Chiến thắng Tua Hai - Mở đầu cao trào Đồng khởi ở Nam Bộ
TCCS - Ngày 6-1-2020, tại thành phố Tây Ninh (tỉnh Tây Ninh), Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương và Tỉnh ủy Tây Ninh tổ chức Hội thảo khoa học cấp quốc gia: “Chiến thắng Tua Hai - Mở đầu cao trào Đồng khởi ở Nam Bộ”, nhân kỷ niệm 60 năm chiến thắng Tua Hai (tháng 1-1960 - 1-2020).
Phát biểu khai mạc Hội thảo,Thượng tướng Lê Chiêm, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Trưởng Ban Chỉ đạo Hội thảo, phân tích bối cảnh ra đời của trận tập kích Tua Hai, sau khi Hiệp định Giơnevơ được ký kết, đế quốc Mỹ nhảy vào miền Nam, thay chân Pháp, dựng lên chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm hòng chia cắt lâu dài Việt Nam, biến miền Nam thành thuộc địa kiểu mới, hình thành phòng tuyến ngăn chặn ảnh hưởng của chủ nghĩa xã hội và phong trào cách mạng xuống Đông Nam Á. Thực hiện dã tâm đó, đế quốc Mỹ tăng cường viện trợ kinh tế, quân sự và chỉ đạo chính quyền Sài Gòn tiến hành các biện pháp đàn áp, khủng bố tàn khốc hòng dập tắt cuộc đấu tranh của quân và dân miền Nam. Trước tình hình đó, Hội nghị lần thứ 15 (khóa II, mở rộng), Ban Chấp hành Trung ương Đảng xác định, con đường của cách mạng miền Nam là bạo lực cách mạng, dựa vào sức mạnh của quần chúng, kết hợp đấu tranh chính trị và vũ trang để đánh đổ chính quyền Ngô Đình Diệm, giành chính quyền về tay nhân dân. Quán triệt tinh thần Nghị quyết 15, dựa trên sự phát triển nhanh chóng của lực lượng vũ trang tập trung các tỉnh miền Đông Nam Bộ, Xứ ủy Nam Bộ chỉ thị cho Ban Quân sự Liên tỉnh miền Đông đẩy mạnh hoạt động vũ trang, tập trung lực lượng đánh một số trận lớn gây chấn động toàn Miền, thúc đẩy phong trào đấu tranh chính trị của quần chúng, rèn luyện các đơn vị vũ trang cách mạng, củng cố, mở rộng vùng giải phóng. Thực hiện chủ trương của Xứ ủy Nam Bộ, đêm 25, rạng ngày 26-1-1960, Ban Quân sự Liên tỉnh miền Đông sử dụng các đại đội bộ binh 59, 60 và 70, Đại đội đặc công 80 của bộ đội chủ lực miền Đông Nam Bộ và 3 tiểu đội vũ trang tỉnh Tây Ninh tổ chức trận tập kích vào căn cứ Tua Hai - nơi đồn trú và chiếm đóng của Trung đoàn 32 thuộc Sư đoàn 21 quân đội Sài Gòn.
Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, cho biết, kết quả, ta diệt 76 quân địch; bắt, giáo dục và thả tại chỗ hơn 400 quân; thu gần 1.500 khẩu súng các loại. Đây là thắng lợi đầu tiên của lực lượng vũ trang miền Đông Nam Bộ trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, châm ngòi cho cao trào Đồng khởi ở miền Đông Nam Bộ. Chiến thắng giáng một đòn bất ngờ vào chính sách thực dân mới của Mỹ, khiến chính quyền Sài Gòn hoang mang, lo sợ. Chiến thắng Tua Hai là một trong những sự kiện lịch sử quan trọng trong phong trào Đồng khởi những năm 1959 - 1960, đồng thời đánh dấu bước phát triển mới của cách mạng miền Nam. Thắng lợi đó không những góp phần khẳng định tính đúng đắn trong chuyển hướng chỉ đạo chiến lược của Đảng thông qua Nghị quyết 15, mà còn là cơ sở để Đảng ta phát triển và hoàn thiện đường lối, phương thức, nghệ thuật đấu tranh cách mạng “hai chân, ba mũi”, trong đó đấu tranh vũ trang ngày càng chiếm vai trò quan trọng, quyết định thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Bàn về chiến thắng của cuộc tập kích Tua Hai lịch sử, Đại tá, PGS, TS. Hồ Sơn Đài, nguyên Trưởng phòng Khoa học quân sự Quân khu 7, lý giải, kết quả của thắng lợi Tua Hai bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân như sự phản bội của kẻ thù, sự chuyển hướng đúng đắn về đường lối đấu tranh cách mạng của Trung ương Đảng, ý chí vùng lên như vũ bão của nhân dân miền Nam. Bên cạnh đó, nó còn xuất phát từ một số nguyên nhân khác, đó là do vị trí trọng yếu có thể gây rúng động hệ thống của mục tiêu, do yếu tố “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” của địa bàn tỉnh Tây Ninh - một trong những vùng “đất thánh” của cách mạng miền Nam. Với ông Lê Văn Thành, một trong mười nhân chứng lịch sử có mặt tại Hội thảo, người trực tiếp tham gia cuộc tập kích Tua Hai, điều đặc biệt làm nên chiến thắng Tua Hai chính là việc giữ được bí mật trận đánh cho đến phút cuối. Ông chia sẻ, bản thân ông cùng nhiều người tham gia trận đánh, chỉ đến khi trận đánh sắp diễn ra mới được biết chủ trương và mục tiêu của cấp trên. Trận Tua Hai để lại trong ông những ký ức sâu đậm, nhất là việc chứng kiến phong trào đấu tranh chính trị của quần chúng nhân dân địa phương được đẩy lên cao khi có chiến thắng Tua Hai cổ vũ.
Đồng chí Phạm Viết Thanh, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Tây Ninh, khẳng định, từ thắng lợi của trận Tua Hai, mở đầu cao trào Đồng khởi vũ trang, phong trào Quyết tử giữ Gò Dầu, vành đai diệt Mỹ Trảng Lớn, đến những thắng lợi quan trọng, quân và dân Tây Ninh góp phần cùng cả nước lần lượt đánh bại các chiến lược chiến tranh của Mỹ, hoàn thành sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.Chiến thắng mãi là một dấu son trong lịch sử đấu tranh cách mạng của dân tộc, của Đảng và công cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của Đảng bộ, quân và dân Tây Ninh. Không chỉ giới hạn trong một trận đánh thông thường, chiến thắng Tua Hai vượt qua không gian, thời gian, đi vào lịch sử dân tộc như một chiến công quân sự và chính trị có ý nghĩa chiến lược của cách mạng miền Nam. Trong thời kỳ đổi mới, phát huy chủ nghĩa anh hùng cách mạng, hào khí “trung dũng, kiên cường”, Đảng bộ, quân và dân Tây Ninh đã đoàn kết, nêu cao tinh thần tự lực, tự cường, nỗ lực vượt khó, tập trung trí tuệ, xác định đúng đắn chiến lược phát triển cùng lộ trình và bước đi phù hợp, tạo được bước đột phá mạnh mẽ để vươn lên, đạt được nhiều thành tựu.
Ban Tổ chức Hội thảo nhận được gần 70 báo cáo tham luận. Mỗi tham luận là một công trình nghiên cứu độc lập, khẳng định và làm sâu sắc hơn về chiến thắng Tua Hai, được thể hiện trên những nội dung chủ yếu sau:
Một là, phân tích tình hình quốc tế và trong nước, âm mưu, thủ đoạn của Mỹ và chính quyền Sài Gòn từ sau Hiệp định Giơnevơ; khả năng, biện pháp đối phó của Mỹ và chính quyền Sài Gòn trước đòn tiến công của lực lượng vũ trang miền Đông Nam Bộ vào Tua Hai nói riêng, phong trào Đồng khởi của nhân dân miền Nam nói chung, sự thất bại của Mỹ và chính quyền Sài Gòn; phản ứng của dư luận Mỹ và chính quyền Sài Gòn.
Hai là, khẳng định chủ trương lãnh đạo đúng đắn của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh trong quá trình chuyển hướng chỉ đạo cách mạng miền Nam từ đấu tranh chính trị tiến lên kết hợp đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang; sự nhạy bén, sáng tạo của Xứ ủy Nam Bộ trong tổ chức phát động, chỉ đạo trận đánh Tua Hai; tinh thần kiên quyết của Đảng bộ Liên tỉnh miền Đông, quyết tâm của Ban Quân sự Liên tỉnh miền Đông.
Ba là, tái hiện quá trình chuẩn bị, diễn biến, kết quả của trận đánh Tua Hai; sự phối hợp, hiệp đồng giữa các lực lượng tham gia trận tập kích; vai trò, trách nhiệm của quân và dân tỉnh Tây Ninh.
Bốn là, nêu bật đặc điểm, nét độc đáo của trận đánh Tua Hai; nghệ thuật chỉ đạo, tổ chức và điều hành trận đánh; nghệ thuật kết hợp đấu tranh quân sự với đấu tranh chính trị, binh vận; nghệ thuật tổ chức và sử dụng lực lượng; nghệ thuật chọn thời cơ và chớp thời cơ tiến hành trận tập kích.
Năm là, phân tích tác động, ảnh hưởng của chiến thắng Tua Hai đối với phong trào cách mạng ở miền Nam Việt Nam đến thế và lực của ta trên chiến trường miền Đông Nam Bộ. Trên cơ sở đó, đưa ra những nhận định, đánh giá đầy đủ, sâu sắc hơn về ý nghĩa, giá trị lịch sử của chiến thắng Tua Hai; đúc rút những bài học kinh nghiệm, vận dụng sáng tạo vào thực tiễn xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận chiến tranh nhân dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa hiện nay.
Hội thảo đã góp phần làm sáng tỏ những vấn đề lý luận và thực tiễn đặt ra từ trận đánh Tua Hai. Đó là nền tảng khoa học vững chắc phản bác lại âm mưu, thủ đoạn xuyên tạc lịch sử của các thế lực thù địch; đồng thời, góp phần giáo dục truyền thống đấu tranh cách mạng, bồi đắp tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân, nhất là các thế hệ trẻ Việt Nam hôm nay và mai sau./.
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Quan điểm và ứng xử của Trung Quốc trước tình hình thế giới mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên