Quan hệ Việt Nam - Iran: Năm mươi năm xây dựng và phát triển
TCCS - Việt Nam và Iran chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao vào ngày 4-8-1973. Trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử, mối quan hệ truyền thống, hữu nghị giữa hai nước ngày càng phát triển mạnh mẽ, bền chặt với những thành tựu quan trọng.
Từ quá khứ đến hiện tại
Mối quan hệ truyền thống, hữu nghị giữa Việt Nam và Iran hiện nay có sự tiếp nối từ lịch sử giao thương và giao lưu văn hóa giữa hai nước trong quá khứ. Từ rất sớm, những nền móng đầu tiên trong quan hệ giữa Vương quốc Ba Tư và nước Đại Việt đã được hình thành. Khi nghiên cứu về văn hóa Óc Eo, các nhà khoa học đã phát hiện ra một số mẫu vật niên đại từ thời Phù Nam có xuất xứ ở Ba Tư(1). Bước sang thời đại phong kiến, quan hệ Việt Nam - Iran tiếp tục có những bước phát triển nhất định. Thương mại được xem là một trong những lĩnh vực chứng kiến sự hợp tác sớm nhất giữa hai nước. Ngay từ thế kỷ X, các thương nhân Arab và Ba Tư đã tới kinh doanh, buôn bán ở Vương quốc Chăm Pa (thuộc lãnh thổ Việt Nam ngày nay)(2). Trong khi đó, từ thế kỷ XV, một số thương nhân Ba Tư đã bắt đầu đến giao thương ở Đại Việt. Dấu ấn của thương nhân người Ba Tư được ghi nhận tại nhiều trung tâm buôn bán lớn, như Hoàng Thành Thăng Long, Thị Nại...(3). Hoạt động thương mại đã mở ra cánh cửa giao lưu văn hóa giữa hai nước. Thông qua các thuyền buôn của người Ba Tư, người Arab, đạo Islam đã được truyền bá vào khu vực miền Trung Việt Nam(4). Thành phố Isfahan (Iran) - nơi yên nghỉ của Alexandre de Rhodes - người tạo ra bảng chữ cái tiếng Việt Latin hiện đại - được xem là một trong những biểu tượng kết nối văn hóa giữa hai dân tộc, là điểm đến tham quan của nhiều khách du lịch Việt Nam khi tới Iran. Có thể nói, hoạt động thương mại và sự giao thoa văn hóa giữa hai nước trong lịch sử chính là một trong những cơ sở quan trọng để hai nước tiếp tục xây dựng và phát triển mối quan hệ ở hiện tại.
Ngoài những mối liên kết bắt nguồn từ quá khứ, những thay đổi trong tình hình quốc tế cũng tác động đáng kể đến quan hệ Việt Nam - Iran. Trước tiên, đó là sự kiện đế quốc Mỹ thất bại trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam. Theo Hiệp định Paris (ngày 27-1-1973), Mỹ buộc phải rút hoàn toàn quân đội ra khỏi lãnh thổ Việt Nam và cam kết chấm dứt mọi hành động can thiệp bằng vũ lực hay chính trị vào tình hình miền Nam Việt Nam. Sau sự kiện này, hàng loạt quốc gia, kể cả các nước đồng minh của Mỹ, bắt đầu công nhận và thiết lập quan hệ với Việt Nam, trong đó có Iran.
Thời kỳ sau Chiến tranh lạnh, sự lan tỏa mạnh mẽ của quá trình toàn cầu hóa cùng xu hướng đối thoại, hợp tác trong quan hệ quốc tế tạo những điều kiện thuận lợi để Việt Nam và Iran đẩy nhanh quá trình xây dựng và củng cố mối quan hệ ngoại giao giữa hai nước. Quan trọng hơn, sự hình thành và phát triển của quan hệ Việt Nam - Iran là kết quả trực tiếp từ chính sách đối ngoại và nhu cầu hợp tác của cả hai quốc gia. Về phía Iran, sau cuộc cách mạng Hồi giáo năm 1979, chính quyền mới ở Iran từ bỏ chính sách thân Mỹ, ủng hộ phong trào cách mạng của lực lượng Shiite ở khu vực Trung Đông. Căng thẳng giữa Mỹ và Iran xung quanh chương trình hạt nhân của Iran, nhất là chính sách cấm vận của Mỹ đối với Iran, đã tạo ra những hệ lụy nhất định đối với sự phát triển kinh tế và mối quan hệ của Iran với một số quốc gia trong khu vực. Thực tế này buộc các nhà lãnh đạo Iran tìm cách thúc đẩy các mối quan hệ ở bên ngoài khu vực nhằm phá vỡ thế bị cô lập của Iran trên trường quốc tế. Việt Nam là một trong số các quốc gia đã tỏ rõ lập trường ủng hộ chính quyền cách mạng Hồi giáo ở Iran. Đây là cơ sở quan trọng, trực tiếp để Iran tăng cường quan hệ với Việt Nam - một đối tác kinh tế tiềm năng ở khu vực Đông Nam Á. Sau năm 1986, Việt Nam tiến hành đổi mới toàn diện đất nước. Nghị quyết Đại hội VI của Đảng chủ trương đẩy mạnh và mở rộng quan hệ với tất cả các nước trên thế giới, không phân biệt chế độ chính trị - xã hội, thực hiện chính sách hữu nghị, hợp tác, tồn tại hòa bình để phát triển, phù hợp với lợi ích của nhân dân Việt Nam và xu thế phát triển chung của thế giới. Bước sang thế kỷ XXI, Đảng Cộng sản Việt Nam tiếp tục nhấn mạnh chủ trương “chủ động và tích cực hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực theo tinh thần phát huy tối đa nội lực, nâng cao hiệu quả của hợp tác quốc tế, bảo đảm độc lập, tự chủ và định hướng xã hội chủ nghĩa”(5); “là bạn, đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế”(6). Xuất phát từ những điều chỉnh trong chính sách đối ngoại của cả Iran và Việt Nam, quan hệ giữa hai nước ngày càng phát triển tốt đẹp. Bên cạnh đó, nền kinh tế của hai quốc gia cũng có tính bổ sung lẫn nhau hơn là cạnh tranh. Iran có thế mạnh trong các ngành công nghiệp, xây dựng, giao thông vận tải, dầu khí, sản xuất xi-măng, phân bón, trong khi Việt Nam có nhiều lợi thế về xuất khẩu nông sản (gạo, chè, cà phê, hạt tiêu…), quần áo, giầy dép… sang thị trường Iran(7). Tính bổ sung của hai nền kinh tế đã tạo điều kiện thuận lợi để Việt Nam và Iran có thể xây dựng và phát triển mối quan hệ song phương, nhất là trên lĩnh vực thương mại.
Thực trạng và triển vọng hợp tác Việt Nam - Iran thời gian tới
Về chính trị, Việt Nam và Iran chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 4-8-1973(8). Ngày 13-2-1979, chỉ hai ngày sau khi cách mạng Hồi giáo thắng lợi, Việt Nam đã gửi điện mừng và công nhận nước Cộng hòa Hồi giáo Iran. Ngày 22-1-1991, quan hệ giữa hai nước tiến thêm một bước phát triển mới khi Iran mở Đại sứ quán tại Thủ đô Hà Nội. Sáu năm sau (năm 1997), Việt Nam mở Đại sứ quán Việt Nam tại Thủ đô Tehran. Đến tháng 9-2009, hai nước thành lập Hội Hữu nghị Việt Nam - Iran. Từ đó đến nay, mối quan hệ chính trị giữa hai nước ngày một bền chặt dựa trên cơ sở nguyên tắc hợp tác xây dựng cùng phát triển(9). Hai bên thường xuyên trao đổi nhiều đoàn cấp cao và đoàn ngoại giao sang thăm lẫn nhau. Các chuyến thăm của lãnh đạo hai nước không chỉ minh chứng cho sự quan tâm, mà còn cho thấy quyết tâm chính trị của hai nước mong muốn tăng cường và thúc đẩy sự hợp tác song phương trên mọi lĩnh vực hiện nay cũng như trong tương lai. Mối quan hệ với nhiều điểm tương đồng về lịch sử, văn hóa giữa Việt Nam và Iran(10) càng có ý nghĩa hơn trong bối cảnh Iran đã và đang phải chịu sức ép lớn từ các lệnh cấm vận của Mỹ và Liên minh châu Âu (EU). Sự ủng hộ của Việt Nam đối với Iran thể hiện rõ chính sách đối ngoại nhất quán của Việt Nam là tăng cường hợp tác hữu nghị với tất cả các quốc gia trên thế giới, không phân biệt chế độ chính trị - xã hội.
Sự gắn kết giữa Việt Nam và Iran còn được thể hiện qua việc hai bên đã ký kết nhiều hiệp định, thỏa thuận hợp tác, như: Thỏa thuận chung về hợp tác kinh tế, văn hóa và khoa học - kỹ thuật (năm 1993); Hiệp định về thương mại (năm 1994), Hiệp định hợp tác văn hóa (năm 1995); Thỏa thuận tham khảo và hợp tác giữa hai Bộ Ngoại giao (năm 2000); Hiệp định vận tải hàng không (năm 2001); Hiệp định vận tải biển thương mại (năm 2002); Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư; Biên bản ghi nhớ về hợp tác trong lĩnh vực thủy sản giữa Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam và Bộ Nông nghiệp Iran; Bản ghi nhớ hợp tác trong lĩnh vực văn hóa; Hiệp định tránh đánh thuế hai lần; Thỏa thuận hợp tác và tương trợ hành chính trong lĩnh vực hải quan; Bản ghi nhớ về hợp tác công nghệ, nghiên cứu và giáo dục (tháng 10-2014); Hiệp định miễn thị thực cho người mang hộ chiếu công vụ (năm 2016)(11)… Các hiệp định, văn bản, thỏa thuận trên là cơ sở pháp lý quan trọng, tạo điều kiện để hai nước thúc đẩy quan hệ hợp tác đi vào thực chất, nhất là trong một số lĩnh vực quan trọng, như kinh tế - thương mại, văn hóa…
Các cơ chế hợp tác, như tham khảo chính trị cấp thứ trưởng ngoại giao, Ủy ban liên Chính phủ, được hai nước duy trì hiệu quả. Hai bên còn phối hợp chặt chẽ và ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn đa phương khu vực và quốc tế. Trong cuộc gặp bên lề Hội nghị lần thứ 76 của Đại hội đồng Liên hợp quốc (tháng 9-2021), Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Iran Hossein Amirabdollahian đã “cảm ơn lập trường có nguyên tắc của Việt Nam dành cho Iran tại Liên hợp quốc”(12). Iran coi trọng quan hệ hợp tác hữu nghị truyền thống đối với Việt Nam, hỗ trợ Việt Nam hội nhập khu vực và thế giới; ủng hộ Việt Nam ứng cử vào vị trí Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020 - 2021...
Về hợp tác kinh tế, mặc dù Việt Nam và Iran chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao kể từ năm 1973, song hợp tác kinh tế giữa hai nước chỉ thực sự bắt đầu vào đầu thập niên 90 của thế kỷ XX, khi Việt Nam đẩy mạnh tiến hành đổi mới đất nước, mở rộng hợp tác kinh tế với nhiều quốc gia trên thế giới. Sau nhiều thập niên, thương mại được xem là một trong những điểm sáng trong quan hệ giữa hai nước. Kim ngạch thương mại hai chiều có xu hướng tăng lên. Nếu năm 2001, tổng kim ngạch thương mại hai chiều mới đạt mức 6,5 triệu USD, đến năm 2018, con số này đã đạt trên 100 triệu USD(13). Tuy nhiên, từ năm 2018, do Mỹ tái áp đặt các lệnh cấm vận đối với Iran nên hoạt động xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Iran chủ yếu được thực hiện thông qua bên thứ ba. Do đó, khó có thể xác định chính xác tổng kim ngạch thương mại hai chiều giữa hai nước. Năm 2021, kim ngạch thương mại song phương đạt 124,5 triệu USD. Hai nước đang phấn đấu nâng kim ngạch thương mại hai chiều lên khoảng 2 tỷ USD trong thời gian tới(14).
Có nhiều nguyên nhân lý giải về mức độ gia tăng trong hợp tác thương mại giữa hai nước. Một là, nền kinh tế của hai nước có xu hướng bổ sung cho nhau thay vì cạnh tranh trực tiếp. Điều này đồng nghĩa với việc Việt Nam và Iran có nhiều dư địa để thúc đẩy hợp tác kinh tế. Hai là, Hiệp định thương mại giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Cộng hòa Hồi giáo Iran (năm 1994) cùng nhiều văn bản hợp tác quan trọng được Việt Nam và Iran ký kết sau đó, đã khai thông và đưa hợp tác thương mại giữa hai nước lên bước phát triển mới. Ba là, các lệnh cấm vận kinh tế kéo dài của Mỹ và phương Tây đã khiến Iran chuyển hướng hợp tác sang những khu vực khác, nhất là Đông Nam Á (trong đó có Việt Nam) và các quốc gia châu Á khác, như Trung Quốc, Ấn Độ,… nhằm phá vỡ thế cô lập trong thương mại, đồng thời tạo động lực tăng trưởng mới cho nền kinh tế Iran. Bốn là, cơ cấu các mặt hàng xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Iran cũng có sự chuyển dịch nhất định. Trong thập niên 90 của thế kỷ XX, những mặt hàng chủ lực của Việt Nam, như gạo, chè, cao-su, cà-phê đã được xuất khẩu sang Iran. Nếu năm 1990, Việt Nam chỉ xuất khẩu được 80.000 tấn gạo sang Iran, thì đến năm 1996, con số này đã lên đến 335.000 tấn(15). Bước sang giai đoạn 2000 - 2010, cơ cấu mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Iran dần được đa dạng hóa. Bên cạnh các sản phẩm nông sản, phụ tùng máy móc, sắt thép, thì mặt hàng thủy sản,… cũng dần tìm được chỗ đứng trên thị trường Iran. Năm 2016, thủy sản trở thành mặt hàng xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam sang Iran với kim ngạch đạt 20,52 triệu USD (chiếm tỷ trọng 23,81% tổng lượng giá trị xuất khẩu của Việt Nam sang Iran)(16). Năm 2021, mặc dù gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 và lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran, song Việt Nam vẫn xuất khẩu sang Iran nhiều loại nông sản chủ lực, như: hạt điều, cà-phê, hạt cà-phê, hạt tiêu, chè... Các sản phẩm nhựa, sản phẩm dầu mỏ, kim loại và tân dược là những mặt hàng Việt Nam nhập khẩu từ Iran(17).
Tuy nhiên, giá trị xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Iran còn khá thấp so với mức nhập khẩu hằng năm của quốc gia Trung Đông này. Theo số liệu thống kê của Ngân hàng Thế giới (WB), Iran đã nhập khẩu 87,2 triệu USD hàng hóa từ Việt Nam vào năm 2018(18). Điều này cho thấy, quan hệ thương mại giữa hai nước mặc dù đã có những bước tiến, nhưng chưa thật sự bứt phá, chưa khai thác được hết tiềm năng, lợi thế của hai bên.
Các dự án đầu tư của Iran vào Việt Nam cũng khá hạn chế. Iran mong muốn trong thời gian tới có thể tăng cường đầu tư vào Việt Nam ở các ngành lọc hóa dầu, nhiệt điện, xây dựng kết cấu hạ tầng, sản xuất dược phẩm, sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy, hải sản... Ngược lại, Việt Nam đã có một số dự án tương đối lớn ở Iran. Các doanh nghiệp công nghệ thông tin và truyền thông hàng đầu của Việt Nam, như: Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel), Tập đoàn Đầu tư và phát triển công nghệ (FPT), Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam (VNPT),... đang quan tâm tìm kiếm cơ hội đầu tư và hoạt động kinh doanh tại Iran.
Trên lĩnh vực văn hóa, Việt Nam và Iran đã ký kết Hiệp định hợp tác về văn hóa vào năm 1995(19). Hai bên cũng thường xuyên tổ chức các hoạt động trao đổi đoàn, các sự kiện quảng bá văn hóa, đẩy mạnh hợp tác trong giáo dục - đào tạo... Tháng 7-2022, Đại sứ quán Iran đã phối hợp với Tổ chức Văn hóa và quan hệ Hồi giáo Iran, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam tổ chức “Triển lãm văn hóa di sản nghệ thuật Iran, cái nôi của nền văn minh” nhằm đưa văn hóa, nghệ thuật của Iran đến gần hơn với người dân Việt Nam thông qua việc trưng bày các tác phẩm nhiếp ảnh có giá trị, thảm và đồ thủ công mỹ nghệ của Iran,… đa dạng và giàu ý nghĩa văn hóa, nghệ thuật. Hợp tác trong lĩnh vực điện ảnh giữa hai nước đã được thiết lập vào năm 2017(20). Với lợi thế có một nền công nghiệp điện ảnh tương đối phát triển và “quen thuộc với người dân Việt Nam”(21), dư địa hợp tác giữa nền điện ảnh Việt Nam và Iran khá lớn. Một số tuần phim Iran tại Việt Nam và tuần phim Việt Nam tại Iran đã được tổ chức thành công, góp phần quảng bá hình ảnh của mỗi quốc gia đến nhân dân hai nước. Ngoài ra, du lịch cũng được xem là một lĩnh vực hợp tác có tiềm năng lớn để hai bên khai thác. Mặc dù hiện nay giữa hai nước chưa có đường bay thẳng, tuy nhiên, Iran đã mở đường bay đến nhiều quốc gia có vị trí gần với Việt Nam, như Thái Lan, Malaysia. Hằng năm, một số lượng lớn khách du lịch Iran đã đến du lịch ở các nước này. Chính vì vậy, nhiều hoạt động quảng bá du lịch đã được tổ chức giữa Việt Nam và Iran. Trong sự kiện gần đây tại Triển lãm Du lịch quốc tế Iran lần thứ 16 (tháng 2-2023), Đại sứ quán Việt Nam tại Iran đã giới thiệu đến bạn bè Iran và quốc tế nhiều mặt hàng thủ công mỹ nghệ, món ăn đặc trưng, ảnh và thông tin chương trình du lịch tới Việt Nam(22). Các hoạt động quảng bá được đánh giá sẽ tạo ra bước chuyển quan trọng trong hoạt động du lịch giữa hai nước thời gian tới.
Có thể thấy, bắt đầu từ những thương thuyền của người Ba Tư đến kinh doanh, buôn bán ở nước Đại Việt, đến nay, mối quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam và Iran ngày càng phát triển, đạt được nhiều thành tựu trên các lĩnh vực hợp tác. Lĩnh vực chính trị và kinh tế được xem là những điểm sáng, thắt chặt sợi dây liên kết giữa hai nước. Các chuyến thăm của các lãnh đạo cấp cao giữa hai nước là minh chứng cho sự gắn kết chặt chẽ về mặt chính trị giữa Việt Nam và Iran. Iran được coi là một trong những đối tác tin cậy, là thị trường xuất khẩu tiềm năng của Việt Nam ở khu vực Trung Đông. Trong nhiều thời điểm, Iran gặp khó khăn trước các lệnh cấm vận của phương Tây, Việt Nam luôn dành sự ủng hộ nhất định đối với Iran. Điều đó đã thể hiện rõ sự nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa của Việt Nam trong thời kỳ đổi mới.
Để tiếp tục thúc đẩy hợp tác giữa hai nước trên các lĩnh vực, Việt Nam và Iran cần tiếp tục hoàn thiện các cơ chế hợp tác thông qua việc ký kết các văn bản pháp lý mới và vận dụng tối đa các cơ chế hợp tác khác, như: hội nghị liên chính phủ giữa hai nước, các cuộc hội đàm, trao đổi giữa lãnh đạo hai bên… Việt Nam có thể tăng cường xuất khẩu những mặt hàng như, nông nghiệp, thực phẩm, thuốc men và thiết bị y tế, sang thị trường Iran. Thêm vào đó, Việt Nam và Iran cần sớm tìm ra giải pháp cho vấn đề thanh toán - vốn được coi là một vướng mắc trong hoạt động xuất - nhập khẩu giữa hai nước hiện nay bởi lệnh cấm vận của Mỹ. Ngoài ra, Việt Nam và Iran cần tăng cường các kênh ngoại giao nhân dân, các hoạt động quảng bá văn hóa, đất nước, con người nhằm tăng cường hơn nữa sự hiểu biết, gắn kết lẫn nhau, cũng như xây dựng mối quan hệ ngày càng bền vững và sâu sắc trên các lĩnh vực hợp tác./.
-------------------------
(1) S. Setudeh Nejad: “The encounter between Champa and Persia: Research on the impact of West Asiatic cosmology in Southeast Asia”, SPAFA Journal, Vol 10, No.3, tr. 9
(2) Rie Nakamura: A Journey of Ethnicity: In Search of the Cham of Vietnam, Cambridge Scholars Publisher, UK, 2020, tr. 26
(3) Robert Finlay: The Pilgrim art: Culture of Porcelain in world history, University of California Press, US, 2010, tr. 203
(4) Christopher R. Duncan: Civilizing the Margins: Southeast Asian Government Policies for the Development of Minorities, NUS Press, 2008, Singapore, tr. 259
(5) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 236
(6) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2001, tr. 236
(7) Bộ Công Thương: “Hồ sơ thị trường Iran”, Hà Nội, 2016, tr. 7
(8) Xem: Bộ Ngoại giao Việt Nam: “Tài liệu cơ bản về Cộng hòa Hồi giáo Iran và quan hệ với Việt Nam”, tháng 3-2020, https://www.mofa.gov.vn/vi/cn_vakv/nr040830134623/nr040819102907/ns200313163429/view
(9) Islamic Republic of Iran - Ministry of Foreign Affairs: “Thông điệp của Đại sứ Cộng hòa Hồi giáo Iran tại Việt Nam nhân dịp Kỷ niệm ngày Quốc khánh Cộng hòa Hồi giáo Iran”, IRAN Embassy in Hanoi, 2021, tr. 2, https://hanoi.mfa.ir/files/vietnam/Mr.%20nazari%20speech%2042%20nam%20CMHG%201.pdf
(10) Islamic Republic of Iran - Ministry of Foreign Affairs: “Thông điệp của Đại sứ Cộng hòa Hồi giáo Iran tại Việt Nam nhân dịp Kỷ niệm ngày Quốc khánh Cộng hòa Hồi giáo Iran”, Tlđd, tr. 3
(11) Xem: Bộ Ngoại giao Việt Nam: “Tài liệu cơ bản về Cộng hòa Hồi giáo Iran và quan hệ với Việt Nam”, Tlđd
(12) Xem: Islamic Republic of Iran: “Iranian FM, Vietnamese counterpart call for expansion of ties”, Ministry of Foreign Affairs, ngày 21-9-2021, https://en.mfa.ir/portal/NewsView/652605
(13) Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam không bao gồm những sản phẩm của Iran được xuất qua các nước thứ ba vào thị trường Việt Nam hay những sản phẩm của Iran được tái xuất khẩu từ Việt Nam sang các nước trong khu vực Đông Nam Á và Đông Bắc Á nên tổng kim ngạch xuất - nhập khẩu giữa Việt Nam và Iran trên thực tế có thể cao hơn
(14) Xem: Ban Đối ngoại - Đài Tiếng nói Việt Nam: “Việt Nam, Iran phấn đấu nâng kim ngạch thương mại hai chiều lên khoảng 2 tỷ USD trong thời gian tới”, VOV5, ngày 7-12-2022, https://vovworld.vn/vi-VN/kinh-te/viet-nam-iran-phan-dau-nang-kim-ngach-thuong-mai-hai-chieu-len-khoang-2-ty-usd-trong-thoi-gian-toi-1158409.vov
(15) Bộ Thương mại: Công văn số 1255/TM-PCTNA, về việc tổ chức kỳ họp lần thứ 3 UBLCP Việt Nam - Iran, Hà Nội, ngày 5-4-2002
(16) Lê Quang Thắng: “Quan hệ thương mại Việt Nam - Iran”, Tạp chí Nghiên cứu châu Phi và Trung Đông, số 7 (173), tháng 7-2017, tr. 39
(17) Xem: Tuệ Anh: “Việt Nam luôn coi trọng quan hệ hữu nghị truyền thống với Iran”, Trang thông tin đối ngoại điện tử, ngày 9-9-2022, https://ttdn.vn/co-quan-dai-dien-va-kieu-bao/co-quan-dai-dien/viet-nam-luon-coi-trong-quan-he-huu-nghi-truyen-thong-voi-iran-66259
(18) Ngân hàng Thế giới: “Iran, Islamic Rep. Imports, Tariffs by country and region 2018”, World Intergrated Trade Solution (WITS), 2018, https://wits.worldbank.org/CountryProfile/en/Country/IRN/Year/LTST/TradeFlow/Import/Partner/all/
(19) Xem: Lan Phương: “Thúc đẩy hợp tác văn hóa, thể thao, du lịch Việt Nam - Iran đi vào thực chất”, Cục Hợp tác quốc tế - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, ngày 7-3-2023, http://www.icd.gov.vn/details/dic/987/tin-noi-bat/thuc-day-hop-tac-vhttdl-viet-nam-iran-di-vao-thuc-chat/11.icd
(20) Bộ Ngoại giao: “Quan hệ Việt Nam - Iran đang phát triển toàn diện”, Báo Thế giới và Việt Nam điện tử, ngày 4-8-2018, https://baoquocte.vn/quan-he-viet-nam-iran-dang-phat-trien-toan-dien-75361.html
(21) Thế Công: “Thúc đẩy hợp tác văn hóa, thể thao và du lịch giữa Việt Nam - Iran”, Cổng Thông tin điện tử Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, ngày 8-3-2023, https://bvhttdl.gov.vn/thuc-day-hop-tac-vhttdl-giua-viet-nam-iran-20230307201749113.htm
(22) Khánh Lan: “Việt Nam - Iran thúc đẩy hợp tác du lịch và giao lưu nhân dân”, Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, ngày 11-2-2023, https://dangcongsan.vn/nguoi-viet-nam-o-nuoc-ngoai/viet-nam-iran-thuc-day-hop-tac-du-lich-va-giao-luu-nhan-dan-631453.html
Thúc đẩy quan hệ hợp tác, hữu nghị truyền thống Việt Nam - Trung Quốc  (29/03/2023)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Quan điểm và ứng xử của Trung Quốc trước tình hình thế giới mới
- Đóng góp của phụ nữ Việt Nam qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam