Biến đổi khí hậu và giải pháp ứng phó cho đồng bằng sông Cửu Long
TCCSĐT - Ảnh hưởng của biến đổi khí hậu tác động ngày càng rõ và đến sớm hơn so với các dự báo. Mưa, tố, lốc, hạn hán, xâm nhập mặn diễn ra thường xuyên và ngày càng khốc liệt hơn trên khắp các vùng, miền đất nước ta, gây thiệt hại nặng nề và tiếp tục đe dọa nghiêm trọng đến sản xuất và đời sống của nhân dân, nhất là vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Những con số báo động
Theo thống kê, tính đến hết tháng 02-2016, vùng đồng bằng sông Cửu Long có 9/13 tỉnh, thành phố bị thiệt hại nặng nề do xâm nhập mặn: tổng diện tích trồng lúa ước thiệt hại 139.000ha; 155.000 hộ gia đình (khoảng 575.000 khẩu) thiếu nước sinh hoạt. Xâm nhập mặn đã xuất hiện ở mức độ cao hơn trung bình nhiều năm từ 5gam - 15gam/lít, vào sâu trong đất liền từ 50km - 90km, sâu hơn trung bình nhiều năm từ 10km - 20km. Dự báo trong thời gian tới, mặn tiếp tục xâm nhập, khả năng kéo dài đến đầu mùa mưa (khoảng cuối tháng 5-2016), gây ảnh hưởng đến sản xuất và sinh hoạt của nhân dân.
Ở vụ mùa và thu - đông năm 2015, đã có khoảng 90.000ha lúa bị ảnh hưởng đến năng suất, trong đó thiệt hại nặng khoảng 50.000ha (Kiên Giang 34.000ha, Sóc Trăng 6.300ha, Bạc Liêu 5.800ha...). Vụ đông - xuân 2015 - 2016, có 104.000ha lúa bị ảnh hưởng nặng đến năng suất (chiếm 11% diện tích gieo trồng của 8 tỉnh ven biển đang bị ảnh hưởng nặng của xâm nhập mặn). Tính đến ngày 29-02-2016, trong 13 tỉnh và thành phố vùng đồng bằng sông Cửu Long, có 6 tỉnh đã công bố thiên tai hạn hán, xâm nhập mặn là: Tiền Giang, Bến Tre, Kiên Giang, Sóc Trăng, Long An, Cà Mau, trong đó, Cà Mau bị thiệt hại về lúa nặng nhất với hơn 49.000ha.
Một số giải pháp cần làm trước mắt
Hạn hán, xâm nhập mặn và những ảnh hưởng khác từ biến đổi khí hậu là những hệ lụy nghiêm trọng, cần phải có sự tính toán, thực hiện những biện pháp cho lâu dài, song trước mắt cần sớm thực hiện một số vấn đề sau:
- Huy động cả hệ thống chính trị tập trung phòng, chống thiên tai do hạn hán, xâm nhập mặn gây ra. Tăng cường tuyên truyền, phổ biến thông tin liên quan để các cơ quan và nhân dân chủ động bảo đảm nước sinh hoạt, sử dụng nước tiết kiệm, ổn định đời sống, sản xuất trước tác động tiêu cực cửa El Nino trong thời gian tới.
- Tăng cường công tác dự báo khí tượng thủy văn, nguồn nước, xâm nhập mặn, phục vụ chỉ đạo, điều hành cấp nước phục vụ sản xuất và bảo đảm đủ nước dân sinh.
- Xây dựng kế hoạch sử dụng nước hợp lý; ưu tiên cấp nước cho sinh hoạt, nước uống cho gia súc, nước tưới cho cây trồng lâu năm có giá trị kinh tế cao, nuôi trồng thủy sản và các khu công nghiệp; điều chỉnh cơ cấu sản xuất, theo hướng chuyển dịch mùa vụ, cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thủy sản để phù hợp với điều kiện nguồn nước, bảo đảm hiệu quả kinh tế và an sinh xã hội; điều tiết nước các hồ chứa thủy điện để bổ sung nước cho hạ du vào những thời kỳ khô hạn, cần cân đối để bảo đảm nhu cầu sử dụng nước cho cả năm 2016.
Để giảm thiểu những tác động về lâu dài
Để giải quyết vấn đề hạn hán và xâm nhập mặn, ứng phó với biến đổi khí hậu, ngoài các giải pháp cấp bách đã được Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện, trong điều kiện biến đổi khí hậu phức tạp hiện nay, về lâu dài chúng ta cần tiếp tục thực hiện các giải pháp tổng thể và đồng bộ sau:
Một là, trong công tác tuyên truyền, cần quán triệt sâu sắc các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đã nêu trong Nghị quyết số 24-NQ/TW, ngày 03-6-2013 của Ban Chấp hành Trung ương về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; rà soát, đánh giá tình hình triển khai thực hiện Chương trình hành động của Chính phủ, xác định rõ những nhiệm vụ trọng tâm, cấp thiết và bố trí đủ nguồn lực để tổ chức thực hiện, nhất là quy hoạch tổng thể vùng đồng bằng sông Cửu Long và vấn đề sử dụng tiết kiệm tài nguyên nước tại khu vực Nam miền Trung, Tây Nguyên.
Hai là, huy động kinh phí từ nhiều nguồn để đầu tư cho những công trình cấp thiết, xây dựng các công trình hồ chứa lớn dạng tổng hợp phục vụ đa mục tiêu vừa cắt lũ trong mùa mưa, tăng nguồn nước trong mùa kiệt, vừa phát điện, khai thác du lịch... Triển khai xây dựng các hồ ao nhỏ để trữ nước tại chỗ với quy mô phù hợp, với giải pháp che phủ hạn chế bốc hơi tạo nguồn nước mặt và tăng nước ngầm. Đẩy nhanh các dự án, công trình thủy lợi ven biển, sớm hoàn thiện hệ thống đê biển, đê bao ngăn mặn dọc theo sông lớn, xây dựng các cống kiểm soát ngăn mặn khép kín tại các điểm trọng yếu của vùng chuyên canh cây ăn trái và ở từng khu vực canh tác ổn định.
Ba là, đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng có tính đến thích ứng với biến đổi khí hậu, nghiên cứu, sử dụng các loại cây, con thích ứng với hạn hán, chịu ngập, chịu mặn…, với thời gian gieo trồng thích hợp để giảm diện tích lúa là loại cây cần nhiều nước, vẫn bảo đảm thu nhập cao cho nông dân. Chuyển đổi những diện tích lúa ven biển không hiệu quả, thường xuyên bị mặn uy hiếp, sang nuôi trồng thủy sản. Chuyển dịch cơ cấu cây trồng, bố trí thời vụ hợp lý để giảm lượng nước tưới. Trồng rừng và bảo vệ rừng để hạn chế độ bốc hơi, chống xói mòn và giữ nước mặt.
Bốn là, tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác nghiên cứu, ứng dụng khoa học vào ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường. Nghiên cứu toàn diện, tổng thể về biến đổi khí hậu để giảm thiểu, hạn chế những tác động tiêu cực từ biến đổi khí hậu, đồng thời tìm ra những cơ hội trong thách thức từ biến đổi khí hậu đem lại như phát triển ngành công nghiệp về môi trường, những ngành sản xuất giảm thiểu năng lượng, những công nghệ và phương thức sản xuất mới trong các lĩnh vực của nền kinh tế. Có lộ trình, bước đi phù hợp để sớm đổi mới công nghệ sản xuất hướng tới nền kinh tế xanh, thân thiện với môi trường, sử dụng có hiệu quả tài nguyên; nghiên cứu phát triển và tiếp nhận chuyển giao công nghệ tiên tiến cho ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.
Năm là, sử dụng hiệu quả công cụ đầu tư, tài chính: Hoàn thiện cơ chế, chính sách về thu hút đầu tư và sử dụng thuế, phí sử dụng tài nguyên nước và xả thải nước bẩn bảo đảm công bằng và sử dụng tài nguyên nước có hiệu quả. Tăng cường và đa dạng hóa nguồn lực cho ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường. Thực hiện chính sách khuyến khích, ưu đãi, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân tham gia hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; xây dựng chính sách hỗ trợ người dân trồng và bảo vệ rừng, nhất là rừng đầu nguồn, rừng ngập mặn ven biển, người dân bị ảnh hưởng do khai thác tài nguyên quá mức.
Sáu là, thể chế và tổ chức thực hiện có hiệu quả những lĩnh vực liên kết vùng đồng bằng sông Cửu Long. Trong đó, liên kết ứng phó với biến đổi khí hậu, hạn hán, lũ lụt, xâm nhập mặn phải được quan tâm hàng đầu.
Bảy là, chủ động hợp tác, hội nhập quốc tế; tăng cường trao đổi thông tin, kinh nghiệm, đối thoại chính sách với các nước về ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường; đẩy mạnh hợp tác với các nước có liên quan, các tổ chức và các diễn đàn quốc tế để bảo vệ các nguồn nước xuyên biên giới, tiếp cận công nghệ mới và huy động nguồn lực cho giảm phát thải khí nhà kính, thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường. Hợp tác chặt chẽ, tăng cường trao đổi thông tin với các nước thượng nguồn sông Mê Kông để chủ động quản lý, sử dụng hiệu quả, bền vững nguồn nước sông Mê Kông./.
Quan điểm triết học chính trị của lãnh tụ Ma-hát-ma Găng-đi và Chủ tịch Hồ Chí Minh  (29/04/2016)
Hội nghị lần thứ 3 Ban Chấp hành Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương  (28/04/2016)
Ngoại trưởng Mỹ chia sẻ những ký ức về chiến tranh Việt Nam  (28/04/2016)
Họp báo giới thiệu Chương trình Festival Huế lần thứ 9  (28/04/2016)
Thủ tướng chỉ thị tăng cường xử lý vụ, việc, vụ án tham nhũng  (28/04/2016)
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về phát triển nông nghiệp và sự vận dụng của Đảng đối với vấn đề bảo đảm an ninh lương thực ở Việt Nam hiện nay
- Công an nhân dân tu dưỡng, rèn luyện, quyết tâm thực hiện lời căn dặn “Danh dự là điều thiêng liêng, cao quý nhất” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
- Chính sách đối ngoại đa phương của nước Mỹ tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
- Nâng cao chất lượng quản lý đảng viên ở ngoài nước trong giai đoạn mới: Thực trạng và giải pháp
- Xây dựng huyện đảo Trường Sa trở thành trung tâm kinh tế - xã hội trên biển gắn với bảo vệ chủ quyền biển, đảo: Thực tiễn và vấn đề đặt ra hiện nay
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên