ lợi ích, an ninh, an toàn,... Do vậy, sự thiếu hiểu biết của các thành viên hay tổ chức xã hội về chủ trương này sẽ là trở ngại cho phát triển kinh tế số và đô thị sáng tạo, nên để kinh tế số và đô thị sáng tạo được phát triển và hoàn thiện luôn đòi hỏi sự nâng cao nhận thức, hiểu biết cho các thành viên xã hội có sự chuẩn bị về tâm lý, điều kiện, kỹ năng cần thiết để có thể chủ động, tích cực tham gia, thích ứng là yêu cầu rất quan trọng để thực hiện hiệu quả việc phát triển kinh tế số của đất nước, góp phần vào xây dựng đô thị sáng tạo ngày một hoàn thiện hơn. Vì thế, các cấp ủy đảng, lãnh đạo chính quyền, cơ quan quản lý nhà nước ở các cấp, các ngành, các địa phương, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, các doanh nghiệp cần xem đây là trách nhiệm của mình để thực hiện có kết quả nhiệm vụ này...
Trong phần Hội nghị cộng tác viên Tạp chí Cộng sản, nhiều ý kiến của các đại biểu đã chân tình, thẳng thẳn góp ý và đánh giá những đổi mới của Tạp chí Cộng sản trong những năm qua. Cùng với đó, các đại biểu cũng chỉ rõ những hạn chế cần khắc phục và mong muốn Tạp chí Cộng sản có nhiều hơn nữa các bài viết lý luận gắn chặt với thực tiễn sinh động, góp phần đấu tranh chống tham nhũng, chống tiêu cực, đặc biệt là những bài viết đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái, phản động, thù địch... Đồng chí Phạm Phương Thảo, nguyên Phó Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh mong muốn, là một cơ quan lý luận chính trị của Trung ương Đảng, Tạp chí Cộng sản cần có nhiều bài viết tổng kết thực tiễn để làm rõ hơn những “điểm nghẽn” về thể chế, cơ chế, qua đó, gợi mở cách tháo gỡ như thế nào đối với khó khăn, thách thức trong thực tiễn nhằm thúc đẩy sự phát triển chung của đất nước, nhất là quá trình đổi mới sáng tạo cho Thành phố Hồ Chí Minh. PGS, TS. Vũ Thị Thanh Xuân, Chánh văn phòng, Văn phòng đại diện phía Nam, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và PGS, TS. Trương Thị Hiền, Chủ tịch Hội Trí thức Nữ Thành phố Hồ Chí Minh nhận định, viết bài cho Tạp chí Cộng sản là công việc khó, đòi hỏi người viết phải vừa nắm vững lý luận, vừa am tường thực tiễn, vừa thành thục về phương pháp nghiên cứu, có bút lực tốt để thể hiện thành bài viết. Vì thế, nếu người cầm bút không thực sự say mê, hiểu Tạp chí Cộng sản thì khó kiên trì có những bài viết bảo đảm chất lượng...
Phát biểu kết luận, PGS, TS. Nguyễn Ngọc Hà, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản đánh giá cao tinh thần trách nhiệm của các đại biểu, nhà khoa học đã căn cứ vào thực tiễn, đi sâu phân tích, nêu lên những hạn chế, vướng mắc; đồng thời, hiến kế, đề xuất, kiến nghị một số giải pháp có tính khả thi trong phát triển kinh tế số và đô thị sáng tạo, giúp các nhà hoạch định chính sách, nhà quản lý có cái nhìn khách quan, khoa học trong quá trình vận dụng vào thực tiễn.
Đồng thời, PGS, TS. Nguyễn Ngọc Hà đã ghi nhận và tiếp thu các ý kiến góp ý tâm huyết, trách nhiệm, mang tính xây dựng của các nhà khoa học đối với Tạp chí Cộng sản, đồng thời chia sẻ với đội ngũ cộng tác viên về những thành công nổi bật của Tạp chí trong thời gian qua. PGS, TS. Nguyễn Ngọc Hà cho biết, với sự quan tâm, chỉ đạo trực tiếp của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, những năm qua Tạp chí Cộng sản luôn bám sát chương trình công tác của Ban Chấp hành Trung ương Đảng; giữ vững phong cách, tôn chỉ của một tạp chí lý luận hàng đầu của Đảng và đất nước. Thực hiện tốt chức năng thông tin lý luận đối ngoại của Đảng bằng các trang tiếng Anh, Nga, Trung Quốc, Lào và Tây Ban Nha của Tạp chí Cộng sản điện tử và cung cấp tin, bài (bằng tiếng Anh) cho Ban Quản trị SolidNet trực thuộc Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Hy Lạp ở Athens để phát trên Trang Thông tin điện tử của các đảng cộng sản và công nhân thế giới. Lượng truy cập của Tạp chí Cộng sản điện tử khoảng hơn 1 triệu lượt người/ ngày, đứng hàng đầu trong các tạp chí điện tử của Việt Nam hiện nay... PGS, TS Nguyễn Ngọc Hà khẳng định, để có được những kết quả quan trọng đó, “các đồng chí cộng tác viên đã vượt lên cái khó để đến với Tạp chí Cộng sản, có những cộng tác viên gắn bó với Tạp chí từ rất lâu, cũng có những đồng chí mới viết bài lần đầu, song đã dành niềm tin yêu, tình cảm sâu sắc đối với Tạp chí, đó là những điều rất đáng trân quý”. PGS, TS Nguyễn Ngọc Hà cho rằng, Tạp chí Cộng sản cần không ngừng đổi mới để đáp ứng yêu cầu của bạn đọc; đồng thời, luôn mong muốn đón nhận được nhiều bài viết tổng kết thực tiễn hay, sinh động từ các cộng tác viên, cũng như ghi nhận, trân trọng và tri ân những tâm huyết, tình cảm và công sức của các cộng tác viên đối với Tạp chí Cộng sản./.
Chuyển đổi số nền kinh tế Việt Nam trong giai đoạn tới  (29/11/2021)
Ký kết Chương trình phối hợp công tác giai đoạn 2021 - 2025 giữa Bộ Biên tập Tạp chí Cộng sản và Tỉnh ủy Hải Dương  (25/11/2021)
Lễ ký kết Quy chế phối hợp giữa Bộ Biên tập Tạp chí Cộng sản và Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương  (23/11/2021)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Quan điểm và ứng xử của Trung Quốc trước tình hình thế giới mới
- Đóng góp của phụ nữ Việt Nam qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam