TCCS - “Nếu xóa đói, giảm nghèo không được giải quyết thì không một mục tiêu nào về phát triển kinh tế, xã hội, cũng như tăng trưởng kinh tế, cải thiện đời sống nhân dân, ổn định xã hội, bảo đảm quyền con người... được thực hiện”. Xóa đói, giảm nghèo đối với vùng đồng bào các dân tộc thiểu số là hết sức quan trọng.

1. Bước tiến đáng ghi nhận

Vùng đặc biệt khó khăn ở nước ta hiện nay chủ yếu là vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Có thể nói vùng này là “rốn nghèo” của cả nước. Hơn 10 triệu người nghèo nước ta hiện nay sinh sống ở vùng miền núi chủ yếu lại là đồng bào dân tộc thiểu số.

Trong nhiều năm qua, chúng ta đã tập trung nguồn lực cho phát triển kinh tế đi đôi với xóa đói, giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội. Chính phủ đã triển khai đồng bộ 8 Chương trình mục tiêu quốc gia (bao gồm cả Chương trình 135) cùng các chính sách hướng mạnh vào các vùng nông thôn, huyện nghèo, xã nghèo, vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số... đã góp phần giảm nghèo nhanh ở những vùng nghèo nhất. Riêng đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tỷ lệ nghèo đã giảm từ 60% (năm 1997) xuống 47% (đầu năm 2006) và hạ xuống 31,2% (năm 2009). Mục tiêu năm 2010 sẽ giảm còn dưới 30%. Bình quân mỗi năm giảm 4% - 5% số hộ nghèo, có nơi giảm được từ 7% - 8% trong giai đoạn 2001 - 2005.(1) Tốc độ tăng trưởng kinh tế vùng dân tộc thiểu số miền núi phía Bắc đạt hơn 10%, miền Trung 12%, Tây Nguyên 12,5% và Nam Bộ là 12%. Công cuộc xóa đói, giảm nghèo ở Việt Nam đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững, giải quyết tốt các vấn đề xã hội, được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao.

Điều đáng quan tâm là, điểm xuất phát và giá trị tổng sản phẩm xã hội thấp nên những nỗ lực chung vẫn chưa đưa được vùng này ra khỏi diện vùng nghèo, chậm phát triển và diện đặc biệt khó khăn còn cao so với các khu vực khác trong nước. Trong nội bộ từng vùng cũng có sự chênh lệch về trình độ phát triển kinh tế và hội nhập xã hội. Có những vùng đã định hướng và quy hoạch phát huy được lợi thế như Tây Nguyên, Nam Bộ nên giao thương hàng hóa, phát triển kinh tế những vùng này khá mạnh. Một số vùng khác như miền núi phía Bắc, Tây Thanh Hóa, Nghệ An, việc xác định hướng phát triển kinh tế chưa thật rõ ràng, sinh kế của người dân còn chủ yếu dựa vào nông nghiệp ở trình độ thấp. Vẫn còn các nhóm dân tộc có số dân ít như Mảng, La Hủ, Cống, Cờ Lao... với phương thức sản xuất chủ yếu vẫn là tự cấp, tự túc nên ngày càng cách xa các dân tộc thiểu số khác về trình độ phát triển. Phần lớn chất lượng nguồn nhân lực người lao động nông thôn các vùng dân tộc thiểu số còn rất thấp. Hơn 80% lao động ở những vùng này làm nông nghiệp theo mùa vụ, tình trạng thiếu việc làm khá phổ biến. Họ ít khi rời khỏi bản làng nên không có cơ hội để kiếm thêm việc làm khi nông nhàn.

Nổi bật trong “cuộc chiến” xóa đói, giảm nghèo, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo giai đoạn 2006 - 2010 (chương trình 134, 135 giai đoạn II) và thực hiện Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP về hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 62 huyện nghèo đã đạt được kết quả to lớn.

Số liệu thống kê chưa đầy đủ, trong 5 năm qua, có khoảng 6,2 triệu lượt hộ nghèo được vay vốn sản xuất, mức vay bình quân 7 - 8 triệu đồng/lượt/hộ với lãi suất 0%; triển khai 30.000 lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật; xây dựng 8.500 mô hình trình diễn và “hội nghị đầu bờ” hướng dẫn cách làm ăn cho 3,7 triệu lượt người; khoảng 150.000 lao động được đào tạo nghề miễn phí, trong đó trên 60% đã tìm được việc làm, tự tạo việc làm, gia tăng thu nhập. Dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo được triển khai ở 218 xã thuộc 35 tỉnh với 27.566 hộ tham gia mô hình trình diễn, trong đó 77% số hộ thuộc diện nghèo. Qua đó, sau mỗi năm số hộ nghèo tham gia mô hình đã tạo thêm việc làm, gia tăng khoảng 15% ngày công, thu nhập tăng từ 20% - 25% và 15% số hộ thoát nghèo. Đã có khoảng 2.500 công trình hạ tầng phục vụ sản xuất được đầu tư ở 273 xã đặc biệt khó khăn, bãi ngang ven biển, hải đảo, bình quân 9,15 công trình/xã; 52 triệu lượt người nghèo được cấp thẻ bảo hiểm y tế; 8 triệu lượt học sinh nghèo được miễn giảm học phí, 2,8 triệu lượt học sinh nghèo được hỗ trợ vở viết, sách giáo khoa; tổ chức tập huấn nâng cao năng lực cho 140.000 lượt cán bộ làm công tác giảm nghèo cơ sở; khoảng 500.000 hộ được hỗ trợ về nhà ở. 17 tỉnh, thành phố, 306 quận, huyện và 5.931 xã, phường, thị trấn được ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trao “Bằng ghi công” hoàn thành chương trình xóa nhà dột nát, nhà tạm cho người nghèo.

Kết quả thực hiện các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, các chương trình giảm nghèo, bộ mặt các xã nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được cải thiện rõ rệt: 100% số xã có đường giao thông đến trung tâm xã (trong đó 75,2% xã có đường giao thông từ trung tâm xã đến thôn, bản đi lại được bằng xe gắn máy); 100% số xã có trạm y tế xã được đầu tư; 100% xã có đủ trường tiểu học (trong đó trường, lớp học kiên cố 83,6%); 67,5% xã có công trình thủy lợi nhỏ bảo đảm năng lực phục vụ sản xuất; 91,8% số xã có điện đến trung tâm xã; đầu tư các công trình nước sinh hoạt tập trung (phân tán) cung cấp cho 67,8% số hộ dân...

Tác động của các chính sách, chương trình giảm nghèo chính là giúp người nghèo có được cơ hội tự vươn lên, tăng thu nhập để phát triển, vượt qua tình trạng nghèo đói, tự giải quyết những nhu cầu thiết yếu của gia đình và bản thân.

Việc bảo đảm an sinh xã hội, với ba chức năng: (i) phòng ngừa rủi ro; (ii) giảm thiểu rủi ro; và (iii) khắc phục rủi ro, các chính sách được thiết kế thành ba tầng:

- Chính sách hỗ trợ tạo việc làm, tham gia thị trường lao động cho lao động nông thôn có thu nhập ổn định cho người dân nhất là đồng bào dân tộc thiểu số và vùng núi đặc biệt khó khăn. Theo đó, người dân được thụ hưởng nhiều sự ưu đãi như về tín dụng theo Quyết định số 32/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Sau hơn một năm thực hiện, các địa phương giải ngân trên 86 tỉ đồng cho hơn 18 nghìn hộ vay Trang tin điện tử của ủy ban Dân tộc , để đào tạo nghề, tạo cơ hội tiếp cận việc làm mới, hỗ trợ giáo dục...

- Chính sách bảo hiểm y tế, Nhà nước hỗ trợ toàn bộ hoặc một phần mức đóng bảo hiểm y tế đối với người nghèo, cận nghèo, người dân tộc thiểu số, đối tượng hưởng chính sách ưu đãi, trợ giúp xã hội. Điều này góp phần tích cực vào việc thực hiện mục tiêu công bằng xã hội về chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân.

- Chính sách trợ giúp xã hội thường xuyên từng bước được mở rộng. Năm 2005, khu vực nông thôn có 390.000 đối tượng được trợ giúp và tăng lên trên 970.000 người vào năm 2009 (2). Mức chuẩn để tính trợ cấp cũng được điều chỉnh tăng từ 120.000 đồng lên 180.000 đồng (năm 2010) và được bảo đảm bởi ngân sách nhà nước. Nhiều mô hình trợ giúp xã hội được gây dựng phù hợp với từng nhóm đối tượng. Tính đến tháng 12-2008, cả nước có khoảng 571 cơ sở bảo trợ xã hội đang nuôi dưỡng 14.613 đối tượng và hơn 1/3 trong số này là các cơ sở ngoài Nhà nước.

Thành tựu xóa đói, giảm nghèo những năm vừa qua đã góp phần tăng trưởng kinh tế và thực hiện công bằng xã hội, an sinh xã hội cho người dân vùng đặc biệt khó khăn và những người thuộc diện yếm thế trong xã hội, nhưng cũng còn không ít hạn chế, bất cập. Kết quả giảm nghèo chưa vững chắc, tỷ lệ hộ tái nghèo hằng năm còn cao; khoảng cách chênh lệch lớn về mức sống giữa các vùng, nhóm dân cư, đặc biệt là địa bàn các tỉnh miền núi, vùng cao, biên giới. Khả năng ứng phó của người nghèo trước hậu quả thiên tai, dịch bệnh và rủi ro khó được kiểm soát; việc dạy nghề chưa thực sự gắn với nhu cầu của đồng bào; cho vay tín dụng chưa gắn với hỗ trợ về hướng dẫn làm ăn, khuyến nông; chất lượng phổ cập giáo dục tiểu học và chống mù chữ còn thấp. Nạn mù chữ và tái mù không phải là hiện tượng hiếm thấy tại những nơi thuộc vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số. Dịch vụ y tế còn khó tiếp cận do chi phí cho khám chữa bệnh cao, đi lại khó khăn, chất lượng khám chữa bệnh còn thấp, kém hiệu quả. Diện bao phủ đối tượng trợ giúp xã hội thường xuyên còn rất thấp, chỉ chiếm khoảng 1,23% so với mức 2,5% - 3% ở nhiều nước trong khu vực. Các Chương trình giảm nghèo đã triển khai chưa bao quát toàn diện công tác giảm nghèo, các chính sách, dự án, chương trình giảm nghèo được ban hành quá nhiều, nhưng lại mang tính ngắn hạn, chồng chéo, tạo ra tính ỳ của người nghèo; nguồn lực thực hiện mục tiêu giảm nghèo còn phân tán, dàn trải, chưa tập trung ưu tiên để giải quyết những vấn đề bức xúc nhất, địa bàn trọng điểm nhất; thiếu giải pháp cụ thể giữa việc thực hiện chính sách giảm nghèo với chính sách an sinh xã hội; việc tổ chức phối hợp chỉ đạo thực hiện giữa các bộ, ngành, địa phương chưa chặt chẽ và hiệu quả; cơ chế phân cấp, trao quyền cho địa phương, cơ sở và sự tham gia của người dân còn nhiều lúng túng; công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân còn nhiều hạn chế, chưa khơi dậy được ý thức tự giác vươn lên của người nghèo; tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào nhà nước, vào cộng đồng vẫn còn mang tính phổ biến ở nhiều địa phương.

2. Định hướng chủ yếu trong phát triển kinh tế gắn với giảm nghèo và bảo đảm an sinh xã hội

Văn kiện Dự thảo Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) khẳng định: “Khuyến khích làm giàu hợp pháp đi đôi với giảm nghèo bền vững”; Dự thảo Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020 tiếp tục kiên trì quan điểm có tính định hướng chiến lược của Đảng là: “Thực hiện có hiệu quả tiến bộ và công bằng xã hội, bảo đảm an sinh xã hội trong từng bước và từng chính sách phát triển”. Và Dự thảo Báo cáo chính trị của BCH Trung ương Đảng khóa X sẽ trình Đại hội XI của Đảng cũng xác định: “Tập trung triển khai các chương trình xóa đói, giảm nghèo ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Đa dạng hóa nguồn lực và phương thức xóa đói, giảm nghèo gắn với phát triển nông nghiệp, nông thôn mới; phát triển giáo dục, dạy nghề và giải quyết việc làm để xóa đói, giảm nghèo bền vững; tạo điều kiện và khuyến khích người đã thoát nghèo vươn lên làm giàu và giúp đỡ người khác thoát nghèo”.

Từ định hướng đó, có thể thấy quyết tâm chính trị của Đảng và toàn xã hội là phải xây dựng một chương trình giảm nghèo chung bền vững, toàn diện thời kỳ 2011 - 2020, bao gồm hệ thống các chính sách giảm nghèo chuẩn mực, khoa học với sự chỉ đạo thực hiện tập trung, thống nhất các chương trình, dự án có liên quan đến mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững.

Các chính sách phải hướng vào nhóm đối tượng là người nghèo, hộ nghèo (ưu tiên đối tượng hộ nghèo mà chủ hộ là phụ nữ, hộ nghèo dân tộc thiểu số); triển khai thực hiện có hiệu quả chính sách trợ cấp của nhà nước đối với nhóm đối tượng trợ giúp xã hội thuộc gia đình hộ nghèo, yếm thế như người già, người tàn tật, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Cơ chế, chính sách, kế hoạch hằng năm, 5 năm và những năm tiếp theo phải hướng vào huy động nguồn lực toàn xã hội để thực hiện chương trình giảm nghèo và bảo đảm an sinh xã hội, ưu tiên nguồn lực cho vùng khó khăn nhất, đối tượng khó khăn nhất, vùng miền núi và đồng bào dân tộc thiểu số.

Để đi tới mục tiêu xóa đói, giảm nghèo bền vững và bảo đảm an sinh xã hội, cần tiếp tục thực hiện có hiệu quả các nhóm chính sách hiện hành và luôn có điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn. Các cơ quan thuộc Chính phủ phải nhanh chóng đề xuất Chính phủ ban hành Nghị quyết về định hướng giảm nghèo thời kỳ 2011 - 2020 và Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo thời kỳ 2011 - 2015. Đồng thời, tiếp tục tổng kết thực tiễn, đề xuất một số nhóm chính sách mới cả ngắn hạn và lâu dài để đưa các Nghị quyết của Đảng vào thực tế đời sống xã hội./.

----------------------------------------------------------------------
 
(1) Nguồn: Ủy ban Dân tộc

(2) Nguồn: Cục BTXH, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội