TCCSĐT - Nông nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh tuy chỉ chiếm gần 1% GDP nhưng lại có vai trò cực kỳ quan trọng, bởi lẽ nó không chỉ bảo đảm an sinh cho gần hai triệu nông dân mà còn bảo đảm cân bằng sinh thái cho cả một vùng đô thị hóa rộng lớn. Do vậy, Thành phố Hồ Chí Minh đã có nhiều chính sách phát triển nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng hiệu quả, bền vững.

Trong những năm gần đây, ngành nông nghiệp Thành phố đã và đang chuyển dịch cơ cấu theo hướng tích cực. Phát triển nông nghiệp gắn với đô thị và phát triển nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp chất lượng cao; ứng dụng những thành tựu, những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đặc biệt là công nghệ sinh học trong sản xuất các loại giống cây trồng, giống vật nuôi.

Ngoài việc chuyển dịch cơ cấu các loại cây, con mới phù hợp với đặc thù của nông nghiệp đô thị, nông nghiệp sinh thái, ngành trồng trọt đã chuyển dịch đúng hướng, giảm diện tích trồng lúa, tăng diện tích trồng hoa, rau an toàn, cỏ chăn nuôi và cây công nghiệp có giá trị cao hàng năm.

Riêng trong năm 2010, các chính sách khuyến khích chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp đã được các cấp, sở, ngành thực hiện nghiêm túc và đem lại hiệu quả cao. tốc độ tăng trưởng của nông nghiệp thành phố đạt 5% (cả nước 2,8%). Đây cũng là mức tăng trưởng bình quân hàng năm trong giai đoạn 2006 - 2010. Giá trị sản xuất nông - lâm - ngư nghiệp trên địa bàn Thành phố đã đạt trên 8.911 tỉ đồng. Tính ra, bình quân mỗi ha sản xuất nông nghiệp ở Thành phố đã đạt giá trị 155 triệu đ/năm, cao gấp đôi so với mức kế hoạch đề ra vào 2010 là 71,5 triệu đ/ha.

Có được mức tăng trưởng như trên là do Thành phố đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng giảm diện tích trồng lúa, tăng diện tích trồng hoa, rau an toàn. Cụ thể, năm 2010 Thành phố có 13.000 héc ta rau màu các loại, tăng 30%, còn diện tích trồng hoa, cây kiểng đạt 1.910 héc ta, tăng 14,5% so với năm 2009. Diện tích trồng cỏ chăn nuôi đạt 3.000 ha, tăng 13,8% và sản lượng đạt 720 ngàn tấn, tăng 34,5%.

Điều đáng chú ý là trong năm qua, trên địa bàn thành phố, tình hình dịch cúm gia cầm, lở mồm long móng được kiểm soát chặt chẽ, không phát sinh dịch bệnh,giúp đàn gia súc Thành phố giữ được mức tăng trưởng ổn định. Năm 2010, tổng đàn heo Thành phố đạt khoảng 343 ngàn con, tăng 11,7% so năm 2009. Tổng đàn trâu bò đạt 109.998 con, riêng đàn bò sữa là 79.800 con (chiếm 62% đàn bò sữa cả nước), tăng 7,3%/năm.

Tổng sản lượng thủy sản năm 2010 của Thành phố là 47.125 tấn, tăng 9,8% so năm 2009. Trong đó, sản lượng nuôi trồng đạt tới 25.125 tấn, tăng 15,8%.

Tôm nước lợ và cá cảnh là những sản phẩm nuôi trồng đáng chú ý nhất. Năm qua, sản lượng tôm của thành phố đạt 11.815 tấn, tăng 25,8% so năm 2009. Số lượng cá cảnh ước đạt 60 triệu con, tăng 7,1%. Trên 7,5 triệu con cá cảnh đã được xuất khẩu với giá trị hơn 6,2 triệu USD. Đàn cá sấu cũng tăng trưởng khá với tổng đàn 170 ngàn con, tăng 6,3% …

Năm 2011, Thành phố sẽ đẩy mạnh phát triển nông nghiệp theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, ổn định và bền vững; tiếp tục thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, cơ cấu cây trồng vật nuôi, thủy sản. phát triển mạnh các loại cây, con và nông sản chủ lực theo hướng công nghệ cao. Mục tiêu đến năm 2015, chăn nuôi sẽ chiếm 39% tổng giá trị sản xuất nông lâm ngư nghiệp của, trồng trọt 25%, thủy sản 19%, dịch vụ 14,8% và lâm nghiệp 1,2%.

Để đạt được mục tiêu trên, sản xuất nông nghiệp của Thành phố vẫn tiếp tục được định hướng chuyển dịch theo hướng giảm mạnh các loại cây trồng, vật nuôi kém hiệu quả chuyển sang những cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao, phục vụ trực tiếp cho nhu cầu người dân Thành phố cũng như xuất khẩu. Về trồng trọt, diện tích gieo trồng lúa cả năm sẽ giảm xuống chỉ còn chừng 16.700 ha. Trong khi diện tích rau sẽ tăng lên 15.000 ha (toàn bộ là rau an toàn), cây hoa kiểng 2.100 ha, cỏ chăn nuôi 3.500 ha, cao su 3.500 ha… mục tiêu đạt giá trị sản xuất bình quân 200 triệu đ/ha/năm vào năm 2015.

Trong chăn nuôi, bò sữa vẫn là con vật nuôi chủ lực và sẽ tiếp tục được định hướng tăng đàn lên 82.100 con vào 2015. Trong khi đàn heo sẽ giảm bớt vài chục ngàn con so với hiện nay. Thủy sản cũng sẽ tăng dần lên thành một trong những ngành sản xuất chủ lực của nông nghiệp thành phố, với tổng sản lượng ước đạt 55.120 tấn vào 2015. Trong đó, thành phố sẽ tập trung vào tăng sản lượng nuôi thủy sản nước ngọt và nước lợ.

Bên cạnh đó, các loài thủy sản mang tích đặc sản hoặc phục vụ nhu cầu giải trí như cá sấu, ba ba, cá cảnh cũng sẽ được coi là những mũi nhọn của thủy sản thành phố bởi vừa có giá trị cao, vừa phù hợp với nông nghiệp đô thị. Theo đó, đàn cá cảnh từ số lượng 60 triệu con trong năm 2010 sẽ tăng gấp đôi vào 2015, cá sấu từ 170 ngàn con tăng lên 195 ngàn con, ba ba từ 150 ngàn con tăng lên 200 ngàn con.

Đồng thời với việc xã hội hóa đầu tư trong lĩnh vực nông, lâm, thủy sản, đặc biệt trong lĩnh vực giống, khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, Thành phố chú trọng ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học công nghệ mới, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ sinh học để chọn, tạo và sản xuất các giống cây trồng sạch bệnh, năng suất cao, sản xuất chế phẩm sinh học phục vụ nông nghiệp.

Mục tiêu của quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp là theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, sản xuất tập trung phù hợp với điều kiện đô thị. Việc chuyển dịch cơ cấu các sản phẩm nông nghiệp tập trung chuyển từ sản xuất sản phẩm hàng hóa sang sản xuất giống cây, giống con để hình thành trung tâm tạo giống. Khuyến khích người nông dân trồng các loại rau an toàn phục vụ cho nhu cầu tiêu thụ trong nước và tập trung cho cây cảnh, cá kiểng phục vụ cho nhu cầu đời sống ngày càng tăng cao vàxuất khẩu.

Để thực hiện được các mục tiêu năm 2011, Thành phố đã đề ra những giải pháp cụ thể, trong đó rất chú trọng việc tổ chức lại hệ thống khuyến nông theo hướng gắn liền người sản xuất - cán bộ khuyến nông - nhà doanh nghiệp, Tăng cường công tác quản lý nhà nước về giống cây trồng, giống vật nuôi, giống thủy sản. Đổi mới các hoạt động khuyến nông, khuyến ngư, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật. Đẩy mạnh cơ giới hóa nông nghiệp cũng như hỗ trợ nông dân thực hiện quy hoạch sản xuất nông, lâm nghiệp và phát triển nông nghiệp đô thị.

Tiếp tục đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật ở nông thôn gồm hệ thống giao thông, thủy lợi và phòng chống, giảm nhẹ thiên tai, đầu tư hạ tầng phục vụ nuôi trồng thủy sản. Nhất là tập trung đầu tư chương trình giống để cung cấp đủ cây giống có năng suất cao, chất lượng tốt. Thực hiện xã hội hóa đầu tư trong lĩnh vực nông, lâm, thủy sản, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất giống, khuyến nông, khuyến ngư, khuyến lâm.

Đẩy nhanh tiến độ đầu tư các công trình, dự án trọng điểm như khu Nông nghiệp công nghệ cao, Trung tâm Công nghệ sinh học, Trung tâm Giao dịch - triển lãm nông sản, Trung tâm Thủy sản Thành phố, các công trình phòng chống lụt bão, xâm nhập mặn, triều cường... Đưa vào khai thác hiệu quả Trung tâm quản lý, kiểm định giống cây trồng, vật nuôi, trạm Kiểm dịch thực vật nội địa.

Việc phòng chống dịch bệnh, vệ sinh an toàn thực phẩm sẽ được triển khai một cách triệt để, trong đó tiếp tục đầu tư, tổ chức thực hiện có hiệu quả chương trình GAP đối với cây rau, nuôi trồng thủy sản theo hướng nông sản sạch, chất lượng cao, chi phí thấp. Phát triển bền vững và tăng cường kiểm soát chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm; kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng hóa chất, thuốc trừ sâu, các chất kháng sinh trong sản xuất, chế biến nông thủy sản.

Đối với nuôi trồng thủy sản, tăng cường công tác quy hoạch, đầu tư cơ sở hạ tầng, áp dụng khoa học công nghệ với phòng chống dịch bệnh, bảo vệ môi trường. Tăng cường hệ thống cảnh báo, dự báo thiên tai và xây dựng đồng bộ hệ thống phòng chống dịch gia súc, gia cầm, nuôi trồng thủy sản.

Chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp gắn với việc xây dựng nông thôn mới. Thúc đẩy việc hình thành các mô hình hợp tác, liên kết giữa các cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp, các trường đại học và viện nghiên cứu với nông dân, gắn kết với các vùng nguyên liệu. Hình thành hệ thống sản xuất giống hợp lý với sự tham gia của các tổ chức và cá nhân thuộc các thành phần kinh tế, gắn nghiên cứu với ứng dụng, chọn giống, tạo giống.

Tạo việc làm ổn định và tăng thu nhập người lao động trong lĩnh vực nông nghiệp, đồng thời cải thiện điều kiện sống, nâng trình độ văn hóa, xây dựng nếp sống mới phù hợp với quá trình đô thị hóa ngày càng mạnh mẽ./.