Ngày giao dịch cuối cùng của tuần tiếp tục là một ngày "rơi tự do" của thị trường chứng khoán toàn cầu, với nhiều chỉ số sụt giảm lên tới 2 con số ở những thị trường chứng khoán lớn như Tô-ki-ô, Phran-phuốc, Luân-đôn.

Diễn biến này khiến giới đầu tư lo ngại cuộc khủng hoảng tài chính hiện nay có nguy cơ "không thể kiểm soát nổi".

Tại châu Á, thị trường chứng khoán Tokyo giảm tới 11%, vượt "kỷ lục cũ" là 9,38% trong ngày 8-10, trở thành mức sụt giảm lớn nhất trong một ngày kể từ hơn 20 năm qua. Như vậy, chỉ số Nikkei đã mất trên 24% chỉ trong vòng một tuần qua.

Thủ tướng Nhật Bản Taro Aso cảnh báo sự sụt giảm này đã chạm tới mức có thể ảnh hưởng tới nền tảng cơ bản của nền kinh tế.

Hoạt động giao dịch trên thị trường chứng khoán Bangkok (Thái Lan) ngày 10-10 đã phải tạm ngừng trong 30 phút do chỉ số chứng khoán giảm tới hơn 10%. Đây là lần thứ hai trong suốt 30 năm tồn tại, thị trường Bangkok rơi vào tình trạng này (lần đầu tiên vào tháng 12-2006 khi Chính phủ Thái Lan thông báo kiểm soát các nguồn vốn).

Các chỉ số trên thị trường chứng khoán Hồng Kông giảm 7,2%, ở Xin-ga-po giảm 7,34%, Thượng Hải (Trung Quốc) giảm 3,57%, Xơ-un (Hàn Quốc) giảm 4,1% và Xit-ni (Ô-xtrây-li-a) giảm tới 8,3%.

Indonesia tiếp tục phải đóng cử thị trường chứng khoán trong ngày thứ ba liên tiếp, sau khi có hiện tượng bán tháo cổ phiếu vào ngày 8-10. Vào thời điểm thị trường này đóng cửa sau phiên giao dịch thứ nhất kết thúc vào trưa 8-10, chỉ số Jakarta Composite Index đã giảm 10,38%, xuống mức thấp nhất kể từ tháng 9-2006, và chỉ trong ba ngày qua đã giảm tới 21%.

Cổ phiếu tại thị trường Ấn Độ lúc đóng cửa phiên giao dịch chiều 10-10 giảm trên 7%, xuống mức thấp nhất trong hai năm qua, mặc dù đã có sự can thiệp của Ngân hàng dự trữ nước này trước đó.

Còn tại châu Âu là những cảnh hoảng loạn chưa từng có trên các sàn chứng khoán "rực sắc đỏ". Ngay sau giờ mở cửa sáng 10/10, chỉ số trên các thị trường chứng khoán London (Anh) và Frankfurt (Đức) mất điểm tới hơn 10%, còn thị trường Paris (Pháp) cũng giảm hơn 9%.

Chỉ số FTSE 100 của Luân-đôn giảm 10,2%, xuống còn 3.873 điểm và đây là lần đầu tiên kể từ tháng 7-2002 chỉ số này ở dưới ngưỡng 4.000 điểm. Chỉ số ATX trên thị trường chứng khoán của Áo giảm 10,54% xuống 1.933 điểm và lần đầu tiên hoạt động giao dịch cổ phiếu trên thị trường này phải tạm ngừng do có quá nhiều cổ phiếu rớt giá tới trên 10%, song khi mở cửa trở lại, nhiều cổ phiếu còn rớt giá thê thảm hơn, có cổ phiếu giảm tới trên 20%./.