TCCS - Trong các năm 2006, 2007 và những tháng đầu năm 2008, đã xảy ra nhiều cuộc đình công của công nhân, mà hầu hết các cuộc đình công này đều mang 3 đặc điểm chung là: tự phát, không theo quy trình của pháp luật và không do công đoàn cơ sở lãnh đạo. Vậy, nguyên nhân của tình trạng này là gì?.

1 - Chất lượng cuộc sống của công nhân còn thấp

Đây là nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng đình công ngày một gia tăng với mức độ và quy mô ngày một lớn, tính chất ngày một phức tạp hơn, đặc biệt là có sự lan truyền từ doanh nghiệp này sang doanh nghiệp khác, từ địa phương này đến địa phương khác.

Thực tế là, do chất lượng cuộc sống quá thấp nên công nhân mới phải đình công. Lương thấp, điều kiện làm việc khắc nghiệt (môi trường ô nhiễm, làm thêm giờ, tăng ca quá mức cho phép, áp lực tai nạn lao động luôn rình rập...), là những lý do cơ bản dẫn đến đình công. Ông Lê Văn Diêu, Phó Chủ nhiệm ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội cho biết, có đến 90% các cuộc đình công nhằm mục đích yêu cầu chủ sử dụng lao động bảo đảm quyền lợi về tiền lương, tiền thưởng, thời gian làm việc, nghỉ ngơi và các chế độ xã hội khác như bảo hiểm, ký kết hợp đồng lao động...

Một thực trạng tồn tại ở nhiều nơi là, doanh nghiệp chưa có chế độ lương, thưởng xứng đáng, chưa chăm sóc đúng mức cuộc sống cho công nhân. Bữa ăn trưa và giữa ca nghèo nàn, không bảo đảm tái tạo sức lao động, nước uống thiếu, quản lý lao động hà khắc. Một vấn đề nữa đang gây nhiều bức xúc hiện nay là an toàn lao động. Cùng với đình công, các vụ tai nạn lao động cũng liên tiếp xảy ra gây nhiều thiệt hại về người và của.

An toàn lao động đã không được coi trọng, an toàn thực phẩm đối với công nhân càng bị xem nhẹ. Theo thống kê của Bộ Công Thương vào cuối tháng 12-2007, tại các khu công nghiệp chỉ có 52,6% số bếp ăn đạt yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm. Mức định giá cho bữa ăn của công nhân cũng rất rẻ mạt, không đủ tiêu chuẩn dinh dưỡng tối thiểu bảo đảm sức khỏe cho công nhân làm việc. Nhiều doanh nghiệp hiện vẫn đặt suất ăn cho công nhân với mức từ 4.000 đồng đến 5.000 đồng, thậm chí, mức 2.800 đồng - 3.500 đồng/bữa ăn còn tồn tại ở một vài doanh nghiệp, như: Công ty TNHH Keyhinge Toys Việt Nam (Đà Nẵng), Công ty Giày Gia Định (Thành phố Hồ Chí Minh)... Có doanh nghiệp như Công ty Armstrongs (Khu công nghiệp Nội Bài), công nhân phải tự túc bữa ăn trưa với đồng lương vốn đã quá ít ỏi. Đây là nguyên nhân của cuộc đình công diễn ra ở doanh nghiệp này vào ngày 9-6-2008. Nhưng nhìn chung, ở các công ty liên doanh tại khu công nghiệp Nội Bài, khu công nghiệp Thăng Long và một số công ty liên doanh đóng trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc như Honda Việt Nam, Toyota Việt Nam có mức giá cho bữa ăn trưa khá hơn, vào khoảng 10.000 đồng - 12.000 đồng/bữa/người.

2 - Thu nhập quá thấp

Số liệu điều tra cho thấy, chỉ có 23,8% số công nhân có thu nhập trên 1,5 triệu đồng/tháng, còn lại không đạt được mức thu nhập vốn đã quá ít ỏi so với thời giá hiện nay. Mức lương tối thiểu không bảo đảm đủ cho sinh hoạt (chưa nói đến tích lũy), tiền thưởng mỗi dịp lễ, tết quá thấp là những nguyên nhân tiếp theo khiến công nhân bức xúc. Mức lương dưới 1.000.000 đồng/ tháng/ người vẫn còn phổ biến ở nhiều doanh nghiệp.

Theo Thống kê của Bộ Lao động - Thương Binh và xã hội, từ tháng 1-1995 đến tháng 3-2006, cả nước xảy ra 1.171 cuộc đình công, bình quân 98 cuộc/năm. ở Thành phố Hồ Chí Minh, chỉ trong 2 ngày từ 13-2-2006 đến 15-2-2006 đã xảy ra 6 cuộc đình công. Trong năm 2007, xảy ra 541 cuộc đình công ở 24 tỉnh, thành, với hơn 350.000 lượt người tham gia. Địa phương xảy ra nhiều nhất là Bình Dương (216 cuộc), Đồng Nai (123 cuộc), Thành phố Hồ Chí Minh (110 cuộc) và 92 cuộc ở các địa phương khác (1).

Lương tối thiểu giữa khu vực doanh nghiệp trong nước và khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có sự chênh lệch cũng là một bất cập, bởi cùng một ngành nghề, cùng một công việc, cùng mức độ lao động, cùng chung một thị trường giá cả... nhưng chịu hai mức lương khác nhau làm người lao động rất bức xúc, vì sự khác biệt đó ảnh hưởng lớn đến đời sống của họ. Thực tế cho thấy, mức lương công nhân của các công ty liên doanh tại các khu công nghiệp phía Bắc như khu công nghiệp Nội Bài, khu công nghiệp Thăng Long cao hơn các doanh nghiệp phía Nam. Lương khởi điểm cho công nhân ở Công ty Toyota Việt Nam là 2.000.000 đồng/tháng, gấp đôi hoặc gần gấp đôi so với lương công nhân trong các khu công nghiệp khác.

Thu nhập thấp đã gây khó khăn cho công nhân, song còn tồn tại tình trạng lương, thưởng "treo", càng gây nhiều bức xúc. Một số doanh nghiệp thưởng Tết theo kiểu "đánh đố", chỉ phát thưởng cho những người ở lại làm việc đến hết ngày 29 Tết. Đây là một trong những hình thức các doanh nghiệp áp dụng để cắt xén của công nhân. Tiền thưởng Tết đã quá ít ỏi, ở nhiều đơn vị chỉ là 50.000 đồng - 100.000 đồng, một số doanh nghiệp còn "treo" lại ra ngoài Tết mới trả, hoặc còn cắt xén bớt vì những lý do không chính đáng. Công ty cổ phần thủy sản Cafatex (Hậu Giang), thông báo sẽ thưởng Tết cho mỗi công nhân 1 tháng lương, tương đương 700.000 đồng/ người, nhưng ra Tết lại cắt bớt 350.000 với lý do 350.000 đồng còn lại đã thưởng vào dịp lễ 30-4 và 1-5. Công ty TNHH Knit Wear (Khu công nghiệp Hòa Khánh) thông báo thưởng Tết cho mỗi người 60% tháng lương, nhưng chỉ ứng trước 45%; 15% còn lại chỉ dành cho những công nhân đi làm chuyên cần trong 20 ngày đầu tiên của năm mới. Tuy nhiên, cho đến hôm đó, công nhân vẫn chưa nhận được số tiền của 15% còn lại. Hệ quả của những việc làm "tiền hậu bất nhất" này là các cuộc đình công của công nhân. Ngày 30-01-2008, hơn 10.000 công nhân của Cty TNHH Keyhinge Toys Việt Nam (Khu công nghiệp Hòa Khánh, Đà Nẵng) cũng đồng loạt đình công phản đối khoản thưởng Tết quá thấp cùng nhiều quyết định bất cập khác mà lãnh đạo doanh nghiệp này đã áp dụng với họ vào cuối năm...

3 - Chưa xử lý nghiêm các doanh nghiệp vi phạm Bộ luật Lao động Nguyên nhân dẫn đến đình công tiếp tục xảy ra ngày càng tăng còn do nhiều vụ việc vi phạm Bộ luật Lao động nhưng chưa bị xử lý đúng mức với hậu quả gây ra, định mức chế tài chưa đủ để các doanh nghiệp "sợ", phần lớn theo hình thức phạt cho tồn tại. Mức phạt quá ít ỏi so với mức độ thiệt hại và số tiền phải bỏ ra nếu đầu tư phương tiện bảo hộ..., nên xảy ra một nghịch lý là, nhiều doanh nghiệp muốn đóng phạt hơn là đầu tư thiết bị an toàn lao động và chăm lo cuộc sống cho người lao động. Để khắc phục tình trạng này, cần có những biện pháp xử phạt đúng mức, thậm chí, nếu cần thiết, phải đưa ra truy tố, xét xử hình sự những vụ vi phạm Bộ luật Lao động gây hậu quả nghiêm trọng.

Mặt khác, mải thu hút đầu tư, không ít cấp chính quyền không chú trọng thỏa đáng đến quyền lợi của người lao động. Muốn bảo vệ quyền lợi người lao động nhưng không muốn ảnh hưởng đến chính sách thu hút đầu tư. Việc quản lý các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (đang phát triển khá nhanh về số lượng), kiểm soát các doanh nghiệp này hoạt động theo pháp luật còn lỏng lẻo, dẫn đến nhiều điều bất cập. Không ít các doanh nghiệp vi phạm Bộ luật Lao động chưa bị xử lý. Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, tại Bình Dương, 19% số lao động chưa được ký hợp đồng lao động bằng văn bản; con số này ở Bắc Ninh là 65,97%.

4 - Vai trò của công đoàn trong việc bảo vệ quyền lợi cho người lao động còn mờ nhạt

Ở nhiều nơi, tổ chức công đoàn chưa dám đứng ra đàm phán với doanh nghiệp để bảo vệ quyền lợi cho công nhân. Và khi công nhân tổ chức đình công cũng không có sự hướng dẫn của công đoàn. Thực tế cho thấy, hầu hết các cuộc đình công hiện nay đều không có sự lãnh đạo của công đoàn.

Ngày 27-3-2008, công nhân Nhà máy xử lý rác thải và phân vi sinh (huyện Hương Thủy, Thừa Thiên - Huế) đình công vì lương quá thấp (bình quân 760 nghìn đồng/tháng/người), chế độ cấp dưỡng độc hại cho công nhân chỉ có 1 lon sữa cô gái Hà Lan/tháng, tiền thưởng Tết chỉ 20 nghìn đồng/người. Ngày 7-5-2008, công nhân Công ty Ta Shuan (Khu công nghiệp Tân Tạo ở Thành phố Hồ Chí Minh) đình công vì mức lương 931.000 đồng/người/tháng ít hơn mức lương tối thiểu của Nhà nước quy định... Đây chỉ là hai ví dụ trong rất nhiều cuộc đình công đã nổ ra trong nửa đầu năm 2008.

Đa số công nhân chưa có sự am hiểu sâu sắc về pháp luật, trình độ nhận thức còn hạn chế, lại nóng vội, do đó hầu hết các cuộc đình công xảy ra trong thời gian qua đều mang tính tự phát và không theo quy định của pháp luật. Nếu tình trạng này vẫn tiếp tục xảy ra, công nhân có thể không những không đòi được quyền lợi chính đáng cho mình, mà còn phải bồi thường thiệt hại cho doanh nghiệp. Vì vậy, có thể thấy, vai trò của công đoàn cơ sở trong việc đàm phán với doanh nghiệp về những quyền lợi của công nhân là rất cần thiết. Nếu công đoàn đàm phán có hiệu quả với doanh nghiệp về quyền lợi của công nhân sẽ hạn chế tối đa các cuộc đình công. Trong trường hợp phải "nói chuyện" với doanh nghiệp bằng đình công, công đoàn cơ sở phải là tổ chức hướng dẫn công nhân đình công theo trình tự hợp pháp.

5 - Chưa có sự nhìn nhận đúng đắn về sức lao động

Trong nền kinh tế thị trường, sức lao động được xem như một loại hàng hóa, một loại "hàng hóa đặc biệt". Vì vậy, việc mua, bán sức lao động của công nhân phải tuân thủ nguyên tắc thỏa thuận theo giá cả thị trường. Việc các doanh nghiệp trả lương công nhân quá "bèo bọt" là vi phạm nguyên tắc này, tất nảy sinh mâu thuẫn. Khi nguyên tắc này không được bảo đảm, thù lao cho công nhân không xứng đáng với sức lao động họ bỏ ra, công nhân sẽ đình công đòi quyền lợi. Ngược lại, khi người lao động được trả thù lao xứng đáng, quyền lợi của họ được bảo đảm, họ sẽ yên tâm làm việc và như thế, kết quả sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp cũng được bảo đảm. Nếu cả chủ sử dụng lao động và người lao động đều nhận thức đúng đắn điều này, các vấn đề tranh chấp quyền lợi có thể được giải quyết bằng những biện pháp êm thấm hơn mà vẫn đạt hiệu quả. Có thể thấy, việc xây dựng một quan hệ hài hòa giữa người lao động và người sử dụng lao động là một việc làm cần thiết và quan trọng. Bởi hạn chế được đình công sẽ có lợi cho cả "ba bề, bốn bên": công nhân có việc làm và có thu nhập, doanh nghiệp có lợi nhuận và phát triển, xã hội được sự ổn định, bền vững về mọi mặt và Nhà nước thu hút được vốn đầu tư nước ngoài. Nếu tình trạng đình công không được hạn chế, liệu các doanh nghiệp nước ngoài có yên tâm để đầu tư vốn hay không?

Rõ ràng, việc nâng cao đời sống cho người công nhân và giảm bớt mức độ rủi ro cho họ trong lao động một cách đồng bộ và toàn diện là một trong những việc làm thiết yếu nhằm góp phần giải quyết tình trạng quan hệ lao động thông qua đình công hiện nay./.