Những sự kiện quốc tế đáng chú ý trong tuần (từ ngày 30-8 đến ngày 5-9-2010)
Ngày 30-8-2010, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) công bố một chương trình tín dụng mới, nhằm ngăn ngừa nguy cơ khủng hoảng tài chính lan từ nước này sang các nước khác. IMF cho biết, chương trình tín dụng này được xem như tiêu chuẩn tín dụng an toàn mới dành cho các nước thành viên của tổ chức này, với những chính sách và nền tảng kinh tế lành mạnh. Theo đó, các thành viên đáp ứng đủ những tiêu chuẩn đề ra có thể đăng ký vay tiền ngay cả trước khi xảy ra một cuộc khủng hoảng. IMF cũng đã nới lỏng các điều kiện cho vay dành cho những nền kinh tế mới nổi với độ an toàn tín dụng được đánh giá cao. Sau khi cuộc khủng hoảng nợ của Hy Lạp gây lo ngại cho toàn châu Âu đầu năm nay, IMF cho rằng, cần có những quy định mới về việc cho vay linh hoạt và nhanh chóng hơn. Ngày 31-8, IMF quyết định mở rộng và tăng cường các công cụ tín dụng cho vay để ngăn ngừa tái diễn các cuộc khủng hoảng tài chính. Theo đó, IMF tăng cường thời gian cho vay từ 6 tháng lên tới 2 năm và số tiền cho vay lên tới 5 lần số hạn ngạch của các thành viên trong IMF theo quy chế Dòng tín dụng linh hoạt (FCL) hiện hành, đồng thời thiết lập Dòng tín dụng phòng ngừa (PCL) mới dành cho các nước thành viên có chính sách được IMF đánh giá là tốt nhưng chưa kịp đáp ứng được các tiêu chuẩn tín dụng cao của FCL.
2. Mỹ áp đặt các biện pháp trừng phạt mới đối với Triều Tiên
Ngày 30-8-2010, Bộ Tài chính Mỹ cho biết, chính quyền Tổng thống B. Ô-ba-ma đã phong tỏa tài sản và áp đặt lệnh cấm ra nước ngoài đối với các cá nhân, công ty và tổ chức liên quan việc hỗ trợ phát triển chương trình hạt nhân của CHDCND Triều Tiên. Oa-sinh-tơn đưa thêm vào danh sách trừng phạt bốn quan chức thuộc Tổ chức Năng lượng hạt nhân của Triều Tiên và tám công ty và tổ chức của nước này. Sau khi các biện pháp trừng phạt mới được công bố, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ P.Crâu-li cho biết, Mỹ sẽ tiếp tục theo đuổi chính sách vừa can dự thông qua tiến trình đàm phán sáu bên, vừa gây sức ép với Bình Nhưỡng bằng những biện pháp trừng phạt, nhằm đạt được mục tiêu buộc Triều Tiên từ bỏ tham vọng hạt nhân.
3. Mỹ tuyên bố kết thúc sứ mệnh chiến đấu và bắt đầu sứ mệnh "cố vấn và hỗ trợ" tại I-rắc
Vào lúc 20h ngày 31-8-2010 giờ Oa-sinh-tơn (tức 8h ngày 1-9, giờ Hà Nội) Tổng thống Mỹ Ba-rắc Ô-ba-ma phát biểu ý kiến trên truyền hình chính thức kết thúc nhiệm vụ chiến đấu tại I-rắc. Ông Ô-ba-ma tuyên bố: "sau hơn 7 năm triển khai tại I-rắc, Mỹ sẽ chấm dứt sứ mệnh chiến đấu và tiến một bước quan trọng tới việc kết thúc cuộc chiến một cách có trách nhiệm". Sau đó 1 ngày, ngày 1-9, tại căn cứ quân sự Camp Víc-to-ri của quân đội Mỹ gần thủ đô Bát-đa của I-rắc, Phó Tổng thống Mỹ Giô-xép Bai-đơn (Joseph Biden) tuyên bố các lực lượng Mỹ ở I-rắc bắt đầu nhiệm vụ "cố vấn và hỗ trợ" tại quốc gia vùng Vịnh này, mở ra một giai đoạn mới sau hơn 7 năm tham chiến với tổn thất hơn 4.400 binh sĩ trên chiến trường này. Ông Bai-đơn cho rằng, sự chuyển đổi nhiệm vụ của các lực lượng Mỹ ở I-rắc mở ra một chương mới trong quan hệ hai nước. Các lực lượng Mỹ còn ở lại I-rắc sẽ tiếp tục hỗ trợ các chiến dịch chống khủng bố của lực lượng an ninh I-rắc. Ông nhấn mạnh mục tiêu tới đây của Mỹ không chỉ là đảm bảo an ninh cho I-rắc mà còn giúp ổn định và phát triển kinh tế tại nước này. Phó Tổng thống Mỹ Bai-đơn cũng kêu gọi các nhà lãnh đạo I-rắc vì lợi ích quốc gia cần sớm thành lập chính phủ mới để chấm dứt bế tắc chính trị sau cuộc bầu cử Quốc hội đã diễn ra cách đây tới 6 tháng.
Ngày 31-8, Thủ tướng I-rắc An Ma-li-ki (Al Maliki) hoan nghênh việc chấm dứt chiến dịch quân sự của Mỹ tại I-rắc, đồng thời cho rằng, nước này đã là một quốc gia độc lập, có chủ quyền và ở thế “bình đẳng” với Mỹ. Thủ tướng Ma-li-ki cũng khẳng định, lực lượng an ninh I-rắc có đủ năng lực để bảo vệ đất nước.
4. Hội đàm cấp cao Mỹ-Ai Cập
Ngày 1-9-2010, Tổng thống Ai Cập Hô-xni Mu-ba-rắc (Hosni Mubarak) có cuộc hội đàm với Tổng thống Mỹ Ba-rắc Ô-ba-ma tại Nhà Trắng. Hai Tổng thống sẽ bàn về các vấn đề nổi bật trong đó là phục hồi tiến trình hoà bình ở Trung Đông, cuộc đàm phán trực tiếp giữa I-xra-en và Pa-le-xtin. Bên cạnh đó, hai bên cũng trao đổi về tình hình Xu-đăng, vấn đề hạt nhân của I-ran, tình hình I-rắc sau khi Mỹ rút hết lực lượng chiến đấu, cũng như các vấn đề ở khu vực châu Phi, các biện pháp thúc đẩy quan hệ song phương Mỹ - Ai Cập trên các lĩnh vực. Đây là chuyến thăm quan trọng của Tổng thống Ai Cập Hô-xni Mu-ba-rắc tới Oa-sinh-tơn nhằm khuyến khích Tổng thống Pa-le-xtin Ma-mút Ápbát (Mahmoud Abbas) và Thủ tướng I-xra-en Ben-gia-min Nê-ta-ni-a-hu (Benjamin Netanyahu) tham dự cuộc đàm phán trực tiếp, cũng như nỗ lực thúc đẩy hoà bình ở Trung Đông. Trong thời gian qua, Ai Cập đã nỗ lực để tạo bầu không khí cho cuộc đàm phán trực tiếp giữa I-xra-en và Pa-le-xtin dự kiến diễn ra vào ngày 2-9.
5. Ðối thoại trực tiếp giữa Tổng thống Pa-le-xtin và Thủ tướng I-xra-en
Ngày 2-9-2010, tại Oa-sinh-tơn, dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Hi-la-ri Clin-tơn, Tổng thống Pa-le-xtin M.Áp-bát và Thủ tướng I-xra-en B.Nê-ta-ni-a-hu đã có cuộc đối thoại trực tiếp đầu tiên trong hai năm qua. Tại cuộc đối thoại, hai bên nhất trí gặp nhau hai tuần một lần trong một năm tới nhằm tìm kiếm hòa bình cho khu vực Trung Ðông. Hai nhà lãnh đạo Pa-le-xtin và I-xra-en đã nhất trí gặp lại tại Ai Cập ngày 14 và 15-9; sau đó các nhà đàm phán của hai bên sẽ họp hai tuần một lần. Hai bên cũng đồng ý những điều khoản để thảo luận về một hiệp ước hòa bình và nhất trí rằng đàm phán có thể được hoàn tất trong vòng một năm, với mục tiêu giải quyết tất cả những vấn đề cốt lõi, như an ninh, các đường biên giới, quy chế của người tị nạn Pa-le-xtin và vấn đề Giê-ru-xa-lem. Sau cuộc đối thoại trực tiếp giữa Pa-le-xtin và I-xra-en ngày 2-9, tại Oa-sinh-tơn (Mỹ), dư luận thế giới hoan nghênh động thái nói trên, nhưng cho rằng kết quả đạt được còn ít ỏi. Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki Mun cho rằng, tiến trình hòa bình Trung Ðông sẽ không êm ả và cảnh báo phải kiên quyết chống các nhóm muốn ngăn cản tiến trình này. Nhóm Hồi giáo vũ trang Ha-mát đang kiểm soát dải Ga-da kịch liệt phản đối cuộc hòa đàm nói trên. Tổng Thư ký Liên đoàn A-rập A.Mu-xa bày tỏ nghi ngại việc I-xra-en thật sự sẵn sàng góp phần mang lại hòa bình cho Trung Ðông. Bộ trưởng Ngoại giao I-xra-en A.Li-bơ-men cũng cho rằng trong một năm tới, hai bên khó có thể giải quyết được các vấn đề nhạy cảm, như Giê-ru-xa-lem, người tị nạn cũng như khu định cư cho người Do Thái.
6. EU đạt thỏa thuận về cơ chế giám sát tài chính mới
Ngày 2-9-2010, các nhà đàm phán của các nước thành viên Liên hiệp châu Âu (EU), Ủy ban châu Âu (EC) và Nghị viện châu Âu (EP) đã đạt thỏa thuận về việc thiết lập một cấu trúc giám sát tài chính mới của EU. Theo thỏa thuận, EU sẽ thành lập ba cơ quan giám sát tài chính mới vào đầu năm 2011, nhằm giám sát hoạt động của các ngân hàng, công ty bảo hiểm và những giao dịch trên thị trường. Ba cơ quan này đóng vai trò trọng tài và có tiếng nói quyết định trong trường hợp xảy ra tranh chấp giữa các nước EU. Một cơ quan đánh giá rủi ro của châu Ấu cũng sẽ được thiết lập, có nhiệm vụ phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Trung ương châu Ấu (ECB) để phát hiện những rủi ro đối với hệ thống tài chính và nền kinh tế EU. Thỏa thuận trên cần được các Bộ trưởng Tài chính EU thông qua và EP phê chuẩn mới chính thức có hiệu lực.
7. WTO tuyên bố thế giới đã vượt qua cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu
Tổng Giám đốc Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) Pa-xcan La-my (Pascal Lamy) ngày 2-9 tuyên bố các số liệu thương mại mới nhất của WTO cho thấy thế giới đã vượt qua cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Các số liệu do WTO công bố cùng ngày đã khẳng định xu thế tăng mạnh của thương mại toàn cầu trong bối cảnh nền kinh tế thế giới tăng trưởng ngày càng ổn định. Tổng hợp số liệu thống kê của 70 nền kinh tế chiếm 90% thương mại toàn cầu cho thấy giá trị thương mại hàng hóa toàn cầu trong quý 2 vừa qua đã tăng 25% so với quý I, trong đó xuất khẩu tăng 26% và nhập khẩu tăng 25%. Giá trị thương mại hàng hóa tăng mạnh nhất là ở châu Á (37,5%) và khu vực Bắc Mỹ (28,5%). Báo cáo của WTO cho biết thương mại toàn cầu năm nay dự kiến sẽ tăng hơn 10% so với năm 2009. Các nền kinh tế mới nổi tiếp tục dẫn đầu thế giới không chỉ về tốc độ tăng trưởng kinh tế mà cả tốc độ tăng trưởng thương mại.
8. Hội nghị Tham vấn Nghị viện G20
Sau hai ngày làm việc, ngày 4-9-2010, theo giờ Ca-na-đa, Hội nghị Tham vấn Nghị viện các nước phát triển và mới nổi (G20) đã họp phiên bế mạc tại Ốt-ta-oa (Ca-na-đa).Trong bài phát biểu bế mạc Hội nghị, Chủ tịch Thượng viện Ca-na-đaNô-en A.Kin-xe-la (Noel A.Kinsella) khẳng định: Hội nghị Tham vấn nghị sĩ lần đầu tiên của nhóm các nước G20 đã thành công tốt đẹp. Với các nội dung thảo luận, đối thoại, các nước G20 khẳng định an ninh lương thực, sản xuất và phân phối lương thực thực phẩm; các mô hình tài chính và kinh tế là những vấn đề mang tính toàn cầu được tất cả các Quốc gia quan tâm. Những bài học được đút rút tại Hội nghị sẽ là tiếng nói quan trọng để nhóm G20 và các Quốc gia tăng cường hợp tác, trao đổi nhằm thực hiện thành công mục tiêu thiên niên kỷ về an ninh lương thực, xóa đói, giảm nghèo. Các nước G20 cũng thống nhất, sau Hội nghị này, Quốc hội các nước sẽ đẩy mạnh hơn nữa vai trò của Nghị viện; trong việc phối hợp với Chính phủ, góp phần thực hiện thành công những mục tiêu chung đã đề ra.
9. Hội nghị quan chức tài chính cấp cao G20
Từ ngày 4 đến ngày 5-9-2010, tại Gu-ang-chu (Gwangju), tỉnh Nam Giê-ô-la (Jeolla) của Hàn Quốc, đã diễn ra Hội nghị quan chức tài chính cấp cao Nhóm các nước phát triển và mới nổi (G20). Với sự tham gia của các thứ trưởng tài chính và phó thống đốc ngân hàng trung ương các nước G20, hội nghị đã thảo luận các đề mục lớn trong chương trình nghị sự của Hội nghị thượng đỉnh G20, dự kiến diễn ra tại Xơ-un, Hàn Quốc vào tháng 11-2010. Các đại biểu cũng trao đổi ý kiến về cơ chế hợp tác của G20, tình hình kinh tế toàn cầu và sự lành mạnh của các thể chế tài chính. Đây được xem là bước chuẩn bị cho Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương G20, theo kế hoạch sẽ diễn ra tại thành phố Ki-ông-chu (Gyeongju, Hàn Quốc) trong các ngày 22 và 23-10 và Hội nghị thượng đỉnh G20 sắp tới. Tại Hội nghị, các đại biểu nhất trí tổ chức thêm nhiều diễn đàn khác để giải quyết những tranh cãi liên quan đến một số vấn đề như điều chỉnh lại cơ chế đại diện trong Ban lãnh đạo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), một trong những diễn đàn như vậy sẽ được tổ chức tại Oa-sinh-tơn (Mỹ) trong tháng 10-2010.
*** Những sự kiện quốc tế đáng chú ý trong tuần (từ ngày 23-8 đến ngày 29-8-2010)
Chương mới trong “hồ sơ hạt nhân” gây nhiều tranh cãi của I-ran  (06/09/2010)
Đảng Cộng sản Phần Lan: Lịch sử hình thành và phát triển  (06/09/2010)
"Phát huy hơn nữa vai trò hệ phát thanh quan trọng"  (06/09/2010)
Đảng bộ Tập đoàn Điện lực Việt Nam - Hạt nhân lãnh đạo thực hiện “Điện đi trước một bước”  (06/09/2010)
Mấy suy nghĩ về vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam  (06/09/2010)
- Bảo tồn các di sản văn hóa vật thể trước thách thức của biến đổi khí hậu ở thành phố Cần Thơ hiện nay
- Tự chủ chiến lược dưới tác động của các vấn đề an ninh phi truyền thống tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
- Xây dựng nền văn hóa Việt Nam ngày càng bền vững, tiến bộ, bản sắc, tương xứng với trình độ phát triển kinh tế - xã hội hiện nay theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 2)
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay