TCCS - Đối với cư dân vùng biển, đảo trước hiện trạng thiếu nước sạch, người dân phải đối mặt với những vấn nạn về sức khỏe, bệnh tật, nhất là về sức khỏe cho bà mẹ và trẻ em...

Những “trận khát của biển”

Một trong những biểu hiện dễ nhận thấy là sự suy kiệt nguồn nước ở các sông hồ và nguồn nước ngầm đã làm cho diện tích bị khô hạn mở rộng ở cả ba vùng: thượng nguồn, trung du và hạ du. Chu kỳ nắng hạn và bão lũ kéo dài và rất thất thường, khó kiểm soát khiến cho sản xuất và sinh hoạt của con người liên tục bị đe dọa. Mưa lũ với cường độ mạnh, nước không được điều tiết hoặc tích trữ nên đã nhanh chóng đổ ra biển gây úng lụt trên diện rộng, sau mỗi đợt như vậy thì lòng hồ, sông suối lại cạn kiệt nhanh chóng và hạn hán lại xuất hiện cùng với sự xâm thực của nước biển mặn tái diễn, tạo nên những trận khát kéo dài.

Thách thức ấy đối với cư dân biển càng lớn hơn các vùng khác. Vì lòng đất nhiễm mặn nên việc khai thác mạch ngầm để tìm ra nước ngọt cho sản xuất và phục vụ sinh hoạt rất khó khăn. Các bệnh liên quan đến tình trạng thiếu nước sạch do con người không được tiếp xúc với điều kiện vệ sinh cơ bản phù hợp, chất lượng cuộc sống suy giảm, số người mắc bệnh tăng do thiếu nước sạch làm cho chất lượng dân số cũng xấu đi theo tỷ lệ thuận. Nhu cầu dùng nước ngọt, nước sạch cho dân vùng biển trong tổng nhu cầu của đất nước chỉ mới được đáp ứng khoảng trên 60%. Trên một số đảo ngoài khơi vùng thềm lục địa và vùng đặc khu kinh tế của ta tình trạng thiếu nước ngọt càng trầm kha hơn.

Nguyên nhân gây ra tình trạng cạn kiệt nguồn nước trước tiên là do tác động của con người và biến đổi khí hậu toàn cầu. Biến đổi khí hậu có tác động xấu đến sự thay đổi nguồn nước. Theo một dự báo khoa học* thì đến năm 2025 nguồn nước của Việt Nam sẽ bị giảm đi khoảng 40 tỉ m3. Riêng trong mùa khô tổng lượng nước có thể giảm khoảng 13 tỷ m3. Sức ép về sự gia tăng dân số và phát triển kinh tế đã làm cho nhu cầu sử dụng nước tăng về số lượng và đa dạng về chất lượng. Vì vậy, tiếp cận với nguồn nước sạch hiện vẫn là giấc mơ của hàng triệu người dân vùng biển, nơi được coi là khá phổ biến về tình trạng khô hạn và bán khô hạn.

Môi trường biển và vùng ven biển Việt Nam tiếp tục bị suy giảm. Nguồn gây ô nhiễm biển gồm các hoạt động trên đất liền, thăm dò và khai thác tài nguyên trên thềm lục địa và đáy biển, các hoạt động của con người như nuôi trồng thủy sản, du lịch... thải các chất độc hại ra biển, vận chuyển hàng hóa trên biển và ô nhiễm không khí.

Hiện tượng thủy triều đỏ và bùng phát tảo nở hoa xuất hiện thường xuyên hơn, tuy quy mô không lớn ở ven bờ miền Trung, như ở Nha Trang (Khánh Hòa) và Đà Nẵng. Con người đã phải nếm trải thất bại và thiệt hại do những hành vi thiếu khôn khéo trong khai thác và sử dụng tài nguyên bờ.

Trong những tháng đầu năm 2010, hạn hán xảy ra ở nhiều nơi cùng với hiện tượng xâm nhập mặn cao khiến nhiều bà con nông dân vùng nông thôn thiếu nước sinh hoạt. Thị trường nước sạch nông thôn bị lợi dụng đẩy giá nước lên cao gấp 10 đến 15 lần.

Xã Kim Hải huyện Kim Sơn nằm trong vùng bãi ngang ven biển nhưng khó khăn hơn các vùng khác về việc sử dụng nước sạch. Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Ninh Bình đã triển khai dự án lắp 420 giếng khoan. Nhu cầu còn khá lớn nhưng việc lắp đặt gặp nhiều trở ngại vì kinh phí ít mà khi thi công thường gặp nhiều đá ngầm nên rất tốn kém. Hơn nữa, những vùng này nguồn nước thường nhiễm mặn, phèn chua nên chất lượng nước không bảo đảm sạch tinh khiết. Có giếng khoan nhưng vẫn không thể đáp ứng nổi nhu cầu nước sạch cho sinh hoạt.

Nhà nước lại phải tổ chức lập dự án đầu tư xây dựng hệ thống nước sạch khác nhưng kết quả cho thấy khu vực xã Kim Hải không thể chọn được nguồn nước ngầm và nguồn nước mặt. Giải pháp còn lại là phải lấy nguồn nước mặt ở các xã lân cận. Nhưng để có đủ nước sạch cho người dân Kim Hải là điều không dễ dàng.

Huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) có gần nửa số xã chạy dọc bờ biển. Phần lớn người dân vật lộn sống bằng nghề biển. Bao nhiêu năm nay, họ không thể dùng nguồn nước ngầm tại chỗ vì bị nhiễm mặn. Thiếu nước ngọt, người dân biển phải trông chờ vào nước trời và mua nước máy với... giá nước “ngọt”. Hầu hết các gia đình ở đây đều có một bể chứa nước mưa để dùng. Đây là nguồn nước uống và sinh hoạt chủ yếu. Vì nước giếng bị nhiễm mặn chỉ để rửa. Mùa mưa thì đủ nước dùng. Trời hạn kéo dài thì phải tính tiết kiệm tối đa mới đủ. Họ phải tính toán dùng nước như đong gạo nấu cơm. Khi nước mưa hết, người dân phải mua nước máy với giá cắt cổ. Mỗi khối nước chở về giá lên đến trên 60.000 đồng. Nước ăn uống sinh hoạt hằng ngày đã chật vật, nhiều ngư dân còn phải lo có nước ngọt đi biển. Người đi biển phải mua nước máy cho mỗi chuyến ra khơi. Bình thường một thuyền đi biển dài ngày phải mua 20 thùng nước ngọt với giá 20.000 đồng/thùng. Riêng tiền nước đã mất ngót nghét nửa triệu bạc. Nhiều chuyến đi biển về lỗ nặng.

Là vùng duyên hải phía Đông Thành phố Hồ Chí Minh, huyện Cần Giờ nằm tách biệt với khu vực nội thành bởi con sông Nhà Bè khá rộng. Một năm trước đây nước ngọt đối với người dân vùng biển mặn này vẫn là "của hiếm". Công ty dịch vụ công ích huyện Cần Giờ thường phải vượt từ 20 - 72 km đường sông để mua nước sạch về phân phối lại cho người dân thông qua các hệ thống đường ống nội bộ theo từng cụm dân cư. Đường xa, phương tiện vận chuyển bằng đường thủy nên mất đến 18 giờ những sà lan chở nước mới đến nơi. Có thời điểm nạn thiếu nước sạch tại Thành phố rất căng thẳng, nhiều sà lan phải xếp hàng chờ lấy nước nên có khi 2 - 3 ngày sà lan nước mới về đến Cần Giờ. Vì thiếu nước sạch nên người dân Cần Giờ thường phải chầu trực để mua nước nhưng với giá cao gấp hàng chục lần giá nước trong Thành phố.

Những mô hình cung cấp nước ngọt cho cư dân biển đảo và ven biển

Không có cách nào khác hơn là phải nỗ lực nhiều hơn nữa, bền bỉ và khôn khéo hơn để vừa khai thác, vừa bảo tồn môi trường biển, để duy trì cuộc sống ổn định. Ưu tiên trước hết là nhu cầu thiết yếu về nước dùng trong sản xuất và sinh hoạt cho cộng đồng cư dân ven biển. Đó là chủ trương lớn của Nhà nước. Nhiều mô hình cung cấp nước sạch cho dân nông thôn vùng biển đã triển khai thành công.

Với các xã ven biển của huyện Quảng Điền, Phong Điền... việc được dùng nước máy sạch như dân thành phố là điều chỉ có trong mơ. Do phải dùng nước giếng và nước mạch để ăn uống, tắm giặt nên người dân phải đối mặt với một thực tế đáng sợ là tỷ lệ người mắc bệnh ung thư khá cao. Nhiều gia đình có đến hai, ba người bị bệnh. Năm 2009, Công ty TNHH Nhà nước một thành viên Xây dựng và Cấp nước Thừa Thiên - Huế (HueWACO) đã hiện thực hóa giấc mơ của hàng vạn người dân sống ven biển trong tỉnh qua triển khai dự án đưa nước sạch vượt phá Tam Giang.

Nếu đi theo lộ trình ven các xã trên bộ, đường nước sạch sẽ phải qua hành trình dài hơn 60 km với đường ống f400 và qua 4 trạm tăng áp. Từ khả năng và kinh nghiệm, HueWACO đã đề xuất phương án đưa đường nước vượt qua Phá Tam Giang. Với phương án này, chỉ sử dụng đường ống f225 với chiều dài hơn 6 km, trong đó có 2,8km vượt Phá. Công ty không phải xây thêm các trạm tăng áp và kinh phí chỉ mất 6,4 tỉ đồng (bằng 1 phần 8 dự toán ban đầu), thời gian thi công lại ngắn hơn nhiều. HueWACO đã mạnh dạn dùng ống nước HDPE đặc chủng theo tiêu chuẩn mới và dùng tàu cuốc để đặt đường ống ngầm nằm sâu 1m dưới mặt đáy của Phá rồi được cố định bằng các ụ bê tông. Dự án thành công. Việc đầu tư vốn để đưa nước máy vượt phá Tam Giang cung cấp nguồn nước sạch cho nhân dân các xã vùng ven biển trở thành một sự kiện trọng đại trong đời sống của người dân.

Ở Quảng Ngãi, người dân Hố Nang, xã Nghĩa Sơn, huyện Tư Nghĩa, đã tự góp tiền để làm một công trình nước sạch về từng nhà, đây được xem là công trình nước hiệu quả nhất do người dân tự góp vốn xây dựng. Nhưng mô hình này không có khả năng nhân rộng. Những nơi khác vẫn phải trông chờ vào Nhà nước. Nhiều dự án, chương trình cung cấp nước sạch cho dân do Nhà nước đầu tư và các tổ chức phi chính phủ tài trợ vẫn là chủ yếu. Số liệu thống kê cho biết, toàn tỉnh có khoảng 70% số dân được dùng nước sạch. Tuy nhiên, nếu rà soát từng hộ dân, số liệu trên chưa hẳn đã chính xác vì những hộ dùng nước giếng đã là “nước sạch” chưa thì lại cần phải kiểm chứng. Mục tiêu đến năm 2015 cả tỉnh sẽ có 95% số dân được dùng nước sạch. Một số địa phương trong tỉnh như Nghĩa Phú, huyện Tư Nghĩa, Phổ Khánh huyện Đức Phổ, Trà Phong huyện Tây Trà... các công trình nước sạch được Nhà nước xây dựng đã bắt đầu phát huy hiệu quả và người dân tại những nơi này đã hưởng lợi thật sự.

Địa thế cách trở, nguồn nước mặt và nước ngầm huyện Cần Giờ (Thành phố Hồ Chí Minh) bị nhiễm mặn, rất khó khăn cho việc xử lý nước sạch. Tưởng rằng ước mơ thỏa mãn về nước ngọt của người dân ở đây là chuyện xa vời. Nhưng khát vọng ấy đã trở thành hiện thực khi Nguyễn Thụy Đông Đào, Chủ tịch Hội đồng quản trị của Công ty cổ phần Đặng Đoàn Nguyễn, người vốn là ca sĩ từng đoạt giải nhất cuộc thi “Tiếng hát truyền hình năm 1991” đã chọn Cần Giờ để đầu tư nhà máy xử lý nước lợ thành nước ngọt tại Tam Hiệp để “ngọt hóa vùng biển mặn”. Việc đầu tư này xuất phát từ việc chứng kiến và thấu hiểu nỗi khổ thiếu nước ngọt của người dân trong chuyến đi lưu diễn tại Cần Giờ vào năm đó. Và, từ một ý nghĩ “thoáng qua” là sao không “ngọt hóa vùng biển mặn” ấy, sau ngót 20 năm khi chuyển sang kinh doanh thì ý tưởng mới được ca sĩ Đông Đào thực hiện vào giữa năm nay. Được biết, sau khi nhà máy hoạt động ổn định, Công ty Đặng Đoàn Nguyễn tiếp tục triển khai giai đoạn 2, nâng công suất của nhà máy thêm 5.000m3/ngày và đầu tư thêm một dây chuyền sản xuất nước uống đóng chai với tổng vốn cho dự án lên tới hơn 9 triệu USD. Bài toán nước ngọt cho vùng đất Cần Giờ đã được hóa giải.

Tiếp tục ưu tiên đưa nước sạch về vùng sâu, vùng ven biển và hải đảo

Theo Giám đốc Trung tâm quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn Lê Thiếu Sơn, trong năm 2010, Chương trình Mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường sẽ giúp 83% số dân khu vực nông thôn được tiếp cận, sử dụng nguồn nước hợp vệ sinh. Ngoài ra sẽ có 80% số trường học, 82% số trạm y tế, 77% số trụ sở UBND xã, 53% số chợ khu vực nông thôn có công trình cấp nước sạch. Để đạt những mục tiêu này, các địa phương cần ưu tiên triển khai xây dựng các công trình tại các khu vực thuộc vùng sâu, vùng xa, vùng ven biển, những khu vực thường xuyên bị hạn hán, lũ lụt, thiên tai, nhiễm mặn... Chú trọng phát triển các hoạt động về vệ sinh từ công tác chỉ đạo cũng như ưu tiên phân bổ nguồn vốn phù hợp; tăng cường công tác quản lý, khai thác các công trình cấp nước sau đầu tư; đẩy mạnh công tác kiểm tra chất lượng công trình và kiểm soát chất lượng nước; đẩy mạnh hơn nữa công tác thông tin, giáo dục, truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ môi trường. Phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Chính sách xã hội, đẩy mạnh việc xây dựng công trình cấp nước sạch và vệ sinh môi trường từ nguồn vốn vay ưu đãi của Chính phủ, lồng ghép tốt với các chương trình mục tiêu khác; đồng thời huy động các nguồn vốn nhằm đem lại lợi ích và an sinh xã hội cho người dân.

* Theo TS. Đào Trọng Tứ, Viện Nghiên cứu Tài nguyên nước và Môi trường sinh thái - Bộ Khoa học và Công nghệ