Đối thoại, phản biện, tranh luận một cách dân chủ, công khai, bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau, xưa nay vẫn là con đường ngắn nhất, văn minh và tiến bộ nhất, nhưng vô cùng khó khăn, thậm chí tranh đấu sinh tử để phát hiện sự thật, chân lý và tiếp cận, bảo vệ sự thật và chân lý. Song hành với đối thoại là con người luôn đối diện với… chính mình, tự vấn để hoàn thiện mình, phát triển tư tưởng của mình! Đó là một phần tất yếu cốt tử làm nên bản chất và sinh khí tự nhiên của một tư tưởng, một chủ thuyết phát triển, rộng ra là của tính quy luật và quy luật của cuộc sống xã hội loài người; và, đến lượt mình của chính mỗi người! 

Sự thật, dù bị chôn sâu dưới đất, nói như người Hy Lạp cổ đại, cũng làm cho cỏ cây phải biết nói, huống hồ chân lý, huống chi Con Người! Bởi, đối thoại là khởi nguồn tự nhiên của chính cuộc sống! Đó là tấm gương phản chiếu sức sống xã hội, thước đo của nền dân chủ, của nhân cách, trí tuệ và bản lĩnh Người! Và, tới lượt nó, đối diện với… chính mình lại là nền móng của đối thoại bình đẳng, tôn trọng nhau, cùng tìm đến sự thật, phát hiện và hành động theo chân lý. 

Đối diện với chính mình để làm nên tư chất, nhất là tư thế đối thoại. 

Cả hai cùng tỏa sáng!

*
*     *

Lịch sử phát triển của nhân loại từ xưa nay đều xác tín rằng, người ta có thể hy sinh vì chân lý chứ không chấp nhận sự thật bị thói giả dối phỉ báng và khắc chế, chân lý bị cường quyền hạ nhục và chà đạp! Và, danh dự trước sự thật và chân lý thông qua đối thoại, tranh luận là vô giá, thiêng liêng và cần được tôn trọng vô điều kiện! Đó là cái căn bản làm nên vị thế và sức mạnh dẫn dắt của tư tưởng, vai trò mở đường của tư tưởng, của lý luận. Làm trái đi là bôi nhọ sự thật, hạ nhục chân lý và rốt cuộc tư tưởng, lý luận tự hạ nhục chính mình! Và, như thế, nhất định mọi tư tưởng, mọi lý luận bị xâm phạm và xã hội không thể tránh khỏi bạc nhược, lạc đường và thất bại! Tới lượt mình, mỗi cá nhân tất tự bại vong trong đối thoại, nếu thiếu đối diện… với chính mình! Vì nó không chỉ đòi hỏi từ nhu cầu mỗi người mà rộng ra là đối với mọi thể chế. Làm trái đi, thì vô luận, bất cứ một tư tưởng nào, một lý luận của nền chính trị nào cũng nhất định tự chuốc lấy sự bạc nhược, thậm chí què quặt, bại vong; và tới mỗi cá nhân, cũng tự đánh mất mình. Tất cả được báo trước, một cách cũng tự nhiên! 

Không có đối thoại, tranh luận sẽ không hình thành gương mặt tư tưởng và tư tưởng tỏa sáng, dù là mỗi cá nhân. Và, khi dân tộc không có tư tưởng riêng thì không thể có được một sự phát triển nào xứng đáng cả. Những tư tưởng gia, lý luận gia làm nên nền tư tưởng, lý luận! Đối thoại là động lực căn bản phát triển tư tưởng, lý luận và sự trưởng thành của mỗi dân tộc chân chính; thước đo gương mặt tư tưởng của mỗi nhân cách tư tưởng khả sỉ. Tự đối diện với… chính mình để chuẩn bị, để tu chính mình, nhằm đối thoại và khẳng định mình, phát triển tư tưởng cá nhân, xã hội và phát triển cuộc sống. 

Ông cha ta trải đã bao đời, vì thế, cố gắng nâng niu và bảo vệ vô điều kiện sự thật, thậm chí hy sinh tới giọt máu cuối cùng vì lẽ phải và chân lý. Bao nhiêu gương mặt tư tưởng tiền nhân và hôm nay đối thoại và luôn đối diện với… chính mình đã góp phần làm nên gương mặt tư tưởng quốc gia, kiến tạo và phát triển vị thế và sức mạnh Việt Nam ta độc lập, đang làm nền móng cho nền tư tưởng nước nhà phát triển một cách dân chủ, pháp quyền, tự do và bền vững. Vì, đó là con đường chân chính để các tư tưởng gia, lý luận gia xuất hiện và dân tộc tự mình làm giàu thêm lương tri, trí tuệ và nhân văn trong đại cuộc bảo vệ mình, đất nước trở nên hùng mạnh, bất khuất và góp phần phát triển tư tưởng loài người một cách đa dạng nhưng thống nhất.

Đó chính là lối đi để mỗi người tự khẳng định tư tưởng, cốt cách và bản lĩnh cá nhân mình, lương tâm và hành động của mình, sẵn sàng đối thoại, vì đồng bào, vì Tổ quốc và nhân quần!

*
*      * 

Cổ nhân nói: Khởi thủy là hành động.

Hành động lúc này, là lắng nghe, cần trải lòng mình để lắng nghe và thấu hiểu, biết tự mình đối diện với… chính mình, để cầu thị đối thoại! Vì, không gì tệ hại bằng bệnh giả điếc không muốn nghe. Cả năm, thậm chí nửa nhiệm kỳ, có vị đại biểu dân cử lánh, thậm chí trốn không gặp dân. Điều đó còn xấu xa hơn tệ vô cảm, lãnh cảm, ghê sợ hơn cả thói vô lương tâm. Vì sao có lắm người thờ ơ, ngoảnh mặt trước tiếng oán thán của đồng bào lúc đau khổ, không ít kẻ cam tâm nghểnh ngảng trước tiếng gọi thao thiết của vận mệnh núi sông khi lâm nguy, lắm kẻ lại bịt tai cố tình không thấy lời khẩn cứu ở vào bước ngoặt sống chết của muôn dặm sơn hà xã tắc… trong khi họ chỉ nhăm nhăm cố giữ quyền lực và vơ vét kim tiền? Họ có bao giờ đối diện với… chính mình và tự vấn mình không? Nếu có, sao chửa thấy họ xấu hổ, khi lên mặt rao giảng về đạo lý trên đời? Họ tự mình bịt mắt bịt tai, giả đò mù điếc. Người xưa nói, nếu không biết xấu hổ thì không thể thành Người được. Họ có thể dối được một người, thậm thụt với trăm người, chứ không thể dối được và dám đối thoại với muôn dân! Thế thì liêm sỉ để đâu, lại còn dám lên mặt dạy dỗ đồng bào, muối mặt thao thao tán hão về vận nước, lòng dân được nữa! 

Thân phận, tính cách như thế liệu ai gần và gần được những ai mà đối thoại? 

Hành động lúc này, tự mình là rèn rũa, thái độ khiêm cung, giữ vững và tỏa rộng cái khí chất của mình, trước hết là chính khí, cốt khí, linh khí trước và trong đối thoại để kiếm tìm sự thật, kỳ vọng chân lý! 

Chính khí ấy là sự cương trực khi đối thoại. Lịch sử xác tín rằng, các bậc tiên hiền do tính tình cương trực, chính nghĩa, nhân nghĩa và đạo đức, khi chúng hợp lại, có thể lấp đầy khắp trời và đất, khiến cho ma quỷ phải nể sợ mà tránh xa. Cổ nhân nói: Hạo nhiên chính khí thiên địa vĩnh tồn, là như thế! Huống chi ở đây là đối thoại! Bao người dối trên lừa dưới, bao kẻ nay phải mai trái, gió chiều nào che chiều ấy, cốt giữ thân mình lại dám khua môi múa mép cả gan luận bàn về nghĩa sĩ, trung thần. Họ có đối diện với… chính mình và tự vấn mình không? Nếu có thì vì sao mà bao người cong queo, dối trá, hèn nhát lại dám vênh mặt tự cho mình là ngay ngắn, trung trực, tận tâm vì dân, xả thân vì nước(!)? Vì sao lắm kẻ lẻo mép cao giọng về những chuyện “trung ngôn”, trung trực, nhưng lại dấm dúi dập vùi bao lời nói thật nhưng “nghịch nhĩ” họ? Họ im lặng đã đành, nhưng thử hỏi, họ giữ cương quyền ấy mà như thế thì người tốt còn trông cậy họ vào đâu được nữa!?

Thân danh méo mó, tính cách lươn lẹo, công nghiệp tẻo teo như thế, nếu có còn tí nào liêm sỉ, mà dám ngẩng mặt, thế thì đối thoại vào đâu được nữa! 

Cốt khí ấy là sự bất khuất trong đối thoại. Rằng, “phú quý bất năng dâm, bần tiện bất năng di, uy vũ bất năng khuất”, tức giàu sang mà không hoang dâm, nghèo hèn mà không đổi chí khí, gặp quyền thế không chịu khuất phục. Có được như thế thì không gì có thể cản được; người không có cốt khí thì khó được an nhiên. Bao tấm gương các bậc sứ thần tiên liệt nước nhà còn đó, dù tan xương nát thịt không sợ, chỉ mong quốc thể quyết không bị làm nhục, trước bất kỳ ai, chẳng đã làm cho lắm kẻ khiếp nhược, trời đất nhân gian còn cảm động đến tận bây giờ đó sao. Huống chi ở đây là đối thoại. Họ có biết không và đối diện với… chính mình không? Vì thế mà bao người hèn hạ rắp mưu “ngậm máu phun người”, “đâm bị thóc, chọc bị gạo” mà không biết nhục trước nhẽ thường “Quân tử tuyệt giao ố ngôn bất xuất” (Người quân tử không bao giờ gặp nữa thì đừng nói lời đáng cười); bao kẻ “miệng nam mô” lại lăm le đi nẻo tăm tối chiếm những chốn “Niết bàn” vì ngập mắt vì xôi oản, thủ sẵn “một bồ dao găm” mà toan chà đạp lên cả giáo lý thiêng liêng, thậm chí cả những bậc đức cao vọng trọng(!). Chữ Lễ, trong họ, phỏng đã chết rồi, nói gì chữ Dũng! Người ta có thể bôi nhọ thân xác chứ không bôi nhọ được tư tưởng! Đối thoại đã bị bóp chết trong tay họ. 

Hình hài xộc xệch, cốt cách chẳng định, hành xử lại vô nhân vô pháp thế, thử hỏi ai trong số ấy còn hồn còn vía để cả gan dám đối thoại với ai đây?!

Linh khí ấy là sự thông hiểu khi đối thoại. Tự rèn cho mình cái đức có thể thấy điều người khác chửa thấy, có thể nghĩ được điều người khác chửa kịp nghĩ, biết được điều mà người khác còn chửa biết. Đối với việc, thì thấu lý đạt tình, đối với người thì đối đãi trân trọng, ý hợp tâm đầu. Nếu được như thế thì ngõ hầu bất kể cuộc đối thoại nào, dù là với ai, đều làm chủ, thì tất chẳng không lạ! Thế sao bao kẻ thân mang tiếng chữ nghĩa, nhưng kỳ thực chỉ giỏi “đạo văn” lừa đời, đường đi thì chỉ toàn những “cửa sau” lén lút, lại dương dương tự đắc cho mình là giỏi giang “là một, là riêng”(!), bản lĩnh trường văn trận bút “là thứ nhất”(!), rồi xem gầm trời “mục hạ vô nhân” nhưng nguyên vẹn là những tay “đạo văn”, “đạo vị” (ăn trộm chức vụ)(!)? Vì thế, mà bao người trộm cắp được cái “ghế” làm phách với thiên hạ nhưng tính khí thất thường, “yêu nên bụt, ghét ra ma”, đại ngôn huênh hoang hợm hĩnh “một tấc tới giời” để che giấu cái sở học từ chương, sơ thiển, cộng thêm cái bản tính “bán giời không văn tự”, cái thói ỷ thế “con ông cháu cha” nên việc kia cắt đặt thì đụng đâu tan đấy, hành xử thì khiếm lễ, vô luân khiến người tốt tới mấy cũng lắc đầu, hiền sĩ ngậm miệng rũ áo bỏ đi, không thèm ngoái cổ. Sao họ cố mà chửa thấy cái điều, rằng “nhân nào quả nấy”; rằng “oan có đầu nợ có chủ”, rằng “gieo gió tất gặt bão”? Họ có tự vấn mình không? 

Đức vốn mỏng, lại vô liêm vô sỉ như thế, tai họa phát tác từ ngôi cao trộm được, nếu giữ được toàn mạng là may, thì liệu có còn có gan mà đòi phách lối, đối thoại với người?! 

Hành động lúc này là mài sắc dũng khí, cao hơn là giữ lấy hào khí đối thoại. Có thể sẵn sàng với mọi việc, cởi mở, tôn trọng với mọi người cần đối thoại, cầm lên được thì bỏ xuống được, không câu nệ tiểu tiết, càng không thể nhụt chí trên đường tiến về phía sự thật, chân lý, dù thế nào cũng không thể suy xuyển khí chất hào sảng của mình. Đối thoại gì hay đối thoại với ai cũng chân thành và khiêm cung! Thế mà bao kẻ trước gian nguy thì “miệng hùm gan sứa”, “ngậm miệng ăn tiền”, trước sự xấu xa thì “bưng tai bịt mắt”, “sống chết mặc bay”, trước người hiền thì giở giọng tỵ hiềm, “vu oan giá họa”, “đan giậm giật giàm”, xúc xiểm sau lưng,… Họ có tự mình đối diện… với chính mình không? Lúc đương giữ chức quyền thì thủ thế “mũ ni che tai”, giữ miếng “im lặng là vàng”, lén lút “sân trước sân sau”, “nhất hậu duệ, nhì tiền tệ…” nhưng khi quốc gia gặp biến, lại đóng chặt cửa, núp trong nhà mình mà tụng ca ẩn sĩ tề gia:“Anh hùng khứ quốc bất thuyết kỳ danh” (Anh hùng đi khỏi nước không bàn chuyện công danh), đau đáu trông nom gia sản, nơm nớp ôm mớ kim tiền cuỗm từ quốc khố, ra vẻ làm người ngay ngắn mà không biết cái quả báo nhãn tiền gõ cửa. Chỉ đáng những “anh hùng rơm”, những “mảnh gương tày liếp”… thì ai dám tin, ai dám soi vào được nữa! 

Hình như sên ốc, lòng như nọc rắn, tham lam vô sỉ tới mức vô đạo vô thiên như thế, nếu sự xấu hổ có thể làm chết con người, thì thử hỏi họ còn đâu thân xác để mà mở miệng đối thoại trên đời được nữa?! 

*
*    *

Tất cả điều đó mới chỉ là nhẽ cần, quyết chưa là điều đủ. Vì, khi đối thoại, chỉ đối diện với người khác, với vạn sự, ấy mới chỉ là một nửa, dù thành kính lắng nghe, tôn trọng nhau, dù nỗ lực biết bao nhiêu, trong đối thoại hay hóa giải, dù hào khí, chính khí hay linh khí kia, đều đã có thừa. Nhưng, sao chưa toại?

Khởi thủy là hành động!

Phải chăng, hành động lúc này, cái quyết định đối thoại thành công cũng là cái khó nhất nhưng thường khi bị xem khinh là, đối diện với… chính mình!? Vả chăng, xưa nay, thành bại của cổ nhân và không ít người bây giờ, lại nằm ở chính chỗ yếu chí tử này. Đúng. Đức Phật nói: Chiến thắng vĩ đại nhất của con người là chiến thắng chính mình. Thân kia chưa tu sao lăm le đòi khiển nhân, trị quốc? Kiêu ngạo hay tự ti thì đã tự mình chuốc lấy thất bại một nửa rồi! Núi cao thường giấu ngọn, bông lúa chín thường cúi đầu, hồ sâu thường lặng sóng, hành động là tiếng nói mạnh hơn tất cả. Đó là tuyệt đỉnh của đối thoại, của tự mình đối diện… với chính mình! 

Chỉ có tự mình biết làm muối mới mong ướp mặn được người khác! 

Vì thế, trước mỗi người, mỗi việc, thì thường trực phải nghiêm cẩn tự xét mình, nghiêm cách đối diện… với chính mình, tự mình sang sửa muôn điều, nhưng thiển nghĩ cốt giữ lấy năm nhẽ sơ giản: Một- Những gì đi từ trái tim mình tự chúng sẽ đi con đường ngắn nhất tới những trái tim người; Hai- Biết thì thưa thốt, không biết thì dựa cột mà nghe; Ba - Biết thì nói là biết, không biết thì nói là không biết, vậy mới thật là biết; Bốn - Khiêm cung, tự trọng, bể dù sâu, núi dù cao mấy, cũng qua; Năm - Biết mình biết người mọi sự tất thành! 

Thiển nghĩ, được như thế, thì sao dung mạo chẳng từ trên xuống dưới, thần thái kể từ trong ra ngoài đều toát ra cái khí chất của người hòa thuận, hòa ái, hảo tâm nhưng chứa đầy khí phách, dám làm dám chịu, cương nhu hợp các, tự tôn mà không kiêu ngạo, không thể bị trộn lẫn, lại thật sự hào sảng, hành vi thì khiêm cung, ung dung tự tại mà không phải yếm thế, thúc thủ, thì người đối diện làm sao mà không kính nể, trân trọng cho được. Ấy chính là đại khí vậy!

Đối diện nghiêm cách với… chính mình không chỉ tạo nên vị thế của mình, để đối thoại thành công, mà hóa giải vạn sự khó khăn sẽ nhẹ hơn cả “nửa lông hồng”, thậm chí bất thuyết tự nhiên thành! 

Trái thế, tất bại!