Nguồn nhân lực trong thúc đẩy các động lực tăng trưởng của Thủ đô Hà Nội
TCCS - Nguồn nhân lực là một bộ phận quan trọng của nguồn lực phát triển, đó là yếu tố đầu vào không thể thiếu được của quá trình sản xuất. Chất lượng nguồn nhân lực được xem là yếu tố đặc biệt quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng cao chất lượng sống của người dân.
Vài nét tổng quan nguồn nhân lực của Hà Nội
Thành phố Hà Nội là địa phương có tốc độ tăng dân số cao so với cả nước. Dân số và quy mô dân số đứng thứ hai cả nước chỉ sau Thành phố Hồ Chí Minh. Theo Tổng cục Thống kê, ước tính đến năm 2021 dân số Hà Nội đạt khoảng 8.330.800 người, tốc độ tăng trung bình 2,2%/năm, mật độ dân số trung bình khoảng 2.480 người/km2. Với tốc độ gia tăng và mật độ dân số như vậy, Hà Nội phải chịu sức ép lớn của tình trạng gia tăng dân số cơ học. Ngoài ra, tỷ lệ tham gia lực lượng lao động của Hà Nội mới đạt 64,6%, thấp hơn đáng kể so với tỷ lệ chung của cả nước. Nguyên nhân là do Hà Nội tập trung nhiều trường cao đẳng, đại học, trung tâm dạy nghề nên thu hút một lượng lớn dân số trong độ tuổi lao động tới cư trú với mục đích học tập nhiều hơn là tham gia vào thị trường lao động. Đồng thời, một bộ phận không nhỏ dân số đang sinh sống tại Hà Nội thuộc đối tượng nghỉ hưu hoặc có xu hướng ở nhà làm việc nội trợ thay vì tham gia làm việc tạo thu nhập.
Bên cạnh những hạn chế về nguồn nhân lực thì Hà Nội cũng có những thuận lợi, như: tỷ lệ dân số từ 15 tuổi trở lên biết đọc, biết viết đạt 99,2%; có 97,2% dân số trong độ tuổi đi học phổ thông hiện đang đến trường, đây là tỷ lệ cao nhất cả nước. Điều này cho thấy nguồn nhân lực qua đào tạo của Hà Nội chiếm tỷ lệ khá cao. Cơ cấu lao động có sự chuyển dịch mạnh mẽ, phù hợp với sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại gắn với phát triển kinh tế tri thức. Giai đoạn 2019 - 2021, lực lượng lao động trong ngành nông, lâm, ngư nghiệp giảm mạnh, chỉ còn 16,4%, lao động trong ngành dịch vụ tăng 16%. Điều này cho thấy chủ trương, chính sách của thành phố được thực hiện có hiệu quả cao, giúp cho quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa.
Qua thực trạng nguồn nhân lực thành phố Hà Nội có thể rút ra một số nhận xét như sau:
Một là, tốc độ gia tăng dân số đáp ứng yêu cầu cung cấp nguồn nhân lực phục vụ cho quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của thành phố.
Hai là, cơ cấu nguồn nhân lực phù hợp, số lượng lao động có trình độ ngày càng được nâng cao, trình độ chuyên môn, kỹ thuật tiếp tục được cải thiện.
Ba là, việc đào tạo và nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực được chú trọng và ngày càng đi vào thực chất. Hình thức đào tạo phong phú, các khóa đào tạo ngắn hạn, dài hạn được bổ sung nhằm đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động.
Bên cạnh đó, nguồn nhân lực của Hà Nội cũng còn những hạn chế sau:
Một là, cơ cấu nguồn nhân lực mặc dù chuyển dịch theo hướng tích cực, nhưng tỷ lệ lao động trong khu vực nông nghiệp vẫn còn cao, còn tình trạng mất cân đối giữa các bậc đào tạo đại học, trung cấp, công nhân kỹ thuật dẫn đến thiếu hụt đội ngũ lao động lành nghề.
Hai là, thị trường lao động Hà Nội vẫn đang mất cân đối giữa cung - cầu lao động. Lao động chất lượng cao còn thiếu và yếu cả về trình độ ngoại ngữ, kỹ năng làm việc nhóm, tính kỷ luật lao động.
Ba là, công tác bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho lao động còn dàn trải, chưa thường xuyên. Nội dung đào tạo còn mang tính hình thức, chung chung, chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động.
Nguyên nhân của những hạn chế về phát triển nguồn nhân lực chủ yếu là do:
Một là, sự phát triển hệ thống giáo dục, đào tạo và dạy nghề của thành phố chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Hai là, chính sách thu hút, sử dụng và chế độ đãi ngộ đối với nguồn nhân lực chất lượng cao chưa hấp dẫn. Tình trạng vừa thừa vừa thiếu còn phổ biến, trong đó phổ biến là tình trạng thiếu những lao động lành nghề, trình độ cao. Tình trạng đào tạo chưa trúng đích khiến cho lượng lớn lao động dôi dư.
Ba là, tốc độ di dân và tăng dân số diễn ra nhanh cũng làm cho áp lực về giải quyết việc làm và cải thiện chất lượng sống người lao động gặp nhiều khó khăn, bất cập.
Một số khuyến nghị nâng cao chất lượng nguồn nhân lực
Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh” là một trong 8 chương trình lớn của Thủ đô nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XVI. Đây là chủ trương đúng đắn của Hà Nội để trở thành địa phương tiêu biểu về lối sống và phong cách ứng xử văn hóa, xứng tầm với vị thế là Thủ đô của đất nước. Những chủ trương, chính sách của thành phố về văn hóa và con người đã đi vào thực tiễn cuộc sống với những cách làm sáng tạo, hiệu quả và phù hợp, tạo động lực quan trọng trong tiến trình phát triển. Trong đó, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa được xem là một trong những yêu cầu cấp thiết. Bên cạnh đó, với mục tiêu đưa Hà Nội trở thành trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, nhằm thực hiện Chương trình số 07/CTr/TU, về “Đẩy mạnh phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2021 - 2025”, Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hà Nội chủ trì triển khai 2 nội dung mục tiêu: Năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) đóng góp trên 50% vào tăng trưởng tổng sản phẩm (GRDP); tốc độ tăng năng suất lao động đạt 7-7,5%. Vì vậy thời gian tới Hà Nội cần tập trung làm tốt những nhiệm vụ sau:
Thứ nhất, về giải pháp thể chế tạo lập và sử dụng nguồn lực, trong điều kiện kinh tế thị trường hiện đại, các hoạt động xây dựng bản sắc vốn không sinh ra lợi nhuận trực tiếp, vì vậy đòi hỏi nguồn lực đầu tư lớn. Vì vậy, việc thúc đẩy phát triển kinh tế thông minh, tạo lập hệ thống cấu trúc sản xuất bền vững và xanh hóa, tuần hoàn hóa, dịch vụ chất lượng cao thay thế dần cho dịch vụ vỉa hè giá trị thấp cần đi liền với cách thức phân bổ nguồn lực có trọng tâm, trọng điểm và hợp lý.
Thứ hai, sử dụng nguồn lực con người hiệu quả. Trong các nguồn lực về con người, đất đai, nguồn vốn… thì nguồn lực con người đóng vai trò quyết định đến sự thành công. Chính vì vậy, mọi nguồn lực đều phải được tiết kiệm và sử dụng đúng mục đích, hiệu quả cao, phát huy tác dụng đối với xã hội. Trong đó, cần tránh việc sử dụng nguồn lực kém hiệu quả, thực hiện việc kết hợp nguyên tắc thị trường với vai trò của đội ngũ tinh hoa Thủ đô là giải pháp có tính chất căn bản để sử dụng hợp lý, hiệu quả nguồn lực cho sự phát triển kinh tế cũng như giữ gìn bản sắc.
Thứ ba, tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao thông qua một số giải pháp sau: 1- Phát triển hệ thống trường học chất lượng cao, trường học thông minh; 2- Tích cực đổi mới mạnh mẽ nội dung, chương trình, khung chương trình đào tạo và phương pháp dạy và học ở tất cả các cấp học theo hướng phát huy tư duy sáng tạo, tăng thời lượng thực hành, áp dụng các tiến bộ, thành tựu khoa học; 3- Thực hiện giáo dục, đào tạo, dạy nghề phải gắn với doanh nghiệp và nhu cầu sử dụng nhân lực của thị trường lao động.
Thứ tư, xây dựng và hoàn thiện hệ thống các văn bản luật, dưới luật của Thủ đô về phát triển nguồn nhân lực phù hợp với thực tiễn và trình độ phát triển, hoàn thiện bộ máy quản lý phát triển nguồn nhân lực, tiếp tục đổi mới phương pháp quản lý, nâng cao năng lực, hiệu lực và hiệu quả hoạt động bộ máy quản lý về phát triển nguồn nhân lực. Bên cạnh đó, thành phố cần có cơ chế, chính sách đãi ngộ hợp lý, tạo môi trường, điều kiện thuận lợi thu hút các nhà giáo, nhà khoa học đầu ngành trong và ngoài nước tham gia vào quá trình đào tạo nguồn nhân lực, nghiên cứu khoa học - công nghệ.
Thứ năm, xây dựng và phát triển hệ sinh thái học tập sáng tạo, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; thu hút, trọng dụng nhân tài trong nước và ngoài nước, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập kinh tế quốc tế. Xây dựng cơ chế thúc đẩy khả năng sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của đội ngũ nhân lực trẻ nhằm tạo ra không gian sáng tạo và thu hút đội ngũ nhân tài tham gia vào công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước./.
Một vài suy ngẫm về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam và Hà Nội trong bối cảnh hiện nay  (08/10/2023)
Đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, đảng viên đủ phẩm chất, năng lực, đáp ứng yêu cầu xây dựng Đảng bộ thành phố Hà Nội trong sạch, vững mạnh  (08/10/2023)
Hoàn thiện thể chế phát triển văn hóa nhằm nâng cao năng lực nội tại của Thủ đô Hà Nội  (07/10/2023)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển