Nói không với “bắt tay ngầm”

PHONG NHƯ
23:55, ngày 11-11-2022

Vốn là một nghi thức được thực hiện công khai chứa đựng thông điệp tốt đẹp của con người, song hành động bắt tay khi đi kèm với tính từ “ngầm” lại nói đến những cái bắt tay chứa đầy mưu mô, toan tính, vụ lợi. Tình trạng một bộ phận cán bộ, những người có chức, có quyền câu kết với các đối tượng bên ngoài dưới nhiều hình thức khác nhau, tạo thành “nhóm lợi ích” trục lợi chính sách, “rút ruột” tài sản nhà nước phản ánh những cái “bắt tay ngầm” như thế.

Bày tỏ sự phê phán, lên án vấn nạn "bắt tay ngầm"; đồng tình, ủng hộ cuộc chiến chống tham nhũng, chống những cú “bắt tay ngầm” là thái độ, tâm lý chung của người dân, dư luận. Song điều đáng lo ngại, xuất hiện luồng ý kiến bao biện cho những cá nhân thực hiện hành động “bắt tay ngầm”. Họ cho rằng, trong nhiều cú “bắt tay ngầm”, có những cái là bị động. Rằng có người hoàn toàn không biết họ đã và đang thực hiện hành động “bắt tay ngầm”, mà do bị đối phương lợi dụng; hoặc do cơ chế, quy trình, quy định pháp luật chưa rõ ràng, cụ thể, dẫn đến việc họ làm sai; hoặc bị những người có quyền lực cao hơn chỉ đạo, đẩy vào thế khó, buộc phải “bắt tay ngầm”. Nguy hiểm hơn, cách bao biện đó dần dẫn đến tư tưởng coi hành động “bắt tay ngầm” để trục lợi, tham nhũng là bình thường; rằng “do hoàn cảnh xô đẩy”, ai trong hoàn cảnh đó cũng có thể hành động như vậy, bởi “làm nghề nào, ăn nghề ấy”. Từ đó, tác động vào tâm lý, tình cảm của những người xung quanh, khơi gợi sự đồng tình, lòng thương cảm cho những cá nhân sai phạm. Liệu có thể chấp nhận những cách nghĩ như vậy không? Câu trả lời là: Không!

Thứ nhất, một người bình thường luôn có khả năng “thu” và “phát” một cách có chọn lọc các tín hiệu xã hội. Khả năng nhận thức nói chung, khả năng đọc tín hiệu giao tiếp nói riêng của mỗi người chúng ta trong những hoàn cảnh, môi trường cụ thể là đỉnh cao của trí tuệ cảm xúc và kỹ năng xã hội. Theo đó, ở mỗi vị trí nhất định đảm đương, chúng ta đủ trình độ nhận thức được đâu là tín hiệu đúng, đâu là tín hiệu sai; đâu là việc nên làm, đâu là việc phải kiên quyết từ chối.

Thứ hai, nền tảng của một người là hệ thống giá trị của người đó. Tất cả mọi người đều có những giá trị cá nhân định hướng quyết định của mình; định hình, hình thành cách nhìn, mục tiêu, cách sống cuộc sống của chính mình. Do đó, giá trị cơ bản mang lại cho một người sức mạnh để làm điều đúng, ngay cả khi đối mặt với nguy hiểm hay nghịch cảnh, chính là đạo đức của bản thân. Vì vậy, thực hiện những cái bắt tay hợp tác hay phá hoại, vì lợi ích chung hay tư lợi cho cá nhân; cấu kết, đồng lõa tạo ra những cái “bắt tay ngầm”, hay đoàn kết, đồng thuận chống lại nó chính là ở đạo đức, bản lĩnh của mỗi người, không thể tùy tiện đổ lỗi cho hoàn cảnh.

Để chặn đứng những cú “bắt tay ngầm”, cần không ngừng hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật nhằm bịt kín các “lỗ hổng” tạo điều kiện cho những người có chức vụ, quyền hạn lợi dụng để trục lợi. Song, ngay cả khi quy định đủ chặt chẽ, hành vi sai phạm vẫn có thể diễn ra nếu đạo đức xuống cấp, cán bộ bị tha hóa. Vì vậy, ngăn chặn có hiệu quả những cái “bắt tay ngầm”, nói “không” với tham nhũng trước hết phải từ chính ý thức của mỗi cá nhân. Do đó, mỗi cán bộ, đảng viên phải tự răn mình trong quá trình công tác, giữ đúng phẩm chất đạo đức cần có bảo đảm cho các mắt xích trong nền hành chính công không bị yếu đi hay chệch hướng. Trong cuộc đấu tranh với chính mình, cần loại bỏ, cảnh giác với tư tưởng ngụy biện, bao che, cảm thông cho sai phạm. Đồng thời, phải nhận thức rõ hơn về nghĩa vụ, trách nhiệm đối với đất nước, nhân dân; không ngừng nâng cao trình độ, tránh tình trạng ngộ biện trong suy luận; có ý thức tu dưỡng, rèn luyện tư cách, đạo đức để có được bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên định trước mọi nghịch cảnh và cạm bẫy./.