Thủ đô Hà Nội: Xây dựng mạng lưới hỗ trợ khởi nghiệp
TCCS - Là địa phương có nhiều tiềm năng để phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, nhưng hiện nay thành phố Hà Nội chưa khai thác và kết nối tốt các nguồn lực để thu hút các nhà đầu tư lớn. Vì vậy, xây dựng mạng lưới hỗ trợ khởi nghiệp chính là một trong những phương thức quan trọng, góp phần quyết định thành công của hệ sinh thái khởi nghiệp.
Những hoạt động thiết thực
Hà Nội có điều kiện thuận lợi hơn các địa phương khác bởi đây là nơi tổ chức nhiều sự kiện, hoạt động lớn về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tầm cỡ quốc gia. Sau khi dịch bệnh COVID-19 cơ bản được kiểm soát, các hoạt động, sự kiện về khởi nghiệp được tổ chức ngày một nhiều hơn, như triển lãm đổi mới sáng tạo, ngày hội gặp gỡ kết nối với các quỹ đầu tư khởi nghiệp, ngày hội khởi nghiệp sáng tạo quốc gia (Techfest)... Đây là cơ hội để các doanh nghiệp, nhà đầu tư tại Hà Nội có thể gặp gỡ trực tiếp, trao đổi với các quỹ đầu tư, vườn ươm trong và ngoài nước, kiều bào ta ở nước ngoài nhằm thúc đẩy kết nối hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Những năm qua, các hoạt động khởi nghiệp sáng tạo ở Việt Nam nói chung và Thủ đô Hà Nội nói riêng phát triển khá mạnh mẽ. Nhằm tiếp tục tạo cơ chế thuận lợi cho sự phát triển của phong trào khởi nghiệp, thành phố Hà Nội đã công bố Đề án “Hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn thành phố” giai đoạn 2019 - 2025, trong đó tập trung, chú trọng vào mảng truyền thông, thay đổi nhận thức và phát huy tinh thần về khởi nghiệp sáng tạo; kết nối các thành phần của hệ sinh thái để hình thành mạng lưới hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo của thành phố; hỗ trợ hình thành thêm từ 2 đến 3 vườn ươm, không gian khởi nghiệp sáng tạo; thu hút từ 3 đến 5 quỹ đầu tư nước ngoài đặt văn phòng tại Hà Nội và khuyến khích các tổ chức, cá nhân thành lập Quỹ đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo;... Theo đề án, thành phố sẽ hỗ trợ kinh phí để phát triển kết cấu hạ tầng, kỹ thuật, mặt bằng cho hoạt động khởi nghiệp sáng tạo. Trong đó, hỗ trợ kinh phí để xây mới, cải tạo, nâng cấp một số cơ sở ươm tạo, tổ chức thúc đẩy kinh doanh, tổ chức cung cấp thiết bị dùng chung, không gian khởi nghiệp,... trên địa bàn thành phố để cung cấp dịch vụ hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo. Mức hỗ trợ tối đa bằng 30% tổng mức kinh phí đầu tư xây dựng mới hoặc cải tạo nhưng không quá 200 triệu đồng/dự án. Thành phố sẽ hỗ trợ tối đa 50% chi phí cho dự án/doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo tham gia các khóa huấn luyện tập trung ngắn hạn ở nước ngoài; hỗ trợ 100% chi phí tổ chức các cuộc thi và thành lập giải thưởng về ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo; hỗ trợ 50% chi phí cho các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp có dự án khởi nghiệp sáng tạo tham gia các cuộc thi quốc tế về khởi nghiệp sáng tạo.
Thực hiện Quyết định số 939/QĐ-TTg, ngày 30-6-2017, của Thủ tướng Chính phủ, phê duyệt Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025”, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 1901, ngày 18-4-2018, phê duyệt Đề án “Hỗ trợ phụ nữ Thủ đô khởi nghiệp giai đoạn 2018 - 2025” với mục tiêu phát triển các mô hình thu hút, tập hợp hỗ trợ phụ nữ đang sản xuất, kinh doanh và phụ nữ mới khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp với các quy mô hộ kinh doanh, hợp tác xã, chủ doanh nghiệp tự nguyện tham gia, thông qua đó thúc đẩy phát triển khởi nghiệp và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Ngày 15-9-2022, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội ban hành Quyết định số 3358/QĐ-UBND, phê duyệt Đề án “Hình thành mạng lưới Không gian hỗ trợ thanh niên Thủ đô khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số”, với mục tiêu mỗi năm xây dựng, vận hành ít nhất 1 không gian hỗ trợ thanh niên Thủ đô khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số cấp thành phố; vận động hình thành và vận hành 20 không gian cấp cơ sở. Mạng lưới thu hút 5.000 đến 6.000 thành viên là thanh niên, sinh viên tham gia hoạt động thường xuyên trong lĩnh vực khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
Những đề án này được xác định sẽ trở thành một trong những trụ cột của Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Thủ đô, là yếu tố nòng cốt để cụ thể hóa Chương trình số 07-CTr/TU, của Thành ủy Hà Nội khóa XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025, “Về đẩy mạnh phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2021 - 2025”.
Một số khó khăn còn tồn tại
Hiện nay, việc liên kết các chủ thể hệ sinh thái vẫn chưa được hình thành một cách bài bản, vì vậy để xây dựng được một mạng lưới vẫn còn gặp nhiều bất cập như thông tin về hệ sinh thái còn thiếu và phân tán, chưa có nguồn lực để triển khai thống kê, khảo sát về thực trạng các thành phần cũng như liên kết của hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo khiến các nhà đầu tư chưa tìm được doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, còn doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo chưa hiểu rõ các chính sách và đầu mối hỗ trợ chính sách.
Chủ thể không thể thiếu trong hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo là các nhà đầu tư nhưng đến nay, thành phố Hà Nội chưa có các quỹ đầu tư mạo hiểm, chưa có trung tâm đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp dẫn đến việc kết nối hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo rời rạc, tự phát.
Trong khi đó, công tác hỗ trợ và các hoạt động khởi nghiệp sáng tạo còn diễn ra đơn lẻ, tính liên thông, liên kết chưa cao; hoạt động liên kết của các cá nhân khởi nghiệp chưa chặt chẽ, chưa có nhiều thành viên tham gia để tạo thành các nhóm, mạng lưới hoạt động chuyên nghiệp...
Một số giải pháp
Để xây dựng mạng lưới hỗ trợ khởi nghiệp mang lại hiệu quả thiết thực, cần chú trọng:
Một là, tổ chức hoạt động, sự kiện kết nối có quy mô và xứng tầm hơn; tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng Quyết định số 4889/QĐ-UBND Hà Nội, ngày 9-9-2019, phê duyệt Đề án “Hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn năm 2019 - 2025” ; tăng cường kết nối với các tập đoàn kinh tế lớn, các trường đại học, học viện - tâm điểm của mô hình sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo để cung cấp nguồn nhân lực, ý tưởng đổi mới sáng tạo.
Hai là, cần xác định nhu cầu của các đối tượng và nhu cầu của cấu phần khi tham gia vào hệ sinh thái. Đơn cử như, các doanh nghiệp mới muốn khởi nghiệp nhưng lại không biết sử dụng vốn, cố vấn, công nghệ hoặc sử dụng nguồn lực về công nghệ. Nhu cầu và sự sẵn sàng tham gia của các cấu phần khác như mentor (từ cộng đồng doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, …), nhà đầu tư thiên thần, chính quyền địa phương, cơ quan quản lý, các trường đại học… cũng cần phải được phân tích, làm rõ, định hướng và lôi cuốn họ cùng tham gia hệ sinh thái, trong đó nhu cầu cao nhất là cống hiến, được thể hiện và thực hiện trách nhiệm xã hội.
Ba là, các trường đại học cần đẩy mạnh hoạt động đào tạo nâng cao nhận thức để tạo động lực thúc đẩy tất cả các cấu phần tham gia hệ sinh thái. Các nội dung đào tạo tập trung vào trang bị tư duy rõ ràng về đổi mới sáng tạo, cách tiếp cận, tư duy thiết kế,… từ đó các đối tượng hiểu được nhu cầu, vai trò và trách nhiệm của mình trong hệ sinh thái. Khi được đào tạo và nâng cao nhận thức thì các doanh nghiệp mới biết rõ nguồn lực của xã hội hỗ trợ cho khởi nghiệp, các kênh thông tin, đối tượng có thể tiếp cận, các tổ chức dịch vụ hỗ trợ. Bên cạnh đào tạo nhận thức, thì đào tạo nâng cao kỹ năng cho từng nhóm đối tượng liên quan như đội ngũ tài chính, đội ngũ cố vấn,…
Bốn là, lựa chọn mô hình hoạt động phù hợp cho mạng lưới hệ sinh thái khởi nghiệp để có thể khai thác tận dụng được nguồn lực của địa phương, phù hợp với định hướng chính sách của quốc gia; cần phải có người định hướng, dẫn dắt và kết nối tất cả các thành phần với nhau. Sau khi hình thành được mạng lưới, trong quá trình triển khai vẫn cần có điều chỉnh đánh giá thực tế, phù hợp với nguồn lực của địa phương và nhu cầu phát triển hệ sinh thái. Cần hướng tới mục tiêu, khi không còn sự hỗ trợ của nhà nước thì bản thân mô hình đó và hệ sinh thái phải tự phát triển và tự sinh lợi.
Để tiếp tục thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, trong thời gian tới, chính quyền thành phố cần chỉ đạo các sở, ngành, đơn vị liên quan triển khai hình thành mạng lưới khởi nghiệp sáng tạo Thủ đô, góp phần củng cố mạng lưới khởi nghiệp sáng tạo trong cộng đồng khởi nghiệp nói chung và cả nước. Ngoài ra, chính quyền thành phố cũng cần đặt trọng tâm nội dung khơi dậy và phát huy tinh thần khởi nghiệp và khởi nghiệp sáng tạo là một trong những nhiệm vụ chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của thành phố Hà Nội./.
Huyện Mỹ Đức (thành phố Hà Nội) phát huy giá trị di tích quốc gia đặc biệt gắn với phát triển du lịch văn hóa  (18/10/2022)
Thành phố Hà Nội đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính hướng đến sự hài lòng của người dân  (18/10/2022)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
- Tổng quan về chuyển đổi số ở Việt Nam
- Bảo tồn các di sản văn hóa vật thể trước thách thức của biến đổi khí hậu ở thành phố Cần Thơ hiện nay
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên