TCCS ĐT - Cuộc bầu cử Tổng thống nhiệm kỳ 5 năm (2009 - 2014) tại En Xan-va-đo (El Salvador) kết thúc với chiến thắng thuộc về ông Mô-ri-xi-ô Phu-nết (Mauricio Funes), 49 tuổi, ứng cử viên của Lực lượng cánh tả Mặt trận Giải phóng Dân tộc Farabundo Marti (FMLN).
 

FMLN được thành lập năm 1980, mang tên nhà cách mạng nổi tiếng Farabundo Marti, lúc đầu gồm năm tổ chức chính trị và lực lượng du kích (trong đó có Ðảng CS En Xan-va-đo). FMLN bắt đầu cuộc đấu tranh vũ trang từ năm 1981 nhằm giành chính quyền và nhận được sự ủng hộ của đông đảo các tầng lớp nhân dân, trở thành một trong những tổ chức vũ trang cánh tả mạnh nhất khu vực Trung Mỹ và Mỹ La-tinh. Sau Hiệp định hòa bình được ký năm 1992, FMLN tiến hành giải giáp vũ trang, đổi mới phương thức hoạt động chính trị, tăng cường củng cố lực lượng, tiếp tục hoàn thiện tổ chức và đường lối đấu tranh trong thời kỳ mới. Trong các cuộc bầu cử quốc hội và địa phương những năm: 2000, 2003, 2006 và 2009, FMLN luôn chứng tỏ là một chính đảng có ảnh hưởng lớn trong xã hội và giành được sự tín nhiệm cao trong các tầng lớp nhân dân. Trong cuộc bầu cử quốc hội và địa phương tháng 1-2009 vừa qua, FMLN đã giành được 35 ghế trong tổng số 84 ghế trong quốc hội, trở thành lực lượng chính trị mạnh nhất ở En Xan-va-đo; đảng ARENA cầm quyền chỉ có 32 ghế. FMLN đang nắm quyền lãnh đạo ở nhiều tỉnh, địa phương chiếm tới 60% dân số nước này.

Ông Mô-ri-xi-ô Phu-nết giành được 51,3% số phiếu ủng hộ, trong khi ứng cử viên Rô-ri-gô A-vi-la (Rodrigo Avila) của Liên minh Cộng hòa Dân tộc (ARENA) cánh hữu cầm quyền chỉ được 48,7% số phiếu bầu.

Đây là lần đầu tiên FMLN trở thành đảng cầm quyền ở En Xan-va-đo sau 20 năm nước này đặt dưới sự lãnh đạo của cánh hữu. Thắng lợi của FMLN tại En Xan-va-đo củng cố thêm sự hiện diện của phe cánh tả cầm quyền tại Mỹ La-tinh.

Cuộc bầu cử Tổng thống diễn ra trong bối cảnh quốc gia Trung Mỹ này đang chịu tác động tiêu cực của suy thoái kinh tế toàn cầu, nền kinh tế lâm vào suy giảm nghiêm trọng. Sau 12 năm nội chiến, nền hòa bình vẫn chìm trong bạo lực, tội phạm, tình trạng nghèo khổ không được cải thiện đã khiến cử tri nước này muốn có một sự thay đổi. Và đây là cơ hội thuận lợi của lực lượng cánh tả trên con đường giành chính quyền.

Ông Phu-nết đã từng cam kết, nếu trúng cử tổng thống, ông sẽ đẩy mạnh cuộc đấu tranh xóa đói, giảm nghèo, bất bình đẳng xã hội, kiên quyết trấn áp tội phạm và tham nhũng, thúc đẩy phát triển kinh tế, đoàn kết, hòa hợp dân tộc và xây dựng một xã hội dân chủ, tiến bộ.

Trong bài phát biểu sau khi giành chiến thắng "lịch sử" này, ông M.Phu-nết, nêu rõ: "Đảng của tôi, FMLN, đã chứng tỏ với cả thế giới rằng, chúng tôi đã sẵn sàng bắt đầu một chính phủ mới". Ông cũng kêu gọi đoàn kết dân tộc với đảng ARENA. Tuy nhiên, ông M.Phu-nết nói, ông theo trường phái trung dung ủng hộ thương mại và sẽ tiếp tục duy trì mối quan hệ gần gũi hiện nay của En Xan-va-đo với Mỹ.

Khoảng 1/4 dân số En Xan-va-đo sống tại Mỹ và quốc gia nhỏ bé ở miền Trung châu Mỹ này phụ thuộc chặt chẽ vào nguồn kiều hối mà công dân của họ gửi về từ Mỹ. Nguồn tin chính phủ cho biết trong cuộc bầu cử tổng thống vừa qua, khoảng 40.000 người En Xan-va-đo đã từ Mỹ về nước để tham gia bầu cử./.