Tổng Bí thư Trần Phú với công tác xây dựng Đảng - Giá trị lý luận và thực tiễn
TCCSĐT - Đồng chí Trần Phú là Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng ta. Trong cuộc đời hoạt động cách mạng sôi nổi và chói sáng, đồng chí Trần Phú có vai trò quan trọng trong lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Với cương vị Tổng Bí thư đầu tiên khi Đảng ta mới thành lập, đồng chí có vai trò hết sức đặc biệt trong công tác xây dựng Đảng.
Nhà cách mạng trẻ tuổi
Trần Phú là người con ưu tú của quê hương Hà Tĩnh giàu truyền thống cách mạng. Sinh ra trong một gia đình có truyền thống yêu nước, trong hoàn cảnh nước mất nhà tan, ngay từ khi còn là học sinh, cùng với việc dồn hết tâm trí cho học tập, trau dồi kiến thức, Trần Phú đã hăng hái tham gia "Hội Tu tiến" cùng giúp đỡ nhau học tập và hun đúc tinh thần yêu nước. Với bầu nhiệt huyết tuổi trẻ, khi là giáo viên tại Vinh (năm 1925), Trần Phú đã tiếp nhận những tư tưởng yêu nước và cách mạng của Nguyễn Ái Quốc được truyền bá qua sách, báo bí mật. Trần Phú đã tham gia sáng lập Hội Phục Việt (sau đổi tên là Hội Hưng Nam, Việt Nam Cách mạng Đảng, Tân Việt).
Năm 1926, Trần Phú được Việt Nam Cách mạng Đảng cử sang Quảng Châu liên hệ với Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên với nòng cốt là Cộng sản đoàn do Nguyễn Ái Quốc sáng lập và lãnh đạo để thảo luận thống nhất hai tổ chức đảng. Tại Quảng Châu, Trần Phú đã được Nguyễn Ái Quốc đưa vào tham gia một số lớp huấn luyện về lý luận chính trị, được kết nạp vào Cộng sản đoàn và sau đó được cử về nước hoạt động. Về nước, đồng chí Trần Phú đã tích cực cải tổ Việt Nam Cách mạng Đảng theo đường lối và tổ chức của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Bị bọn mật thám Pháp lùng sục ráo riết, do yêu cầu của tổ chức, Trần Phú đã trở lại Quảng Châu.
Mùa xuân năm 1927, Trần Phú được Nguyễn Ái Quốc cử sang Liên Xô và học tại Trường Đại học Phương Đông. Tại đây Trần Phú được học tập, nghiên cứu lý luận của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, lịch sử phong trào cách mạng và công nhân thế giới, tham gia hoạt động thực tiễn, trao đổi, thảo luận với các đồng chí cộng sản của các đảng anh em về những vấn đề cách mạng, dân tộc và thuộc địa. Trần Phú trở thành Bí thư chi bộ đầu tiên của Chi bộ những người cộng sản Việt Nam tại Trường Đại học Phương Đông. Sau 03 năm học tập và rèn luyện, Trần Phú trở thành một trong những thanh niên cách mạng Việt Nam được trang bị một cách căn bản lý luận của chủ nghĩa Mác - Lê-nin , đã trưởng thành vượt bậc, đủ sức gánh vác những nhiệm vụ lớn lao của cách mạng Việt Nam.
Tháng 4-1930, khi đó Đảng ta - Đảng Cộng sản Việt Nam mới được thành lập trên cơ sở hợp nhất ba tổ chức cộng sản ở ba miền, Trần Phú được Quốc tế Cộng sản và Nguyễn Ái Quốc cử về nước hoạt động lãnh đạo phong trào cách mạng Việt Nam với cương vị cán bộ chủ chốt của Đảng. Tháng 7-1930, Trần Phú được bổ sung vào Ban Chấp hành Trung ương lâm thời. Vào thời điểm đó, mặc dù phong trào cách mạng trong nước ngày càng dâng cao, lực lượng cách mạng ngày càng lớn mạnh nhưng vì Đảng Cộng sản mới được thành lập nên nhiệm vụ quan trọng nhất lúc này là để Đảng Cộng sản hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình trước yêu cầu của phong trào cách mạng Đông Dương, đưa cách mạng đi đến thắng lợi cuối cùng thì công tác xây dựng Đảng cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức đang được đặt ra hết sức cấp bách. Nhiệm vụ nặng nề ấy đặt lên vai những người cộng sản trẻ tuổi Việt Nam, trong đó có Trần Phú.
Xây dựng Đảng về mặt lý luận, tư tưởng
Trở về nước, với nền tảng lý luận cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lê-nin được trang bị một cách căn bản, một nhãn quan cách mạng mới, với sự tin cậy của Quốc tế Cộng sản, của Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, Trần Phú được giao nhiệm vụ xây dựng các văn kiện quan trọng trình Hội nghị lần thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng, trong đó quan trọng nhất là dự thảo Luận cương chính trị của Đảng. Để xây dựng Luận cương chính trị, Trần Phú đã trực tiếp đi khảo sát thực tiễn phong trào cách mạng và lực lượng cách mạng tại các tỉnh trọng điểm ở Bắc Bộ cả về công nghiệp và nông nghiệp tại Nam Định, Hải Phòng, Hòn Gai và Thái Bình. Trên cơ sở vận dụng những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, đường lối Quốc tế Cộng sản, tư tưởng của Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và tình hình thế giới, thực tiễn cách mạng Việt Nam, Trần Phú đã hoàn thành xuất sắc bản dự thảo Luận cương chính trị của Đảng. Tháng 10-1930, bản Luận cương chính trị đã được Hội nghị lần thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương họp tại Hương Cảng (Trung Quốc) thảo luận, góp ý và thông qua. Hội nghị cũng đã quyết định đổi tên Đảng Cộng sản Việt Nam thành Đảng Cộng sản Đông Dương và Trần Phú được bầu làm Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng.
Luận cương chính trị của Đảng năm 1930, dĩ nhiên là sản phẩm trí tuệ tập thể của Đảng, nhưng với vai trò là người dự thảo, bổ sung và hoàn thiện, Trần Phú có đóng góp hết sức đặc biệt. Trên cơ sở phân tích một cách sâu sắc tình hình thế giới và Đông Dương tại thời điểm đầu thế kỷ XX, Luận cương chỉ rõ:
- Tính chất của cách mạng Đông Dương đó là cuộc cách mạng tư sản dân quyền. Cách mạng tư sản dân quyền là thời kỳ dự bị tiến lên làm cách mạng xã hội chủ nghĩa, không qua thời kỳ phát triển tư bản chủ nghĩa.
- Nhiệm vụ của cách mạng Đông Dương là đánh đổ chủ nghĩa đế quốc Pháp và giai cấp địa chủ, phong kiến giành độc lập dân tộc và ruộng đất cho nông dân. Hai nhiệm vụ cách mạng này gắn bó mật thiết, hữu cơ không tách rời nhau, được đồng thời thực hiện.
- Lực lượng của cách mạng tư sản dân quyền là tập hợp mọi tầng lớp nhân dân, mọi giai cấp lấy công nhân và nông dân làm nòng cốt, do giai cấp công nhân lãnh đạo với đội tiên phong của giai cấp công nhân là Đảng Cộng sản.
- Phương pháp đấu tranh cách mạng là phải xuất phát từ tình hình cụ thể của thực tiễn phong trào cách mạng, bối cảnh quốc tế và tương quan lực lượng giữa ta và địch. Khi bình thường thì xây dựng lực lượng và tổ chức đấu tranh chính trị, khi cao trào cách mạng lên cao, tình thế cách mạng xuất hiện thì Đảng phải kiên quyết lãnh đạo nhân dân nhất tề đứng lên quyết liệt đấu tranh vũ trang giành chính quyền.
- Về vai trò của Đảng: Để cách mạng Đông Dương thành công cần phải xây dựng được một Đảng Cộng sản có đường lối chính trị đúng đắn, có kỷ luật, tập trung, gắn bó mật thiết với nhân dân. Đảng là đội tiền phong của giai cấp vô sản lấy chủ nghĩa Mác - Lê-nin làm gốc, đại diện cho lợi ích của giai cấp vô sản, lợi ích của nhân dân lao động và lãnh đạo giai cấp vô sản Đông Dương đấu tranh thực hiện mục đích cuối cùng là chủ nghĩa cộng sản.
- Cách mạng Đông Dương là một bộ phận khăng khít, gắn bó mật thiết với cách mạng vô sản thế giới. Thực tế là, sau đó, Đảng Cộng sản Đông Dương trở thành một chi bộ độc lập trực tiếp trực thuộc Quốc tế Cộng sản thay vì trước đây là chi bộ thuộc Đảng Cộng sản Pháp (1).
Luận cương chính trị năm 1930 do Trần Phú dự thảo là một văn kiện lý luận quan trọng của Đảng ta. Luận cương đã chỉ rõ mục đích, nhiệm vụ, tiến trình, lực lượng, vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản và sức mạnh đoàn kết quốc tế vô sản của cách mạng Đông Dương. Dù còn một vài hạn chế, nhưng Luận cương đã góp phần khẳng định sự đúng đắn về đường lối của cách mạng Việt Nam mà Chính cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt của Đảng đã vạch ra để chỉ đạo phong trào cách mạng.
Cùng với đóng góp về mặt lý luận qua Luận cương chính trị năm 1930, với cương vị là Tổng Bí thư của Đảng, Trần Phú đặc biệt quan tâm đến công tác tuyên truyền của Đảng. Để tăng cường công tác giáo dục lý luận chính trị và tuyên truyền, Trần Phú đã thành lập Ban Tuyên truyền và giao cho một ủy viên Thường vụ làm Trưởng ban phụ trách thúc đẩy công tác này. Công tác tuyên truyền của Đảng là một bộ phận của công tác xây dựng Đảng về mặt lý luận, tư tưởng. Công tác tuyên truyền được đẩy mạnh đã góp phần thúc đẩy phong trào cách mạng ngày càng phát triển mạnh mẽ. Đồng thời, đồng chí cũng chủ trương cho xuất bản báo Cờ vô sản - Cơ quan tuyên truyền của Đảng và Tạp chí Đỏ (tiền thân của Tạp chí Cộng sản) - Cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Đông Dương - nhằm tuyên truyền, phổ biến đường lối, chính sách của Quốc tế Cộng sản, của Đảng Cộng sản Đông Dương, vận động quần chúng và xây dựng lực lượng cách mạng, thúc đẩy phong trào cách mạng.
Bên cạnh việc xây dựng lý luận cách mạng trên cơ sở lý luận của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, của Quốc tế Cộng sản và thực tiễn cách mạng Đông Dương, với cương vị là Tổng Bí thư, một trong những nhà lý luận chính trị hàng đầu của Đảng, Trần Phú tích cực đấu tranh và kiên quyết phê phán chống các tư tưởng cơ hội, cải lương, dao động, thỏa hiệp, hữu khuynh và cực đoan đang tồn tại trong Đảng, gây chia rẽ Đảng, kiên trì đấu tranh làm trong sạch Đảng, xây dựng Đảng thực sự là một tổ chức thống nhất, là đội tiền phong của giai cấp vô sản theo đúng tinh thần của Quốc tế Cộng sản, đúng lý luận của chủ nghĩa Mác - Lê-nin.
Xây dựng Đảng về mặt tổ chức
Cùng với công tác xây dựng Đảng về mặt lý luận chính trị, tư tưởng, Tổng Bí thư Trần Phú đặc biệt coi trọng công tác xây dựng Đảng về mặt tổ chức.
Trước hết, đồng chí chỉ rõ, quy tắc tổ chức của Đảng phải được thể hiện một cách sâu sắc như sau: Đảng Cộng sản Đông Dương là đảng của giai cấp vô sản nên phải gồm những công nhân tiên tiến nhất, lãnh đạo Đảng phải là những công nhân ưu tú nhất; mỗi đảng viên phải hăng hái hoạt động, tích cực, chủ động tham gia vào công việc của Đảng, phải tuân thủ nguyên tắc tổ chức đảng, phải tuyệt đối trung thành với lý tưởng cộng sản chủ nghĩa; Đảng phải được tổ chức theo kỷ luật sắt, mỗi vấn đề đều được mọi đảng viên tham gia thảo luận tự do, dân chủ nhưng khi đã quyết nghị thì phải thực hiện nguyên tắc thiểu số phục tùng đa số, nguyên tắc tối cao là lợi ích của Đảng, của nhân dân; Đảng tổ chức theo nguyên tắc tập trung dân chủ, dĩ nhiên, đó là nguyên tắc căn bản, vấn đề tập trung dân chủ được thực hiện ra sao còn phụ thuộc vào hoàn cảnh lịch sử cụ thể nhằm mang lại thành công cho cách mạng; tổ chức đảng được xây dựng theo nơi làm việc của đảng viên, không theo nơi cư trú của đảng viên; Đảng thống nhất lãnh đạo mọi đoàn thể quần chúng nhân dân, không có sự lãnh đạo dẫn dắt của Đảng thì mọi phong trào của quần chúng, mọi phong trào cách mạng sẽ không có phương hướng chung, rời rạc và tất yếu sẽ dẫn đến tan rã. Đảng ta ngay từ đầu xác định, lãnh đạo các tổ chức quần chúng đấu tranh cách mạng chống thực dân và phong kiến là nhiệm vụ của Đảng Cộng sản Đông Dương.
Thứ hai, đó là xây dựng sự đoàn kết, nhất trí trong Đảng, xây dựng Đảng thực sự trở thành một khối thống nhất, vững mạnh về tổ chức. Sự khác biệt về quan niệm, tư tưởng, chủ trương trong Đảng vào thời điểm chuyển giao, hợp nhất, thống nhất các tổ chức cộng sản khác nhau ở Đông Dương khi đó là một tất yếu khách quan và có nhiều nguyên nhân cả chủ quan và khách quan. Đồng chí Trần Phú chủ trương, một mặt, cố gắng bằng mọi biện pháp tuyên truyền, giáo dục, thuyết phục, hết lòng xây dựng sự đoàn kết thống nhất ý chí, lập trường giai cấp trong Đảng; mặt khác, kiên quyết đấu tranh phê phán chống lại những tư tưởng xa rời các nguyên tắc cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, đường lối, chủ trương chỉ đạo của Quốc tế Cộng sản, nhằm tạo nên sự thống nhất, đoàn kết trong Đảng, tạo nên sức mạnh tổng hợp của tổ chức đảng.
Vào thời điểm Đảng ta mới thành lập còn hết sức non trẻ, thì rõ ràng đây là một yêu cầu sống còn của Đảng, là một chủ trương hết sức sáng suốt và đúng đắn. Trong thời điểm thực dân Pháp bằng nhiều thủ đoạn thâm độc khác nhau, một mặt, chúng thực hiện chính sách khủng bố "trắng" cực kỳ dã man, tàn bạo; mặt khác, chúng sử dụng các âm mưu đen tối nhằm mua chuộc, dụ dỗ, lôi kéo các phần tử cơ hội, phản bội phá vỡ nội bộ Đảng ta từ bên trong, nếu Đảng ta không xây dựng được sự đoàn kết nhất trí thực sự trong Đảng thì tổ chức sẽ bị tan vỡ, phong trào cách mạng sẽ bị dìm trong biển máu.
Thứ ba, công tác phát triển Đảng. Khi mới thành lập, toàn Đảng chỉ có 30 chi bộ với hơn 300 đảng viên, trong khoảng hơn một năm sau (tháng 3-1931), dưới sự lãnh đạo của Tổng Bí thư Trần Phú, không chỉ phong trào cách mạng ở nước ta bước vào một giai đoạn mới mang tính cao trào, mà công tác phát triển Đảng cũng bước vào một giai đoạn mới với nhiều thành tựu, số đảng viên đã nhanh chóng tăng lên 2.400 đồng chí và hoạt động trong 250 chi bộ. Đặc biệt, trong công tác phát triển đảng viên mới, mặc dù từ nhiều nguồn khác nhau, không phân biệt nguồn gốc, nhưng chủ trương thúc đẩy phát triển mạnh mẽ đảng viên mới trong giai cấp công nhân được ưu tiên. Ngoài ra, cũng đẩy mạnh chủ trương phát triển thành phần giai cấp công nhân trong các cơ quan lãnh đạo các cấp của Đảng.
Thứ tư, xây dựng, kiện toàn hệ thống tổ chức đảng từ Trung ương đến cơ sở. Đó là hệ thống chặt chẽ, thống nhất: Trung ương - Xứ ủy - Tỉnh ủy - Huyện ủy và chi bộ cơ sở. Đảng Cộng sản Đông Dương được thành lập từ sự hợp nhất các tổ chức cộng sản khác nhau, do đó mỗi tổ chức cộng sản vốn có cách tổ chức, hệ thống tổ chức khác nhau. Vấn đề xây dựng Đảng thành một tổ chức thống nhất theo hệ thống từ trên xuống chắc chắn sẽ tạo nên sự thống nhất, vững mạnh và sức mạnh của Đảng được tăng lên. Đây là lần đầu tiên hệ thống tổ chức của Đảng ta được kiện toàn, hoàn thiện, thống nhất. Đặc biệt, Tổng Bí thư Trần Phú đã chủ trương khôi phục, củng cố các Ban lãnh đạo Xứ ủy và nâng cao vai trò lãnh đạo của Xứ ủy đối với phong trào cách mạng của từng vùng, từng miền. Ngoài ra, đồng chí Trần Phú cũng đề cao chủ trương tăng cường xây dựng và củng cố các chi bộ nhà máy, các chi bộ của giai cấp công nhân.
Thứ năm, sớm xác định công tác xây dựng các tổ chức quần chúng nhân dân là xây dựng lực lượng cách mạng, một bộ phận quan trọng của công tác xây dựng Đảng, nên vấn đề này được Tổng Bí thư Trần Phú đặc biệt quan tâm. Đồng chí cùng Ban Thường vụ chỉ đạo kịp thời, nhanh chóng xây dựng, củng cố các tổ chức quần chúng quan trọng, những lực lượng quần chúng đông đảo và mạnh mẽ của cách mạng. Đó là: Công hội, Nông hội, Phụ nữ hội, Thanh niên hội, Sinh hội, Cứu tế hội,…
Tổng Bí thư Trần Phú trực tiếp đảm nhận trách nhiệm phụ trách Công hội đỏ. Công hội đỏ là tổ chức quần chúng rộng rãi của công nhân nhằm tập hợp lực lượng những người vô sản tích cực đấu tranh cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản. Quán triệt chủ trương chỉ đạo của Quốc tế Cộng sản, tăng cường phát triển Đảng trong giai cấp công nhân là ưu tiên hàng đầu, Tổng Bí thư Trần Phú đã đẩy mạnh hoạt động và vai trò của Công hội đỏ, thúc đẩy thành lập Ban Công vận Trung ương mà chính đồng chí trực tiếp làm Trưởng ban. Đây là một chủ trương kịp thời và đúng đắn nhằm tăng cường bản chất giai cấp công nhân của Đảng trong điều kiện một đất nước nửa thuộc địa, phong kiến, quần chúng tham gia đấu tranh cách mạng chủ yếu là giai cấp nông dân và các tầng lớp xã hội khác.
Thực hiện chỉ đạo của Quốc tế Cộng sản, Tổng Bí thư Trần Phú lãnh đạo quyết liệt việc xây dựng và thành lập Cộng sản Thanh niên Đoàn. "Tổ chức ra Cộng sản Thanh niên Đoàn là một nhiệm vụ thâu phục một bộ phận quan trọng của vô sản giai cấp là một vấn đề cần kíp mà Đảng phải giải quyết"(3). Bằng sự chỉ đạo cụ thể, quyết liệt của đồng chí Trần Phú và Ban lãnh đạo Đảng ta, Cộng sản Thanh niên Đoàn đã được thành lập, phát triển rộng khắp, mạnh mẽ và thực sự trở thành lực lượng cách mạng hùng hậu và tiên phong của Đảng. Đây là một tầm nhìn, một đóng góp vô cùng quan trọng của Tổng Bí thư Trần Phú đối với công tác xây dựng Đảng khi Đảng ta còn trong trứng nước.
Kiên quyết thúc đẩy thành lập, xây dựng và lãnh đạo các tổ chức quần chúng ngay từ khi Đảng mới thành lập nhằm tập hợp họ thành lực lượng cách mạng phản đế, phản phong là một tầm nhìn chiến lược, một chủ trương sáng suốt và đúng đắn của Tổng Bí thư Trần Phú và Ban lãnh đạo Đảng Cộng sản Đông Dương. Lịch sử cách mạng Việt Nam gần một thế kỷ qua đã khẳng định điều đó.
Thứ sáu, với đường lối, chủ trương, chiến lược, sách lược đúng đắn, sáng tạo và kịp thời trong lãnh đạo thực tiễn phong trào đấu tranh cách mạng Đông Dương, trong xây dựng Đảng cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức như nêu trên, chỉ một thời gian ngắn, Đảng Cộng sản Đông Dương đã trưởng thành vững mạnh, đã trở thành một chủ thể độc lập, tổ chức duy nhất lãnh đạo cách mạng, hoàn toàn đủ năng lực và điều kiện gánh vác nhiệm vụ lãnh đạo phong trào cách mạng vô sản Đông Dương. Chính vì vậy, Đảng Cộng sản Đông Dương đã trở thành chi bộ độc lập trực tiếp trực thuộc Quốc tế Cộng sản, một bộ phận hữu cơ của phong trào cộng sản thế giới. Đây vừa là sự công nhận, khẳng định, vừa là sự tin cậy của Quốc tế Cộng sản đối với Đảng ta.
Sức sống của những tư tưởng bất hủ
Mặc dù cuộc đời cách mạng ngắn ngủi, thời gian lãnh đạo Đảng Cộng sản Đông Dương không dài, nhưng với một trí tuệ siêu việt, một bầu nhiệt huyết cách mạng vô song, Tổng Bí thư Trần Phú đã để lại dấu ấn không thể phai mờ trong sự nghiệp cách mạng Đông Dương và Việt Nam.
Ngay sau khi đồng chí Trần Phú hy sinh, Tạp chí Quốc tế Cộng sản, số tháng 5-1932, đã khẳng định: "Đồng chí Tổng Bí thư Trần Phú của chúng ta đã hy sinh, nhưng tên tuổi của Đồng chí sẽ vĩnh viễn sống mãi trong lịch sử đấu tranh cách mạng Đông Dương cũng như sống mãi trong trái tim của những người lao động Đông Dương các thế hệ hôm nay và mai sau. Sự nghiệp cách mạng của Đồng chí, lòng trung thành và thái độ bất khuất của Đồng chí trong nhà tù đế quốc mãi mãi là tấm gương cho những người cộng sản ở tất cả các nước và nhất là cho những người Cộng sản Đông Dương"(4). Ca ngợi đồng chí Trần Phú, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: "Đồng chí Trần Phú là một người con ưu tú của Đảng và của nhân dân, đã oanh liệt hy sinh cho cách mạng"(5), "Là một người rất thông minh, hăng hái và cần cù, đồng chí Trần Phú đã làm được nhiều việc quan trọng cho Đảng..."(6).
Lịch sử cách mạng Việt Nam gần một thế kỷ qua luôn khẳng định những tư tưởng cơ bản mà Tổng Bí thư Trần Phú chủ trương, nhất là tư tưởng về con đường của cách mạng Việt Nam, về xây dựng Đảng vẫn giữ nguyên giá trị. Các văn kiện Đại hội XI của Đảng và Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) tiếp tục khẳng định những tư tưởng căn bản của Luận cương chính trị năm 1930 của Đảng. Đó là, con đường cách mạng Việt Nam lên chủ nghĩa xã hội, bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa; khẳng định vai trò lãnh đạo duy nhất cách mạng của Đảng Cộng sản; lực lượng chủ yếu của cách mạng là giai cấp công nhân và giai cấp nông dân; cách mạng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam là một bộ phận của phong trào cách mạng xã hội chủ nghĩa thế giới,…
Đặc biệt, những tư tưởng xuất sắc về xây dựng Đảng, về tổ chức mà đồng chí Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng đề xuất và lãnh đạo thực hiện vào những năm 30 của thế kỷ XX, vẫn giữ nguyên tính thời sự và cách mạng. Đó là Đảng tuyệt đối trung thành với những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lê-nin , với lý tưởng cộng sản chủ nghĩa; xây dựng sự đoàn kết, nhất trí, thống nhất ý chí trong Đảng; kiện toàn bộ máy tổ chức của Đảng; xây dựng sự gắn bó máu thịt giữa Đảng với các tổ chức quần chúng, củng cố lòng tin của mọi tầng lớp nhân dân đối với Đảng; xây dựng lực lượng cách mạng và công tác phát triển đảng viên mới; không ngừng đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng phù hợp với tình hình và hoàn cảnh lịch sử cụ thể. Đặc biệt là, những tư tưởng về các nguyên tắc tổ chức của Đảng Cộng sản: xây dựng và trung thành nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng; xây dựng, kiện toàn tổ chức đảng các cấp trong sạch, vững mạnh toàn diện; xây dựng lập trường tư tưởng, đạo đức, lối sống, phẩm chất cách mạng của mỗi đảng viên; xây dựng tính tiền phong, gương mẫu, đi đầu của người cán bộ lãnh đạo Đảng; kiên quyết đấu tranh chống tư tưởng cơ hội, dao động, hữu khuynh, xa rời lý tưởng cộng sản, xa rời mục tiêu xã hội chủ nghĩa, đi ngược lại lợi ích giai cấp, lợi ích dân tộc; kiên quyết đấu tranh không khoan nhượng với các thế lực thù địch phản động, chống phá Đảng, chống phá khối đại đoàn kết toàn dân tộc, chống phá chế độ xã hội chủ nghĩa, sự nghiệp đổi mới của nhân dân; kiên quyết đấu tranh với những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, thoái hóa, biến chất, tham nhũng, lãng phí, xa rời quần chúng nhân dân của một bộ phận cán bộ, đảng viên trong Đảng./.
---------------------------------
(1). Xem: Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005, t.2, tr.93-103
(2). Xem: Ban Nghiên cứu Lịch sử Đảng Trung ương: Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, Sơ thảo, (1920-1954), Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1981, t.1, tr. 150
(3). Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005, t.3, tr.91, 98-99.
(4). Tạp chí Quốc tế Cộng sản, số tháng 5-1932
(5). Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, t.14, tr.309
(6). T.Lan: Vừa đi đường vừa kể chuyện, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.59
Đà Nẵng triển lãm chuyên đề “60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ”  (29/04/2014)
“Ký ức Điện Biên” - sự kết nối giữa quá khứ và hiện tại  (29/04/2014)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
- Tổng quan về chuyển đổi số ở Việt Nam
- Bảo tồn các di sản văn hóa vật thể trước thách thức của biến đổi khí hậu ở thành phố Cần Thơ hiện nay
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên