Bôi mỡ để kiến đốt

Đức Tâm
20:18, ngày 23-10-2017

TCCSĐT - Trên chuyến xe buýt từ thị trấn Xuân Mai về Hà Đông (Hà Nội) cùng với anh bạn, chúng tôi nghe được hai nữ phụ huynh ngồi cạnh nhau ở hàng ghế trên trò chuyện rôm rả về giáo dục. Họ tâm đắc với những phân tích và phản ứng về hiện tượng lạm thu các khoản xã hội hóa đầu năm học mới. Cái lý của họ khiến tôi và anh bạn đi cùng, nguyên là một hiệu trưởng một trường THCS đã chuyển ngành, lặng người.

Phụ huynh thứ nhất ước chừng chưa đến 40 tuổi mở đầu câu chuyện bằng câu nói hết sức băn khoăn. Chị mệt mỏi với các chi phí cho việc học tập của các con. Đầu năm học mới đã phải chi tới gần 15 triệu đồng để mua sách vở, đồ dùng học tập, đồng phục và đóng học phí rồi các khoản thu cho hai cháu. Chị than thở, sự học ngày nay tốn kém quá mà chưa biết các con có làm lên cơm cháo gì trong tương lai không?

Phụ huynh thứ hai già hơn một chút cũng chia sẻ: “Dư luận phản ánh, lạm thu trong giáo dục chẳng khác nào việc đi mua chữ. Nếu được nói, được đề xuất, tôi sẽ đề xuất bỏ đào tạo ngành tài chính, ngân hàng ở bậc đại học và lấy giáo viên các cấp về làm thay thì có lẽ lại đỡ tốn kém, có lợi hơn”.

Chắc vì hai vị “hàng xóm” bất đắc dĩ động đến tự trọng nghề nghiệp, nên anh bạn tôi vội rướn cổ lên phía trước góp chuyện bằng cách phản đối:

- Các bà này hay thật, sư phạm là nghề cao quý, là nghề dạy học làm người sao lại chuyển họ đi làm ngành tài chính, ngân hàng?

Chị phụ huynh vừa nói quay xuống rỉ rả, trông bác ăn vận đẹp đẽ, khuôn mặt sáng sủa chắc phải là trí thức. Vậy, em phân tích mà có gì không phải thì mong bác bỏ quá cho nhé. Bác thấy đấy, giáo dục của ta thừa giáo viên. Sinh viên tốt nghiệp ngành giáo dục của ta không có việc làm, phải đi làm công nhân có khổ không?

Nói xong, chị ta lôi ra một chiếc điện thoại. Sau khi khởi động máy, chị lại quay xuống, mặt hướng về phía anh bạn tôi tiếp tục giải trình.

- Bác xem này, Quyết định số 732/QĐ- TTg ngày 29-04-2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục phổ thông giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2025”, nêu rõ, từ năm 2016 đến năm 2020, chỉ tiêu đào tạo toàn ngành giáo dục là 190.000 giáo viên. Trong khi đó, từ năm 2014 đến 2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đào tạo 267.000 người, vượt so với đề án tới 77.000 người. Vậy từ năm 2019 đến 2025, ngành giáo dục có đào tạo thêm giáo viên nữa không? Nếu đào tạo thì số thừa sẽ chuyển đi đâu, làm việc gì? Xin thưa với bác, nguồn tin trên là chính thống đấy chứ không phải tin từ báo lá cải đâu.

- Thế thì có liên quan gì đến việc chuyển giáo viên sang ngành tài chính, kế toán.

Chị phụ huynh thứ hai cười đắc ý và nói với chị kia: “Chắc bác này không có con cháu đi học nên không hiểu”. Dừng một lúc chị ta quay xuống ông bạn tôi tiếp lời:

- Bác không thấy đấy à, học sinh đi học phải cõng đủ các loại phí được bóc tách từ nhiều việc khác nhau. Nào là quỹ đội, nào là quỹ xây dựng, tiền nước, vệ sinh, tiền mô hình học 2 buổi trên ngày, tiền chăm sóc bán trú... Chỉ đơn cử như tiền phí dịch vụ sổ liên lạc điện tử thôi đã nhiều giá khác nhau. Trường thì thu 135.000 đồng/năm học, trường thì thu 180.000 đồng/năm học. Chị dẫn chứng, với giá 180.000 đồng, riêng một trường tiểu học ở phường của chị có hơn 1.000 học sinh thì số tiền ấy đã hơn 180 triệu đồng. Tính ra, nếu giáo viên gửi trung bình 2 tin nhắn/tuần thì mỗi tin ước tốn khoảng 3.000 đồng. Đấy, bác xem, dịch vụ ấy đắt gấp 6 lần tin nhắn dịch vụ điện thoại mà các nhà mạng cung cấp trên thị trường trong khi bản chất của 2 cái này có khác nhau đâu? Thử hỏi, giá trị của sổ liên lạc điện tử có tương xứng với tiền phụ huynh bỏ ra không? Vậy, giáo viên đào tạo thừa không xin được việc làm sẽ chuyển đi đâu cho hợp lý? Nên chị bạn tôi nói cho họ đi làm tài chính, kế toán là lợi nhất. Đó là ý tưởng tuyệt vời đấy bác ạ!

Thấy khuôn mặt anh bạn tôi ngơ ngác, chị phụ huynh lại bồi thêm.

- Bác chưa tin à? Em ví dụ thêm cho bác thấy nhé. Đơn cử như cái việc ăn bán trú của các con ở trường cũng là một vấn đề khiến nhiều phụ huynh lo lắng. Chị dẫn chứng, cả 5 năm con chị theo học ở trường tiểu học và qua tới 5 cô giáo chủ nhiệm, nhưng chẳng bao giờ chị được nghe các giáo viên phổ biến chi tiết về cách tổ chức ăn bán trú thế nào, nhà cung cấp dịch vụ ở đâu, chất lượng ra sao, có bảo đảm an toàn thực phẩm hay không? Chị phân trần, giá kể điều kiện công việc, gia đình cho phép, chị sẽ đưa đón con cả buổi trưa để cho con được ăn cơm ở nhà mới yên tâm.

Câu chuyện của hai phụ huynh trên chuyến xe buýt này khiến tôi không thể không phân vân về ngành giáo dục hiện nay, nhất là cách làm việc tại các trường học bậc tiểu học, THCS và THPT. Thiết nghĩ, hằng năm các trường đều được cấp kinh phí hoạt động, trong đó có cả kinh phí sửa chữa công trình xây dựng, kinh phí xây mới và mua sắm thiết bị đồ dùng học tập cũng như nhiều loại kinh phí khác. Nếu các trường cứ bóc tách, tự vẽ và tự đẻ ra các loại kinh phí khác nhau thì người khổ nhất chính là các phụ huynh. Rõ ràng là, nền giáo dục công lập với những ưu việt từ sự đầu tư của nhà nước đang bị bóp méo, bị lợi dụng để trở thành nơi thu tiền. Quả thật, nếu nói như hai chị phụ huynh kia thì cũng có lý, cho con đi học chẳng khác nào đi mua chữ.

Trên đường trở về nhà, anh bạn tôi ngao ngán, giá kể bây giờ mà còn làm hiệu trưởng thì cũng xin nghỉ hưu sớm vì không chịu được sức ép dư luận. Bạn tôi bảo, cách làm ở các trường hiện nay là dân chủ nửa vời, dân chủ chưa tới nơi và cần phải xem xét lại. Anh phân tích, dân chủ ở các trường không phải chỉ là việc thông báo đến phụ huynh nội dung về khoản thu nào đó để ký vào biên bản rồi nộp tiền là xong. Nếu xét dưới khía cạnh cung cấp dịch vụ thì rõ ràng sự phân tích của hai phụ huynh nói ở trên là hoàn toàn có lý.

Thiết nghĩ, cha mẹ vốn là người đại diện hợp pháp cho học sinh trước pháp luật. Họ có nghĩa vụ, trách nhiệm lo cho con cái được hưởng những gì tốt nhất trong điều kiện và khả năng có thể. Trong những năm qua, rất hoan nghênh các trường học đã có nhiều cải tiến, chăm lo cho học sinh để có các điều kiện học tập, rèn luyện, phát triển trí tuệ, nhân cách tốt hơn, trở thành công dân có ích trong tương lai. Tuy nhiên, quá trình thực hiện, nhất là trong các khoản thu xã hội hóa, các trường cũng cần triệt để thực hiện dân chủ, đưa ra nhiều thông tin trung thực để định hướng, thuyết phục phụ huynh, tạo điều kiện để phụ huynh được kiểm tra, giám sát cho thỏa đáng. Xin đừng giấu phụ huynh thông tin, bởi đó chính là việc làm tự bôi mỡ vào người cho kiến đốt./.